Tác giả: Phạm Thủy Tiên
Việc sử dụng các biện pháp khủng bố như một cách nhằm gây các ảnh hưởng chính trị đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử. Tuy nhiên cho đến nay chủ nghĩa khủng bố vẫn còn là một khái niệm gây tranh cãi và vẫn chưa có một định nghĩa nào về chủ nghĩa khủng bố được thừa nhận rộng rãi trong giới học thuật cũng như giữa các nhà hoạch định chính sách. Việc một người vừa có thể bị lên án là khủng bố bởi lực lượng này vừa có thể được tôn vinh như một chiến binh chiến đấu vì tự do bởi lực lượng khác đã phản ánh rõ hiện thực này.
Mặc dù chưa có sự thống nhất về định nghĩa nhưng các nhà nghiên cứu đều thống nhất xác định một số đặc điểm chung nổi bật của các hành động khủng bố: đó là những hành động sử dụng bạo lực, hoặc đe dọa sử dụng bạo lực, có tính toán trước, nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể, thông thường là mục tiêu chính trị. Trong những hành động này, yếu tố “kích thích nỗi sợ hãi lây lan” được cho là then chốt, và sự tàn nhẫn, coi thường các giá trị nhân bản, hướng vào những nơi đông người là những đặc điểm nổi bật.
Chủ nghĩa khủng bố không phải là một hiện tượng mới. Vào năm 996, những kẻ cuồng tín đã tìm cách trục xuất những người La Mã ra khỏi Palestine thông qua một chiến dịch mang màu sắc khủng bố. Kể từ đó, “khủng bố” trở thành một mối lưu tâm ngày càng lớn
trong nền chính trị thế giới. Chủ nghĩa khủng bố hiện đại bắt đầu trở thành một vấn đề an ninh quốc tế quan trọng vào cuối những năm 1960, với hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu xảy ra nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều trong số đó liên quan đến xung đột Israel – Ảrập. Sau sự kiện11/9, có thể nói chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một vấn đề toàn cầu then chốt, là một trong những mối đe dọa lớn nhất cho các quốc gia. Ngày nay, hầu như mọi quốc gia và Liên Hiệp Quốc đều nhận ra bản chất nguy hiểm của mối đe dọa này và đang tìm mọi cách ngăn chặn nó phát triển mạnh hơn. Hành động khủng bố có thể do một vài cá nhân hoặc một tổ chức chống chính phủ gây nên, cũng có thể được chính chính quyền sử dụng và tài trợ để chống lại các nhóm chính trị nhất định.
Thuật ngữ “Chủ nghĩa khủng bố” |
Thuật ngữ “Chủ nghĩa khủng bố”(terrorism) được sử dụng đầu tiên vào năm 1798 bởi nhà triết học người Đức Immanuel Kant. Cùng năm, thuật ngữ này xuất hiện trong một phụ lục của Đại từ điển Viện Hàn lâm Pháp. |
Phân loại
Hiện có thể phân chủ nghĩa khủng bố thành năm loại:
Thứ nhất là khủng bố nhà nước (state terrorism). Đây là hành động khủng bố do nhà nước thực thi, sử dụng các công cụ mà một nhà nước có sẵn như các cơ quan cưỡng chế, thực thi pháp luật dựa trên những phương tiện đã được hợp thức hóa. Vụ Israel giết hại những thủ lĩnh của phong trào Hamas thuộc Palestine năm 2004 được cho là một ví dụ của khủng bố nhà nước.
Thứ hai là khủng bố có sự tài trợ của nhà nước (state-sponsored terrorism). Đây là hành động khủng bố của một nhóm khủng bố trong nước hoặc quốc tế, có sự tài trợ của chính quyền quốc gia. Theo Mỹ, Afghanistan, Libya và Iraq là ba quốc gia chính tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế vì những mục đích riêng. Với phương thức này, quốc gia tài trợ khủng bố có thể sử dụng các nhân viên mật vụ hoặc người đại diện cùa mình nhằm tạo nên sự bất ổn về kinh tế và chính trị tại một quốc gia khác. Các quốc gia còn có thể tài trợ khủng bố bằng cách hỗ trợ phương tiện, tiền bạc, vũ khí và các thiết bị quân sự, huấn luyện và cung cấp thông tin tình báo về đường di chuyển cho những kẻ khủng bố.
Thứ ba là khủng bố của những người theo chủ nghĩa dân tộc (nationalist terrorism), hoặc chủ nghĩa khủng bố mang màu sắc ly khai sắc tộc. Theo đó, các hoạt động khủng bố thường được dùng trong những hoạt động của các phong trào chống thực dân của những người theo chủ nghĩa dân tộc, hoặc bởi các nhóm đấu tranh đòi ly khai khỏi một quốc gia nào đó (ví dụ như phong trào xứ Basque ở Tây Ban Nha, phong trào của người Sikh ở Ấn Độ, hay các phong trào chống Israel của người Palestine).
Thứ tư là khủng bố ý thức hệ (ideological terrorism/ social terrorism), trong đó những kẻ khủng bố sử dụng hoạt động khủng bố để thay đổi một chính sách đối nội (ví dụ như luật phá thai) hoặc để lật đổ một chính phủ nào đó. Loại khủng bố này cũng có thể mang màu sắc tôn giáo.
Thứ năm là khủng bố của những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia (criminal terrorism). Các tập đoàn buôn bán ma túy có thể dùng hoạt động khủng bố để bảo vệ lợi ích riêng bằng cách tấn công chính phủ và các cá nhân có ý định gây khó khăn cho hoạt động và tầm ảnh hưởng của họ. Ví dụ, những tổ chức mafia của Ý đã sử dụng khủng bố để ngăn chặn các nỗ lực trấn áp hoạt động tội phạm của chính phủ nước này.
Cách phân loại này chỉ mang tính tương đối, vì trong nhiều trường hợp, các loại hình khủng bố này có thể đan lồng vào nhau, khó có thể phân biệt rạch ròi. Chẳng hạn, các hoạt động khủng bố ở Chesnia vừa mang màu sắc tôn giáo, vừa mang màu sắc của chủ nghĩa ly khai.
Nguyên nhân phát sinh chủ nghĩa khủng bố
Có nhiều nguyên nhân phát sinh và bùng phát chủ nghĩa khủng bố, đa phần là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân chứ không phải do một hay hai nguyên nhân đơn lẻ. Do hoạt động khủng bố đa dạng và xuất hiện ở nhiều vùng khác nhau, với những điều kiện địa chính trị, xã hội khác nhau, nên nguyên nhân gây ra chúng cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, có thể kể đến những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, toàn cầu hóa được coi là một nguyên nhân khiến chủ nghĩa khủng bố bùng phát. Cùng với sự phát triển thương mại, đầu tư và tài chính theo chiều hướng “xóa nhòa biên giới quốc gia” là sự bùng nổ khoa học kỹ thuật, phương thức vận chuyển và thông tin xuyên biên giới. Chính những yếu tố này vô tình trở thành đồng minh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tạo điều kiện cho những hoạt động khủng bố diễn ra thuận lợi hơn bao giờ hết. Một vụ đánh bom tự sát tại Iraq có thể gây chấn động thế giới chỉ trong vòng vài phút, và như thế, tâm lý sợ hãi sẽ nhanh chóng lan rộng. Đây chính là những gì mà những kẻ khủng bố mong muốn. Kèm theo đó, toàn cầu hóa dễ làm xóa mờ bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo… và một số kẻ lợi dụng điều này để kích động tâm lý, tuyên truyền trong dân chúng, tạo nên những hành động phản kháng chính quyền.
