Nguyên nhân chính trị của sự trì trệ kinh tế toàn cầu hiện nay

Print Friendly, PDF & Email

global_economic_crisis

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “The politics of Economic Stupidity”, Project Syndicate, 20/1/2015

Biên tập: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm 2014, nền kinh tế thế giới vẫn mắc kẹt trong vết lún xuất hiện từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bất chấp những hành động có vẻ mạnh tay của chính phủ các nước Châu Âu và Hoa Kỳ, cả hai nền kinh tế này vẫn phải gánh chịu những cuộc suy thoái sâu sắc và kéo dài. Có một sự chênh lệch quá lớn giữa tình trạng hiện tại và sự thịnh vượng mà các nền kinh tế này rất có thể đã đạt được nếu cuộc khủng hoảng không diễn ra. Tại Châu Âu, sự chênh lệch này còn tăng dần qua từng tháng.

Những nước đang phát triển thì xoay sở tốt hơn, nhưng ngay cả ở đó tình hình cũng nhuốm màu ảm đạm. Những nền kinh tế thành công nhất – mà tăng trưởng vốn dựa vào xuất khẩu – vẫn tiếp tục phát triển sau cuộc khủng hoảng tài chính, ngay cả khi các thị trường xuất khẩu của họ đều chật vật. Nhưng đến 2014, thành tích của những nước này cũng đã bắt đầu chững lại đáng kể.

Năm 1992, chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của Bill Clinton chỉ dựa trên một câu khẩu hiệu đơn giản: “Đó chính là kinh tế, đồ ngốc!” (It’s the economy, stupid). Nhìn từ quan điểm hiện tại, tình hình ngày đó không đến nỗi tệ, bởi thu nhập của một hộ gia đình điển hình ở Mỹ ngày nay còn thấp hơn. Nhưng chúng ta có thể lấy cảm hứng từ nỗ lực của Clinton ngày ấy. Căn bệnh đang dày vò nền kinh tế toàn cầu có thể được phản ánh rõ nhất trong hai câu đơn giản: “Đó là chuyện chính trị, đồ ngốc!” và “Cầu, cầu và cầu”.

Sự đình trệ diễn ra gần như trên toàn cầu trong năm 2014 là do con người tạo nên. Đó là kết quả của việc chính trị và chính sách ở một số nền kinh tế chủ chốt đã kìm hãm nguồn cầu. Thiếu vắng lượng cầu sẽ dẫn đến hạn chế về đầu tư và việc làm. Đơn giản vậy thôi.

Điều này được thể hiện rõ nhất ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), nơi các quốc gia đã chính thức áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm mạnh chi tiêu của chính phủ, từ đó dẫn đến sự giảm sút trong chi tiêu cá nhân. Sự trì trệ trong cấu trúc khu vực đồng euro hiện nay có một  phần nguyên nhân do những điều chỉnh để đối phó với cú sốc từ cuộc khủng hoảng. Khi sự liên kết trong hệ thống các ngân hàng lỏng lẻo, đương nhiên dòng tiền sẽ chảy ra khỏi những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, làm suy yếu hệ thống tài chính và kìm hãm việc cho vay và đầu tư.

Tại Nhật Bản, một trong ba “mũi tên” của chương trình phục hồi kinh tế được Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng đã bị thực hiện sai hướng. Việc tăng thuế tiêu dùng vào tháng tư (2014), kéo theo sự tụt giảm của GDP càng minh chứng cho tính đúng đắn của lý thuyết kinh tế học Keynes[1] – cứ như thể từ trước tới giờ vẫn chưa có đủ bằng chứng (cho người ta rút kinh nghiệm) vậy.

Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng ở mức thấp nhất, và thu được những thành quả kinh tế tích cực nhất. Nhưng ngay cả ở Mỹ, hiện tại số người làm trong lĩnh vực công đã giảm khoảng 650.000 người so với trước khủng hoảng – thông thường con số này phải cao hơn thêm hai triệu người (so với số lượng hiện tại). Hệ quả là nước Mỹ cũng phải chịu khó khăn khi tăng trưởng yếu dẫn tới tiền lương nhìn chung bị trì trệ.

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc phản ánh tốc độ tăng trưởng suy giảm tại các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới (nếu xét theo sức mua tương đương – PPP), và nước này vốn là nguồn động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu. Nhưng thành công phi thường của Trung Quốc đã làm phát sinh nhiều vấn đề cho chính nước này và cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Sự chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc từ chú trọng về lượng sang chất được hoan nghênh: đó gần như là một điều thiết yếu. Mặc dù cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình có làm chậm lại hơn nữa tốc độ tăng trưởng kinh tế do tình trạng tê liệt (vì sợ bị điều tra tham nhũng – NBT) sẽ kìm hãm lĩnh vực đầu tư công, nhưng ông Tập chẳng có lý do gì để nới lỏng chiến dịch này. Trái lại, những vấn đề đang làm xói mòn sự tín nhiệm đối với chính phủ – như các vấn đề về môi trường ngày càng lan rộng, bất bình đẳng ở mức cao và trên đà gia tăng, và tình trạng gian lận trong khu vực tư nhân – tất cả đều cần được giải quyết với sự quyết liệt như nhau.

Nói một cách ngắn gọn, thế giới không nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy tổng cầu trên toàn cầu vào năm 2015. Thậm chí chúng ta nên chuẩn bị để giải quyết sự tụt giảm lượng cầu thậm chí còn lớn hơn.

Trong khi đó, có thể thấy sự trừng phạt của phương Tây đã làm suy giảm tốc độ tăng trưởng của Nga, đồng thời cũng gây tác động ngược trở lại một Châu Âu vốn đã suy yếu. (Đây không phải là một ý kiến phản đối lệnh trừng phạt: Thế giới cần phải có lời đáp lại động thái xâm lược Ukraina của Nga, và các giám đốc điều hành ở phương Tây ủng hộ quan điểm ngược lại chỉ để bảo vệ những khoản đầu tư của mình đã thể hiện một sự thiếu nguyên tắc đáng ngại.)

Trong sáu năm qua, phương Tây đã tin rằng chính sách tiền tệ có thể giải quyết mọi vấn đề. Cuộc khủng hoảng đã dẫn tới một khoản thâm hụt ngân sách khổng lồ và những khoản nợ chồng chất, và người ta cho rằng nhu cầu giảm nợ đồng nghĩa với việc xếp chính sách tài khóa sang một bên.

Vấn đề là mức lãi suất thấp sẽ không mang lại cho các doanh nghiệp động lực để đầu tư khi không có lượng cầu cho sản phẩm của họ. Mức lãi suất thấp cũng chẳng khiến cá nhân muốn vay tiền để tiêu dùng khi họ lo lắng cho tương lai của mình (mà đúng là họ nên lo lắng). Điều mà chính sách tiền tệ có thể làm là tạo ra các bong bóng tài sản. Nó cũng có thể làm tăng giá trái phiếu chính phủ ở Châu Âu, từ đó chặn trước nguy cơ nổ ra một cuộc khủng hoảng nợ quốc gia. Tuy vậy cần phải hiểu rằng khả năng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ giúp phục hồi sự thịnh vượng toàn cầu là số 0.

Điều này đưa chúng ta quay lại vấn đề về chính trị và chính sách. Nguồn cầu hiện là thứ thế giới cần nhất. Khu vực tư nhân sẽ chẳng tạo thêm lượng cầu – dù có sự hỗ trợ hào phóng từ phía những người điều hành chính sách tiền tệ. Nhưng chính sách tài khóa thì có thể. Chúng ta có rất nhiều lựa chọn đầu tư công đảm bảo mang lại kết quả cao – cao hơn nhiều so với chi phí vốn thực – và giúp tăng cường cân đối bảng tài chính của các quốc gia tiến hành các khoản đầu tư này.

Vấn đề lớn nhất thế giới phải đối mặt trong năm 2015 không phải là kinh tế. Chúng ta biết cách để chữa khỏi căn bệnh hiện tại. Vấn đề nằm ở sự ngu xuẩn trong chính trị của chúng ta.

Joseph E. Stiglitz từng nhận giải Nobel về kinh tế học và là Giáo sư giảng dạy tại Đại học Columbia. Ông từng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn về kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton, là cựu Phó Chủ tịch và kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới. Cuốn sách mới nhất của ông, với đồng tác giả là Bruce Greenwalk, có tựa đề “Tạo dựng một Xã hội Học tập: một cách tiếp cận mới về Tăng trưởng, Phát triển, và Tiến bộ xã hội” (Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.)

——————–

[1] [ND] Nhà kinh tế học Keynes đưa ra nguyên lý khẳng định lượng cung hàng hóa là do lượng cầu quyết định, và thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ khủng hoảng chỉ làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng (theo Wikipedia).