Sự suy giảm đổi mới trong Quân đội Hoa Kỳ

image-777x583

Nguồn: Dan Steinbock, “The Decline of US Military Innovation”, Project Syndicate, 27/01/2015.

Biên dịch: Trần Thị Bích Thuận, Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Hoa Kỳ đang đối mặt với nguy cơ đánh mất lợi thế quân sự của mình. Lực lượng vũ trang của nước này vẫn có thể được coi là tiên tiến nhất thế giới khi Hoa Kỳ chi hơn gấp hai lần vào việc nghiên cứu và phát triển quân sự so với các cường quốc lớn khác như Pháp hay Nga, và hơn gấp chín lần so với Trung Quốc và Đức. Tuy nhiên, khả năng tiếp tục dẫn đầu về công nghệ của Hoa Kỳ đã không còn được đảm bảo nữa.

Từ năm 2005, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã cắt giảm 22% chi tiêu về nghiên cứu và phát triển (R&D) quân sự. Năm 2013, như một phần của thỏa thuận để ngăn chặn tranh cãi về trần nợ công, Quốc hội Hoa Kỳ đã yêu cầu cắt giảm chi tiêu tự động 1,2 ngàn tỷ đô la.

Bước đi này, đòi hỏi cắt giảm chi phí cho nhiều chương trình khác nhau, bao gồm cả những sáng kiến nghiên cứu quốc phòng, bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama cho là “phá hoại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia”. Nếu những sáng kiến quốc phòng của Hoa Kỳ tiếp tục bị xói mòn, không chỉ khả năng phòng phủ của Mỹ sẽ bị thiệt hại mà đất nước này còn có thể đối mặt với nguy cơ bị thụt lùi trong cạnh tranh và đổi mới thương mại.

Việc cắt giảm ngân sách đã đặt ra một trong những thử thách lớn nhất đối với những nỗ lực của quân đội Hoa Kỳ trong việc duy trì những lợi thế công nghệ của mình. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency) và Lục quân đã bị ảnh hưởng nặng nề với chi tiêu R&D bị cắt giảm gần một nửa kể từ năm 2005. Ngân sách nghiên cứu của Hải quân cũng bị cắt giảm 20% và Cơ quan Nghiên cứu dự án tiên tiến (DAPRA) của Bộ Quốc phòng – tổ chức có nhiệm vụ giữ vững vị thế hàng đầu về công nghệ của quân đội Hoa Kỳ – đã phải cắt giảm 18% chi phí R&D. Thậm chí Lực lượng Không quân, trước đây vẫn được Quốc hội ưu tiên trong khoản chi tiêu nghiên cứu, nay đã buộc phải cắt giảm khoảng 4% ngân sách.

Khi tiền đã được phân bổ, áp lực về chi phí cũng thường khuyến khích các khoản đầu tư vào các dự án hứa hẹn mang lại kết quả nhanh chóng – một sự thiên vị ảnh hưởng tiêu cực tới các đổi mới về dài hạn vốn có thể tạo ra một lợi thế chiến lược nào đó. Ngay cả DARPA cũng đã trở thành nạn nhân của áp lực phải tiến hành các nghiên cứu có thể đảm bảo kết quả nhanh chóng.

Dường như khiến sự việc tồi tệ hơn, những nỗ lực đổi mới của quân đội Hoa Kỳ phải đối mặt với một số vấn đề về cấu trúc. Sáu thập kỷ với những cố gắng cải tổ quy trình mua sắm vũ khí quốc phòng vẫn chưa mang lại kết quả nào. Phần lớn các thiết kế, quá trình phát triển và sản xuất của các hệ thống quân sự được thực hiện bởi ngành công nghiệp dân sự, nhưng việc đưa ra quyết định chắc chắn vẫn nằm trong tay của các quan chức quân đội – những người không có khả năng cân bằng giữa việc cắt giảm chi phí và đổi mới.

