Nỗi ám ảnh từ đền Yasukuni

Print Friendly, PDF & Email

yas_2093707b

Nguồn: Rana Mitter, “The Shadow from Yasukuni”, Project Syndicate, 14/08/2013.

Biên dịch: Lê Quang Linh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới ngôi đền Yasukuni (năm 2013) đã gây tức giận cho Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời, không có gì bất ngờ khi nó đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình khắp châu Á. Ngôi đền, nơi vinh danh hơn 1.000 tội phạm chiến tranh, những người đã tham gia cuộc chiến thảm khốc của Nhật ở châu Á, hiện nay vẫn là nơi thắp lửa cho phe cánh hữu Nhật Bản, những người kiên trì cho rằng cuộc chiến ở Châu Á của Nhật Bản là một cuộc chiến giải phóng chống lại chủ nghĩa đế quốc Phương Tây.

Tuyên bố này đặc biệt không có giá trị tại Trung Quốc và Hàn Quốc, nơi phải hứng chịu những hậu quả khủng khiếp từ cuộc xâm lược và chiếm đóng phần lớn Châu Á của Nhật Bản. Tuy nhiên, vẫn luôn có điểm mâu thuẫn trong các phản đối chính thức của Trung Quốc đối với các chuyến viếng thăm đền Yasukuni.

Những chuyến thăm như vậy bị lên án là vô cảm với cảm xúc của người dân Trung Quốc. Nhưng, giống như những người bảo thủ Nhật Bản đã bị chỉ trích một cách đúng đắn vì từ chối thừa nhận những nỗi kinh hoàng trong quá khứ thực dân của đất nước họ, Trung Quốc cũng đáng bị phê phán vì đã mở rộng thảo luận về lịch sử chiến tranh của mình ở trong nước.

Trong nhiều thập niên dưới thời Mao Trạch Đông, chỉ có duy nhất phiên bản lịch sử chiến tranh của Trung Quốc được chấp nhập đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) dẫn đầu cuộc kháng chiến chống Nhật, rèn luyện quân đội của Đảng để chuẩn bị cho một trong những cuộc cách mạng xã hội vĩ đại nhất thế giới. Trong khi đó, chính phủ Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch yếu kém do thiếu năng lực và tham nhũng, đã không làm được gì nhiều đề chống lại người Nhật.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghiên cứu từ chính Trung Quốc đã chỉ ra quy mô và chi phí khổng lồ của cuộc kháng chiến chống Nhật. Mười bốn triệu người Trung Quốc hoặc hơn đã bị giết trong khoảng thời gian từ 1937 đến 1945, và  80-100 triệu người trở thành người tị nạn. Và cuộc xâm lược cũng phá hủy đường bộ, đường sắt và các nhà máy của Trung Quốc.

Nhưng những thay đổi đáng kể cũng bắt đầu xảy ra trong suốt thời gian đó. Khi những quả bom được ném xuống thủ đô thời chiến của Quốc Dân Đảng là Trùng Khánh, thì khế ước xã hội giữa nhà nước và xã hội đã trở nên quan trọng hơn. Nhà nước yêu cầu nhiều hơn từ người dân, bao gồm nghĩa vụ quân sự và thuế tăng lên; nhưng đồng thời người dân cũng bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn từ chính quyền của họ, bao gồm việc cung cấp đầy đủ thực phẩm, vệ sinh và chăm sóc y tế. Để hiểu tại sao cuộc chiến lại thay đổi Trung Quốc sâu sắc đến như vậy, các nhà sử học đã tách khỏi cách nhìn coi giai đoạn 1937 – 1945 chỉ đơn giản là một chiến thắng không thể tránh khỏi của những người cộng sản.

Do vậy, trong hai thập niên gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu hồi tưởng lại lịch sử chiến tranh của họ theo hướng mới. Việc chính quyền Trung Quốc mong muốn khuyến khích thống nhất với Đài Loan cũng có tác dụng ở đây, đồng nghĩa với việc đã xuất hiện cái nhìn thân thiện hơn về chính phủ Quốc Dân Đảng ở đại lục. Thật vậy, trong những năm gần đây, danh tiếng của Quốc Dân Đảng ở đại lục đã có sự cải thiện theo hướng không thể tưởng tượng được nếu so với một phần tư thế kỷ trước.

