#245 – Chính sách đối ngoại của Ngô Đình Diệm (P.2)

2086-ngo-dinh-diem

Nguồn: William Henderson & Wesley R. Fishel, “The Foreign Policy of Ngo Dinh Diem”, Vietnam Perspectives, Vol. 2, No. 1 (Aug., 1966), pp. 3-30.

Biên dịch: Vũ Thị Hương Giang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Chính sách đối ngoại của Ngô Đình Diệm (P.1)

Quan hệ với Bắc Việt Nam

Có thể mô tả thái độ của Diệm với đối thủ Cộng sản ở Hà Nội là thù nghịch hoàn toàn. Điều này đúng với tiếp cận của ông với mọi chế độ Cộng sản; ông không bao giờ có bước đi dù nhỏ nhất nhằm thiết lập quan hệ với bất cứ ai trong số đó. Ngay từ đầu chế độ của mình năm 1954, Diệm dường như không bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về khả năng thương lượng có ý nghĩa về bất cứ chủ đề chính trị quan trọng nào với Hà Nội. Cách tiếp cận của ông với vấn đề cơ bản là tái thống nhất đã được thảo luận ở trên. Diệm cũng cứng rắn như vậy về các vấn đề như quan hệ chính thức giữa Sài Gòn và Hà Nội, phát triển thương mại liên vùng, thậm chí là trao đổi thư từ, bất chấp đôi lần những người Cộng sản có đề nghị.

Mặc dù không có nhiều thông tin công khai về chủ đề này nhưng rõ ràng, những mối liên hệ với chất lượng không rõ vẫn được duy trì rời rạc giữa hai chính phủ. Điều này không có gì là khó thực hiện. Uỷ ban Quốc tế về Giám sát và Kiểm soát và người Pháp cung cấp cơ hội rõ rệt để thi thoảng trao đổi, và còn nhiều kênh bí mật ở Paris, Geneva và những nơi khác. Tuy nhiên, trên cơ sở những bằng chứng hiện có, sau năm 1954 không hề có thương lượng có ý nghĩa nào diễn ra giữa hai chế độ thù nghịch với nhau cho dù là về bất cứ chủ đề nào. Đơn giản là không hề có điểm chung để dẫn tới thảo luận thành công. Thậm chí sau 1957, khi những người Cộng sản nối lại các chiến dịch quân sự ở Nam Việt Nam và vị thế của chính phủ Sài Gòn kém đi nhanh chóng, Diệm và các đồng nghiệp cũng không bao giờ thèm thương lượng với Hà Nội để tìm một lối ra có thể.

Theo những gì được biết đến nay, mối dây dưa nghiêm túc duy nhất giữa Sài Gòn và Hà Nội diễn ra vào cuối chế độ Diệm, và xảy ra do sự xúi giục của em trai tổng thống, Ngô Đình Nhu, mà rất có thể là lúc đầu chính Diệm cũng không hay biết. Khi áp lực của Mỹ lên chế độ Diệm tăng lên trong mùa hè 1963, rõ ràng Nhu đã bắt đầu trao đổi với Phạm Văn Đồng, Ngoại trưởng của Cộng sản, thông qua trung gian là Đại sứ quán Pháp tại Sài Gòn, để công khai tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến. Tuy vậy, có lẽ mục đích của Nhu không phải là tìm cơ sở cho đàm phán hoà bình với Hà Nội. Thậm chí cả ông cũng không có ý định nghiêm túc về việc hoà giải với những người Cộng sản. Thay vào đó, Nhu cố sử dụng các trao đổi – mà sự tồn tại của chúng nhanh chóng được biết đến – làm phương tiện đòn bẩy với người Mỹ, và để buộc Washington nới lỏng áp lực lên chế độ Diệm. Nói cách khác, nỗ lực tống tiền thô sơ này đơn thuần là công cụ để nâng đỡ chế độ Diệm và là kiểm soát của gia đình Nhu đối với chính quyền Sài Gòn trong hoàn cảnh Mỹ ngày càng gây áp lực phải có cải cách thực chất. Có lẽ nó chưa bao giờ được xem là nỗ lực nghiêm túc nhằm cải thiện quan hệ với những người Cộng sản.

Quan hệ với Pháp

Geneva đánh dấu sự kết thúc của bá quyền lâu dài của Pháp với Việt Nam. Dù có khát vọng gì vào thời điểm ấy thì người Pháp cũng không có triển vọng thực tế nào về việc duy trì một vị thế quan trọng ở miền bắc Cộng sản. Để chắc chắn, ngay lập tức họ cử Jean Sainteny đến Hà Nội làm Đại diện Toàn quyền ở Bắc Việt Nam, nhưng phái bộ của ông và các phái bộ sau đó không mang lại nhiều lợi ích rõ ràng cho Pháp. Còn đối với Nam Việt Nam, Diệm và các đồng nghiệp hoàn toàn quyết tâm rũ bỏ người Pháp. Tương tự như hầu hết đồng bào mình, Diệm có chung sự ghê tởm sâu sắc đối với chủ nghĩa thực dân Pháp. Cho dù ông có mong đến mấy được tiến hành cuộc đấu tranh chống những người Cộng sản vào năm 1954 thì điều ấy cũng không liên quan gì đến thông cảm chính trị dành cho Pháp hay đến bất cứ mong muốn nào nhằm duy trì vị trí đặc quyền của Pháp ở đất nước ông.

Hơn nữa, ông hoàn toàn không tin người Pháp và vẫn luôn như vậy suốt một thời gian dài. Ông coi giải pháp mà họ thương lượng [ở Geneva-ND] là sự phản bội ghê gớm với lợi ích của Việt Nam. Ông xem những điều khoản của giải pháp ấy là nỗ lực sau cùng nhằm bảo vệ lợi ích văn hoá và kinh tế của Pháp ở Việt Nam bằng việc hy sinh vị trí chính trị của họ. Theo phân tích này, Pháp nhất trí dùng chia cắt làm thủ đoạn tạm thời mà thôi, và coi chính phủ của Diệm ở miền nam đơn thuần là chế độ trông nom tạm thời, chờ đến tái thống nhất đất nước dưới sự bảo trợ Cộng sản (thông qua bầu cử được lên kế hoạch cho tháng 7/1956) và thương lượng đang diễn ra về một tạm ước của Pháp với những người Cộng sản. Diệm tin rằng người Pháp sẵn sàng hy sinh chế độ của ông, chế độ mà trong bất cứ trường hợp nào họ cũng coi là sẽ sụp đổ trước sức nặng của tình hình bất lợi, nhằm tạo điều kiện cho việc xích quan hệ lại gần với Hà Nội. Trò hai mang của Pháp trong khi xúi giục và ủng hộ vật chất cho Bình Xuyên cùng các môn phái tôn giáo trong những tháng sau Geneva, nỗ lực của họ nhằm rũ bỏ Diệm trong mùa xuân 1955 khi ông có những biểu hiện củng cố vị trí của mình, và các chính sách mơ hồ tương tự trong những lĩnh vực khác, càng xác nhận phán xét của Diệm về dã tâm của Pháp đối với cá nhân ông và chính phủ của ông.

Nếu Diệm có bất cứ viễn cảnh nào về củng cố quyền lực của mình và bảo vệ chế độ của ông về lâu về dài thì người Pháp sẽ phải cuốn gói ra đi. Rất nhanh chóng, chế độ của ông đảm nhiệm quyền lực chính phủ do Pháp uỷ thác cho Nhà nước Việt Nam theo thoả thuận khởi động từ tháng 6/1954 nhưng sau đó không hề được ký kết hay phê chuẩn. Vào tháng 8, thảo luận đã diễn ra nhằm bãi bỏ liên minh kinh tế và thuế quan thiết lập từ Hiệp định Pau 1950 giữa Việt Nam, Lào và Campuchia mà trong đó, Pháp giữ những đặc quyền đặc biệt lẫn một tiếng nói mạnh mẽ; các thương lượng này kết thúc thành công vào cuối tháng 12. Sau đó, Sài Gòn rút đại diện khỏi Đại Hội đồng khối Liên hiệp Pháp.

