Karl Dönitz – Tổng thống cuối cùng của Đức Quốc xã

Print Friendly, PDF & Email

karl-doenitz-large

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 3/5/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh                                        

Dönitz (1891-1980) là một sĩ quan hải quân và là người sáng lập hạm đội tàu ngầm U-boat của Đức trong Thế chiến thứ hai. Ông cũng kế nhiệm Hitler làm Tổng thống Đức trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.

Karl Dönitz sinh ngày 16 tháng 9 năm 1891 gần Berlin và gia nhập Hải quân Đế quốc Đức năm 1911. Khi Adolf Hitler lên nắm quyền, Dönitz được giao xây dựng một hạm đội tàu ngầm U-boat mới, do ông từng là sĩ quan tàu ngầm trong Thế chiến thứ nhất. Ông được chỉ định là chỉ huy hạm đội và đã biến những chiếc tàu ngầm này thành một mối đe dọa thực sự cho nước Anh trong những năm đầu Thế chiến thứ hai. Đầu năm 1941, dưới sự chỉ huy của Dönitz, các tàu ngầm U-boat dàn quân theo đội hình “bầy sói”, có nghĩa là từng tốp tàu đi tuần tra theo hàng dài. Khi một tốp phát hiện thấy dấu hiệu của tàu hộ tống phe Đồng minh, các tốp khác sẽ cùng bao vây tấn công tàu hộ tống đó do áp đảo về số lượng.

Tháng 1/1943, Dönitz thay thế Đô đốc Erich Raeder làm tổng chỉ huy Hải quân Đức, và ông chiếm được lòng tin của Hitler nhờ năng lực và lòng trung thành của mình. Ngày 20 tháng 4 năm 1945, trước nguy cơ đế chế Quốc xã sụp đổ, Hitler chỉ định Dönitz là chỉ huy lực lượng quân đội và dân sự phía bắc. Cuối cùng, Hitler tuyên bố Dönitz là người kế nhiệm cương vị tổng thống Đức, bộ trưởng chiến tranh và chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang.

Sau khi Hitler tự sát ngày 30 tháng 4, Dönitz mở ra các cuộc đàm phán để đầu hàng. Ông muốn cứu sống càng nhiều dân thường Đức và quân lính rút chạy từ Liên Xô càng tốt, bởi ông cho rằng so với những nước Đồng minh phương Tây, người Liên Xô sẽ là những người thắng trận ít bao dung hơn nhiều. Ông hy vọng một thỏa thuận đầu hàng riêng rẽ với Anh và Mỹ có thể giúp Đức giải phóng phần nào phía đông khỏi Liên Xô. Tuy nhiên, do lo ngại sẽ làm Stalin nổi giận, phe Đồng minh phương Tây đã yêu cầu Đức đầu hàng tất cả các nước phe Đồng minh cùng một lúc.

Sáng sớm ngày 7 tháng 5 năm 1945, theo lệnh của Dönitz, một đoàn đại biểu Đức đã tới tổng hành dinh của Thống tướng Eisenhower tại Rheims (Pháp) và ký các văn bản đầu hàng (vô điều kiện). Trong khoảng thời gian này, 1.800.000 lính Đức – chiếm 55% quân đội phía đông – được chuyển đến vùng kiểm soát của Anh-Mỹ.

Năm 1946, Dönitz bị Tòa án Quân sự Quốc tế tại Nuremberg kết án 10 năm tù giam. Năm 1956 ông được thả, và nghỉ hưu với một khoản tiền trợ cấp từ chính phủ. Ông qua đời ngày 24 tháng 12 năm 1980.