Nguồn: Kemal Derviş, “Can Trade Agreements Stop Currency Manipulation?” Project Syndicate, 17/04/2015.
Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Không thể phủ nhận rằng giữa thương mại và tỉ giá hối đoái có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Nhưng liệu điều đó có nghĩa là các hiệp định thương mại quốc tế nên bao gồm các quy định điều chỉnh các chính sách quốc gia có ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ hay không?
Một số nhà kinh tế chắc hẳn đã nghĩ vậy. Chẳng hạn như Simon Johnson gần đây đã lập luận rằng các thỏa thuận siêu khu vực như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên được sử dụng để ngăn cản các nước can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm ngăn tỉ giá hối đoái tăng cao; Fred Bergsten cũng đưa ra một lập luận tương tự. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tiếp tục lập luận rằng nên tách biệt các vấn đề kinh tế vĩ mô với các cuộc đàm phán thương mại.
Hiện tại, các tổ chức quốc tế có liên quan – Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – tự chúng không được tổ chức để phản ứng một cách hiệu quả trước việc thao túng tiền tệ. Kết hợp các chính sách kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái vào đàm phán thương mại sẽ đòi hỏi hoặc WTO sở hữu năng lực kỹ thuật (và được giao trách nhiệm) phân tích và phát xét các chính sách quốc gia có liên quan, hoặc IMF tham gia các cơ chế giải quyết tranh chấp đi kèm với các hiệp ước thương mại.
Chắc chắn rằng kể từ năm 2007, IMF đã cấm “can thiệp quy mô lớn theo một chiều vào thị trường ngoại hối,” trong một quyết định về “giám sát song phương,” thứ cũng coi sự mất cân bằng tài khoản vãng lai “lớn và kéo dài” là một lý do để xem xét (chính sách của quốc gia đó). Nhưng quyết định đó và báo cáo chính sách của IMF về giám sát đa phương sau này đều không cung cấp các chỉ số định lượng cụ thể và có thể so sánh được, thứ có thể giúp loại bỏ sự cần thiết phải phán xét từng trường hợp một.
Tình hình càng phức tạp bởi vô số các cơ chế mà theo đó các bộ tài chính và ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh tỉ giá hối đoái của mình xuống thấp để đạt được lợi thế cạnh tranh thương mại. Phương pháp trực tiếp nhất là mua tài sản nước ngoài. Nhưng trong một thế giới của các dòng vốn ngắn hạn lớn thì lãi suất chính sách của các ngân hàng trung ương – hoặc thậm chí chỉ cần thông báo về khả năng lãi suất trong tương lai – cũng gây ra tác động lớn. Hơn nữa, nới lỏng định lượng cũng ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái và thương mại, ngay cả khi ngân hàng trung ương chỉ mua tài sản trong nước, như được minh chứng bằng những động thái gần đây trong tỉ giá hối đoái của đồng đô la, đồng euro, và đồng yên.
Ngoài ra còn có các lý do khác. Tăng thuế thu nhập sẽ làm giảm nhu cầu tư nhân (trừ khi người ta tin tưởng vào định lý Cân bằng Ricardo [Ricardian equivalence] hoàn hảo),[1] bao gồm cả nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của các nước khác. Mọi loại chính sách kinh tế vĩ mô khác đều ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai.
Tóm lại, để “các chính sách ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái” trở thành một phần của các hiệp định thương mại, các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ phải trở thành một phần của các hiệp định thương mại. Trong trường hợp đó thì rốt cuộc sẽ không có hiệp định thương mại nào cả.
Hãy xem xét vấn đề mà eurozone – một nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc hòa hợp những nhu cầu đa dạng về tiền tệ, tài khóa, và tỉ giá hối đoái của các nước thành viên – có thể đặt ra. Thặng dư tài khoản vãng lai của Đức đã đứng ở mức gần 7% GDP – lớn hơn của Trung Quốc – trong hai năm, và có khả năng sẽ tăng cao hơn do sự sụt giá gần đây của đồng euro. Trong khi đó, hầu hết các nước khác trong eurozone gần đây đã buộc phải thắt chặt chính sách tài khóa, do đó làm giảm hoặc loại bỏ thâm hụt tài khoản vãng lai của họ.
