Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter mới đây đã công bố chiến lược không gian mạng mới của Lầu Năm Góc, đồng thời cho thấy hi vọng có được sự hợp tác lớn hơn giữa chính phủ và tư nhân trong lĩnh vực này. Trong bài phát biểu tại Đại học Stanford, ông Carter đã mở đầu bằng việc kêu gọi một “quan hệ đối tác mở” giữa thương mại, dân sự và chính phủ, bao gồm cả việc “xây dựng lại cầu nối” giữa chính phủ và Thung lũng Silicon. Sự hợp tác này, theo ông Carter, là “con đường duy nhất tiến về phía trước” trong bối cảnh sự phát triển ồ ạt của công nghệ và sự canh tranh quyết liệt toàn cầu. Ông Carter cũng đã nêu ra ba nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Quốc phòng, cụ thể là (i) bảo vệ mạng lưới của chính mình khỏi các mối đe dọa; (ii) bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài; và (iii) can dự vào các chiến dịch tấn công mạng.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng đã vạch ra 5 mục tiêu trong chiến lược không gian mạng mới của Hoa Kỳ. Thứ nhất, xây dựng và duy trì các lực lượng sẵn sàng và có đủ khả năng tiến hành các chiến dịch trên không gian mạng. Thứ hai, bảo vệ các mạng lưới và cơ sở dữ liệu của Bộ Quốc phòng. Thứ ba, bảo vệ Hoa Kỳ và những lợi ích quốc gia cốt lõi của Hoa Kỳ khỏi các cuộc tấn công phá hoại, gây rối. Thứ tư, kiểm soát sự leo thang xung đột và định hình môi trường xung đột trong tất cả các giai đoạn. Và thứ năm, xây dựng và duy trì các quan hệ đối tác và liên minh quốc tế vững chắc.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cá nhân bày tỏ sự hoài nghi về khả năng hợp tác mà ông Carter mong muốn giữa khu vực tư nhân và chính phủ do tồn tại khác biệt, đặc biệt về văn hóa làm việc. Ông Ben FitzGerald, Giám đốc Chương trình Công nghệ và An ninh Quốc gia, Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) đã chỉ ra rằng, trong bối cảnh các công ty và tập đoàn công nghệ phải đối mặt với sự cạnh tranh toàn cầu và Lầu Năm Góc buộc phải cắt giảm ngân sách, thì những lợi ích mà một “mối quan hệ đối tác mở” cho Silicon thật sự không rõ ràng.
Hải quân Hoa Kỳ đang tìm cách biến mỗi tàu chiến của nước này thành một tàu sân bay cỡ nhỏ. Hồi tháng 3 vừa qua, Cơ quan Nghiên cứu cấp cao về Quốc phòng (DARPA) thông báo đã bắt đầu giai đoạn hai của chương trình Tactically Exploited Reconnaissance Node (TERN). Được biết, TERN là dự án hợp tác giữa DARPA và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR). Mục đích của dự án là nhằm tạo ra một hệ thống cho phép các tàu chiến cỡ nhỏ có khả năng vận hành các máy bay không người lái cho các hoạt động tình báo, giám sát, trinh sát (ISR) và chiến đấu. Những hệ thống này giúp thực thi các hoạt động ISR và những khả năng khác ở khoảng cách lớn hơn, trong thời gian lâu hơn so với các vũ khí hiện tại.
Không dừng lại đó, TERN còn cho phép tiết kiệm chi phí một cách đáng kể khi Hoa Kỳ không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào các căn cứ không quân trên mặt đất. Nếu các căn cứ cố định trên mặt đất có thể trở thành mục tiêu tấn công của tên lửa đối phương trong trường hợp chiến tranh, thì các tàu chiến lại có khả năng cơ động và di chuyển ra xa tầm hoạt động tên lửa kẻ thù, do đó sẽ hạn chế được tối thiểu mức thiệt hại. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ tìm kiếm khả năng triển khai máy bay không người lái nhằm đối phó lại tên lửa của đối phương. Hồi năm 2013, Hải quân Hoa Kỳ cũng đã lần đầu tiên trình diễn khả năng triển khai UAV từ tàu ngầm. Ở thời điểm đó, các UAV chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ ISR.
Trung Quốc cũng được cho là đang nỗ lực chế tạo và sở hữu các lực lượng tác chiến tầm xa. Mới đây, một mô hình được cho là tàu trực thăng đổ bộ tương lai đã được Tạp chí Hàng hải Trung Quốc tiết lộ trên tài khoản Weibo chính thức của mình. Tày đổ bộ tương lai có lượng choán nước khoảng 40.000 tấn, có khả năng vận hành từ 6 đến 10 trực thăng (loại 15 tấn) trên boong. Dựa vào mô hình, con tàu được trang bị hai bệ phóng tên lửa phòng không HHQ – 10 và 3 hệ thống 16 ống phóng tên lửa phòng không tầm trung HHQ – 16. Ngoài ra còn có sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cực gần Type 1130. Đáng chú ý nhất là mô hình tàu trực thăng này chỉ có duy nhất một thang máy ở cuối tàu. Thang máy này được dùng để chuyển các máy bay trực thăng lên boong và cất chúng khi cần thiết. Việc chỉ có duy nhất một thang máy khiến người ta đặt ra câu hỏi con tàu sẽ thực thi nhiệm vụ ra sao trong trường hợp thang máy bị hư hỏng trong chiến đấu. Ngoài ra, sự hiện diện của một số lượng lớn các tên lửa HHQ – 16 cũng đặt ra câu hỏi về mục đích của những hệ thống này là gì, bởi các tên lửa HHQ – 10 là vừa đủ để có thể chống lại các mối đe dọa từ trên không.
Giáo sư Andrew S. Erickson từ Học viện Hải chiến Hoa Kỳ cho rằng việc Trung Quốc mở rộng các đảo nhân tạo ở Trường Sa là có mục đích thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Đông. Việc này sẽ diễn ra vào đầu năm 2017. Về mặt cơ sở vật chất, các đảo nhân tạo của Trung Quốc hiện tại sau khi hoàn thành xây dựng sẽ có khả năng quân sự rất lớn: binh lính sẽ trú đóng với số lượng nhiều hơn, trong thời gian dài hơn; hệ thống cảng biển hoàn chỉnh cho tàu quân sự; hệ thống ra-đa và phòng không hoàn chỉnh; cũng như đường băng cho máy bay cất và hạ cánh. Đặc biệt, hệ thống đường băng và sân đỗ trực thăng có khả năng giúp hải quân Trung Quốc vận hành các máy bay chiến đấu J-11 một cách thường xuyên và liên tục. Bên cạnh đó, quân đội nước này cũng sẽ có khả năng triển khai các dòng máy bay trực thăng săn ngầm trên các đảo nhằm bổ khuyết vào điểm yếu liên quan đến tác chiến săn ngầm của hải quân.
Về lý do có thể Trung Quốc sẽ lập ADIZ tại biển Đông trước ngày 20 tháng 1 năm 2017, Andrew đã đưa ra 3 lập luận như sau. Thứ nhất: Chủ tịch Tập Cận Bình ủng hộ mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một cường quốc biển trong tương lai, và muốn làm được điều này thì hải quân phải “kiểm soát các vùn biển một cách chiến lược”. Thứ hai: Trung Quốc muốn dạy cho Philippines một bài học vì đã đưa tranh chấp ra toà án quốc tế. Thứ ba: Bắc Kinh cho rằng chính quyền Obama là mềm yếu và dễ bị phân tâm. Điều này thúc đẩy Trung Quốc phải hành động nhanh chóng, do vị Tổng thống Hoa Kỳ kế tiếp – ví dụ như Hilary Clinton – có thể sẽ có các quan điểm cứng rắn hơn.