Nguồn: Joseph Nye, “Putin’s Rules of Attraction“, Project Syndicate, 12/12/2014.
Biên dịch: Phan Việt Hưng | Biên tập: Bùi Thu Thảo
Hành động gây hấn ngầm của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraina vẫn tiếp tục và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga cũng vậy. Tuy nhiên nền kinh tế không phải là thứ duy nhất đang bị đe dọa; quyền lực mềm của Nga đang bị suy yếu, với những hậu quả có tiềm năng gây tổn hại tới đất nước.
Một đất nước có thể buộc các nước khác thúc đẩy lợi ích của mình bằng 3 cách chính: thông qua ép buộc, mua chuộc, hay thu hút. Putin đã cố gắng ép buộc và gặp phải các biện pháp trừng phạt ngày càng cứng rắn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đối thoại chính của châu Âu với Putin, đã bày tỏ sự thất vọng về chính sách của Nga đối với Ukraine bằng những lời lẽ ngày càng gay gắt.
Cho dù những hành động của Putin ở Ukraine có mang lại lợi ích ngắn hạn gì đi nữa thì chúng cũng không thể đủ bù đắp cho (thiệt hại trong) dài hạn, khi mà Nga mất quyền tiếp cận với các công nghệ của phương Tây mà nước này cần để hiện đại hóa nền công nghiệp và mở rộng thăm dò năng lượng tại các vùng Bắc Cực xa xôi.
Với một nền kinh tế Nga trì trệ, Putin sẽ ngày càng khó khăn trong việc sử dụng công cụ quyền lực thứ hai: mua chuộc. Ngay cả dầu mỏ và khí đốt – những tài nguyên quý giá nhất của Nga – cũng không thể cứu vãn nền kinh tế, điều này đã được chứng minh bởi thỏa thuận gần đây của Putin về việc cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong 30 năm với giá rẻ.
Chỉ còn lại sự thu hút – một nguồn quyền lực mạnh mẽ hơn người ta tưởng. Trung Quốc là một ví dụ, nước này vẫn đang sử dụng quyền lực mềm để gây dựng một hình ảnh ít đe dọa hơn – một hình ảnh mà họ hy vọng sẽ làm suy yếu, và thậm chí ngăn chặn, những liên minh đang xuất hiện để đối trọng với sức mạnh kinh tế và quân sự đang nổi lên của họ.
Quyền lực mềm của một đất nước dựa trên ba nguồn chính: một nền văn hóa hấp dẫn, các giá trị chính trị mà nó kiên định ủng hộ, và chính sách đối ngoại thấm nhuần tính đạo đức. Thử thách nằm ở việc kết hợp ba nguồn lực này với các tài nguyên quyền lực cứng như sức mạnh kinh tế và quân sự để chúng có thể bổ trợ cho nhau.
Mỹ đã thất bại trong việc đạt được sự cân bằng này trong cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Trong khi sức mạnh quân sự Mỹ đủ để đánh bại quân đội của Saddam Hussein một cách nhanh chóng, nó đã gây nên sự sụt giảm sức hút của Mỹ tại nhiều nước khác. Giống như vậy, việc thành lập Học viện Khổng tử ở Manila để dạy người Philippines về văn hóa Trung Quốc có thể giúp gây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc, tuy nhiên ảnh hưởng của việc này sẽ bị hạn chế sâu sắc nếu Trung Quốc cùng lúc sử dụng quyền lực cứng của họ để bắt nạt Philippines trong tranh chấp bãi cạn Scarborough.
Vấn đề của Nga là họ có quá ít quyền lực mềm để có thể sử dụng. Thật vậy, như nhà phân tích chính trị Sergei Karaganov đã lưu ý vào năm 2009, sự thiếu hụt quyền lực mềm chính là thứ đã khiến cho Nga hành xử một cách hung hăng – như trong cuộc chiến với Gruzia vào năm 2008.
Chắc chắn là trong lịch sử, Nga từng có một quyền lực mềm đáng kể, do nền văn hóa của họ có đóng góp to lớn đối với nền nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Hơn nữa, ngay sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô trở nên hấp dẫn đối với nhiều người ở Tây Âu, phần lớn nhờ vào sự lãnh đạo của họ trong cuộc chiến chống phát xít.
