Nguồn: Zhang Xiaotong & Marlen Belgibayev, “China’s Eurasian Pivot“, The Asan Forum, 1/12/2014.
Biên dịch: Trần Quang
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc tích cực xoay trục sang những dải đất rộng lớn của Âu-Á, đặc biệt là được phản ánh trong việc tăng cường sự can dự của của Bắc Kinh với các nước láng giềng trên biên giới phía Tây nước này. Một trong những thành phần quan trọng nhất của sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc là một nỗ lực xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB), mà với nó Bắc Kinh có ý định ràng buộc hơn 40 nước ở Trung và Nam Á, Trung Đông, Đông và Tây Âu bằng các hành lang vận tải khoảng cách xa.
Tây tiến
Vào năm 2012, Vương Tập Tư, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Bắc Kinh, cố vấn thường xuyên của Chính phủ Trung Quốc về các vấn đề đối ngoại, đã trình bày ý tưởng “Tây tiến”, như một hành động tái cân bằng trong địa chiến lược của Trung Quốc. Khi Mỹ xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương, ông Vương đã thúc giục các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đừng có giới hạn những lợi ích của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà thay vào đó phát triển một kế hoạch thúc đẩy các mối quan hệ với các nước láng giềng biên giới phía Tây của Trung Quốc, bao gồm Trung Á, Nam Á, Trung Đông, và hơn nữa, tạo ra một khuôn khổ hợp tác Âu-Á từ London đến Thượng Hải. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho các mối quan hệ kinh tế và văn hóa với các nước phía Tây Trung Quốc, mà ở trong nước, “nó cũng sẽ đẩy nhanh ‘Đại Phát triển miền Tây’ (chiến lược Tây bộ đại khai phá), một chiến lược quốc gia được tiến hành vào năm 2000 để thúc đẩy sự phát triển của những tỉnh phía Tây Trung Quốc trong bối cảnh sự phát triển không cân bằng của khu vực này so với những tỉnh duyên hải phía Đông”.
Ý tưởng làm sống lại Con đường tơ lụa lần đầu tiên được Tập Cận Bình công bố vào ngày 7/9/2013 trong chuyến “Đại kinh lý Trung Á” của ông. Ông đã đề xuất rằng các nước Âu-Á áp dụng một mô hình hợp tác mới và cùng nhau tạo ra SREB, lưu ý “khu vực Con đường tơ lụa mới, thị trường khu vực cục bộ, là nơi sinh sống của 3 tỷ người và có quy mô và tiềm năng chưa từng thấy”. SREB tạo thành một thành phần then chốt trong sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc, và Trung Á có tầm quan trọng chiến lược mới trong bàn cờ chính sách đối ngoại tổng thể của Trung Quốc. Ngược lại với Tây Âu hay Đông Á, khu vực Trung Á “không thuộc một trật tự khu vực do Mỹ thống trị hay một cơ chế hội nhập kinh tế đang tồn tại”. Theo quan điểm của ông Vương, cho đến nay không có một cơ chế làm việc nào phối hợp những nỗ lực của các cường quốc chính, không có các quy tắc cạnh tranh và hợp tác trong khu vực được chấp nhận chung, và những phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc chính theo cách hiểu truyền thống luôn giao nhau và có xu hướng thay đổi.
“Mẩu bánh dày nhất Thượng đế ban cho Trung Quốc”
Trung Á giữ một vị trí đặc biệt trong SREB và sự chuyển hướng Âu-Á của Trung Quốc nói chung. Khu vực này như một cửa ngõ vào Trung Đông và châu Âu. Sự sụp đổ của Liên Xô và sự xuất hiện đột ngột của các nhà nước mới độc lập ở Trung Á có vị trí địa lý gần kề với Trung Quốc cho giới lãnh đạo Trung Quốc thấy một kịch bản hoàn toàn mới và dễ thay đổi về địa chính trị ở biên giới phía Tây nước này. Những sự kiện này đã dẫn đến một khoảng trống địa chính trị và biến khu vực này thành một “điểm nóng” về cạnh tranh giữa nhiều lực lượng bên ngoài. Do sự nổ ra cuộc nội chiến ở Tajikistan và sự bất ổn ở Afghanistan láng giềng, tình hình an ninh ở Trung Á đã trở thành một nhân tố thường trực làm các nhà hoạch định Trung Quốc phải cân nhắc. Vào đầu những năm 1990, Bắc Kinh không sẵn sàng cho bất cứ đại chiến lược nào ở Trung Á. Về cơ bản, nước này tự tách mình cách xa khỏi “những vấn đề nội bộ” của Trung Á và tập trung vào các vấn đề ưu tiên, như việc thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, giải quyết các vấn đề phức tạp còn lại từ thời Trung-Xô, và việc phát triển những cách tiếp cận chung với vấn đề ly khai của người Duy Ngô Nhĩ.
