Tăng trưởng chậm lại: Cơ hội của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

20140425154334-china-slowdown

Nguồn: Yu Yongding, “China’s Slow-Growth Opportunity,” Project Syndicate, 09/04/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Sau bốn năm đáng thất vọng, các nhà kinh tế Trung Quốc đã nhận ra rằng tăng trưởng GDP đang chậm lại – từ đỉnh cao sau khủng hoảng 12,8% năm 2010 xuống còn khoảng 7% như hiện nay – chủ yếu là do cấu trúc chứ không phải do chu kỳ. Nói cách khác, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc đã ổn định ở mức thấp đáng kể. Trong khi đất nước có thể tránh được một cuộc suy giảm lớn và bất ngờ, kỳ vọng tăng trưởng hàng năm có thể duy trì ở mức 6-7% trong thập niên tới. Nhưng điều này không nhất thiết là một tin xấu.

Có thể người ta sẽ đặt câu hỏi là tại sao GDP ở Trung Quốc, với mức thu nhập bình quân đầu người gần đây đã vượt 7.000 đô la Mỹ, lại được đặt mục tiêu phát triển chậm hơn rất nhiều so với Nhật Bản trong giai đoạn 1956-1970, khi mà nền kinh tế Nhật Bản, với thu nhập bình quân đầu người bắt đầu vượt khoảng 7.000 đô la, đã tăng trưởng hàng năm trung bình 9,7%. Câu trả lời nằm ở mức tăng trưởng tiềm năng.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, trong khi năng suất lao động của Nhật Bản đã tăng trung bình hơn 10% mỗi năm trong giai đoạn 1960 – 1973, thì năng suất của Trung Quốc đã giảm đều đặn trong những năm gần đây, từ (mức tăng) 11,8% trong giai đoạn 2001-2008 xuống còn 8,8% trong giai đoạn 2008-2012 và 7,4% trong giai đoạn 2011-2012. Cung ứng lao động của Nhật Bản (đo bằng giờ lao động) cũng đã tăng trong thời gian đó, hơn 3% hàng năm. Ngược lại, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã thu hẹp lại, khoảng hơn ba triệu người mỗi năm, kể từ năm 2012 – đây là một xu hướng, mà với độ trễ khoảng 4-6 năm, sẽ làm giảm sự gia tăng cung ứng lao động, thậm chí là chuyển sang hướng tiêu cực.

Do sự khó khăn của việc ngăn chặn những xu hướng này, rất khó để tưởng tượng làm sao Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng đâu đó gần 10% trong một thập niên nữa, dù thu nhập bình quân đầu người đang ở mức thấp. Nhưng còn nhiều vấn đề hơn thế nữa.

Như nhà kinh tế Nhật Bản Ryuichiro Tachi đã chỉ ra, Nhật Bản cũng được hưởng lợi từ tỷ lệ tiết kiệm cao và hệ số vốn thấp (tỷ lệ vốn trên sản lượng), ở mức nhỏ hơn 1. Dù thật khó mà so sánh chính xác nhưng rõ ràng hệ số vốn của Trung Quốc cao hơn nhiều, cho thấy một khoảng cách lớn hơn giữa tốc độ tăng của mức độ thâm dụng vốn (capital intensity, tức tổng lượng vốn cần thiết cho mỗi đô la doanh thu) và tốc độ tăng của năng suất lao động.

Đôi khi tỷ lệ đầu tư cao có thể bù đắp tác động tiêu cực của hệ số vốn cao đối với tăng trưởng. Nhưng tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc cũng đã quá cao, chiếm gần một nửa GDP. Với mức độ thâm dụng vốn tăng nhanh hơn đáng kể so với năng suất lao động ở Trung Quốc, rõ ràng là đầu tư đã không hiệu quả. Trong bối cảnh này, tăng đầu tư sẽ chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi nợ doanh nghiệp của Trung Quốc đang đứng ở mức cao nhất thế giới, cả về con số tuyệt đối lẫn tương đối so với GDP. Trong bối cảnh này, việc tăng đầu tư không chỉ làm giảm hiệu quả vốn hơn nữa, mà còn làm gia tăng rủi ro mà tỷ lệ đòn bẩy cao của các công ty đem lại.

Với việc mọi chỉ số quan trọng đều cho thấy một sự suy giảm đáng kể trong tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chấp nhận thực tế rằng tăng trưởng đã thấp hơn và phải điều chỉnh các ưu tiên cho phù hợp. Sa vào cám dỗ kích thích kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài khóa, như các biện pháp từng được theo đuổi trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sẽ không chỉ thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà còn thực sự làm suy yếu tăng trưởng và ổn định trong trung và dài hạn. Tập trung vào tăng trưởng kinh tế bền vững hơn sẽ là một cách tiếp cận tốt hơn.

Về vấn đề này, Nhật Bản có một số bài học bổ ích. Trong những năm 1970, công nhận sự suy thoái là tất yếu sẽ đến, Nhật đã hoãn các kế hoạch đầy tham vọng của mình để “điều chỉnh lại mô hình” của quần đảo Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách đã đóng cửa các nhà máy tiêu tốn năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất nặng, thúc đẩy đổi mới, và từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí và nước. Kết quả là chất lượng tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản được cải thiện đáng kể dù tỷ lệ tăng trưởng giảm gần một nửa trong thập niên sau cú sốc dầu lửa năm 1973.

Tin tốt là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc dường như đang có ý định áp dụng cách tiếp cận tương tự, bao gồm cả việc tránh mở rộng tiền tệ và tài khóa, trừ trường hợp tăng trưởng có vẻ sụp đổ. Thật vậy, tại kỳ họp Quốc hội gần đây, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định mục tiêu của chính quyền đối với tăng trưởng GDP là 7% trong năm nay, đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của việc cải cách sâu sắc và thực hiện điều chỉnh cơ cấu.

Đối với Trung Quốc, chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn sẽ mang đến cơ hội quan trọng để hỗ trợ sự phát triển ổn định và bền vững. Nếu các nhà lãnh đạo của Trung Quốc thực hiện quá trình cải cách và tái cân bằng, toàn bộ nền kinh tế toàn cầu sẽ có tương lai xán lạn hơn.

Yu Yongding (Dư Vĩnh Định), cựu Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc về Kinh tế Thế giới và là Giám đốc Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, từng làm việc tại Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2006. Ông cũng là thành viên Ủy ban Tư vấn Kế hoạch Quốc gia của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc.