Trung Quốc với AIIB

AIIB_logo-2

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ & Phạm Sỹ Thành

Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) là một cơ hội để Trung Quốc xây dựng vai trò lãnh đạo của mình. Tuy nhiên, AIIB cũng thử thách năng lực điều phối các vấn đề mang tính quốc tế của Trung Quốc.

Những câu hỏi về quản trị và điều phối

Trước hết, cho đến nay, dường như nội bộ Trung Quốc vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn về mục tiêu, vai trò và cách thức vận hành của AIIB. Những tuyên bố trái chiều phát đi từ Trung Quốc về việc quốc gia này có giữ quyền phủ quyết trong AIIB hay không đã cho thấy điều đó. Hay như những tranh luận về việc AIIB nên là một định chế đa phương, đóng vai trò như một ngân hàng phát triển của khu vực hay là một định chế do Trung Quốc chi phối và phục vụ cho các nhu cầu của Trung Quốc.

Những ghi nhận từ cuộc tranh luận nội bộ của nước này cho thấy vẫn đang có sự giằng co giữa các ý kiến khác nhau về cả mục tiêu, lẫn phương thức quản trị mà AIIB hướng đến. Nghiên cứu của một học giả Trung Quốc chỉ ra: có ý kiến cho rằng AIIB cần phục vụ chương trình kinh tế (và chính trị) của Trung Quốc, tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan tới phát triển cơ sở hạ tầng cùng với chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Theo đó, những quốc gia không tôn trọng Trung Quốc hay có những vấn đề chính trị-an ninh với nước này sẽ nhận được ít vốn hơn.

Với những dự án có chu kỳ vốn dài, lãi suất thấp, có nghi ngại AIIB và cả Quỹ con đường tơ lụa 40 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc sẽ là một “ngân hàng vốn rẻ” để dùng cho các mục đích chính trị dựa trên các dự án đầu tư của Trung Quốc. Từ hai mục đích chính: (1) gia tăng ảnh hưởng chính trị và thực thi chính sách (2) lấy tài nguyên đổi cơ sở hạ tầng, Trung Quốc không tiếc tiền đổ vào các dự án đầu tư, đồng thời cung cấp cả công nhân và máy móc thiết bị (lạc hậu).

Hậu quả tất yếu là các dự án này không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường và an ninh xã hội. Như trường hợp Myanmar với ba dự án: nhà máy thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỉ đô la Mỹ (2011); mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỉ đô la Mỹ (2014) và đường ống dẫn dầu khí đốt Shwe trị giá 5 tỉ đô la Mỹ (2014) – đóng vai trò chiến lược trong việc giảm phụ thuộc của Trung Quốc vào đường vận chuyển qua eo Malacca. Cả ba dự án này đều gây tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội địa phương, gây nên làn sóng phản đối rất lớn trong nội bộ Myanmar. Thậm chí dự án đường ống Shwe còn dẫn đến xung đột giữa các nhóm thiểu số và quân đội. Hai dự án thủy điện và mỏ đồng hiện đã bị hủy, còn dự án Shwe vẫn đang được xem xét cùng với hàng loạt dự án gây tranh cãi khác của Trung Quốc.

Tiếp theo, về mặt mô hình, AIIB đối diện với một loạt vấn đề liên quan đến quản trị. Chẳng hạn, cơ cấu quản trị nội bộ của AIIB sẽ tạo ra sự phân cấp quyền lực như thế nào? Theo gợi ý của ông Lâu Kế Vĩ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc, đây có thể là một mô hình quản trị ba cấp giống như mô hình quản trị của một công ty hiện đại, với quyền lực cao nhất thuộc về ban quản trị (có vai trò như hội đồng quản trị của công ty). Nhưng quyền lực và cơ cấu của ban quản trị như thế nào đến nay vẫn chưa được làm rõ. Bởi lẽ, để xác định được điều này, AIIB cần tự mình đề xuất được một mô hình phân chia quyền lực và lợi ích có khả năng làm hài lòng các bên liên quan chủ chốt. Các lý thuyết quản trị công ty hiện đại chỉ ra rằng sự tồn tại của cơ cấu quản trị chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi cơ cấu quản trị đó phù hợp với cơ chế quản trị. Nói cách khác, sự tồn tại của một mô hình phân cấp ba tầng nấc phải dựa trên việc xác định được vai trò, quyền hạn và lợi ích của từng cấp trong đó.