Sau khi mất một số lợi ích ở Trung Á trong những năm 1990, Trung Quốc đã bắt đầu lại hoạt động của mình sau năm 2000 thông qua chương trình “phát triển miền Tây”, tập trung vào Khu tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ (XUAR) và các tỉnh khác phía Tây. Sau sự kiện ngày 11/9, tầm quan trọng của Trung Á đã tăng đáng kể do cuộc cạnh tranh công khai hơn giữa các nước lớn tranh giành ảnh hưởng ở khu vực này. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng về các nguyên liệu thô, Bắc Kinh đã coi là một lợi ích quốc gia quan trọng việc đảm bảo quyền tiếp cận với các nguyên liệu thô của Trung Á, đặc biệt là dầu lửa và khí đốt, và có thể sử dụng các khả năng quá cảnh qua khu vực này.
Về vấn đề này, Trung Quốc chủ yếu tập trung vào việc củng cố Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và phát triển các mối quan hệ song phương trong khu vực, chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh đã thực thi một số dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên và đồng thời ủng hộ các chế độ chính trị đang cầm quyền trong khu vực. Những nỗ lực này đã đặt ra nền tảng cho hợp tác liên chính phủ Trung Quốc-Trung Á vào đầu thế kỷ 21.
Trong thập kỷ trước, sự xâm nhập về kinh tế của Trung Quốc vào Trung Á đã tăng lên mạnh mẽ, do nước này khéo léo triển khai các nguồn lực kinh tế lớn và củng cố hình ảnh của mình như là một đối tác kinh tế và chính trị tích cực trong suy nghĩ của giới tinh hoa địa phương trong khu vực này. Khu vực này đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan và Turkmenistan và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Những đầu tư của Bắc Kinh vào ngành công nghiệp dầu lửa và khí đốt của Kazakhstan và Turkmenistan hết sức hữu ích đối với những nước này, đa dạng hóa các thị trường và mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, đặc biệt là do xu hướng giá dầu lửa toàn cầu đi xuống gần đây và vị trí địa lý không có biển của họ. Sẽ có những đường ống từ Kazakhstan và Turkmenistan đến Trung Quốc, và trong tương lai gần, các chính phủ Kazakhstan và Turkmenistan sẽ đưa thêm các đường ống vào hoạt động, mà đi qua Tatjikistan và Kyrgyzstan và cuối cùng kết thúc ở Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép các chính phủ Tatjikistan và Kyrgyzstan nhận được khoản doanh thu đáng kể từ việc cho quá cảnh những nguồn tài nguyên năng lượng.
Do an ninh năng lượng chủ yếu thúc đẩy chiến lược “Tây tiến”, Trung Quốc xem các nhà nước Trung Á là các đối tác đáng tin cậy và là các nhà cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tính đến những nguy cơ đi cùng với việc nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông và châu Phi qua Eo biển Hormuz và Eo biển Malacca (cả hai eo biển là những đường biển hẹp mà Hải quân Mỹ có khả năng kiểm soát ngay lập tức). Cũng xem xét các cơ hội quá cảnh của khu vực này như là một tuyến đường thay thế cho hàng xuất khẩu Trung Quốc sang các thị trường châu Âu, những hoàn cảnh này tạo ra một tình huống cùng thắng cho cả hai phía. Sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Á được bộc lộ trong nỗ lực của nước này nhằm gắn chặt khu vực này vào sự phát triển của chính Trung Quốc, chủ yếu thông qua tài trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực, tăng cường sự tham gia của Trung Quốc vào việc phát triển các nguồn tài nguyên, và sử dụng tiềm năng của SCO và cuối cùng là SREB. Những nỗ lực ngoại giao kinh tế này đang trở thành một dấu ấn của chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở Trung Á và do đó là một trong những khía cạnh then chốt trong sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc.