Trong khi đó, vào tháng 9, người Pháp và Mỹ đạt thoả thuận là viện trợ của Mỹ cho Việt Nam phải được chuyển trực tiếp cho chính phủ Sài Gòn chứ không thông qua Pháp; và dàn xếp này có hiệu lực từ ngày 1/1/1955. Diệm đặc biệt lo lắng muốn loại bỏ càng nhanh càng tốt biểu tượng áp đặt về sự thống trị của thực dân – Quân đoàn Viễn chinh Pháp. Vào thời điểm hội nghị Geneva, các lực lượng Liên hiệp Pháp trong đất nước lên tới 200.000 lính. Ngay từ tháng 12/1954, Diệm đã lần đầu kêu gọi họ rút quân. Phải khó khăn lắm Hoa Kỳ mới thuyết phục được ông rằng rút quân quá vội vàng sẽ khiến Nam Việt Nam mất phòng thủ quân sự, và do đó việc sơ tán các lực lượng Pháp phải được thực hiện dần dần với sự phát triển của ít nhất là một quân đội quốc gia có hiệu quả. Tuy vậy, việc giảm dần các lực lượng Pháp vẫn diễn ra trong các tháng sau Geneva. Đến tháng 1/1956, Diệm cảm thấy đến lúc phải chính thức yêu cầu rút hoàn toàn Quân đoàn Viễn chinh Pháp và phải đạt được thoả thuận về thời gian biểu cuối cùng vào tháng 3. Bộ chỉ huy tối cao của Pháp ở Nam Việt Nam bị giải tán không lâu sau đó, và các binh lính cuối cùng của Pháp rời đi trong một vài tháng tiếp theo. Vào tháng 5/1957, thậm chí cả phái bộ quân sự Pháp tại chính phủ Sài Gòn cũng bị kết thúc.

Trong suốt giai đoạn nắm quyền, Diệm luôn nghi ngờ sâu sắc về các động cơ của Pháp đối với Nam Việt Nam. Nhiều điều khác nhau liên tục củng cố ác cảm của ông, chẳng hạn như chính sách của Pháp về bầu cử tái thống nhất, việc duy trì phái bộ ngoại giao Pháp ở Bắc Việt Nam, và xu hướng thâm căn cố đế của Pháp nhằm dính líu với các phái tôn giáo ở miền nam. Mặc dù ông rất hâm mộ văn hoá của người Pháp cũng như sự tinh vi và khéo léo mang tính truyền thuyết của họ trong chính trị, Diệm đơn giản không tin họ khi bàn đến đất nước mình. Ông âm thầm vui mừng khi hàng ngàn người Pháp rời Nam Việt Nam sau Geneva. Ông vui vẻ chấp nhận viện trợ kinh tế và văn hoá của Pháp bởi vì nước ông cần càng nhiều sự trợ giúp càng tốt, và ngoài ra, tiêu chuẩn kỹ thuật trong viện trợ Pháp luôn luôn cao. Nhưng ông có những e ngại về hàng trăm cá nhân trong bộ máy quản lý hành chính chương trình viện trợ Pháp, và có lúc, ông khăng khăng quan điểm là phải giảm đáng kể sự hiện diện văn hoá của Pháp. Suy cho cùng, Pháp vẫn luôn là một nhân tố tiêu cực trong chính sách đối ngoại của VNCH. Dù gặp bất cứ khó khăn nào trong xử trí với Hoa Kỳ, và thậm chí cả sau khi quan hệ giữa Sài Gòn và Washington bắt đầu xấu đi rõ rệt, Diệm không bao giờ coi Pháp là đối trọng tiềm năng với ảnh hưởng của Mỹ.

Quan hệ với Lào và Campuchia

Xử trí của Sài Gòn với Lào và Campuchia bị ảnh hưởng tiêu cực từ cả thái độ truyền thống của người Việt đối với các dân tộc ở hai nước này và bởi lịch sử lâu dài của quan hệ thù nghịch lẫn nhau. Người Việt Nam có xu hướng coi thường xen lẫn khinh bỉ cả người Lào và Campuchia, như thể họ mới là những người thuộc một nền văn minh ưu việt hơn mang ánh sáng đến dân mọi rợ. Rõ ràng, những thái độ này chủ yếu có từ sự mở rộng trong lịch sử của Việt Nam đối với Lào và Campuchia. Nhiều người Việt Nam ở cả miền bắc lẫn miền nam coi nhiều vùng khác nhau thuộc quyền quản lý ngày nay của Lào và Campuchia là những phần hợp pháp của lãnh thổ quốc gia; và hơn nữa, còn có nhiều người thiểu số Việt Nam ở cả hai nước, trong đó ở Campuchia có số lượng khá lớn.

Nhìn chung, quan hệ chính thức với Lào tương đối tốt đẹp trong suốt chế độ Diệm. Sài Gòn phẫn nộ với việc sử dụng lãnh thổ của Lào làm căn cứ cho du kích cộng sản hoạt động ở Nam Việt Nam; nhưng nó cũng công nhận rằng chính phủ Vientiane chẳng thể làm gì được mấy; Diệm và các đồng nghiệp rất phiền lòng bởi tình hình chính trị và quân sự xấu đi ở Lào trong năm 1960 và sau đó, cũng như phản đối việc thay thế chế độ của Boun Oum bằng một chính phủ trung lập tại Hội nghị Geneva về Lào năm 1961-62. Họ chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng Lào kéo dài, và cho rằng việc xử lý của Washington phản ánh biểu hiện đáng báo động về sự yếu kém và thiếu quyết đoán [của Washington – ND].

