Nguồn: Carl Minzner, “After the Fourth Plenum: What Direction for Law in China?”, China Brief, Volume 14, Issue 22, 20/11/2014.
Biên dịch: Nguyễn Thiện Toàn | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 23 Tháng 10, giới chức Trung Quốc đã kết thúc Hội nghị Trung ương Đảng hàng năm, tập trung vào vấn đề “y pháp trị quốc” (trị quốc theo pháp luật). Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc xem pháp luật là trọng tâm cuộc họp. Trong các tuần sau đó, các nhà quan sát đã phân tích câu chữ của toàn bộ nghị quyết để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy hướng đi trong tương lai của cuộc cải cách tư pháp tại Trung Quốc.
Được nêu ra lần đầu tiên trong nghị quyết Hội nghị trung ương đảng vào năm 1997, và được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 1999, “y pháp trị quốc” đã chứng minh là một thuật ngữ gây tranh cãi đối với nhà nước cũng như xã hội Trung Quốc. Nhà chức trách đã dùng nó như một định hướng chung để thúc đẩy một loạt các cải cách hành chính và pháp lý.
Người dân và các nhà hoạt động xã hội đã tìm cách vận dụng cả những luận điệu liên quan đến thuật ngữ này cũng như các cải cách thực tế đi kèm với nó làm phương tiện để thúc đẩy một sự thay đổi sâu sắc hơn về mặt thể chế và chính trị trong một nhà nước chuyên chế.
Giờ đây, Nghị quyết đã tạo cho Chủ tịch Tập Cận Bình một cơ hội để tạo ra dấu ấn của mình về khái niệm này. Nhìn chung, điều này thể hiện dưới ba hình thức.
Các cải cách kỹ thuật về pháp lý để cải thiện quản lý
Trước hết, Nghị quyết này hậu thuẫn cho một loạt các cải cách kỹ thuật về pháp lý nhằm tăng cường sự quản lý của nhà nước và xã hội.
Ví dụ, Nghị quyết tìm cách tập trung quyền lực tư pháp để hạn chế sự can thiệp của chính quyền địa phương vào các quyết định của tòa án. Tòa án nhân dân tối cao sẽ lập ra các tòa án lưu động để xử lý các vụ việc “quan trọng” liên quan đến nhiều cấp thẩm quyền xét xử khác nhau. Nghị quyết này bật đèn xanh cho việc thử nghiệm các tòa án cũng như các viện kiểm sát địa phương với thẩm quyền chéo như vậy. Việc này phù hợp với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương ba của Đảng năm 2013, nơi đã cho ra đời những đợt cải cách thử nghiệm trong sáu tỉnh nhằm loại bỏ sự kiểm soát đối với lực lượng nhân sự tòa án, ngưng nhận tài trợ từ tay chính quyền địa phương, và trao quyền quản lý chúng cho cơ quan chức năng cấp tỉnh. Năm 2015 có thể sẽ tiếp tục chứng kiến các thử nghiệm liên quan đến bộ máy hành chính tương tự khi mà chính Nghị quyết mới này được thực hiện. Có lẽ cũng sẽ diễn ra các cuộc cải cách tương ứng trong hệ thống đánh giá cán bộ chính thức, khi mà các quan chức được chỉ đạo phải theo dõi tần suất can thiệp của chính quyền địa phương vào các quyết định tư pháp và liên hệ sự can thiệp này với việc đánh giá công tác và tiền lương của họ.
Nghị quyết này cũng sẽ ủng hộ cho các nhận thức về nghiệp vụ và tố tụng tư pháp đã được nhấn mạnh trong những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, nhưng lại bị chìm xuống trong những năm gần đây. Bắt đầu từ khoảng năm 2005 và đặc biệt là với việc bổ nhiệm Vương Thắng Tuấn làm chánh án Tòa án nhân dân tối cao (SPC) năm 2008, những luận điệu chính thức đã đi ngược lại những nhận thức trước đó, và xoay qua ủng hộ hòa giải chính trị và các phán quyết mang tính dân túy như một phương tiện để làm bất cứ điều gì cần thiết nhằm giải quyết các tranh chấp dân sự, bao gồm cả việc ném các tiêu chuẩn pháp lý ra ngoài cửa sổ.[1]
Giờ đây, Nghị quyết 2014 đã hơi đổi giọng điệu. Các phiên xét xử đang được coi là trung tâm của hệ thống tố tụng. Các vụ kiến nghị dân sự sẽ được đưa trở lại vào các kênh pháp lý. Và phẩm chất chuyên môn nghiệp vụ tư pháp đang một lần nữa được chú trọng.