Kết quả là, tổng thặng dư thương mại của eurozone hiện nay đang ở mức lớn. Do các thành viên đơn lẻ eurozone không có các công cụ chính sách-tiền tệ có thể sử dụng được, cách duy nhất mà Đức có thể giảm thặng dư của mình trong khi vẫn tiếp tục ở lại trong eurozone là thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Nhà kinh tế Stefan Kawalec đã đề cập một cách rõ ràng rằng hỗn hợp chính sách hiện tại của eurozone chính là “thao túng tiền tệ.”
Việc kết thúc đàm phán thương mại là một quá trình đã quá đủ khó khăn. Yêu cầu phải vật lộn với các vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô có thể dễ dàng khiến cho các cuộc đàm phán đình trệ – và cung cấp cho những người vận động cho chính sách bảo hộ thứ vũ khí chính trị mà họ cần. Đó là lý do tại sao USTR đang khôn khéo cố gắng không đưa thêm chính sách kinh tế vĩ mô vào thương lượng, bất chấp những đề nghị từ những tiếng nói quyền lực trong Quốc hội Mỹ.
Nói như thế không có nghĩa là các chính sách kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái là không có vấn đề. Chúng có. Nhưng các cuộc đàm phán thương mại không phải là diễn đàn thích hợp cho việc thảo luận về nguyên nhân và hậu quả của sự mất cân bằng tài khoản vãng lai và đạt được những thỏa thuận về phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô; nơi thảo luận thích hợp là IMF và G-20. Trên thực tế, vấn đề về những khác biệt lớn đã diễn ra hoặc ở dạng tiềm năng giữa tổng tiết kiệm và đầu tư trong nước hoặc trong các khu vực tiền tệ, được phản ánh qua sự mất cân bằng tài khoản vãng lai, là trung tâm của vai trò giám sát đa phương đang nổi lên của IMF; và nó cũng là trọng tâm của G-20.
“Quá trình đánh giá lẫn nhau” của G-20 – được thành lập để phân tích những tác động của các chính sách kinh tế quốc gia lên các nước khác và lên tăng trưởng toàn cầu, với mục tiêu xây dựng các cam kết điều chỉnh cụ thể – đã cho thấy sự khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận về các chính sách kinh tế vĩ mô có hiệu ứng lan tỏa đáng kể. Thật vậy, nó thậm chí còn khó khăn hơn việc đi đến những thỏa thuận thương mại, thứ phải bao gồm các vấn đề như thuế quan, hạn ngạch, tiêu chuẩn chất lượng, chế độ pháp lý cho các lĩnh vực cụ thể, và các vấn đề kinh tế vĩ mô có liên quan. Kết hợp tất cả các chủ đề đầy thách thức vào một quá trình đàm phán duy nhất là một công thức dẫn tới bế tắc.
Một cách tiếp cận tốt hơn nên bao gồm việc tăng cường vai trò giám sát đa phương của IMF. Làm như vậy sẽ giúp mở rộng các cuộc thảo luận về chính sách kinh tế vĩ mô để bao gồm các vấn đề việc làm – đặc biệt là tác động tiềm năng của thặng dư thương mại nước ngoài lớn lên việc làm trong nước. Và điều này sẽ mang đến cho các cuộc đàm phán thương mại một cơ hội thành công.
Kemal Derviş, Cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và cựu Quản trị viên Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), hiện là Phó Chủ tịch Viện Brookings.
——————-
[1] Cân bằng Ricardo (Ricardian equivalence) cũng còn được gọi là Định lý cân bằng Barro-Ricardo (Barro-Ricardo equivalence theorem) là một lý thuyết kinh tế cho rằng người tiêu dùng sẽ hiểu rõ giới hạn ngân sách của chính phủ, và như vậy thời điểm thay đổi thuế suất sẽ không ảnh hưởng tới thay đổi trong tiêu dùng của họ. Theo đó, Cân bằng Ricardo cho rằng việc chính phủ chi trả cho chi tiêu của mình thông qua đi vay hay tăng thuế là không khác biệt, ảnh hưởng của hai biện pháp này lên mức cầu sẽ giống hệt nhau.