Từ đầu, quan hệ của VNCH với Phnom Penh đã phức tạp bởi tranh chấp lãnh thổ và tranh cãi về đối xử với những người thiểu số. Nhưng điểm tranh cãi chính giữa hai chính phủ luôn là quan điểm khác biệt rõ rệt của họ về chính trị Chiến tranh lạnh; và vấn đề càng trở nên phức tạp bởi sự đối nghịch cá nhân của Diệm với Hoàng thân Sihanouk. Sau giải pháp Geneva năm 1954, trong đó liên quan đến cả Lào và Campuchia lẫn Việt Nam, chính phủ Phnom Penh lái dần về quan điểm trung lập hơn trong công việc quốc tế. Theo thời gian, rõ ràng Sihanouk dần đi đến kết luận rằng Nam Việt Nam về lâu về dài sẽ không thể chống lại sự lật đổ của Cộng sản, kể cả với trợ giúp của Hoa Kỳ đi nữa; và rằng lục địa Đông Nam Á nói chung sẽ rơi vào ảnh hưởng của khối Cộng sản Châu Á do Bắc Kinh dẫn đầu. Tất cả những điều ấy là lời nguyền rủa đối với Diệm và các đồng nghiệp, những người cũng cay đắng phẫn uất với việc du kích Cộng sản sử dụng lãnh thổ Campuchia vừa làm căn cứ hoạt động chống Nam Việt Nam lẫn làm điểm trú ẩn. Trong suốt nhiều năm, rất nhiều vụ đụng độ biên giới đã khiến quan hệ giữa hai nước trầm trọng thêm. Tình hình càng phức tạp hơn do Campuchia trao quyền tị nạn chính trị cho các đối thủ chính trị không phải là Cộng sản với chế độ Diệm, và bởi những âm mưu được cho là của Nam Việt Nam nhằm lật độ chính phủ Sihanouk. Tuy nhiên, bất chấp xấu đi, quan hệ giữa hai nước vẫn được duy trì cho đến gần hết cuối giai đoạn Diệm.

Quan hệ với Ấn Độ

Mặc dù Diệm từng tin tưởng vào vị trí phù hợp của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế song chế độ của ông không bao giờ có quan hệ dễ dàng với chính phủ New Delhi. Điều này một phần là do chính sách không liên kết nói chung của Ấn Độ mà nhìn từ góc độ của Sài Gòn thì phần nào gần với việc ủng hộ tích cực các nước Cộng sản. Nhưng hơn cả thế, nó xuất phát từ những nghi ngờ không thể nào xoá bỏ của Diệm về vai trò chủ chốt của Ấn Độ là chủ tịch của Uỷ ban Giám sát và Kiểm soát gồm ba quốc gia (Canada, Ấn Độ, Ba Lan). Diệm tin rằng Uỷ ban Quốc tế có sự thiên vị bất lợi cho chế độ của ông, và ông chủ yếu đổ lỗi điều này cho sự có mặt của Ấn Độ, những người mà ông vô cùng nghi ngờ chủ nghĩa hiện thực chính trị và thậm chí là sự đáng tin cậy của họ. Sự thù nghịch với những người Ba Lan, tất nhiên, được coi là đương nhiên. Kết quả là sự căng thẳng đáng kể trong quan hệ của VNCH với New Delhi. Diệm và các đồng nghiệp có lẽ đã phán xét sai tình hình thật sự về Uỷ ban quốc tế, đặc biệt là vai trò của người Ấn Độ trong đó. Trên thực tế, người Ấn Độ nhanh chóng hiểu người Cộng sản, và trong công việc thật sự của Uỷ ban, nhất là sau năm 1955, họ thường đồng cảm với Sài Gòn hơn là Hà Nội. Chỉ có năm 1962, khi Ấn Độ bỏ phiếu cùng Canada về báo cáo đặc biệt nhằm chỉ trích những người Cộng sản vì đã ủng hộ xâm chiếm Nam Việt Nam thì Diệm mới nhìn nhận lại quan điểm của mình.

Quan hệ với các nước châu Á khác

Quan hệ với Hoa Kỳ

……

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Chinh sach doi ngoai cua Ngo Dinh Diem – p2.pdf