Những tiến triển này cho thấy rằng cơ quan trung ương Đảng đã tạo cho các nhà kỹ trị pháp lý của Trung Quốc, chẳng hạn như những người đi theo người hiện đứng đầu SPC Chu Cường (Zhou Qiang), một khoảng trống nhất định để xoay xở. Việc này không chỉ giới hạn riêng ở cải cách tư pháp đã nói ở trên, mà còn bao gồm một loạt các cải cách hành chính, thủ tục và liên quan đến (nâng cao) sự minh bạch.
Đương nhiên, các giới hạn cho khoảng trống này đang gây tranh cãi gay gắt. Đối mặt với sự phản đối trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, việc cho rằng “trị quốc theo pháp luật” cũng bao hàm khái niệm “quản lý quốc gia theo hiến pháp” rõ ràng đã được rút ra khỏi các dự thảo đầu tiên của Nghị quyết trong quá trình soạn thảo suốt tám tháng ròng. Theo Tiễn Cương (Qian Gang), nó chỉ được đưa trở lại vào tài liệu này trong những ngày cuối cùng của hội nghị. Các cuộc tranh luận tiếp tục nổ ra về ý nghĩa của câu chữ. Truyền thông của chính quyền Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng nó không hề tương đương với khái niệm dân chủ lập hiến của “phương Tây” (CCTV, ngày 5 tháng 11). Cựu chủ tịch SPC Tiếu Dương (Xiao Yang), được biết đến nhiều với các nỗ lực cải cách cuối thập niên 1990, đã làm sống lại các đề xuất về việc tạo ra một ủy ban hiến pháp trong cơ quan lập pháp quốc gia với nhiệm vụ xem xét tính hợp pháp và hợp hiến của các đạo luật.
Tăng cường sự kiểm soát của Đảng
Thứ hai, Nghị quyết nhấn mạnh rằng việc tập trung hỗ trợ cho cải cách luật pháp không có nghĩa rằng sẽ có thay đổi đối với nguyên tắc cốt lõi là đảng độc tôn quyền lực.
Nghị quyết tái khẳng định quan niệm “Ba điều tối thượng” có từ chính quyền của cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào, trong đó nhấn mạnh rằng học thuyết của Đảng và lợi ích nhân dân là các nguồn tương đương (nếu không nói là cao hơn) so với hiến pháp và luật pháp, trong vai trò là các nguồn để định hướng công việc cho thẩm phán và công tố viên của Trung Quốc. Nó cũng nêu rõ rằng các ủy ban chính trị – pháp lý sẽ vẫn là kênh tổ chức nòng cốt trong việc thi hành sự kiểm soát của Đảng đối với hệ thống pháp luật.
Nhưng Nghị quyết đã đi xa hơn là chỉ đơn thuần nói suông về sự kiểm soát của Đảng. Nó cũng đưa ra các bước hướng tới việc thể chế hóa điều này. Ví dụ, Nghị quyết quy định rằng tất cả các dự luật liên quan đến các quyết định chính sách “quan trọng” của cơ quan lập pháp quốc gia phải được báo cáo cho các lãnh đạo trung ương Đảng để “thảo luận và quyết định.” Tương tự như vậy, tất cả các sửa đổi “quan trọng” của pháp luật hiện hành phải được báo cáo cho Đảng bộ trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội).