Nhưng những người Liên Xô đã lãng phí những quyền lực mềm này bằng việc xâm lược Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968. Đến năm 1989, họ chỉ còn lại chút ít quyền lực mềm. Bức tường Berlin không sụp đổ dưới sự oanh tạc của pháo binh NATO, mà dưới tác động của những chiếc búa và máy ủi đất của những người đã thay đổi suy nghĩ của họ về hệ tư tưởng Xô-viết.
Giờ Putin đang phạm phải sai lầm giống như những bậc tiền nhân thời Xô-viết của ông. Dù đã tuyên bố vào năm 2013 rằng nước Nga nên tập trung vào việc “vận dụng khôn khéo” quyền lực mềm, Putin đã không thể tận dụng được cú hích quyền lực mềm dành cho nước Nga khi tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2014 tại Sochi.
Thay vào đó, ngay khi Thế vận hội đang diễn ra, Putin đã phát động một cuộc can thiệp quân sự bán bí mật vào Ukraine, hành động này cùng với việc ông nói về chủ nghĩa dân tộc Nga đã gây ra mối lo ngại mạnh mẽ, nhất là ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Điều này đã hủy hoại chính mục tiêu được Putin tuyên bố là xây dựng một Liên minh Á – Âu do Nga đứng đầu để cạnh tranh với Liên minh Châu Âu.
Với việc rất ít người nước ngoài xem phim Nga, và chỉ có một trường đại học của Nga đứng trong top 100 thế giới, Nga có rất ít lựa chọn để lấy lại sức hấp dẫn của mình. Vì vậy, Putin đã quay sang sử dụng việc tuyên truyền.
Năm ngoái, Putin đã cải tổ lại cơ quan thông tấn RIA Novosti, sa thải 40% số nhân viên, gồm cả ban quản trị tương đối độc lập của họ. Trong tháng 11, lãnh đạo mới của cơ quan thông tấn là Dmitry Kiselyov đã thông báo về việc thành lập “Sputnik”, một mạng lưới các trung tâm tin tức được chính phủ tài trợ tại 34 nước, với 1.000 nhân viên sản xuất các nội dung phát thanh, truyền thông xã hội, và tin tức qua Internet bằng tiếng bản địa.
Nhưng một trong các nghịch lý của quyền lực mềm là việc tuyên truyền thường phản tác dụng do chúng thiếu đi độ tin cậy. Trong Chiến tranh Lạnh, các cuộc giao lưu văn hóa mở – như Hội thảo Salzburg, cho phép giới trẻ giao lưu với nhau – đã chứng minh rằng tiếp xúc giữa nhân dân mang lại nhiều ý nghĩa hơn.
Ngày nay, phần lớn quyền lực mềm của Mỹ được tạo ra không phải bởi chính phủ mà bởi xã hội dân sự, bao gồm các trường đại học, tổ chức và nền văn hóa đại chúng. Thật vậy, xã hội dân sự không bị kiểm duyệt của Mỹ, và sự sẵn sàng chỉ trích các nhà lãnh đạo, cho phép đất nước bảo tồn quyền lực mềm của mình ngay cả khi các nước khác không đồng ý với các hành động của chính phủ Mỹ.
Giống như vậy, ở Vương quốc Anh, đài BBC giữ được uy tín của mình vì họ có thể chỉ trích chính phủ – những người trả tiền cho họ. Tuy nhiên Putin vẫn nhất quyết hạn chế vai trò của các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự.
Có thể Putin hiểu rằng quyền lực cứng và quyền lực mềm bổ sung cho nhau, nhưng ông vẫn tỏ ra bất lực trong việc áp dụng sự hiểu biết này vào các chính sách. Do vậy, nếu không dùng cách ép buộc hay mua chuộc, khả năng thu hút các quốc gia khác của nước Nga sẽ tiếp tục suy giảm.
Joseph S. Nye, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và cựu chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ, là giáo sư tại Đại học Harvard và là thành viên của Hội đồng Nghị sự Toàn cầu về Tương lai của Chính phủ thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Gần đây nhất, ông là tác giả của cuốn sách Presidential Leadership and the Creation of the American Era [Lãnh đạo của Tổng thống và sự sáng tạo nên kỷ nguyên Mỹ].