Nguồn: Ian Buruma, “Charlie and Theo”, Project Syndicate, 15/1/2015.
Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nhà làm phim người Hà Lan Theo van Gogh bị một phần tử Hồi giáo cực đoan ám sát ở Amsterdam cách đây hơn mười năm có nhiều điểm tương đồng với các họa sĩ trào phúng của tạp chí Charlie Hebdo. Cũng giống như các họa sĩ và biên tập viên người Pháp, ông là một người khiêu kích, một kẻ vô chính phủ về mặt đạo đức, một nghệ sĩ gây sốc, người chưa bao giờ ngừng ham muốn phá hủy mọi điều cấm kị.
Bởi vì chủ nghĩa bài Do Thái là một điều cấm kị lớn ở châu Âu thời hậu Thế chiến, Van Gogh đã xúc phạm người Do Thái bằng những câu đùa thô lỗ về các phòng hơi ngạt (được Đức Quốc xã dùng để giết hại người Do Thái – NBT). Bởi vì người ta nói với chúng ta rằng phải “tôn trọng” đạo Hồi, ông ta đã nhạo báng thánh Allah và nhà tiên tri của Người, cũng gần giống như cách Charlie Hebdo đã làm.
Mục đích của những người phá hoại những điều cấm kị này là để xem giới hạn của tự do ngôn luận có thể kéo dài đến đâu, về mặt pháp lý và xã hội. Rốt cuộc, bất chấp những lập luận khá kích động sau cuộc thảm sát vào tuần trước, tự do ngôn luận không phải là tuyệt đối. Phần lớn các quốc gia châu Âu có luật chống lại việc phát ngôn mang tính thù ghét, bao gồm cả ở Pháp, nơi người ta cấm không được bác bỏ sự tồn tại của nạn diệt chủng người Do Thái (Holocaust).
Tự do ngôn luận thực chất là một vấn đề tương đối. Một thẩm phán hay chính trị gia không thể nói điều mà một nghệ sĩ hay một tiểu thuyết gia có thể nói. Một vài từ ngữ mà cộng đồng người Mỹ gốc Phi sử dụng sẽ mang tính lăng mạ thô lỗ nếu được một người da trắng sử dụng, vv… Các quy tắc lịch sự đơn giản tạo ra những rào cản xã hội để ngăn cản việc chúng ta nói bất cứ cái gì mình muốn.
Vai trò của những kẻ kích động là thách thức những rào cản xã hội này bằng cách cố tình tỏ ra bất lịch sự. Nên có không gian cho những người đả phá các giới hạn đó, trong nghệ thuật và báo chí phi chính thống, và họ chắc chắn không nên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bạo lực.
Nhưng nếu đánh đồng Theo van Gogh hay Charlie Hebdo với “dân chủ” hay “văn minh phương Tây” thì có vẻ quá lố. Người ta có thể cũng lập luận (tương tự) rằng Al Queda ở Yemen đại diện cho văn minh phương Đông hay Hồi giáo.
Nền văn minh phương Tây cũng là một khái niệm khá mơ hồ. Liệu nó có phải là văn mình của người Hy Lạp – La Mã, hay người Thiên Chúa giáo, hay cả người Do Thái theo đạo Thiên Chúa? Hay nó chỉ các vĩ nhân thời kì Khai sáng? Nếu thế, thì là vĩ nhân nào? Voltaire, De Sade, Adam Smith? Có thể coi chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản không phải là một phần của văn minh châu Âu không?
Trong bất kì trường hợp nào, mong muốn đả phá các cấm đoán thì cũng chẳng phải của riêng phương Tây. Và văn hóa phỉ báng và kích động thì theo một cách nào đó ngược lại với cách mà nền dân chủ thực sự vận hành.
Dân chủ, ở phương Tây hay ở những nơi khác, đều dựa trên sự sẵn sàng thỏa hiệp để giải quyết xung đột về lợi ích một cách hòa bình trong khuôn khổ luật pháp. Để nền dân chủ hoạt động được, các công dân phải sẵn sàng cho và nhận. Điều này cũng có nghĩa là trong một xã hội văn minh chúng ta đồng ý sống chung với sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo, mà không cố ý lăng mạ những người có các quy chuẩn khác với mình.
Đây không phải vấn đề hợp tác với kẻ xấu xa một cách đớn hèn, hay từ bỏ quyền tự do phát biểu ý kiến. Nó cũng không phải là sự thiếu nguyên tắc như vài người đã lập luận. Khoan dung không phải là dấu hiệu của yếu đuối.
Sự khoan dung thể hiện sự không sẵn lòng nhìn nhận các giá trị xã hội theo các khái niệm tuyệt đối, hay chia thế giới ra thành phần tốt và phần xấu. Nhưng thậm chí cả sự khoan dung cũng không tuyệt đối: có một thứ mà không xã hội dân chủ nào chấp nhận là việc sử dụng bạo lực để áp đặt quan điểm, dù đó là quan điểm tôn giáo, chính trị hay kết hợp cả hai.
Chúng ta chỉ có thể đoán được động cơ về tâm lý của những người đã giết các biên tập viên và họa sĩ của tạp chí Charlie Hebdo, hay của người đã bắt cóc các con tin và giết bốn người ở một siêu thị bán đồ ăn của người Do Thái. Có lẽ họ là những kẻ thất bại thảm hại, những người đã chuyển từ các giấc mơ thời thanh niên về các cô gái, bóng đá, và tiền bạc dư dật sang một cuộc thánh chiến. Đây có vẻ là trường hợp của nhiều chiến binh Hồi giáo tự phát, bao gồm cả kẻ giết hại Theo van Gogh. Họ không phải là những thanh niên yếu thế đầu tiên đi theo một mục đích cách mạng để tạo cho mình cảm giác về sức mạnh và cảm giác thuộc về một điều gì đó.
Chúng ta biết nhiều hơn về động cơ chính trị của các nhóm cách mạng bạo lực tuyển mộ những thanh niên nam nữ trẻ tuổi như vậy để giết người. Một vài người cho rằng việc báng bổ hay chế nhạo nhà tiên tri là lý do chính mà Charlie Hebdo bị tấn công và Van Gogh bị giết hại. Tôi nghi ngờ điều này. Đúng là nhiều người Hồi giáo cảm thấy bị xúc phạm bởi những bộ phim hay tranh biếm họa báng bổ như thế. Nhưng giết người thì cần nhiều thứ hơn là cảm giác bị tổn thương.
Sự đe dọa hung bạo đối với những chỉ trích hiện nay hay sắp tới chỉ là một trong số những mục đích của các nhóm cách mạng. Cái mà những người làm cách mạng ghét bỏ nhất không phải là các cuộc tấn công trực tiếp của kẻ thù, mà là sự nhượng bộ cần thiết, sự cho và nhận, đàm phán và thích nghi vốn gắn liền với cuộc sống tại một nền dân chủ tự do. Mục tiêu quan trọng nhất của họ là tuyển thêm người cho sự nghiệp họ theo đuổi. Nếu họ là người theo chủ nghĩa Hồi giáo (cực đoan), họ phải cố gắng thúc đẩy những người Hồi giáo hòa bình, tuân thủ luật pháp ngừng thỏa hiệp với những xã hội thế tục nơi họ sinh sống. Họ cần thêm nhiều chiến binh thánh chiến hơn nữa.
Cách hiệu quả nhất để làm điều đó là kích động phản ứng bài Hồi giáo mạnh mẽ bằng cách tấn công những mục tiêu có tính biểu tượng, như là tòa tháp đôi ở New York, một nhà làm phim tiếng tăm ở Amsterdam, hay một tạp chí châm biếm gây tranh cãi ở Paris. Người Hồi giáo ở châu Âu càng cảm thấy sợ hãi, bị hắt hủi, và bị vây hãm bởi cộng đồng phi Hồi giáo, thì họ lại càng có khả năng ủng hộ những kẻ cực đoan.
Nếu chúng ta kết luận từ các vụ giết người tuần trước rằng Hồi giáo đang gây chiến với phương Tây, thì những chiến binh thánh chiến đó đã thắng lớn. Nếu chúng ta che chở cho số đông người Hồi giáo ôn hòa để biến họ thành những đồng minh chống lại bạo lực cách mạng, và đối xử với họ như những công dân hoàn toàn bình đẳng, thì nền dân chủ của chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách bao gồm “Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance” và gần đây là cuốn “Year Zero: A History of 1945”.