Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (9/6/2015)

Print Friendly, PDF & Email

1359680

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Trung Quốc được cho là đang phát triển tiêm kích có khả năng cất cánh – hạ cánh thẳng đứng (VTOL). Chi phí để phát triển một loại máy bay như vậy là rất tốn kém, và do đó, nó cho thấy sự quyết tâm của Bắc Kinh trong một quyết định mang tính chiến lược về quân sự. Về mặt lý thuyết, một máy bay có khả năng VTOL sẽ rất hữu dụng bởi chúng không cần đường băng dài như các loại máy bay thông thường khác, đặc biệt tại các khu vực địa hình hiểm trở như rừng núi, hải đảo.

Trong lịch sử, Liên Xô đã từng thử nghiệm một loại máy bay tương tự là Yak-38 trong cuộc chiến ở Afghanistan. Công tác thử nghiệm cho thấy còn tồn tại nhiều khuyết điểm cần phải giải quyết, đặc biệt là khả năng cất cánh và hạ cánh của máy bay khi tải trọng nặng.

Hoa Kỳ cũng đã từng triển khai một loại tiêm kích có khả năng VTOL là AV-8B Harrier II. Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đã sử dụng Harrier cho các chiến dịch ở Afghanistan. Tuy nhiên, các máy bay này đều sử dụng phương pháp cất cánh và hạ cánh thông thường chứ chưa vận dụng khả năng VTOL. Về sau, Hoa Kỳ đã triển khai AV-8B Harrier II trên các tàu sân bay trực thăng. Chỉ khi đó, khả năng VTOL của Harrier mới được phô diễn.

Việc kết hợp giữa các máy bay có khả năng VTOL và tàu sân bay hạng nhẹ được xem là sự thay thế giá rẻ cho hạm đội tàu sân bay thực thụ. Có thể lý giải nguyên nhân vì sao Trung Quốc lại quyết định phát triển một loại máy bay có khả năng VTOL. Thứ nhất, những máy bay loại này có thể được triển khai và tác chiến một cách dễ dàng từ các hòn đảo nhỏ trên biển Đông do Trung Quốc kiểm soát. Thứ hai, Bắc Kinh đang có tham vọng xây dựng một hạm đội tàu đổ bộ trực thăng, điển hình là Dự án 081. Nếu kết hợp với máy bay có khả năng VTOL, các tàu thế này sẽ đảm nhiệm luôn vai trò của một tàu sân bay. Việc phát triển một loại máy bay sở hữu khả năng VTOL được dự đoán sẽ cho phép Trung Quốc có khả năng hoạt động và kiểm soát cao hơn nhiều tại vùng biển đảo đang tranh chấp ở Trường Sa.

Không dừng lại đó, Bắc Kinh cũng đang âm thầm phát triển một máy bay không người lái (UAV) thế hệ mới. Những hình ảnh tiết lộ trên các trang mạng Trung Quốc cho thấy UAV mới có hình dáng 2 thân đặc biệt, được biết đến với tên gọi Dự án 973 hoặc Shen Diao. Là một sản phẩm của Tập đoàn công nghiệp Máy bay Thẩm Dương, Shen Diao có thể được xem là UAV hai thân lớn nhất thế giới, đồng thời là sự bổ sung nguy hiểm cho kho vũ khí tấn công tầm xa của Trung Quốc. Mặc dù vậy, UAV mới của Bắc Kinh được xem là chịu ảnh hưởng và sao chép thiết kế từ UAV Sukhoi S-62 của Nga.

Theo tạp chí Popular Science, Shen Diao được tích hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), SAR và GMTI cũng như Airborne Moving Target Indicators (AMTI) để theo dõi các mục tiêu trên không, như máy bay chiến đấu của đối phương và tên lửa hành trình. Thêm vào đó, khả năng hoạt động trên không lâu, tầm hoạt động xa biến Shen Diao trở thành một đối thủ nguy hiểm. Tạp chí này nhấn mạnh, một khi được triển khai, UAV mới có thể khiến các hoạt động của Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực gần bờ biển Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Mark Stokes, một cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết: “Việc triển khai một UAV với trần bay cao, thời gian hoạt động lâu và được trang bị những cảm biến tiên tiến sẽ nâng cao khả năng tấn công của PLA vào các căn cứ và lực lượng hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, cũng như của các đồng minh và đối tác”.

Trước những động thái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam đã đàm phán với các nhà thầu quốc phòng châu Âu và Hoa Kỳ để mua thêm vũ khí. Đáng chú ý trong số này có các máy bay chiến đấu thế hệ mới, máy bay tuần tra hàng hải và máy bay không người lái. Động thái này được cho là nhằm tăng cường sức mạnh trên không và đối phó lại các lực lượng Trung Quốc ở biển Đông.

Các nhà thầu tham gia đàm phán với Việt Nam gồm Tập đoàn Saab (Thụy Điển), Eurofighter (châu Âu), Lockheed Martin và Boeing (Hoa Kỳ). Cụ thể các loại máy bay được đề cập đến bao gồm: tiêm kích Typhoon Eurofighter của châu Âu; tiêm kích Gripen E; máy bay tuần tra Saab 340 hoặc Saab 2000 của Thụy Điển; phiên bản tuần tra biển của máy bay C – 130 và P – 8 của Hoa Kỳ. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, trong suốt nhiều tháng qua các nhà thầu đã tiến hành một loạt chuyến đi đến Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai gần, khả năng Việt Nam đạt được một hợp đồng mới là chưa cao.