Ở góc độ này, AIIB đang vấp phải hai vấn đề cần làm rõ: (i) cơ chế góp vốn (để hình thành nên quyền và lợi sau này) sẽ như thế nào; và (ii) quyền bỏ phiếu sẽ được xác định ra sao? Về cơ chế góp vốn, Trung Quốc có thể sử dụng dự trữ ngoại tệ hơn 3.800 tỉ đô la Mỹ của mình hoặc phát hành các trái phiếu đặc biệt để huy động vốn cho AIIB. Nhưng các quốc gia khác (đặc biệt là các nước đang phát triển) không có được khả năng tài chính như vậy để đóng góp vốn. Nếu Trung Quốc lại cho các quốc gia này vay vốn đề đóng góp vào AIIB thì quyền lực thực sự của các quốc gia (cổ đông) nhỏ là hầu như không đáng kể, và lợi ích của họ có thể dễ dàng bị bỏ qua trong quá trình định hình các quyết sách.

Ý tưởng về quyền bỏ phiếu được xác định dựa trên quy mô GDP đã nhanh chóng bị bác bỏ khi mà cách thức này đem lại cho Trung Quốc tới 60% quyền bỏ phiếu trong AIIB. Bản thân Trung Quốc đã tuyên bố quốc gia này chỉ cần nắm giữ 30% quyền bỏ phiếu, nhưng con số này vẫn còn rất lớn nếu so với 25% của cả Nhật Bản và Hoa Kỳ trong ADB. Điều này sẽ làm giảm tính hấp dẫn của AIIB với tư cách một ngân hàng phát triển đa phương của khu vực, được điều hành vì các mục tiêu phát triển chung.

…và về “sức mạnh mềm”

Một thử thách tiếp theo với Trung Quốc trong việc vận hành AIIB là làm sao đảm bảo được tính minh bạch, các quyết sách ít can thiệp đến chính trị của các quốc gia nhận đầu tư. Trong lĩnh vực này Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành như Nhật Bản hay Hoa Kỳ bởi bản thân Trung Quốc chưa từng lãnh đạo hay thể hiện tiếng nói trong các vấn đề quản trị của khu vực và toàn cầu một cách thuyết phục.

Trong một tuần cao điểm dồn dập tin tức về AIIB, có nguồn tin được cho là từ một chuyên gia cao cấp của Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh sẽ từ bỏ quyền phủ quyết. Điều này đem lại hình dung một AIIB do Trung Quốc khởi xướng, nhưng không do Trung Quốc chi phối và bá quyền. Điều này phản bác hoàn toàn lập luận của các nhà quan sát phương Tây khi nói AIIB sẽ được dùng như một “ngân hàng chính trị hay theo đuổi phương châm đổi cơ sở hạ tầng để lấy tài nguyên”. Chưa tới ba ngày sau, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận quan điểm trên. Tuy vậy, bà cũng không nói liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi quyền phủ quyết hay không.

Cuối cùng, thử thách lớn nhất mà Trung Quốc phải đối diện khi kêu gọi các nước tham gia AIIB là tình thế lưỡng nan khi có sự tham gia của các nước phương Tây có trình độ phát triển cao về tài chính tiền tệ như Anh, Thụy Sỹ, Luxembourg, Úc… Sự tham gia của các nước này vào ban quản trị (nếu có) rõ ràng đem lại một hy vọng lớn cho tính minh bạch, sự hiệu quả, năng lực giải trình cao cho quá trình ra quyết sách của AIIB.

Nhưng nó sẽ đặt Trung Quốc trở lại với tranh luận nội bộ ban đầu của mình: vậy thì cuối cùng AIIB sẽ là một định chế đa phương phục vụ các mục tiêu khu vực hay một định chế được Trung Quốc lèo lái nhằm phục vụ các mục tiêu của mình?

Nếu để AIIB tự diễn tiến thành một cơ chế hợp tác đa phương và hoạt động theo cơ chế bình đẳng để nhấn mạnh sự khác biệt với mô hình IMF mà Mỹ “bá quyền”, Trung Quốc có thể sẽ đánh mất một trong những sáng kiến quan trọng nhất của mình. Nếu buộc AIIB phải phát triển theo ý muốn của mình, Trung Quốc sẽ khiến AIIB mất đi tính hấp dẫn ban đầu và gây phản tác dụng, đồng thời làm giảm động lực của các thành viên vốn ủng hộ sự vận hành của các cơ chế dựa trên các chuẩn mực của luật lệ quốc tế.

Như vậy, việc thành lập AIIB và ngay cả việc các nước ồ ạt tham gia là một tin tốt. Ngay khi Trung Quốc dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo thứ năm mong muốn định hình trật tự thế giới mới, thì thông qua quá trình tham gia sâu rộng hơn vào cơ chế hợp tác đa phương, chính thế giới sẽ giúp điều chỉnh và kéo Trung Quốc trở về thực tế hơn so với các mục tiêu tham vọng của mình.

TS Trương Minh Huy Vũ công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. TS. Phạm Sỹ Thành là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn