Quan hệ Việt-Mỹ: Ý nghĩa chính trị của vũ khí sát thương

Print Friendly, PDF & Email

may_bay_trinh_sat_P3C_Orion

Tác giả: Trương-Minh Vũ & Ngô Di Lân

Quá trình thiết lập mối quan hệ đối tác quân sự “ngầm” giữa Việt Nam và Mỹ đã đạt được một bước tiến quan trọng. Trong chuyến thăm Washington mới đây của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng đã đồng ý gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì lý do an ninh hàng hải.

Bước tiến này cho thấy rằng cả hai bên đã vượt qua nhiều rào cản trong mối quan hệ song phương. Lâu nay Mỹ luôn cho rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một vấn đề nhạy cảm bởi sự khác biệt trong hệ thống giá trị và chính trị giữa hai bên. Sự dè dặt trong việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí được thể hiện một cách rõ ràng qua nhiều tiếng nói bày tỏ quan ngại rằng những vũ khí này sẽ được sử dụng với mục đích đàn áp những người “bất đồng chính kiến”.

Những ý kiến như vậy đang được ủng hộ và vận động bởi những người Việt ở Mỹ, những người luôn nhấn mạnh rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cần đi kèm với cải cách chính trị. Mặc dù vậy, các chính trị gia Mỹ đã phản ứng một cách dè dặt trước những đề xuất này. Ở một chừng mực nào đó đã tồn tại sự nhất trí ngầm giữa hai bên rằng việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là cần thiết, như một phản ứng chiến lược trước những hành động cứng rắn gần đây của Trung Quốc trên biển Đông.

Còn trong nội bộ Việt Nam, bắt đầu có nhiều tiếng nói chỉ trích chính sách quốc phòng “3 không” của nước này (bao gồm không lien minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia). Những ý kiến phản biện cho rằng cách tiếp cận này không còn hữu hiệu trong việc giúp bảo vệ lợi ích quốc gia và chủ quyền, nhất là sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Bất chấp những sự khác biệt nhất định về lập luận, những tiếng nói này ủng hộ việc Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn. Từ góc nhìn của các chiến lược gia Việt Nam, chỉ có Mỹ mới có thể gây thay đổi tính toán của Trung Quốc ở biển Đông, và ngăn chặn việc nước này sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng. Trong khi đó, nhận được sự hậu thuẫn của một cường quốc về sức mạnh quân sự đồng nghĩa với việc cán cân quyền lực được thay đổi theo chiều hướng có lợi cho Hà Nội.

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã liên tiếp khẳng định rằng nỗ lực tìm kiếm vũ khí của Mỹ là một chuyện hết sức “bình thường” và không nhắm tới bất kì “nước thứ ba nào”. Tuy nhiên, rõ ràng cả Hà Nội lẫn Washington đang theo đuổi một cuộc chơi cân bằng quyền lực.

Tuy được xem là một bước đột phá quan trọng, vũ khí của Mỹ sẽ khó lòng lật ngược thế cờ trong mối quan hệ tay ba Trung-Việt-Mỹ nói chung và trong cuộc tranh chấp ở biển Đông nói riêng. Đầu tiên, kể cả Mỹ có gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì điều này cũng không giúp thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Việt Nam một cách đáng kể.

Dù thế nào đi nữa, hải quân Trung Quốc vẫn sẽ áp đảo hải quân Việt Nam. Hạm đội của Trung Quốc cũng hiện đại và được trang bị tốt hơn so với Việt Nam. Vũ khí của Mỹ còn rất đắt tiền, Hà Nội khó lòng có thể mua đủ vũ khí của Mỹ để thay đổi cấu trúc quân đội hiện nay một cách đáng kể với hi vọng răn đe Trung Quốc. Kể cả trong trường hợp Việt Nam có thể mua một lượng rất lớn vũ khí của Mỹ, Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cũng sẽ mất nhiều năm để tích hợp vũ khí Mỹ vào trong một hệ thống quân đội mà trong đó vũ khí của Nga đã áp đảo từ trước đến giờ.

Quan trọng hơn nữa, vẫn còn tồn đọng một số sự khác biệt và cách hiểu khác nhau giữa hai nước trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Về phía mình, Việt Nam muốn hợp tác quốc phòng không chỉ giới hạn trong việc mua bán vũ khí. Lý tưởng đối với Việt Nam là hải quân hai nước sẽ tuần tra chung trên biển và Mỹ sẽ thể hiện cam kết bảo vệ an ninh hàng hải và ổn định trên biển Đông một cách mạnh mẽ hơn trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục hung hăng. Một sự bảo đảm “ngầm” nhưng chắn chắn rằng Mỹ sẽ giúp đỡ và bảo vệ Việt Nam trong trường hợp Trung Quốc tấn công trước vẫn phù hợp với chính sách quốc phòng “3 không” hiện tại.

Mặc dù vậy, đây là những thoả thuận mà Mỹ khó lòng đồng ý, bởi nhiều lý do trong đó có việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, các cam kết quân sự của Mỹ ở các nơi khác cũng như việc Mỹ muốn tránh đối đầu quá trực tiếp với Trung Quốc. Thực tế hơn thì Việt Nam hi vọng rằng Mỹ sẽ sớm hỗ trợ Việt Nam trong việc tuần tra trên biển. Điều này lý giải những cuộc thảo luận trước thềm chuyến thăm của ông John Kerry vào tháng 7 vừa qua (2014), như một nguồn tin ngoại giao từ Hà Nội cho hay. Cho đến nay chưa có thoả thuận hay hiệp định nào như vậy được ký kết. Nhưng đây chắc chắn sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội.

Không thể phủ nhận rằng việc gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là một bước khởi đầu quan trọng cho sự gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy vậy, điều này vẫn chưa thoả mãn được sự trông đợi từ cả hai phía, nhất là trong việc kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Không lật ngược thế cờ quân sự, bước đột phá vừa qua vẫn có ý nghĩa biểu trưng và chính trị hết sức quan trọng, và là một giải pháp tạm chấp nhận được đối với cả hai bên trong thời điểm hiện tại.

Trương-Minh Vũ là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP. Hồ Chí Minh. Ngô Di Lân nghiên cứu về chính sách ngoại giao, hiện đang theo học tại Đại học Maastricht (Hà Lan). Quan điểm trong bài là quan điểm riêng của các tác giả.

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.