Sự cạnh tranh bên trong và giữa các quân chủng đã từng “bắt chước” vai trò của cạnh tranh trong khu vực tư nhân: cạnh tranh dẫn dắt sự sáng tạo. Tuy nhiên, với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, áp lực phải giữ vững vị trí dẫn đầu đã suy giảm, lấy đi động cơ tăng trưởng quan trọng của lĩnh vực quốc phòng. Hơn nữa, tỉ lệ chi tiêu R&D so với doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu đã rớt xuống gần 1/3 từ năm 1999 đến 2012. Trái lại, những người khổng lồ công nghệ của Hoa Kỳ đã đầu tư nhiều hơn gấp 4-6 lần vào R&D.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang vấp phải tình trạng các cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình trở nên trống rỗng. Cạnh tranh gia tăng đến từ Trung Quốc và những nền kinh tế lớn mới nổi khác đã làm suy giảm khả năng sản xuất của nước Mỹ, gây nguy hại đến khả năng của quốc gia trong việc phát triển các sản phẩm quốc phòng tinh vi nhất về mặt công nghệ. Công nghiệp quốc phòng – từng chế tạo được các công nghệ tiên tiến như laser, GPS và mạng Internet – đã giúp lèo lái nền kinh tế Hoa Kỳ. Ngày nay, công nghệ dân sự gần như là người đi tiên phong trong hầu hết các lĩnh vực.

Hệ quả có thể được nhận thấy thông qua sự gia tăng cạnh tranh nước ngoài tại thị trường vũ khí quốc tế. Các nhà sản xuất Hoa Kỳ đang tự nhận thấy mình ngày càng dễ bị tổn thương tại các lĩnh vực mà họ đã từng thống trị – bao gồm máy bay không người lái, giám sát tình báo và trinh sát, tên lửa và vệ tinh – khi các đối thủ cạnh tranh dựa trên giá rẻ giành được ngày càng nhiều thị phần. Năm 2013, xuất khẩu vũ khí của Nga đã vượt mặt Hoa Kỳ hơn 2 tỷ đô la.

Tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã công bố một sáng kiến mới nhằm “duy trì và thúc đẩy sự thống trị quân sự của Hoa Kỳ ở thế kỷ 21”. Tại thời điểm mà ngân sách bị thu hẹp và những thách thức chiến lược đang thay đổi, ông đã tập trung vào sự đổi mới. Ông nói: “Áp lực tài khoá kéo dài sẽ có thể làm hạn chế khả năng quân sự của chúng ta trong việc ứng phó với các thách thức dài hạn bằng cách làm chúng ta không thể gia tăng quy mô lực lượng của mình, hoặc chỉ đơn giản là không thể chi nhiều tiền hơn các đối thủ tiềm tàng vào những hệ thống vũ khí hiện tại”. “Vì vậy, để vượt qua được những thử thách đối với ưu thế quân sự vượt trội của mình, chúng ta buộc phải thay đổi cách thức chúng ta sáng tạo, vận hành và kinh doanh”.

Chín ngày sau đó, Hagel đã nộp đơn từ chức và việc từ chức sẽ có hiệu lực ngay sau khi Thượng viện xác định được người thay thế ông. Một chính sách nhằm khôi phục lại quá trình đổi mới cũng như sản xuất quốc phòng ở Mỹ đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì khả năng lãnh đạo về mặt công nghệ cũng như sức cạnh tranh thương mại toàn cầu của mình. Nhưng thật không may, người kế nhiệm ông Hagel có thể đã nhận ra rằng, trong thời đại của ngân sách hạn chế và chi tiêu bị cắt giảm một cách tự động, chiến lược đổi mới toàn diện mà Hagel đã mường tượng ra có thể đơn giản là không khả thi.

Dan Steinbock, đối tác tại Diffrence Group, là Giám đốc nghiên cứu về thương mại quốc tế tại Viện nghiên cứu Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. Ông đồng thời cũng là nghiên cứu viên khách mời tại Viện nghiên cứu Thượng Hải về Quốc tế học ở Trung Quốc và Trung tâm EU tại Singapore.