Sự cô lập không còn đem lại vinh quang

Vladimir Putin, Raul Castro

Nguồn: Dominique Moisi, “Not So Splendid Isolation”, Project Syndicate, 30/12/2014.

Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Vào cuối thế kỷ 19, Đế quốc Anh theo đuổi một chính sách được biết đến với cái tên “sự cô lập huy hoàng” vốn thể hiện quyết tâm của giới lãnh đạo nước này đối với việc không tham gia vào các vấn đề quốc tế. Với tiềm năng kinh tế cùng với sức mạnh hải quân vượt trội, Anh Quốc có đủ khả năng để tránh bị vướng vào vấn đề của những nước khác.

Các sự kiện diễn ra gần đây cho thấy rằng sự cô lập thời nay thường là một sai lầm hay một hoàn cảnh không đáng mong muốn bắt nguồn từ những chính sách thất bại. Việc Cuba thoát khỏi sự bao vây cô lập do Hoa Kỳ áp đặt sau hàng thập kỷ là một thắng lợi của đảo quốc này trong khi việc Triều Tiên bị nhiều quốc gia tẩy chay đã và đang đưa đất nước đến gần bờ vực sụp đổ.

Tương tự, các chính sách gây tranh cãi và những rủi ro về mặt ngoại giao của Israel đang khiến cho nhà nước Do Thái rơi vào tình trạng đơn độc chưa từng có. Bên cạnh đó, chính sách hướng nội ở Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được hình thành chủ yếu do cái tôi của giới lãnh đạo, dường như chỉ đem lại những kết quả xấu.

Bằng cách khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ, Cuba và Hoa Kỳ đã nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ dẫn đến thất bại kép: thất bại của lệnh cấm vận và thất bại của nền kinh tế Cuba. Thỏa thuận giữa Mỹ và Cuba hồi tháng 12 cho phép Chủ tịch Raul Castro đạt được thành công trong việc khôi phục quan hệ mà không phải đưa ra những nhượng bộ chính trị đáng kể. Về phía Tổng thống Barack Obama, bước đột phá này là cơ hội để ông củng cố di sản của mình như là một vị tổng thống mang đến những bước chuyển hóa quan trọng giống với hình mẫu của Abraham Lincoln và Franklin D. Roosevelt – mặc dù với việc chấm dứt chính sách ngoại giao sai lầm trong gần sáu thập niên đối với Cuba, ông có nhiều nét tương đồng với Tổng thống Richard Nixon, kiến trúc sư của công cuộc mở cửa với Trung Quốc hơn.

Trong việc thúc đẩy nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Cuba, bên cạnh vai trò quan trọng của Giáo hoàng Francis – giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên – thì sự kiện giá dầu tuột dốc cũng có tác động không kém phần quan trọng. Tình trạng cô lập nếu kéo dài sẽ có thể đặt chế độ ở Cuba vào thế nguy kịch trong bối cảnh ngân sách của Venezuela – quốc gia có nguồn dầu lửa dồi dào và cũng là nhà viện trợ chủ yếu cho Cuba – đang vơi dần.

Trái lại, trường hợp của Triều Tiên tương phản hoàn toàn với chính sách can dự thành công của Cuba. Bị cho là có liên quan đến cuộc tấn công mạng gần đây vào hãng phim Sony Pictures, chế độ Triều Tiên càng tự dồn bản thân vào chân tường. Hậu quả là sự cô lập quốc tế sẽ ngày càng trở nên sâu sắc và rốt cuộc sẽ thảm khốc hơn đối với Triều Tiên. Ngay cả Trung Quốc là quốc gia viện trợ chủ yếu cho Triều Tiên cũng đang dần mất kiên nhẫn với đất nước đàn em này.

Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, tình trạng cô lập không còn đem đến sự tự hào mà trái lại, nó là một trong số các nguyên nhân gây ra nỗi quan ngại cho các quốc gia. Không nơi nào mà điều này thể hiện ra một cách rõ ràng như ở Israel. Thậm chí những thành tựu khoa học kỹ thuật xuất chúng hay xã hội dân sự năng động ở đây cũng không thể bù đắp được những thiệt hại gây ra bởi nền chính trị và chính sách thiếu hấp dẫn của chính phủ Israel. Hậu quả là sự ủng hộ của phương Tây với Israel, điều mà nước này rất cần, đang ngày càng suy giảm với tốc độ đáng báo động.

Sự chuyển hướng chính sách gần đây của hai đế chế hùng mạnh ngày nào là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáng lo ngại không kém. Hai nhà lãnh đạo của hai nước là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đặt quyền lực của họ lên trên lợi ích của người dân và cả hai người đều đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa sô vanh tôn giáo lệch lạc, trong khi bao quanh họ là những triều thần chết nhát với công việc chính là che dấu sự thực.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ năng động hơn Nga và nền kinh tế của nước này chắc chắn cũng đang vận hành hiệu quả hơn, nhưng cả hai chế độ ở Nga lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều đang đánh giá quá cao vị thế của họ và đánh giá thấp cái giá của việc chuyển hướng sang hình thái cai trị chuyên chế.

Mới chỉ bốn năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ còn được nhiều nước coi là hình mẫu để noi theo, đặc biệt là thế giới Hồi giáo. Ngày nay, quốc gia này đang co mình trong thế phòng ngự, thậm chí còn sợ ngay cả những nhà báo trong nước. Trong suốt giai đoạn đầu của cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) nhằm vào thị trấn Kobani của người Kurd ở biên giới với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã lặp lại chiến thuật của Liên Xô trong cuộc khởi nghĩa Vác-xa-va năm 1944 khi quân phát xít Đức giao chiến với lực lượng kháng chiến của Ba Lan, đó là chờ cho những kẻ tham chiến quần thảo đến khi cả hai đều sức cùng lực kiệt tới hết mức có thể rồi mới tiến hành can thiệp. Chính sách tàn nhẫn như vậy có thể tỏ ra hiệu quả trong ngắn hạn nhưng về dài hạn nó chắc chắn sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá đắt.

Cùng lúc đó, ở Nga, nền kinh tế càng tuột dốc bao nhiêu thì Putin lại càng tỏ ra ngoan cố hơn bấy nhiêu. Giờ đây câu hỏi lớn chưa có lời đáp là liệu Putin sẽ còn có thể dựa vào chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để át đi những tính toán lợi ích duy lý của người dân Nga được bao lâu nữa.

Dù vậy có một điều chắc chắn là trong một thế giới ngày càng minh bạch và phụ thuộc lẫn nhau thì sự cô lập là một sai lầm chứ không hề đem lại vinh quang, như tất cả những trường hợp gần đây đã cho thấy.

Dominique Moisi là giáo sư tại L’Institut d’estudes politiques de Paris (Sciences Po) và là Cố vấn cao cấp của Viện các vấn đề quốc tế của Pháp (IFRI), đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại đại học King’s College tại Luân Đôn. Ông là tác giả của cuốn The Geopolitics of Emotion: How Cultures of Fear, Humiliation and Hope are Reshaping the World.