Thư hai, đó chính là tình trạng đói nghèo, kéo theo là trình độ dân trí thấp. Đây là những điều kiện giúp chủ nghĩa khủng bố lợi dụng nhằm phát triển mạng lưới hoạt động như chiêu mộ thành viên, sản xuất và vận chuyển vũ khí. Nghèo đói, tuyệt vọng, mất niềm tin vào tương lai hay xã hội, các thanh niên nghèo trong các môi trường cực đoan dễ dàng tin theo sự dẫn dụ của các tổ chức khủng bố, các tổ chức tội phạm, nhất là khi khả năng nhận thức của họ vẫn còn thấp. Không ít thành viên hoạt động trong những mạng lưới khủng bố toàn cầu là những thanh niên trong độ tuổi 20 đến từ châu Phi, Đông Nam Á, khu vực Viễn Đông, Trung Đông…
Thứ ba, chủ nghĩa cực đoan, bao gồm chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, cũng là một nguyên nhân quan trọng. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan bảo thủ có thể dẫn đến chủ nghĩa bài ngoại, hoặc chủ nghĩa ly khai. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan được coi là một trong những nguồn gốc dai dẳng nhất, mạnh mẽ nhất và nguy hiểm nhất khiến phát sinh chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, chủ nghĩa tôn giáo cực đoan khiến các tín đồ tôn thờ Đấng tối cao một cách mù quáng, dẫn đến việc hoàn toàn tin tưởng vào “kẻ đại diện” của Người để dễ dàng bị lợi dụng.
Phương thức hoạt động
Chủ nghĩa khủng bố không phải là một dạng chiến tranh của những nhóm nổi dậy (dù nó thường bị nhầm lẫn là như vậy), cũng không phải là một phong trào chính trị hay ý thức hệ. Nó là một chiến lược hoặc một phương thức thường được các nhóm có những niềm tin chính trị, tôn giáo, tư tưởng khác nhau sử dụng với mẫu số chung là việc tạo ra và lan truyền nỗi sợ hãi, sự phá hủy và bất ổn tại khu vực mục tiêu.
Do đó, các phương thức mà những kẻ khủng bố sử dụng cũng rất đa dạng. Không tặc là một cách rất phổ biến kể từ những năm 1960, nhưng bắt cóc con tin, phá hoại tài sản, đánh bom và ám sát cũng rất thường được sử dụng. Có một mối liên hệ quan trọng giữa phương pháp được những kẻ khủng bố sử dụng và mục đích cuối cùng của chúng: phương pháp càng ngoạn mục, hành động đó sẽ càng nhận được nhiều sự chú ý. Việc bắt giữ một người vô gia cư sẽ nhận được những phản ứng khác với việc bắt giữ một nguyên thủ quốc gia hay việc cướp một chiếc máy bay.
Một trong những mối quan ngại chính về chủ nghĩa khủng bố hiện nay là việc chúng có thể phát triển và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các loại vũ khí hóa học hay sinh học có chi phí sản xuất khá rẻ và có khả năng giết chết hàng loạt nạn nhân tùy thuộc vào điều kiện môi trường khi diễn ra vụ nổ. Khả năng những loại vũ khí như vậy có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố khiến tất cả các chính phủ đều lo sợ và lưu tâm đến vấn đề này.
Mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố chủ yếu là những tác động tâm lý. Hoạt động khủng bố thường nhằm tạo nên sự hoảng loạn, sợ hãi và cảnh giác cao độ trong dân chúng. Vì vậy, những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào thường dân thường mang tính biểu tượng. Chẳng hạn, một vụ đánh bom khủng bố vào một tòa nhà không hoàn toàn vì mục đích giết người bừa bãi mà bởi vì vụ tấn công sẽ được truyền đi khắp toàn cầu, tạo nên không khí sợ hãi trong dân chúng và thu hút sự chú ý đối với những kẻ khủng bố, giúp chúng truyền tải thông điệp chính trị của mình tới số đông người dân trên khắp thế giới.