Những hành lang Âu-Á của Trung Quốc
Sự nhấn mạnh của Trung Quốc vào các khả năng vận chuyển và liên lạc của Trung Á không phải là tình cờ. Đó là điểm khởi đầu cho sự xoay trục Âu-Á, mà gần đây được tích cực thúc đẩy thông qua việc xây dựng đường sắt, đường cao tốc, hàng không, viễn thông và các mạng lưới điện đi qua Âu-Á. Đặc biệt, tuyến đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu, cầu nối đất liền Âu-Á mới, hay cái mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc gọi là hành lang Âu-Á phương Bắc, đang đi vào hoạt động. Tuyến đường sắt này bắt đầu tại Liên Vân Cảng của Trung Quốc, và đi qua Tây An, Lan Châu, Urumqi, vài thành phố ở Kazakhstan và Nga, Belarus, Ba Lan và Đức, và kết thúc ở cảng Rotterdam ở Hà Lan.
Tuyến đường dài 10.900km này đã khánh thành vào năm 1990 và cung cấp dịch vụ chở hàng bằng đường sắt kể từ năm 1992. Được truyền cảm hứng bởi hành lang vận chuyển này, các nhà lãnh đạo chính quyền Trùng Khánh năm 2008 đã quyết định tham gia một mạng lưới đường sắt hiện có và thiết lập một kênh thương mại cho thành phố này, được biểu hiện dưới hình thức dự án “Trùng Khánh-Tân Cương-châu Âu” được đưa ra vào tháng 3/2011. Tuyến đường được cập nhật này bắt đầu ở Trùng Khánh và kết thúc tại thị trấn Duisburg của Đức. Sau đó, vào tháng 5/2011, đường sắt này được mở rộng đến cảng Antwerp của Bỉ.
Về các hành lang vận tải tương lai trong khuôn khổ SREB, tháng 5/2014, Tân Hoa Xã đăng tải một bài báo có tựa đề “Con đường tơ lụa mới, những giấc mộng mới”. Con đường tơ lụa nằm sâu trong đất liền bắt đầu ở Tây An. Rồi nó chạy đến phía Tây qua Lan Châu, Urumqi và Khorgas trước khi rẽ sang phía Tây Nam và tiếp tục đi qua tất cả 5 nước Trung Á, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. “Từ Istanbul, Con đường tơ lụa băng qua eo biển Bosporus, và hướng sang Tây Bắc qua châu Âu, bao gồm Bulgaria, Romania, Cộng hòa Czech và Đức. Đến Duisburg ở Đức, nó rẽ sang phía Bắc đến Rotterdam ở Hà Lan. Từ Rotterdam, tuyến đường này chạy theo phía Nam đến Venice, Italy, nơi nó gặp Con đường tơ lụa trên biển.
Hình 1: Vành đai Kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển
Nguồn: Tân Hoa Xã
Theo các kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách, cùng với Trung Á, thủ phủ Urumqi của Khu tự trị Tân Cương có vị trí như trung tâm của chiến lược “Tây tiến” cũng như trung tâm vận chuyển nối Trung Quốc, Trung Á, Tây Á và châu Âu. Chính phủ hy vọng ngăn chặn được sự bất ổn và mang lại một môi trường an toàn dọc toàn bộ biên giới XUAR. Tân Cương là khu vực cốt lõi của Trung Quốc nằm trên SREB do các hành lang vận tải hiện nay và tương lai đi qua Urumqi.
Hình 2: Hành lang Âu-Á của Trung Quốc đi qua Tân Cương
Nguồn: Tân Hoa Xã
Về hướng Nam, như một phần trong Con đường tơ lụa trên biển đã đề cập phía trên, trước hết Bắc Kinh có kế hoạch thực hiện một hành lang vận chuyển qua Myanmar, Ấn Độ và Bangladesh thông qua đó Trung Quốc sẽ có được sự tiếp cận với Ấn Độ Dương, bỏ qua Eo biển Malacca và củng cố địa vị nước này ở Vịnh Bengal. Thứ hai, một hành lang vận tải nữa, hành lang “Trung Quốc-Pakistan” được lên kế hoạch cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược “Tây tiến”. Vào năm 2005, Bắc Kinh đã giúp Pakistan xây dựng một cảng nước sâu tại Gwadar nằm trên bờ biển Balochistan. Bằng việc có chỗ đứng ở Gwadar, Trung Quốc đỡ căng thẳng về thông tin liên lạc với Nam Á và Vịnh Persian. Một khả năng xảy ra trong tương lai gần là dầu lửa từ Trung Đông sẽ đến cảng này và rồi tiếp tục đến Tân Cương bằng một tuyến đường trên đất liền. Do đó, hướng Nam là một thành phần quan trọng của chiến lược Con đường tơ lụa, và là một phần không thể thiếu của sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc – một con đường tắt đi đến Ấn Độ Dương làm dịu đi “thế bế tắc Malacca”.
Bằng việc nối liền không gian Âu-Á với các hành lang xuyên lục địa này, giới lãnh đạo Trung Quốc dần dần thực hiện những bước thực tế để khiến SREB và SREB trên biển trở thành hiện thực. Đáng chú ý nhất, vào ngày 9/11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói: “Trung Quốc sẽ chi 40 tỷ USD cho ‘Quỹ Con đường tơ lụa đặc biệt’ để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, và đẩy nhanh sự hợp tác về công nghiệp và tài chính ở Trung Á và Nam Á”. Những gì đáng chú ý là tuyên bố của ông Tập về việc chi 40 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng chỉ 2 tuần sau khi khai trương “Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB), do Trung Quốc đề xướng và lãnh đạo. Quỹ được ủy quyền này bao gồm 50 tỷ USD, sau đó tăng lên đến 100 tỷ USD. Ngoài Trung Quốc, ngân hàng này gồm có 20 nước, trong đó có Kazakhstan và Uzbekistan. Nó được cho là đối trọng với Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á – hai thể chế tài chính mà theo Bắc Kinh bị chi phối mạnh mẽ bởi Mỹ và Nhật Bản.
Những tác động địa chính trị
Cùng với Trung Quốc, Nga và Mỹ thúc đẩy các chiến lược Âu-Á của riêng họ. Dự án “Liên minh Âu-Á” của Nga tìm cách giành lại sự kiểm soát Trung Á cũng như các nước cộng hòa khác thuộc Xôviết trước đây và đẩy họ về phe Kremlin. Trong vài năm qua, điều tương đối rõ ràng là Moskva không có ham muốn làm suy yếu sức mạnh của mình trong quan hệ với các nước cộng hòa Xôviết trước đây. Gần đây, Ukraine đã trở thành một ví dụ tốt. Sự xoay trục Âu-Á của Moskva là một phần trong kế hoạch lớn hơn cho sự phục hồi của Nga, nơi Trung Á có tầm quan trọng sống còn. Ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Kremlin qua nhiều thỏa thuận kinh tế đã tìm cách phục hồi quyền kiểm soát các nước Cộng hòa Trung Á, mà cuối cùng đã dẫn đến việc hình thành Liên minh kinh tế Âu-Á (EEU) vào ngày 29/5/2014 giữa các nước Belarus, Kazakhstan và Nga. Vào ngày 9/10/2014, Armenia đã gia nhập EEU.
Tuy nhiên, dự án địa chính trị của Moskva chạm trán với Trung Quốc, nước cũng muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực này thông qua biện pháp kinh tế. Do sự thúc đẩy Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa gần đây, xuất hiện câu hỏi SREB sẽ có thể cùng tồn tại với EEU như thế nào. Một số chuyên gia của Nga và Trung Quốc lập luận rằng Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ không làm xói mòn EEU, do chúng ban đầu là hai thể chế quốc tế riêng rẽ vì những mục đích khác nhau. EEU gợi lên một không gian kinh tế duy nhất, mà sẽ hành xử như một chất xúc tác cho các nền kinh tế của các nước tham gia trong khi Con đường tơ lụa chỉ là một hệ thống vận chuyển và hậu cần ở cấp lục địa.
Bản thân các nước Trung Á hiện nay đang đi nước đôi giữa Bắc Kinh và Moskva. Hành vi không thể dự đoán được của Moskva về những sự kiện ở Ukraine đã khuấy động mối lo ngại đang gia tăng trong các nhà lãnh đạo các nước này, những người do đó đã bắt đầu làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác của họ với Trung Quốc. Các đường ống dẫn dầu và khí đốt do Trung Quốc xây dựng đã giúp Kazakhstan và Turkmenistan hướng các tuyến đường năng lượng của họ xa rời khỏi Nga và giảm sự phụ thuộc của họ. Giới tinh hoa chính trị Uzbekistan liên tục bày tỏ quan ngại về những dự án chính trị của Nga và vào năm 2012, đã tạm thời ngừng là thành viên trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Kremlin lãnh đạo. Người ta có thể cho rằng hầu hết các nước thuộc khối Xôviết trước đây không quan tâm nhiều lắm đến sự thúc đẩy EEU rộng lớn hơn.
