Chủ nghĩa cộng sản (Communism)

communism

Tác giả: Trần Nam Tiến

Chủ nghĩa cộng sản là học thuyết triết học xã hội và chính trị do K. Marx và F. Engels xây dựng, sau đó được Lenin áp dụng và phát triển vào những điều kiện lịch sử mới. Về mặt học thuyết, chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội khoa học cũng đều có nghĩa như nhau, là hệ thống những quan điểm duy vật, khoa học về thế giới, về vị trí của con người trong thế giới đó. Nó còn là khoa học về những quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy; quy luật về sự phát triển sức sản xuất xã hội. Đây là một cấu trúc kinh tế – xã hội và hệ tư tưởng chính trị ủng hộ việc thiết lập một xã hội phi nhà nước, không giai cấp, bình đẳng, dựa trên sự sở hữu chung và điều khiển chung đối với các phương tiện sản xuất và tài sản nói chung.

Marx và Engels cho rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ là giai đoạn cuối cùng của xã hội loài người, đạt được qua một cuộc cách mạng vô sản. “Chủ nghĩa cộng sản thuần túy” theo Marx và Engels nói đến một xã hội không có giai cấp, không có nhà nước và không có áp bức, mà trong đó các quyết định về việc sản xuất cái gì và theo đuổi những chính sách gì được lựa chọn một cách dân chủ, cho phép mọi thành viên của xã hội tham gia vào quá trình quyết định ở cả hai mặt chính trị và kinh tế.

Trong vai trò một hệ tư tưởng chính trị, chủ nghĩa cộng sản thường được xem là một nhóm lớn học thuyết triết học về chính trị và kinh tế được rút ra từ nhiều phong trào chính trị và tri thức với nguồn gốc từ các tác phẩm của các nhà lý thuyết của các cuộc cách mạng tư sản và cách mạng công nghiệp. Chủ nghĩa cộng sản cố gắng đưa ra một giải pháp khác cho các vấn đề của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc. Trên cơ sở nghiên cứu sự vận động của lịch sử loài người nói chung, sự vận động của xã hội tư bản nói riêng, Marx và Engels khẳng định rằng cách duy nhất để giải quyết các mâu thuẫn xã hội lúc này là tầng lớp lao động (vô sản), những người mà theo Marx là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất trong xã hội và là những người bị tầng lớp tư sản bóc lột, đứng lên làm tầng lớp cầm quyền thay cho giới tư bản để thiết lập một xã hội tự do, không phân biệt giai cấp hay chủng tộc. Trong đó, Marx và Engels đã chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là kẻ đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản và là người sáng tạo ra một xã hội mới – xã hội cộng sản, trong đó chế độ tư hữu bị xoá bỏ, chế độ công hữu được xác lập, không còn những đối kháng giai cấp và chế độ người bóc lột người, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người. Trên cơ sở đó, chủ nghĩa cộng sản thay thế chủ nghĩa tư bản là do kết quả của cách mạng vô sản thắng lợi và nền chuyên chính vô sản được thiết lập.

Marx và Engels đồng thời cũng chỉ rõ, hình thái xã hội cộng sản có hai giai đoạn phát triển: giai đoạn thứ nhất là giai đoạn mà xã hội mới xây dựng vừa thoát ra từ xã hội tư bản. Vì thế về mọi phương diện, xã hội ấy còn mang những dấu vết của xã hội cũ, xã hội đẻ ra nó, xã hội tư bản. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn xã hội chủ nghĩa, hay chủ nghĩa xã hội, giai đoạn thấp của chủ nghĩa cộng sản. Nguyên tắc phân phối trong giai đoạn này là nguyên tắc phân phối theo lao động. Giai đoạn thứ hai của chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn xã hội cộng sản đã phát triển trên cơ sở riêng của nó, giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản. Trong giai đoạn này cá nhân không còn bị phụ thuộc một cách nô lệ vào sự phân công, sự đối lập giữa lao động chân tay và lao động trí óc không còn; lao động trở thành nhu cầu bậc nhất của đời sống; lực lượng sản xuất cũng tăng lên cùng với sự phát triển mọi mặt của cá nhân, nguồn của cải dồi dào. Theo Marx và Engels, chỉ trong giai đoạn này, xã hội mới có thể thực hiện nguyên tắc phân phối của xã hội cộng sản: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Và cũng chỉ trong giai đoạn này mới tạo ra được những điều kiện cho sự phát triển toàn diện của cá nhân, các nguyên tắc của đạo đức cộng sản mới được khẳng định.

Những hình thức nổi bật của chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện trên thế giới, chẳng hạn như: Chủ nghĩa Lenin, Chủ nghĩa Stalin, Chủ nghĩa Mao và Chủ nghĩa Trosky, đều có nền tảng là Chủ nghĩa Marx. Trong nửa sau của thế kỷ 19, thuật ngữ chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội chính thức được dùng đồng nghĩa với phong trào công nhân nói chung. Trong cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, những người thuộc Đảng Bolshevik sử dụng thuật ngữ “cộng sản” để mô tả đảng của họ. Cụ thể hơn, Quốc tế III – Quốc tế Cộng sản thành lập năm 1919 đã cho thuật ngữ “cộng sản” một ý nghĩa cụ thể hơn. Từ đây, nhiều tổ chức Đảng Cộng sản đã được thành lập, chủ yếu vận hành theo đường hướng tập trung dân chủ của Lenin. Cũng chính Lenin, trong tác phẩm Nhà nước và cách mạng đã chính thức hóa sự khác nhau giữa chế độ cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, coi đây là chủ đề của quá trình tái thiết xã hội. Marx đã xác định xã hội sau cách mạng là một xã hội mà ở đó giá trị được hưởng sẽ tương xứng với giá trị lao động bỏ ra, và đó là “một xã hội cộng sản ở giai đoạn cao hơn”. Lenin gọi giai đoạn đầu là “chủ nghĩa xã hội” và giai đoạn sau là “chủ nghĩa cộng sản”.

Tuy là một học thuyết bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống nhưng bản thân chủ nghĩa cộng sản cũng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển lý luận Quan hệ quốc tế. Marx và Engels cho rằng sự ra đời của chủ nghĩa tư bản đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên thị trường thế giới thống nhất. Mục đích lợi nhuận đã thúc đẩy giai cấp tư sản vươn ra khai thác thị trường thế giới. Sự phát triển công nghiệp, giao thông vận tải và các phương tiện thông tin liên lạc đã thúc đẩy sự phát triển quan hệ quốc tế và tạo điều kiện cho sự bóc lột của giai cấp tư sản vượt khỏi khuôn khổ biên giới quốc gia đi ra quốc tế. Vai trò của quốc gia sẽ giảm dần và giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị thế giới. Quan hệ quốc tế trở thành quan hệ bóc lột mang đậm tính chất giai cấp. Cùng với đó, mâu thuẫn giai cấp trở thành nội dung chính trị quan trong của quan hệ quốc tế và cuộc đấu tranh giai cấp sẽ được mở rộng trên quy mô thế giới. Vì thế, cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng của giai cấp vô sản thế giới là có tính toàn thế giới. Marx đã kêu gọi : Vô sản toàn thế giới hãy liên hiệp lại. Đây cũng chính là cơ sở của lý thuyết đấu tranh giai cấp trên trường quốc tế.

Cũng coi quan hệ quốc tế là sự phản ánh cơ sở kinh tế – xã hội trong nước và mâu thuẫn giai cấp, Lenin tập trung nhiều hơn vào việc phân tích giai đoạn độc quyền của chủ nghĩa tư bản. Sự độc quyền khiến cho mâu thuẫn giữa chúng trở nên gay gắt cả trong nước lẫn trên phạm vi quốc tế. Mâu thuẫn này là nguồn gốc dẫn đến khủng hoảng chính trị và chiến tranh giữa các thế lực đế quốc. Đồng thời, sự thống trị của giới tư sản độc quyền cũng làm mâu thuẫn giai cấp giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản ngày càng sâu sắc. Vì thế, cách mạng sẽ nổ ra, dẫn tới sự cáo chung của chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, khác với Marx, Lenin cho rằng cách mạng vô sản khó diễn ra đồng thời trên quy mô toàn thế giới mà chỉ nổ ra thành công ở Nga là mắt xích yếu nhất trong hệ thống tư sản thế giới… Ngoài ra, Lenin cũng đưa ra những tư tưởng quan trọng đối với quan hệ quốc tế như cùng tồn tại hòa bình, quyền tự quyết của các dân tộc.

Tại Việt Nam, từ những năm 1920, chủ nghĩa Marx – Lenin được truyền bá vào Việt Nam, và sau đó Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập vào năm 1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã giành được độc lập trong cuộc Cách mạng tháng Tám, tiến hành thành công hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giúp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1986, Việt Nam đã thi hành chính sách Đổi mới, nhằm xây dựng một nền kinh tế thị trường mang định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng xác định chủ nghĩa xã hội hiện thực có bị thu hẹp phạm vi nhưng lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội vẫn là niềm mơ ước của loài người tiến bộ và đi lên chủ nghĩa xã hội vẫn là xu thế tất yếu của xã hội loài người trong thời đại ngày nay.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).