Apple, EU và vấn đề chủ quyền của Ireland

Print Friendly, PDF & Email

ireland-apple

Nguồn: Yanis Varoufakis, “Apple, Brussels, and Ireland’s Bruised Sovereignty”, Project Syndicate, 28/09/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Dù họ rõ ràng là luôn hướng về châu Âu (Europeanism), người Ireland vẫn luôn bị EU đối xử tồi tệ.

Năm 2008, khi cử tri Ireland bỏ phiếu bác bỏ Hiệp ước Lisbon, EU đã buộc họ phải bỏ phiếu một lần nữa, cho đến khi đạt được kết quả “mong đợi”. Một năm sau đó, khi các ngân hàng tư nhân Ireland khủng hoảng và đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho các chủ nợ Đức, Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đương nhiệm, đã ngay lập tức “thông báo” cho chính phủ Ireland rằng ECB sẽ đóng cửa hệ thống ATM trên toàn Ireland trừ phi người nộp thuế Ireland chịu trả nợ cho người Đức.

Phía Ireland đành miễn cưỡng chấp nhận. Thế là nợ công tăng vọt, người di cư quay trở về, cả đất nước chìm trong trì trệ và tuyệt vọng. Khi EU từ chối giảm đáng kể gánh nặng nợ công được chuyển sang cho thế hệ trẻ, người Ireland vẫn tin, một cách chính xác, rằng EU đã vi phạm chủ quyền của họ nhân danh các ngân hàng nước ngoài.

Vũ khí lớn nhất để Ireland chống lại giảm phát do nợ là khả năng thu hút “những người khổng lồ công nghệ” Mỹ, bằng cách đem đến một sự kết hợp giữa luật EU, lực lượng lao động tay nghề cao và có thể nói tiếng Anh, và mức thuế doanh nghiệp chỉ 12,5%. Dù rằng các công ty con quy mô nhỏ của những tập đoàn công nghệ toàn cầu ít có tác động tích cực đến thu nhập của hầu hết các hộ gia đình, nhưng chính quyền Ireland vẫn luôn tự hào về mối liên kết của họ với những tập đoàn lớn như Apple. Nhưng giờ đây, Ủy ban châu Âu (EC) đang gây nguy hiểm cho mối quan hệ đặc biệt của chính phủ Ireland với Apple bằng cách yêu cầu họ thu 13 tỷ euro (14,6 tỷ USD) tiền thuế từ tập đoàn này.

Can thiệp mới nhất của EC có phải là một ví dụ khác cho việc EU chèn ép và vi phạm chủ quyền của Ireland không? So sánh can thiệp của Trichet hồi năm 2009 và bế tắc hiện nay về Apple sẽ cho chúng ta một bài học quan trọng, vượt ra ngoài Ireland và cả Châu Âu.

Trong những năm đầu thành lập eurozone, các thể chế tài chính của Đức đã đầu tư ồ ạt vốn vào các ngân hàng thương mại của Ireland. Các ngân hàng này sau đó lại cho những nhà phát triển bất động sản vay tiền. Thế là bong bóng bất động sản đã gây nên sự lãng phí lớn trong khu vực tài chính của Dublin, với hàng loạt các căn hộ ma và một núi nợ thế chấp. Khi bong bóng ấy vỡ sau năm 2008, giá đất lao dốc, các khoản nợ xấu đi, và các ngân hàng tư nhân của Ireland đã sụp đổ.

ECB, trong một sự sỉ nhục giống như hành động của người Anh trong Nạn Đói Khoai Tây 1845-1852 ở Ireland,[1] đã ra chỉ thị cho chính phủ Ireland phải “ổn định tài chính”, buộc những người dân nghèo nhất nước này phải trả từng đồng euro mà các ngân hàng tư nhân Ireland mất khả năng thanh toán còn nợ các chủ nợ người Đức. Ổn định tài chính rõ ràng là chỉ là một màn kịch: người nộp thuế buộc phải trả cả những khoản nợ của một ngân hàng vốn đã đóng cửa (và do đó, chẳng liên quan gì về mặt hệ thống).

Nguồn gốc của thỏa thuận với Apple đã có từ trước ECB. Năm 1980, anh chàng Steve Jobs khi ấy đến thăm một Ireland đang mong muốn thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Apple sau đó đã tạo ra 6.000 việc làm cho nước này để đổi lấy một ưu đãi về thuế, cho phép họ bảo vệ doanh thu ở thị trường châu Âu bằng cách khai thuế tại Ireland. Đến ngày hôm nay, số tiền thu được từ mỗi chiếc iPhone được bán ở Paris hay Stockholm (sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất lắp ráp ở Trung Quốc) đều được chuyển về công ty con của Apple – Apple Sales International (ASI) – có trụ sở tại Ireland. Nhờ thỏa thuận giữa Apple và Ireland, ASI chỉ phải trả một khoản thuế rất nhỏ trong thu nhập của mình, gần như được miễn không phải trả mức thuế doanh nghiệp vốn đã cực thấp là 12,5%.

Thỏa thuận này còn đòi hỏi sự chấp thuận của Sở Thuế vụ Mỹ (Internal Revenue Service – IRS). Vì lợi nhuận của ASI xuất phát từ bản quyền sở hữu trí tuệ của Apple, vốn được nghiên cứu và phát triển độc quyền tại Mỹ (hầu hết bằng nguồn tài trợ của chính quyền liên bang), do đó khoản lợi nhuận kể trên, theo đúng luật, sẽ bị đánh thuế ở Mỹ.

Kỳ lạ là IRS lại không buộc Apple phải nộp thuế từ lợi nhuận bản quyền sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Mỹ. Thay vào đó, Apple thu của ASI một khoản phí tượng trưng cho phép công ty con này thu lợi nhuận từ bản quyền sở hữu trí tuệ của Apple, như vậy nó chỉ phải nộp một khoản thuế rất nhỏ cho IRS. Trong khi đó, ASI được phép giữ lại ở Ireland lượng lợi nhuận tương đương gần 2/3 doanh thu từ việc bán sản phẩm của Apple bên ngoài nước Mỹ. Kết quả là, Apple tích lũy dự trữ tiền mặt không bị đánh thuế lên đến 230 tỷ USD.

Khác với năm 2009, chính phủ Ireland hiện đang phản đối phán quyết gần đây của EU về Apple, và chỉ ra rằng chính sách thuế thuộc phạm vi quản lý của chính quyền quốc gia, chứ không phải là của EU. Trong một lá thư chung gần đây gửi tới Thủ tướng Đức Angela Merkel và 27 thành viên khác của EU, 185 CEO người Mỹ cũng đã cáo buộc rằng EU một lần nữa lại vượt quá thẩm quyền của mình, và đang “tự gây ra thương tổn” cho nền kinh tế của Ireland và châu Âu.

Nhưng họ đã sai lầm: chủ quyền của Ireland không phải là vấn đề cần quan tâm ở đây. Apple sẽ chẳng lập công ty ở Ireland nếu không vì thị trường chung châu Âu. Một thị trường với các quy tắc chung, mà một trong số đó là các chính phủ không thể chỉ hỗ trợ cho công ty này mà không hỗ trợ công ty khác.

Hãy thử giả sử bằng một ví dụ rằng chính phủ Hy Lạp, nhằm tìm cách thu hút 6.000 công ăn việc làm cho nền kinh tế bị tàn phá của họ, đề nghị trợ cấp cho Apple 110.000 euro/việc làm/năm, tương đương 660 triệu euro/năm. Sau hai thập niên, tổng trợ cấp sẽ lên đến khoảng hơn 13 tỷ euro. Nếu EU cho phép Hy Lạp đề xuất với Apple một thỏa thuận như vậy, các thành viên EU khác, gồm cả Ireland, sẽ nổi loạn.

Giả sử thêm rằng chính phủ Hy Lạp đề nghị miễn toàn bộ thuế doanh nghiệp trong 20 năm đánh vào tất cả doanh thu của Apple ở EU, nhưng nộp thuế tại Athens – giả dụ một khoản tiền là 13 tỷ euro. Ủy ban châu Âu sau đó, với nhiệm vụ quản lý thị trường chung châu Âu, sẽ đòi Hy Lạp ngay lập tức thu lại 13 tỷ euro đó – chính xác như những gì họ đang bắt Ireland làm.

Mỗi khi EU đóng vai trò như một “kẻ cướp thực dân”, như vào năm 2009, họ sẽ làm suy yếu tính chính danh trong hành động của mình và tăng cường chủ nghĩa dân tộc bài ngoại, chống châu Âu. Trước sự khoái trá của Vladimir Putin và Donald Trump, những kẻ hưởng lợi duy nhất của châu Âu là những người ủng hộ Brexit, hay các đảng cực hữu như Đảng Sự Lựa chọn Khác cho nước Đức (Alternative for Germany), Mặt trận Quốc gia Pháp, và các chính phủ phi tự do tại Ba Lan, Hungary, Croatia, cùng nhiều nơi khác.

Bài học rút ra từ việc so sánh can thiệp năm 2009 của Trichet với lập trường hiện nay của EC về Apple là rất đơn giản: kẻ thù thực sự của người châu Âu là việc một số người ngồi không hưởng lợi từ nhiều người khác. Nếu không có các thể chế chung, người châu Âu không thể được bảo vệ khỏi hành vi trục lợi và phản xã hội mà các doanh nghiệp lớn và các đại diện chính trị của họ miêu tả là lẽ thường trong kinh tế.

Trichet vi phạm chủ quyền của Ireland để giúp các chủ ngân hàng Đức thu lợi trên vai người nộp thuế Ireland. Để bù lại, ECB nên chịu một phần nợ công của Ireland. Nhưng EU không được cho phép Ireland lạm dụng thị trường chung châu Âu bằng cách cung cấp cho Apple một thỏa thuận mà không thành viên nào có thể thực hiện tương tự. Phản ứng đúng đắn trước những bất công trong quá khứ là khôi phục lại chủ quyền trong một châu Âu, nơi mà kẻ mạnh – dù là các chủ ngân hàng Đức hay các nhà sản xuất smartphone Mỹ – không được chèn ép kẻ yếu.

Yanis Varoufakis là cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp. Ông hiện là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Athens.

—————

[1] Potato Famine – Nạn đói bị gây ra do tình trạng bệnh dịch của cây khoai tây, khiến hơn 1 triệu người chết. Trong giai đoạn này, do Ireland là thuộc địa của Anh, nên Anh vẫn buộc Ireland xuất khẩu lương thực sang Anh, khiến cho nạn đói càng trở nên nghiêm trọng hơn (NBT).

Copyright: Project Syndicate 2016 – Apple, Brussels, and Ireland’s Bruised Sovereignty
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]