Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 21/4/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Catherine đệ nhị (1729-1796) là Nữ hoàng Nga trong hơn 30 năm và là một trong những nhà cai trị có ảnh hưởng lớn nhất của đất nước này.
Sophie Friederike Auguste von Anhalt-Zerbst sinh ngày 2 tháng 5 năm 1729 tại Stettin, khi đó là một phần lãnh thổ của nước Phổ (nay là thành phố Szczecin ở Ba Lan), cha bà là Vương công xứ Stettin. Năm 1745, sau khi cải đạo sang Chính thống giáo Nga và đổi tên sang Catherine, bà kết hôn với Hoàng tử Peter, cháu trai của Peter Đại đế và người thừa kế ngai vàng.
Cuộc hôn nhân không hề hạnh phúc, nhưng hai người có chung một người con trai tên là Paul. Năm 1762, chồng bà lên ngôi hoàng đế (Nga hoàng Peter Đệ tam), nhưng rồi sớm bị lật đổ và Catherine trở thành Nữ hoàng.[1] Không lâu sau đó Peter bị giết, và người ta không rõ Catherine có liên quan gì đến cái chết của chồng hay không. Về sau bà có nhiều tình nhân và phong cho họ những chức tước cao trong triều đình, trong số đó người nổi tiếng và thành công nhất là Grigori Potemkin.
Ảnh hưởng quan trọng nhất của Catherine ở Nga là việc bà đã mở rộng biên giới nước này và tiếp tục quá trình ‘phương tây hóa’ do Peter Đại đế khởi xướng. Trong triều đại của mình, bà đã bành trướng đế chế Nga về phía nam và phía tây, sáp nhập nhiều vùng lãnh thổ, trong đó có Crimea, Belarus và Lithuania. Những thỏa thuận mà Nga ký với Phổ và Áo đã dẫn đến ba lần chia cắt lãnh thổ Ba Lan, lần lượt vào các năm 1772, 1793 và 1795, kéo biên giới nước Nga tới tận Trung Âu.
Ban đầu Catherine chủ trương cải cách chính trị và xã hội, nhưng dần dần qua năm tháng bà trở nên bảo thủ hơn. Năm 1767 bà lập nên Hội đồng Lập pháp để soạn thảo luật cho nước Nga trong tiến trình hiện đại hóa cuộc sống của người Nga. Bà giới thiệu với Hội đồng bản “Nakaz” (có nghĩa là ‘lời chỉ dẫn’) của mình – một văn bản mang tư tưởng vô cùng tự do, thể hiện tầm nhìn của Nữ hoàng về một chính phủ lý tưởng. Hội đồng không đem lại được kết quả như mong muốn, và cuộc chiến tranh giữa Nga và Đế chế Ottoman nổ ra năm 1768 là một dịp thuận lợi để giải tán cơ quan này.
Cuộc nổi dậy Pugachev (1774-1775) thu hút được sự ủng hộ của người dân ở những vùng phía tây của Nga cho tới khi bị quân đội Nga đàn áp.[2] Catherine nhận thấy rằng mình chủ yếu dựa vào giới quý tộc để cai trị đất nước, do đó bà bắt đầu tiến hành một loạt cải cách nhằm tăng thêm quyền cai trị cho tầng lớp này đối với đất đai và nông nô. Năm 1785, Catherine ban hành bản “Đặc quyền dành cho tầng lớp quý tộc”, lập ra một đẳng cấp riêng biệt trong xã hội và đảm bảo mọi đặc ân cho họ. Cũng bởi thế mà bà hiện không còn mảy may quan tâm tới hoàn cảnh khốn khổ của người nông dân, khi thân phận và quyền lợi của họ ngày càng bị hạ thấp.
Sở thích chính của Catherine là giáo dục và văn hóa. Bà đọc rộng và có cùng quan điểm với nhiều nhà tư tưởng lỗi lạc thời đó, bao gồm cả Voltaire và Diderot. Bà bảo trợ cho các tác phẩm nghệ thuật, văn học và giáo dục, đồng thời sở hữu một bộ sưu tập nghệ thuật hiện là nền tảng của Bảo tàng Hermitage (một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới).
Catherine qua đời tại St Petersburg vào ngày 17 tháng 11 năm 1796, và con trai bà (Paul) là người kế vị.
———————————-
[1] Sau khi lên ngôi, Nga hoàng Peter đệ tam tiến hành đàm phán với nước Phổ, thậm chí còn ký hòa ước liên minh với Phổ chống lại Áo, và hoàn trả hết đất đai đã bị quân đội Nga chiếm đóng cho vua Phổ Friedrich II. Những hoạt động bài Nga và chính sách đối ngoại của Peter đệ tam đã gây phẫn nộ trong hàng ngũ sĩ quan, giới quý tộc ở Saint-Peterburg và giới tăng lữ. Năm 1762, chính Catherine đã đọc tuyên cáo lên án chính sách chống lại nước Nga của chồng mình. Quân cận vệ tuyên thệ trước Catherine và tôn bà lên làm Nữ hoàng. – ND
[2] Cuộc nổi dậy Pugachev (1774-1775) là cuộc nổi dậy của nông dân Nga và người Cozak, lãnh đạo bởi Yemelyan Pugachev nhằm chống lại áp bức phong kiến và xóa bỏ chế độ nông nô. Cuộc nổi dậy bị quân đội Nga đàn áp và nhanh chóng thất bại. – ND
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]