Quốc Dân Đảng đã gánh vác phần lớn các trận chiến từ năm 1937 đến 1945, và các cuộc chống trả của quân đội Quốc Dân Đảng thực hiện tại các thành phố như Vũ Hán và Trường Sa ngày nay đã được tưởng niệm tại các bảo tàng và tượng đài. Tại Trùng Khánh, các di tích như khu biệt thự cũ của Tưởng Giới Thạch tại Hoàng Sơn đã được khôi phục lại, bản thân vị cựu lãnh đạo này cũng được ca ngợi vì những đóng góp của ông cho cuộc chiến kháng Nhật. Một trong những người dẫn truyền hình hàng đầu của Trung Quốc, Cui Yongyuan, đã bắt đầu một dự án phim tài liệu về các cựu chiến binh cộng sản, và đã bị phân tâm khi liên tục có các cuộc tiếp xúc với các cựu binh Quốc dân Đảng, những người đã chiến đấu với Nhật Bản nhưng những đóng góp của họ đã bị xóa bỏ ra khỏi lịch sử sau chiến thắng của Mao Trạch Đông năm 1949.

Tất nhiên, vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt cuộc chiến là rất đáng kể. Nhưng họ không hoạt động trong một môi trường chân không. Và các sử gia đã phải công nhận rằng những điểm yếu của Quốc dân Đảng – như tham nhũng, lạm phát cao, quân đội yếu – một phần nào đó là do cuộc chiến lâu dài với Nhật Bản, cuộc chiến mà về cơ bản Quốc dân Đảng đã một mình thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng tháng 12/1941.

Tôi là người được hưởng lợi từ sự cởi mở mới này. Những kho lưu trữ vốn từng bị hạn chế hoặc đóng kín trước đây, nay đã được mở cho các nhà nghiên cứu Trung Quốc lẫn nước ngoài thu thập tư liệu để nói về những câu chuyện bị nghiêm cấm trước đó. Kết quả là, tôi đã có thể cung cấp một phiên bản lịch sử toàn diện lần đầu tiên bằng tiếng Anh về lịch sử chiến tranh của Trung Quốc, trong đó có sự kết hợp giữa các câu chuyện của những đảng viên Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản, những người đã tham gia kháng Nhật, cùng với những người Trung Quốc cộng tác với Nhật.

Nhưng vẫn còn nhiều khoảng trống trong cách Trung Quốc tuyên truyền cho người dân của mình về lịch sử chiến tranh. Sách giáo khoa vẫn nói đơn giản rằng, vai trò của Cộng sản là nổi bật nhất và vai trò của Quốc dân đảng thì có lẽ chỉ hơn bức tranh biếm họa. Hình ảnh binh lính Trung Quốc tàn sát binh lính Nhật Bản rất phổ biến trong các trò chơi điện tử, các trò chơi này chiếm thị phần đáng kể trong thị trường trò chơi online khổng lồ của Trung Quốc.

Nhìn chung, cuộc chiến chống Nhật thường được sử dụng để thắp lên cảm giác rằng lịch sử cản trở sự phát triển đúng đắn của Trung Quốc. Tất nhiên, những nỗ lực của phe cánh hữu Nhật Bản nhằm bóp méo lịch sử về cuộc xâm lược là đáng bị lên án, giống như họ đã bị lên án bởi nhiều người tại Nhật Bản. Nhưng các nhà lãnh đạo và văn hóa đại chúng của Trung Quốc cũng không nên sử dụng lịch sử đã bị chỉnh sửa của cuộc chiến như là một công cụ để xây dựng chủ nghĩa dân tộc mới.

Việc sử dụng hợp lý lịch sử trong văn hóa đại chúng là để nuôi dưỡng thái độ cẩn trọng và mang tính phản biện đối với các vấn đề phức tạp trong quá khứ. Bằng cách này, Trung Quốc thực sự có thể làm cho bất kỳ lãnh đạo nào của Nhật Bản có ý định thăm đền Yasukuni sẽ phải cảm thấy xấu hổ.

Rana Mitter, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc tại trường Đại học Oxford, là tác giả cuốn China’s War with Japan, 1937-1945: The Struggle for Survival (xuất bản tại Bắc Mỹ với tên: Forgotten Ally).

Xem thêm:

Cuộc tranh cãi xung quanh đền Yasukuni ở Nhật Bản

Copyright: Project Syndicate 2013 – The Shadow from Yasukuni
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]