Theo một nhà thầu phương Tây, Hà Nội đang muốn thay thế lực lượng Mig – 21 già cỗi của mình và giảm dần sự phụ thuộc vào vũ khí Nga. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận với vũ khí phương Tây. Trước đó, Hà Nội đã từng đặt mua máy bay tuần tra CASA C-212 từ Canada, máy bay vận tải C – 295 của Airbus. Một nhà thầu cho biết: “Có dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Tình bạn ngày càng tăng giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và châu Âu sẽ giúp họ làm được điều đó”.

Cũng liên quan đến Việt Nam, ngày 2 tháng 6, tại nhà máy đóng tàu quốc phòng Ba Son, đã diễn lễ bàn giao 2 tàu tên lửa tấn công nhanh Molnya cho Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam. Hai tàu lần lượt mang số hiệu 379 và 380. Đây là cặp tàu thứ 2 trong số 3 cặp tàu Hà Nội tự đóng trong nước theo hình thức chuyển giao công nghệ từ Nga. Trước đó đúng một năm, hai tàu đầu tiên trong số 6 tàu này mang số hiệu 377 và 378 đã được nghiệm thu, bàn giao cho Bộ tư lệnh Hải quân đưa vào khai thác, được đánh giá cao.

Tàu tên lửa Molnya 12418 được trang bị bốn dàn phóng tên lửa Uran – E cơ số 16 đạn tên lửa, tầm bắn 130km, một pháo hạm tự động AK – 176M, tầm bắn khoảng 15km, cao 11km và tốc độ khoảng 120-130 viên/phút. Tàu cũng trang bị hai pháo 6 nòng tự động AK630, có tầm bắn 4-5 km, tốc độ bắn 4.000 – 5.000 viên/phút.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:

Trong buổi họp báo tại Tokyo nhân chuyến thăm đến Nhật Bản, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết hai nước sẽ sớm bắt đầu đàm phán một hiệp ước quốc phòng mới. Theo đó, hiệp ước mới sẽ cho phép Nhật Bản tiếp cận các căn cứ quân sự của Philippines. “Nếu Nhật Bản tiến hành tuần tra chung với Hoa Kỳ trên biển Đông, việc được tiếp nhiên liệu từ đất Philippines sẽ cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hoạt động trong một thời gian dài và phạm vi rộng lớn hơn”, ông Aquino nói.

Ngày 1 tháng 6, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ thông báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đồng ý bán 4 máy bay chiến thuật kiểm soát và cảnh báo sớm (AEW&C) trên không E–2D cho Nhật Bản. Trị giá hợp đồng lên đến 1,7 tỷ USD. E-2D là sản phẩm của Northrop Grumman, được trang bị với công nghệ có thể phát hiện các mối đe dọa từ trên không rất sớm. E-2D đặc biệt được thiết kế với khả năng bảo vệ các tàu mặt nước khỏi sự đe dọa từ kẻ thù. Biên chế của E-2D gồm 2 thành viên phi hành đoàn và 3 sĩ quan hải quân. Trong trường hợp cần thiết, E-2D có thể được sử dụng như một trung tâm chỉ huy tấn công, giám sát hàng hải, các hoạt động tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển.

Trung Quốc thử nghiệm tàu chiến lớn nhất châu Á từ sau Thế Chiến II. Các hình ảnh từ vệ tinh của tạp chí Popular Science cho thấy Bắc Kinh đang thử nghiệm mô hình tuần dương hạm Type 055 ở Vũ Hán trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt. Mô hình được xây dựng trên đất liền và được đặt trên các giàn giáo đỡ khổng lồ. Dựa vào kích thước của giàn giáo, có thể phỏng đoán Type 055 có thể dài từ 160 đến 180 mét, rộng từ 21 đến 23, lượng choán nước khoảng 12 – 13 nghìn tấn. Khi được triển khai, Type 055 có thể hoạt động như một tàu phòng không hạm đội, do đó có thể sở hữu bệ phóng tên lửa thẳng đứng (VLS). Số lượng ống phóng dao động từ 112 đến 128 ống phóng tên lửa.

Vừa qua, Văn phòng bằng sáng chế Hoa Kỳ đã chấp nhận đơn đăng ký của hai kỹ sư Boeing là James J. Childress và John J. Viniotis đối với thiết kế máy bay không người lái có khả năng tự nạp năng lượng mà không cần phải hạ cánh. Phát minh này đã bước đầu loại bỏ hạn chế lớn nhất của các loại thiết bị bay không người lái: hạn chế về mặt nhiên liệu bay. Theo bản đăng ký, thiết bị bay sẽ sở hữu một loại công nghệ pin mới bao gồm một sợi dây có khả năng kéo dài và kết nối với một nguồn năng lượng đặt ở dưới mặt đất. Sau khi nạp đầy pin, thiết bị bay sẽ tự động tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao trong khi những thiết bị khác có thể tiếp tục sử dụng nguồn năng lượng đó để nạp pin. Tuỳ vào nhiệm vụ, nguồn năng lượng đó có thể được đặt trên đất liền hay trên biển. Tuy chưa chính thức được thông báo sẽ đưa vào sản xuất, song công nghệ mới này hứa hẹn sẽ tạo ra xu hướng ứng dụng vũ khí mới.

Hình: Máy bay AV-8B Harrier II của Mỹ. Nguồn: Airliners.net