Về vấn đề này, SREB dường như thuận lợi hơn do quy mô và tiềm năng kinh tế của nó. SREB có thể có những tác động lan tỏa và tạo lập thương mại mạnh mẽ, mà cho phép các nước Trung Á bước vào những thị trường mới do SREB kết nối Đông, Tây, Nam, Bắc của toàn bộ lục địa Âu-Á. Thay vì chỉ ra cuộc xung đột lợi ích trực tiếp giữa SREB và EEU, các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga thể hiện những sắc thái khác nhau trong việc xử lý mối quan hệ của họ.
Mặc dù Nga có thể nhận thấy SREB là một thách thức tiềm tàng đối với những lợi ích kinh tế và địa chính trị nước này, song Moskva không thể đề xuất một sự thay thế hiệu quả và cạnh tranh với sức mạnh kinh tế của Bắc Kinh. Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine, những sự trừng phạt của phương Tây, và những vấn đề kinh tế chồng chất ở trong nước đang buộc giới lãnh đạo Nga tìm kiếm những mối quan hệ đối tác mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là trung thành với mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Bắc Kinh và Moskva mới đây đã ký một thỏa thuận về khí đốt trong 30 năm trị giá 400 tỷ USD cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc qua một đường ống dẫn mới. Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức ở Bắc Kinh, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã ký một thỏa thuận nữa về một kênh cung cấp khí đốt lớn thứ hai.
Washington đã đề xuất chiến lược của riêng mình vào năm 2011 khi Ngoại trưởng Hillary Clinton công khai tuyên bố Con đường tơ lụa mới là một trong những nhân tố chính của sự trợ giúp của Mỹ mang lại cho khu vực sau khi rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, nhằm mục đích thu hút đầu tư quốc tế để cải thiện thương mại khu vực giữa Nam Á và Trung Á. Sáng kiến này cho rằng các hoạt động quân sự còn lại bởi ISAF (sứ mệnh an ninh do NATO lãnh đạo ở Afghanistan) sẽ không hiệu quả cho tới khi Kabul lại là một nhà nước có thể đứng vững về kinh tế thông qua phát triển thương mại và các tuyến đường vận chuyển.
Hai khía cạnh đặc trưng cho bản chất của dự án này: 1) kết nối Trung Á và Nam Á (Pakistan và Ấn Độ) bằng các đường cao tốc qua Afghanistan; và 2) tạo ra một khu vực thương mại tự do giữa Trung Á và Nam Á. Vấn đề với sáng kiến này nằm chính ở Afghanistan. Khái niệm về các con đường đang hoạt động, các tuyến đường sắt và mạng lưới điện nối Trung Á với Afghanistan và cung cấp nhiên liệu cho sự phát triển kinh tế của toàn bộ tiểu lục địa, đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng tàn dư còn lại sau cuộc xung đột – những mối đe dọa về an ninh, buôn bán ma túy và các vấn đề cai trị ở đất nước này cũng như ở toàn khu vực, và mối quan hệ chính trị phức tạp giữa Ấn Độ và Pakistan. Có những điểm yếu khác trong chiến lược “Con đường tơ lụa mới” này. Iran, một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Afghanistan và là một trụ cột của Con đường tơ lụa cổ xưa, bị loại khỏi tầm nhìn. Tuy nhiên, hành lang vận tải này có thể mang lại một sự thay thế khả dụng cho những tuyến đường mạo hiểm hơn đi qua Afghanistan và Pakistan.
Điều bỏ lỡ trong chiến lược của Mỹ là nó sẽ ở vị trí bổ trợ cho những tuyến đường vận tải như thế nào với các vấn đề về ngân sách nội bộ và sau khi rút quân đội khỏi Afghanistan. Hơn nữa, Mỹ đã nhấn mạnh rằng nước này không có kế hoạch chi quá nhiều tiền vào dự án này. Robert Hormats, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm về các vấn đề phát triển kinh tế, năng lượng và nông nghiệp nói: “Với tất cả các chính phủ khắp thế giới đang đối mặt với các thách thức kinh tế, chúng ta phải tập trung vào các cách để làm cho việc này có tác dụng với sự hỗ trợ có hạn của chính phủ. Vì vậy, để tầm nhìn Con đường tơ lụa mới hiện thực hóa tiềm năng của nó, quan trọng là Chính phủ Afghanistan và các nước láng giềng phải làm chủ nỗ lực này”.
