Bốn Hiện đại hóa (Four Modernizations)

iStock_000011857609Medium

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Bốn Hiện đại hóa là những mục tiêu mà Trung Quốc theo đuổi trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, và khoa học công nghệ nhằm biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại.

Bốn Hiện đại hóa lần đầu tiên được đề cập đến bởi Thủ tướng Chu Ân Lai tại Hội nghị Công tác Khoa học Kỹ thuật tổ chức ở Thượng Hải vào tháng Giêng năm 1963. Sau đó, tại kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa 3 vào tháng 12 năm 1964, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng đã đề nghị xây dựng một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa có “nền nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, và khoa học công nghệ tiên tiến” trong tương lai gần.

Tuy nhiên cuộc Cách mạng Văn hóa xảy ra vào năm 1966 đã ngăn cản ý tưởng này phát triển cho đến kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 4 vào tháng Giêng năm 1975. Trong bài diễn văn cuối cùng của mình, Chu Ân Lai nhắc lại lời kêu gọi xây dựng chính sách nhằm tạo ra “một hệ thống kinh tế và công nghiệp tương đối toàn diện và độc lập” trước năm 1980 và “hoàn thành hiện đại hóa toàn diện nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng và khoa học công nghệ” trước cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên ý kiến này bị nhóm Tứ Nhân Bang cáo buộc là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa và ra sức ngăn chặn.

Vai trò của Đặng Tiểu Bình  
Bốn Hiện Đại Hóa (The Four Modernizations) tên chính thức theo tiếng Hoa 四个现代化 thực chất là sự theo đuổi chủ nghĩa thực dụng kinh tế của Đặng Tiểu Bình khi ông cho rằng chân l‎ý ‎xuất phát từ thực tiễn với phương châm “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột”.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời và nhóm Tứ Nhân Bang bị bắt vào cuối năm 1976, Đặng Tiểu Bình được phục hồi các chức vụ và dần nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bốn Hiện đại hóa cũng đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối nội của Đặng Tiểu Bình. Trong bài diễn văn kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 vào tháng 08 năm 1977, Đặng Tiểu Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hiện đại hóa, và Bốn Hiện đại hóa đã được chính thức đưa vào văn kiện Đại hội Đảng.

Tiếp đó, ở kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 5 vào tháng 02 năm 1978, Chủ tịch nước Hoa Quốc Phong thông báo kế hoạch 10 năm để đạt Bốn Hiện đại hóa và mục tiêu này đã được ghi vào Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vào mùa xuân năm 1978, sau khi quyền lực của mình được củng cố, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải nên “chú trọng phát triển kinh tế” thay vì “chú trọng chính trị” theo kiểu Mao Trạch Đông.

Cụ thể, về công nghiệp, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp hàng năm khoảng 10% với dự toán đầu tư khoảng 400 tỷ USD cho xây dựng. Mục tiêu trong nông nghiệp bao gồm tăng sản lượng hàng năm từ 4-5%, cơ giới hóa công việc đồng áng khoảng 85%, mở rộng công tác thủy lợi tưới tiêu. Chi phí cho hiện đại hóa nông nghiệp tốn khoảng 33 tỷ USD, ngoài ra còn phải tốn thêm 50 tỷ USD cho công tác tái đào tạo và tạo việc làm mới cho lực lượng lao động dư thừa do cơ giới hóa.

Hiện đại hóa quốc phòng được coi là một mục tiêu tốn kém và không thể thực hiện trong ngắn hạn. Trung Quốc nhận thấy rõ nhu cầu cấp bách là cần hiện đại hóa các thiết bị quân sự lạc hậu. Tuy nhiên do mục tiêu lâu dài là Trung Quốc phải tăng cường năng lực ngành công nghiệp quốc phòng nên trong thời gian này chỉ có các vũ khí và hệ thống công nghệ cao được đặt mua.

Trong các mục tiêu Bốn Hiện đại hóa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng khoa học công nghệ là yếu tố then chốt đối với phát triển và nhấn mạnh rằng nghiên cứu khoa học phải dẫn dắt công cuộc xây dựng kinh tế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng cho tới năm 1985, Trung Quốc sẽ chỉ còn chậm 10 năm so với các nước phát triển nhất và có thể bắt kịp và vượt các nước này vào năm 2000.

Như vậy có thể nói mục tiêu cuối cùng của Bốn Hiện đại hóa là biến Trung Quốc trở thành một cường quốc hiện đại vào đầu thế kỷ 21. Sau hơn 30 năm thực hiện, đến nay Bốn Hiện đại hóa đã giúp Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu to lớn trên cả bốn lĩnh vực. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được mức tăng trưởng cao dựa trên động lực xuất khẩu và chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2009, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) tính theo tỉ giá hiện hành của Trung Quốc đã đạt 4.985 tỉ USD, gấp hơn 33 lần so với mức 148,2 tỉ USD năm 1978.

Cùng với đà phát triển kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ và đặc biệt là quốc phòng của Trung Quốc cũng đã được tăng cường mạnh mẽ. Sự phát triển của Trung Quốc một mặt mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho thế giới, một mặt khiến cho nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cảm thấy bất an về mặt an ninh.

Nguồn: Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Đào Minh Hồng và Lê Hồng Hiệp chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2018.