Nguồn: Tomoo Kikuchi & Takehiro Masutomo, “Japan should influence the Asian Infrastructure Investment Bank from within”, East Asia Forum, 18/03/2015.
Biên dịch: Đào Quỳnh Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Nhật Bản nên nghiêm túc xem xét việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, bất chấp sự phản đối trong nước.
AIIB lần đầu tiên được đề xuất bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013. Và đến tháng 10 năm 2014, Bắc Kinh đã thu nạp được 21 thành viên sáng lập. Việc đàm phán chi tiết hơn về cơ cấu quản trị của Ngân hàng dự kiến sẽ được hoàn thành khi ngân hàng chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2015.
Một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Nhật Bản dự đoán rằng AIIB có thể thất bại do các thể lệ kém và các dự án không sinh lời. Ông so sánh AIIB với các ngân hàng cho vay dưới chuẩn (subprime lender), cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có kết quả hoạt động yếu kém nhưng có nhu cầu vốn cao.
Tuy nhiên, điều này không hẳn đã đúng. Nhật Bản cần nhận thức rằng họ chưa có đủ ảnh hưởng chính trị để ngăn chặn ngân hàng mới này. Hoa Kỳ được cho là đã gây sức ép lên các nước đồng minh để họ không tham gia vào sáng kiến này của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi Indonesia và New Zealand quyết định tham gia AIIB, Australia vốn ban đầu còn do dự thì nay đã sẵn sàng tham gia và Hàn Quốc cũng đang nghiêm túc cân nhắc làm theo.
Nhật Bản dè dặt trong việc tham gia AIIB một phần vì nó có khả năng làm giảm tầm ảnh hưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn có người đứng đầu luôn là người của Bộ Tài chính hoặc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Cho đến nay, Nhật Bản và Mỹ là hai cổ đông lớn nhất của ADB.
Mỹ và Nhật Bản đã nên nỗ lực thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đáp ứng các lợi ích của Trung Quốc, và làm giảm sự thống trị của Nhật Bản trong ADB. Do không phản ánh được tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi, các tổ chức này có nguy cơ bị gạt ra lề trong dài hạn.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra năm 1997, Nhật Bản đã đề xuất thành lập Quỹ Tiền Tệ châu Á nhưng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Washington.
Sau đó, các nước châu Á đã tăng cường hợp tác tài chính xuyên biên giới. Các thị trường tài chính khu vực đang phát triển nhưng vẫn còn quá kém để có thể trở thành một kênh phân phối hiệu quả các khoản tiết kiệm dư thừa đến những nơi cần đầu tư phát triển trong phạm vi toàn châu Á.
Đến giờ, khi mà AIIB chuẩn bị được thành lập, Nhật Bản có thể và nên cố gắng tạo ảnh hưởng của mình từ bên trong. Singapore, nền kinh tế tiên tiến duy nhất trong số các thành viên sáng lập AIIB, hy vọng rằng có thể cùng với Nhật Bản tạo nên một số ảnh hưởng lên cơ cấu quản trị của AIIB.
Các mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thông qua hỗ trợ phát triển không chỉ tạo nên phản ứng tiêu cực ở Châu Phi mà còn dẫn tới sự gián đoạn của các dự án như đập Myitsone ở Myanmar. Không phải là thành viên của OECD nên Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt của Ủy ban Hỗ trợ Phát triển của Tổ chức này.
Do đó, Nhật Bản có thể hỗ trợ bằng cách giúp xây dựng các thông lệ tốt nhất cho AIIB trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tái định cư cho người dân, tạo việc làm và bảo vệ nhân quyền.
Môi trường kinh tế vĩ mô xung quanh AIIB cũng cần được kiểm tra. Mục tiêu lớn hơn của Trung Quốc là giảm dư thừa công suất trong nước, tăng tính thanh khoản của đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, thúc đẩy chính sách “đi ra ngoài” của các doanh nghiệp nội địa, và sử dụng lượng dữ trữ ngoại hối khổng lồ của mình để mua các tài sản ở nước ngoài.
Dòng vốn FDI ra nước ngoài của khối doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang rất đáng lo ngại vì lợi nhuận trung bình mà nó đem lại thấp hơn so với khối doanh nghiệp tư nhân và thậm chí thấp hơn đáng kể so với chi phí vốn bỏ ra, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Các dự án đầu tư của AIIB vào lĩnh vực này có thể nhân rộng những thông lệ không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc ra bên ngoài.
Trung Quốc đã nhanh nhẹn trong việc đáp ứng các nhu cầu cơ sở hạ tầng rất lớn và cấp bách ở các nước đang phát triển, thay vì các quy trình dự án kéo dài mà các chủ cho vay khác yêu cầu.
Nhưng các chính quyền địa phương tại các quốc gia châu Á có thể yêu cầu tài trợ cho các dự án để mở rộng lợi ích chính trị của họ. Phương pháp tài trợ của Trung Quốc, cùng với các động cơ vô đạo đức của các đối tượng nhận đầu tư, có thể không có lợi cho việc chuyển vốn phục vụ phát triển bền vững trong khu vực
Việc Nhật Bản gia nhập AIIB cũng sẽ thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh cơ sở hạ tầng của Nhật Bản thông qua việc tiếp cận với các thông tin và nguồn lực trong AIIB.
Kể từ năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã đẩy mạnh việc xuất khẩu dịch vụ cơ sở hạ tầng trọn gói, trong đó các doanh nghiệp nội địa sẽ tham gia tất cả các khâu, từ thiết kế cho đến tài trợ vốn.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết tiếp tục nỗ lực này và tăng giá trị xuất khẩu liên quan đến lĩnh vực cơ sở hạ tầng gấp 3 lần, đạt 30 nghìn tỷ yên (khoảng 247 tỷ USD) hàng năm trước năm 2020, tập trung chiến lược vào các nhà máy điện và đường sắt cao tốc.
Về mặt tài chính, Tập đoàn Japanese Exchange Group hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm cơ sở hạ tầng của châu Á. Trong khi đó, các Ngân hàng thương mại của Nhật Bản đang mở rộng ra khắp khu vực châu Á và gia tăng sức mạnh trong việc tài trợ vốn cho các dự án.
Các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Brisbane năm 2014 đã công nhận nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển là một nguồn mới của tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dựa trên ước tính của ADB, nhu cầu cơ sở hạ tầng ở châu Á trong giai đoạn 2010-2020 sẽ là 8.000 tỷ USD, vượt ngoài khả năng của ADB. Việc AIIB được thành lập có thể được xem như là bằng chứng cho rằng Trung Quốc cuối cùng đã trở thành một “thành viên toàn cầu có trách nhiệm”.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Nếu đặt các vấn đề về lịch sử và lãnh thổ sang một bên thì AIIB đem lại một cơ hội to lớn cho hai cường quốc lớn nhất châu Á cùng hợp tác trong lĩnh vực kinh tế nhằm cung cấp các hàng hóa công đến toàn bộ châu Á.
Tomoo Kikuchi là nghiên cứu viên cao cấp và Takehiro Masutomo là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm về châu Á và Toàn cầu hóa, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Đại học Quốc gia Singapore.