Những triển vọng của sự “xoay trục” Âu-Á của Trung Quốc
Trong vài thập kỷ qua, các nước lớn đã thử xây dựng những đầu cầu của chính họ để tạo ra một cấu trúc địa chính trị mới trên lục địa Âu-Á. Mỹ, Trung Quốc, EU và Nga tất cả đã tìm cách thiết lập sự thống trị của họ ở “Thế giới-đảo” quan trọng này. Tuy nhiên, dường như Trung Quốc đã dần dần dẫn đầu trong cuộc đua Âu-Á. Bắc Kinh đang không ngừng củng cố địa vị của mình ở những điểm địa chính trị chủ chốt của Âu-Á do kết quả của sự hiện diện về kinh tế đang gia tăng nhanh chóng. Ngược lại, các chính phủ EU và Mỹ bị kiềm chế bởi những nguồn lực kinh tế có sẵn cho họ sử dụng, trong khi Nga đang gánh chịu những sự trừng phạt kinh tế được phương Tây thông qua và chứng kiến sức mạnh kinh tế của mình suy yếu đáng kể.
Sự “xoay trục” Âu-Á của Bắc Kinh sẽ tiếp tục được định hình bởi những nhân tố cả bên trong lẫn bên ngoài, bao gồm việc thỏa mãn nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng trong bối cảnh bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi (những nước cung cấp năng lượng chủ yếu cho Trung Quốc), cũng như tìm kiếm thêm đầu ra xuất khẩu cho hàng hóa Trung Quốc. Quan trọng tương tự đối với Trung Quốc là mang lại sự phát triển “cân bằng” cho các tỉnh phía Tây và chống lại các nhóm theo chủ nghĩa ly khai và cực đoan ở Tân Cương, đặc biệt là do sự nổi lên của các điểm nóng “bất ổn”, cùng với tình trạng không chắc chắn của tình hình ở Afghanistan sau năm 2014.
Về việc thành lập AIIB gần đây và Quỹ Con đường tơ lụa, quy mô các dự án “các Con đường tơ lụa” của Trung Quốc cho thấy rằng Trung Quốc, như trước đó, sẽ tập trung vào sự hợp tác kinh tế với các nước Trung Á, Nga, Iran, các nước Cộng hòa xuyên Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan,… tức là với các nhà nước có vị trí địa chiến lược quan trọng ở Âu-Á. Đồng thời, Trung Á vẫn là khu vực chính của những nỗ lực khu vực của Trung Quốc trong việc thực hiện chiến lược “Tây tiến”. Khu vực này là một kho tài nguyên thiên nhiên giàu có và một tuyến đường vận tải quan trọng cho các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc sang phương Tây.
Ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc ở Trung Á chắc chắn mang ý nghĩa thách thức địa chính trị đối với địa vị của Nga ở khu vực, khi Moskva thúc đẩy Liên minh Kinh tế Âu-Á của chính họ. Trong những hoàn cảnh này, Nga có thể xuất phát từ chiến lược “kiểm soát-hợp tác”, mà có thể phục vụ như một nền tảng cho sự tương tác giữa Moskva và Bắc Kinh không chỉ ở Trung Á mà còn ở toàn Âu-Á. Một mặt, Nga sẽ theo dõi chặt chẽ Trung Quốc: Kremlin sẽ “tế nhị” tìm cách đặt ra những giới hạn về sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp. Việc này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ địa chính trị của Nga. Ngược lại, Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine và sự xấu đi do đó của các mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, sự ủng hộ của Bắc Kinh là cần thiết đối với Moskva.
Mặt khác, có nhiều lĩnh vực khác để củng cố những nỗ lực chung giữa hai nước, như những mối đe dọa xuyên quốc gia (chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và buôn bán ma túy) mà đặc biệt có liên quan với Trung Á và Trung Đông. Có thể có một sự cần thiết phải phát triển một loạt biện pháp tăng thêm để đảm bảo an ninh của khu vực trong khuôn khổ SCO trong trường hợp xảy ra bất ổn ở Trung Á và tình hình ở Afghanistan xấu đi. Bản thân Trung Quốc sẽ không can thiệp trực tiếp và sẽ hoan nghênh các bên tham gia khác (Nga và Mỹ) duy trì an ninh trong khu vực. Trung Quốc sẽ định hình chính sách khu vực của mình liên quan đến các mối quan hệ Trung-Nga về sự hợp tác và lợi ích chiến lược, và phù hợp với những động lực hiện nay ở Trung Á.