Tất nhiên, điều này chỉ đơn giản là phản ánh cách mà quyền lực của Đảng được thực thi trong thực tiễn. Nhưng lối diễn đạt mới này cũng đã tạo nên một sự khác biệt. Bản thân Hiến pháp Trung Quốc tự nó chỉ một lần đề cập đến nguyên tắc chung là quyền kiểm soát chính trị của Đảng. Do đó, các nhà hoạt động và các học giả Trung Quốc trong những năm cuối thế kỷ 20 hoàn toàn có thể đã tưởng tượng rằng việc tập trung viện dẫn các khái niệm như “trị quốc theo pháp luật” có thể tạo ra không gian cho việc xây dựng các thiết chế pháp lý độc lập, trong khi chỉ đơn giản là thừa nhận vai trò chính trị bao trùm của Đảng như một nguyên tắc nền tảng chung. Giới tri thức theo xu hướng tự do do đó có thể đặt nghi vấn về vai trò của các ủy ban chính trị – pháp lý trong việc kiểm soát các chủ thể pháp lý cụ thể, chẳng hạn như tòa án, mà không nhất thiết bị xem là thách thức quyền lực của Đảng. Những lý lẽ này giờ đây đã trở nên không ổn khi phải đương đầu với việc chính sách trung ương tái tuyên bố sự kiểm soát của Đảng đối với các hoạt động hàng ngày (của hệ thống pháp lý) theo một cách rõ ràng hơn nhiều.
Tương tự, Nghị quyết cắt bớt những mảng xám khác mà một số người đã sử dụng để xúc tiến cải cách. Các văn kiện hội nghị trung ương Đảng từ những năm cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000 đã đề cập đến các thiết chế từ dưới lên chẳng hạn như các cuộc bầu cử và biểu quyết khi thảo luận về cải cách tư pháp.[2] Những điều trên đã bị hạn chế bớt, nếu không nói là bị loại bỏ hoàn toàn. Đã có thêm những lời kêu gọi cụ thể cần tăng cường sự kiểm soát chính trị của Đảng đối với các nhân tố đã cố gắng sử dụng các kênh pháp lý nhằm thúc đẩy những cải cách sâu sắc hơn. Luật sư trở thành mục tiêu của một cuộc tuyên truyền chính trị lớn hơn. Các học giả nghiên cứu pháp lý cũng bị chọn. Nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một đội ngũ các học giả pháp lý đáng tin cậy về chính trị, có hiểu biết về đặc điểm quốc gia của Trung Quốc.
Trở về quá khứ
Thứ ba, hội nghị đã bắt đầu quá trình gắn lĩnh vực pháp lý với “Giấc mộng Trung Hoa”, một khẩu hiệu tuyên truyền nòng cốt xuất hiện từ năm 2012 khi Tập Cận Bình nhậm chức. Học thuyết này thể hiện quan điểm mấu chốt hướng về lịch sử và truyền thống văn hóa Trung Quốc – vốn bị các nhà lãnh đạo cộng sản trong thế kỷ 20 đả kích mạnh mẽ – như một cơ sở cho tính chính danh của Đảng.
Nghị quyết kêu gọi các cơ quan của Đảng “tiếp thu tinh túy của văn hóa pháp lý Trung Hoa” và thúc đẩy “nền văn hóa truyền thống Trung Quốc để tăng cường tính đạo đức trong các nỗ lực thúc đẩy pháp trị.” Một giọng điệu tương tự đã được sử dụng trong buổi nghiên cứu tập thể do Chủ tịch Tập chủ trì dành cho các thành viên Bộ Chính trị ngay trước hội nghị, trong đó tập trung nhiều vào lịch sử và văn hóa truyền thống. Để tổng kết nội dung của buổi nghiên cứu đó, ông Tập nói: “Con đường và các phương pháp thích hợp để giải quyết vấn đề của Trung Quốc chỉ có thể được tìm thấy từ trong chính Trung Quốc”.