Cuộc chiến chống khủng bố
Cuộc chiến chống khủng bố là chiến dịch quân sự do Mỹ lãnh đạo để loại trừ nguy cơ khủng bố. Cuộc chiến được phát động lần đầu tiên sau những tổn thất nặng nề mà Mỹ phải gánh chịu từ sự kiện ngày 11/9/2011. Khi đó, chính quyền Mỹ đã cho rằng những vụ tấn công này là “hành động chiến tranh” chống lại nền văn minh phương Tây. Và Mỹ, với vai trò “sen đầm quốc tế”, có nghĩa vụ lãnh đạo “thế giới văn minh” chống lại mối nguy hại “khủng bố quốc tế” đe dọa an ninh phương Tây, mà ở đây trước hết là an ninh Hoa Kỳ. Do đó, cuộc chiến chống khủng bố được xem như một dạng thức chiến tranh mới: một chiến dịch được triển khai vượt ra khỏi biên giới các quốc gia, và xét ở nhiều khía cạnh, triển khai bên ngoài giới hạn luật pháp quốc tế. Cuộc chiến chống khủng bố là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền của Tổng thống George W. Bush, có thể được phân thành 4 ưu tiên chiến lược sau:
- Phong tỏa các tài khoản ngân hàng của những kẻ khủng bố – nguồn tài chính trợ giúp cho các hoạt động của những tổ chức như al-Qaeda;
- Tạo áp lực với các quốc gia chứa chấp khủng bố, bằng cách tuyên bố việc tiếp tay hay trợ giúp cho những kẻ khủng bố là một hình thức tội phạm có tổ chức;
- Lan tỏa các giá trị dân chủ đến vùng Trung Đông – nơi tồn tại các chính quyền bảo thủ, chuyên chế, là nơi phát sinh nhiều mạng lưới khủng bố quốc tế;
- Chống lại nghèo đói và việc hạn chế quyền công dân ở các quốc gia – những yếu tố đã tạo thành nguồn tuyển binh cho những kẻ khủng bố.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dường như đã đặt vào tay chính quyền Bush một tờ ngân phiếu trắng về khả năng dính líu quân sự, đồng ý rằng các cuộc chiến mà Mỹ triển khai là hành động cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi những cuộc tấn công của những kẻ tình nghi khủng bố. Tuy nhiên, Mỹ đã tự do đi quá giới hạn với tờ ngân phiếu này, thể hiện rõ nét qua cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Sau gần 7 năm Mỹ sa lầy tại đây, nhiều người cho rằng đây là cuộc chiến không thành công và không cần thiết. Cuộc chiến tranh Iraq đã nhanh chóng làm xói mòn sự ủng hộ của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo. Chủ nghĩa đơn phương của Mỹ trong trường hợp này không chỉ chia cắt sự đồng thuận giữa các đồng minh trong việc triển khai chiến tranh, mà còn tạo nên thái độ thù địch ngày càng gay gắt đối với chính quyền Bush. Nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng cuộc chiến thiếu một kẻ thù mục tiêu rõ ràng.
Ngày 01/05/2011, trong bài phát biểu tới toàn thể người dân Mỹ tại Nhà Trắng, tổng thống đương nhiệm Barack Obama tuyên bố lãnh đạo tối cao của mạng lưới khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden đã bị tiêu diệt trong một cuộc tấn công của quân đội Mỹ tại thị trấn Abbottabad, Pakistan. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra sau sự kiện mang tính bước ngoặt này: Liệu cái chết của Bin Laden có ảnh hưởng gì đến cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đã theo đuổi hàng chục năm nay? Sức mạnh khủng bố có bị suy giảm? Nhiều sự đồng tình vẫn nghiêng về nhận định: dù Osama bin Laden chết là một đòn giáng nặng vào tinh thần của al-Qaeda và các phong trào vũ trang Hồi giáo, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa khủng bố đã tàn lụi. Chủ nghĩa khủng bố sau một thời gian dài tồn tại, đã phát triển và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, và nhiều thủ lĩnh khác, ngoài bin Laden, đã tham gia lãnh đạo và đảm bảo hoạt động cho mạng lưới xuyên quốc gia này.
Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những nghi vấn của giới nghiên cứu từ khi cuộc chiến chống khủng bố bắt đầu cho đến nay: Thật sự cuộc chiến chống khủng bố là gì? Và nếu chủ nghĩa khủng bố là trung tâm trong chính sách của một siêu cường thì chiến thắng cuộc chiến này có ý nghĩa gì? Có thực sự chủ nghĩa khủng bố đang dần bị tiêu diệt như các tuyên bố từ Nhà Trắng khi những vụ tấn công vẫn tiếp tục gia tăng qua những con số và ngày càng trở nên tinh vi?Những câu hỏi chưa có lời đáp này giúp chúng ta nhận ra phần nào những tham số còn mập mờ, trong đó có việc định nghĩa bản chất cũng như những động cơ thật sự ẩn sau cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ đang tiến hành.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).