Ảnh hưởng địa chính trị và những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc được củng cố bởi những cơ hội đang gia tăng ở Âu-Á đương nhiên sẽ tăng lên. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ ưa thích những quá trình dài hạn. Nước này có thể sử dụng SCO như một công cụ để thúc đẩy những lợi ích kinh tế trong khu vực, nhưng nước này sẽ cố gắng không vận động hành lang cho các dự án “thương mại tự do” bên trong SCO. Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ miễn cưỡng tự xem mình là một động cơ hội nhập trong không gian Xôviết trước đây hay biến SCO thành một dự án hội nhập mới. Công cụ chính của sự xoay trục Âu-Á của Bắc Kinh là một loạt hành lang vận chuyển và hậu cần ràng buộc Trung Á, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á vào một mạng lưới vận tải thống nhất. Giới lãnh đạo tin rằng việc quản lý những hành lang xuyên lục địa rộng lớn sẽ đóng một vai trò quyết định trong việc tái định hình các lực lượng ở khu vực Âu-Á.
AIIB kết hợp với Quỹ Con đường tơ lụa có thể trở thành những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Âu-Á. Triển vọng này được các thành viên sáng lập đón nhận một cách nhiệt tình, nhiều trong số đó trải qua sự thiếu hụt vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng. Chẳng hạn, Kazakhstan và Turmenistan có sự tăng trưởng kinh tế tương đối ổn định nhờ vào xuất khẩu các nguyên liệu thô, nhưng thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại. Do đó, có giả định rằng các nước Trung Á sẽ trở thành một số nước hưởng lợi đầu tiên. Đặc biệt, AIIB có thể tài trợ cho việc xây dựng đường sắt “Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan” với sự tiếp cận tiềm năng với Turmenistan và Trung Đông.
Có một loạt rộng lớn các thách thức, mà có thể cản trở cuộc tấn công Âu-Á của Trung Quốc. Theo một số cách, các mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Trung Á giống kế hoạch tổng thể mà Bắc Kinh đang áp dụng ở châu Phi và Mỹ Latinh với sự đặc biệt nhấn mạnh vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu hàng hóa. Nước này có xu hướng xem Trung Á là nước cung cấp nguyên liệu thô cho nền kinh tế nước này. Việc tăng cường sự hiện diện phần lớn sẽ được quyết định bằng hoạt động đầu tư gia tăng trong lĩnh vực hàng hóa, sự phát triển các đường ống,và nhiều dự án cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, cam kết hơn nữa với công thức “đầu tư để đổi lấy nguyên liệu thô” dẫn đến một số hậu quả tiêu cực.
Trung Quốc có thể bị buộc tội theo chủ nghĩa thực dân mới trong nỗ lực biến khu vực này thành những nước chư hầu cung cấp nguyên liệu thô. Do đó, để tránh điều này, nước này cần đầu tư vào các dự án bảo vệ môi trường, tăng phúc lợi của người dân ở khu vực này và tạo công ăn việc làm cho dân địa phương. Như đã đề cập trước đó, Bắc Kinh có ý định mở các mối liên kết mới đối với Trung Á và để kết nối Kyrgyzstan, Uzbekistan giàu dầu lửa, Turmenistan, Iran, Iraq và Syria với châu Âu thông qua một mạng lưới đường sắt thống nhất. Tuy nhiên, sức mạnh chính trị ở một số nước Trung Á và Trung Đông không đủ ổn định. Ngoài ra, những khu vực này vật lộn với đói nghèo và một phạm vi rộng lớn các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo. Hiện nay, các chính phủ Syria và Iraq đang tiến hành các cuộc chiến ác liệt với nhiều nhóm vũ trang. Do tình hình chính trị và quân sự hết sức khó khăn, những triển vọng xây dựng đường sắt qua những nước này hiện nay dường như là xa vời.