Điều này đánh dấu sự thay đổi so với cuối thế kỷ 20. Khi mà các vị lãnh đạo Trung Quốc lúc đầu nâng khái niệm “trị quốc theo pháp luật” lên thành khẩu hiệu chính của Đảng, họ đã cho các quan chức và học giả một khoảng rộng để nhìn ra bên ngoài tìm kiếm các mô hình để đem về xem xét khi đi tìm giải pháp cho những thách thức về thể chế mà Trung Quốc phải đương đầu. Tất nhiên, các văn kiện của hội nghị trung ương Đảng trong thời gian này nói rõ rằng Trung Quốc sẽ không tiếp nhận các thiết chế chính trị “phương Tây” như dân chủ đa đảng hay phân chia quyền lực.[3] Tuy nhiên, mô hình pháp lý nước ngoài là một vấn đề bất phân thắng bại.
Cả các quan chức nhà nước lẫn các nhà hoạt động xã hội đều lợi dụng khoảng không gian này. Năm 1998, các vị nguyên thủ quốc gia vào lúc đó là Giang Trạch Dân và Bill Clinton thậm chí đã đạt được một thỏa thuận chính thức về việc mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực pháp quyền.[4] Việc Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ cho các chương trình ở Trung Quốc diễn ra không lâu sau đó. Vào tháng 12 năm 2002, khi cựu chủ tịch Hồ khởi xướng thông lệ mới là các buổi nghiên cứu thường kỳ của Bộ Chính trị, trong đó có các buổi nghiên cứu tập thể tập trung vào luật hiến pháp, các nhà hoạt động pháp lý của Trung Quốc đã chú ý tới điều này. Các năm tiếp theo đã chứng kiến việc các học giả Trung Quốc, các luật sư và thẩm phán dựa vào hiến pháp Trung Quốc, luật pháp và lý lẽ pháp lý để làm công cụ thách thức những hành động của nhà nước, đáng kể nhất là các thách thức năm 2003 đối với tính hợp pháp của hệ thống “tạm giam và trục xuất” vốn gây nhiều tranh cãi. Một số đã viện dẫn đến các nguồn pháp lý nước ngoài, bao gồm cả các vụ tại Tòa án tối cao Hoa Kỳ như Marbury với Madison và New York Times với Sullivan.
Giờ đây, khoảng không gian này đang dần hẹp lại. Sự đàn áp các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã leo thang. Những nhân vật như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) và Phổ Chí Cường (Pu Zhiqiang) đã bị giam giữ. Các tổ chức do nước ngoài tài trợ bị thắt chặt kiểm soát. Và Nghị quyết đã tăng cường cảnh báo ý thức hệ về việc áp dụng các mô hình nước ngoài, tuyên bố một cách rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ “không sao chép ý tưởng hay mô hình pháp trị nước ngoài.” Xu hướng này cũng không chỉ diễn ra trong lĩnh vực pháp luật. Tập Cận Bình còn đưa ra những lời chỉ trích đối với các công trình kiến trúc hiện đại “kỳ cục”, và kêu gọi các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Trung Quốc. Các nhà kiểm duyệt đã chặn các chương trình truyền hình nước ngoài như “Big Bang Theory”. Sách giáo khoa đang được thay đổi để tăng lượng nội dung của thơ cổ điển Trung Quốc, trong khi phần dành cho các nhà phê bình xã hội hiện đại, những người từng được Đảng ca ngợi, như Lỗ Tấn, đang bị giảm bớt.[5]
Kết luận
Cả giới truyền thông nước ngoài lẫn Trung Quốc gọi Nghị quyết (đang được dịch ra tiếng nước ngoài) là thúc đẩy nền “pháp quyền”. Điều này phần nào không chính xác. Đối với hầu hết các độc giả nói tiếng Anh, khái niệm này gợi lên ý niệm về hệ thống các quyền công dân từ dưới lên và sự xét xử độc lập theo các tiêu chuẩn pháp lý. Không ý niệm nào trong số đó là trọng tâm mục đích của Đảng được thể hiện qua Nghị quyết.
Ngược lại, có một ý nghĩa cốt lõi thứ ba nằm trong thuật ngữ “luật” của tiếng Anh có liên quan rất nhiều đến cách Đảng cố gắng sử dụng các thuật ngữ “pháp” và “y pháp trị quốc”. Nó được gói gọn trong khái niệm “trật tự”. Điều Đảng tìm kiếm là sự cai quản được cải tiến, tập trung hóa từ trên xuống. Đảng đang đẩy mạnh cải cách pháp lý để nâng cao sự quản lý có trật tự của mình đối với xã hội. Họ cũng đang xúc tiến những cải cách hoàn toàn không liên quan đến luật pháp để cải thiện tình hình quản trị nội bộ Đảng. Nhiều nhà quan sát phương Tây không gắn các cải cách đối với hệ thống kỷ luật bí mật của Đảng với các cải cách tòa án, nhưng từ quan điểm của chính quyền Trung Quốc, đây là cốt lõi của cùng một thứ.
Tóm lại, Nghị quyết tiếp tục đẩy mạnh các cải cách kỹ thuật về pháp lý ở Trung Quốc những vẫn chịu sự kiểm soát chính trị độc đảng. Nhưng nó cũng có những bước đi rõ ràng để xác định lại khái niệm “cai trị theo pháp luật” bằng cách vô hiệu hóa các yếu tố mà nó cho là nguy hiểm, chẳng hạn như sự tham gia từ dưới lên và các lực lượng pháp lý độc lập, thay vào đó ủng hộ sự quản lý tập trung từ trên xuống, một thiên hướng ngày càng được phủ dày thêm bằng tấm áo cổ điển Trung Quốc.
Carl Minzner là giáo sư tại Trường Luật, Đại học Fordham, chuyên nghiên cứu luật pháp và chính quyền Trung Quốc.
——————–
[1] Carl Minzner, China’s Turn Against Law, 59 Am. J. Comp. L. (2011).
[2] Chẳng hạn như trong các báo cáo Hội nghị trung ương Đảng năm 2000 và 2001, Zhonggong Zhongyang Guanyu zhiding Guomin jingji ông shehui Fazhan di Shiwu Nian Jihua de jianyi (中共中央关于制定国民经济和社会发展第十个五年计划的建议 – trung cộng trung ương quan vu chế định quốc dân kinh tể hòa xã hội phát triển đệ thập cá ngũ niên kế hoa đích kiến nghị), ban hành ngày 11 tháng 10 2000; zhōng gòng zhōng yāng guān yú jiā qiáng hé gǎi jìn dǎng de zuò fēng jiàn shè de jué dìng (中共中央关于加强和改进党的作风建设的决定 – trung cộng trung ương quan vu gia cường hòa cải tiến đảng đích tác phong kiến thiết đích quyết định), ban hành ngày 26 tháng 9 năm 2001.
[3] Chẳng hạn như trong Nghị quyết hội nghị trung ương Đảng năm 2001, ban hành 26 tháng 9 năm 2001.
[4] Để biết một bản thuật lại tuyệt vời về sự ra đời của sáng kiến này, hãy xem Paul Gewirtz, The U.S.-China Rule of Law Initiative, 11 Wm. & Mary Bill RTS. J. 603 (2003).
[5] Đương nhiên, điều này không phải là để cho thấy rằng cuộc tìm về quá khứ của Trung Quốc là sai. Trong thực tế, một cuộc phân tích cẩn thận, công bằng về lịch sử Trung Quốc để tìm kiếm các giải pháp pháp lý hay thể chế cho các vấn đề mà Trung Quốc đang phải đối mặt có thể là một cách chữa cháy hữu ích cho rất nhiều trăm năm qua, khoảng thời gian mà họ đã thường xuyên chú trọng vào việc nhập khẩu mù quáng các khái niệm từ phương Tây, dù là chủ nghĩa tự do hay chủ nghĩa Mác. Nhưng điều này hoàn toàn khác với việc tạo ra một câu chuyện mới, được nhà nước phê chuẩn, đúng đắn về mặt chính trị, thiên về lịch sử dân tộc chủ nghĩa mà chỉ để đơn giản là nhằm phục vụ như một công cụ tiện dụng để hợp pháp hóa sự cai trị độc đoán hiện đại.