Nếu Bắc Kinh quyết định là một phần trong bức tranh phức tạp này, thì sẽ rất khó để rút khỏi những khu vực này. Nếu nước này lựa chọn bắt tay vào “can thiệp mang tính xây dựng”, thì nên có một kế hoạch được chuẩn bị trước để đối phó với các vấn đề có thể có và cân nhắc đến những mối quan hệ phức tạp giữa các nước. Trung Đông được đặc trưng bởi cuộc cạnh tranh giữa các nhà lãnh đạo khu vực như Iran, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Israel. Ở Nam Á, vẫn có những căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan. Cho dù Bắc Kinh có lập trường như thế nào về một vấn đề cụ thể, sẽ luôn có một bên bất mãn, khiến nước này phải khéo léo cân bằng giữa những lợi ích của các nhà nước khác nhau.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay ở Trung Á mang lại cho nước này một cơ hội tốt để củng cố sự hiện diện của mình trong khu vực và do đó chiến lược “Tây tiến” của nó ở những điểm then chốt khác của Âu-Á. Véctơ Trung Á của sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất trong nỗ lực của nước này thực hiện hội nhập khu vực. Hiện tại, Trung Quốc có một ảnh hưởng lớn lên sự cân bằng sức mạnh địa chính trị ở đó, ở nơi nước này không sử dụng sự triển khai “sức mạnh” truyền thống riêng biệt của các nước lớn khác. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc được đi cùng bởi các gói đầu tư “vô điều kiện” sẽ mang lại cho Bắc Kinh địa vị của một bên tham gia then chốt trong khu vực.
Quy mô tổng thể của các dự án “các Con đường tơ lụa” cho thấy rằng các chính sách kinh tế của Bắc Kinh dần dần đạt được một quy mô địa chính trị, cả ở cấp khu vực lẫn cấp toàn cầu. Đồng thời, các quan chức Trung Quốc liên tục khẳng định rằng chiến lược Âu-Á của mình cho phép sự cùng tồn tại của Liên minh Kinh tế Âu-Á của Nga. Tuy nhiên, bất chấp việc nói về sự phụ thuộc lẫn nhau cấp toàn cầu và một kết quả cùng thắng cho mọi người, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tiếp tục nhìn vào thế giới qua lăng kính cạnh tranh địa chính trị với Mỹ, như các nhà hoạch định chính sách Mỹ làm với Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc tiếp tục tạo thuận lợi cho sự hợp tác kinh tế toàn diện với sự nhấn mạnh vào những liên kết vận tải. Như đã được lưu ý, sự xoay trục Âu-Á của Trung Quốc hiện nay sẽ không liên quan đến việc thành lập các hiệp định thương mại tự do (FTA) hay bất cứ cấu trúc hội nhập nào khác. Về khía cạnh này, Trung Quốc ngày càng nhìn vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương với FTA của sáng kiến châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) được Tập Cận Bình thúc đẩy tại cuối hội nghị thượng đỉnh APEC gần đây. Một số chuyên gia dự đoán rằng trong dài hạn, Trung Quốc sẽ đưa SREB và Con đường tơ lụa trên biển vào FTAAP.
Do sự nổi lên của các mối đe dọa mới bên trong và bên ngoài ở Âu-Á, một số nhà quan sát Trung Quốc có xu hướng tin rằng sự hiện diện của Bắc Kinh ở lục địa này sẽ không chỉ duy nhất vì mục đích kinh tế. Do sự cùng tồn tại của vài nước lớn ở Âu-Á, vai trò Trung Quốc đóng tất yếu sẽ có những ảnh hưởng địa chính trị đối với những bên tham gia khác ở khu vực này. Khi “những lợi ích” của Bắc Kinh ở khu vực Âu-Á tăng lên, nước này có thể thẳng thắn và quyết đoán hơn để đảm bảo những lợi ích kinh tế của mình. Tuy nhiên, Bắc Kinh phần lớn sẽ vẫn kiềm chế, do nước này hiện nay không có những nguồn lực và ý chí chính trị để “Tây tiến” với tư cách là một bá quyền. Lục địa Âu-Á trong tương lai có thể chứng kiến một cấu trúc phức tạp các thể chế khu vực và sự cân bằng quyền lực, cả hai sẽ ràng buộc Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, câu hỏi khẩn cấp nhất hiện nay là nước này muốn thiết lập kiểu trật tự khu vực nào thông qua sự “xoay trục” Âu-Á và bằng cách nào.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông