Vì sao thế giới nghiện vay nợ?

Print Friendly, PDF & Email

debt

Nguồn:  “Why the world is addicted to debt”, The Economist, 17/05/2015.

Biên dịch: Lưu Tuấn Anh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

NỢ là “không khí cần cho sự sống của thương mại hiện đại”. Những lời này được Daniel Webster, một thượng nghị sĩ Mỹ phát biểu vào năm 1834 khi thị trường trái phiếu của Mỹ vẫn còn trong giai đoạn trứng nước. Ngày nay thế giới đang bị tê liệt bởi quá nhiều nợ. Các khoản vay của các hộ gia đình, các chính phủ, các doanh nghiệp và các công ty tài chính tăng từ 246% GDP năm 2000 lên 286% ngày nay.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2007, tỉ lệ nợ trên GDP của 41 trong 47 nền kinh tế lớn đã tăng lên, theo theo dõi của McKinsey, một công ty tư vấn. Với mỗi một đô la tăng thêm của sản lượng, thế giới lại tạo ra một khoản nợ lớn hơn một đô la. Khi mạng lưới các khoản nợ dày đặc hơn bao giờ hết này co lại quá một mức độ nào đó thì điều đó là không tốt đối với tăng trưởng, làm cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình dễ bị tổn thưởng trước những cú sốc và tình trạng vỡ nợ gây thiệt hại lớn. Vì sao thế giới lại nghiện vay nợ đến vậy?

Có hai nguyên nhân cơ bản cho sự thèm khát nợ. Đầu tiên, hệ thống thuế tạo ra những  đặc quyền cho những người vay nợ. Các khoản trả lãi vay thế chấp được khấu trừ thuế ở gần một nửa các nước giàu có và một vài quốc gia mới nổi, ví dụ như Ấn Độ. Và trên khắp thế giới, các công ty có thể khẩu trừ chi phí lãi vay khỏi lợi nhuận chịu thuế. Điều đó tạo một động lực để phát hành nợ (ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp – NHĐ) thay cho phát hành thêm cổ phiếu. Chỉ một phần tư tổng tài sản của thế giới hiện nay là nằm ở dạng cổ phiếu, thứ vốn có tính linh hoạt cao hơn nhiều so với trái phiếu bởi vì cổ tức chi trả cho các nhà đầu tư có thể bị cắt giảm mà không gây ra tình trạng vỡ nợ.

Nguyên nhân cơ bản thứ hai liên quan đến tâm lý của con người. Con người đánh giá quá cao sự an toàn của các khoản thanh toán cố định mà trái phiếu mang lại: giống như một chiếc áo ngực, nó che giấu sự “lên xuống” của tự nhiên. Họ cũng có xu hướng cho rằng giá cả của tài sản, đặc biệt là giá nhà, sẽ tăng lên. Sử dụng nợ để mua tài sản đang tăng giá sẽ thúc đẩy lợi nhuận.

Ba xu thế toàn cầu mạnh mẽ đã phóng đại ảnh hưởng của thuế và tâm lý. Đầu tiên, các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc đã tích lũy những khoản dự trữ ngoại tệ lớn vốn phải được đầu tư ra nước ngoài. Họ ưa chuộng trái phiếu bởi vì mua nhiều cổ phiếu ở các công ty nước ngoài có thể gây nên tranh cãi. Khoảng 75% sự gia tăng sở hữu của người nước ngoài đối với chứng khoán Mỹ trong giai đoạn 2004-08 là nằm ở dạng trái phiếu, chủ yếu là thế chấp và chứng khoán doanh nghiệp.

Thứ hai, sự bất bình đẳng không giúp giảm nợ. Người giàu phải quay vòng khoản tiết kiệm của họ vào hệ thống tài chính. Những người cần vốn thì thường nghèo và thực tế nợ là cách duy nhất để rót tiền cho họ – bạn không thể mua cổ phiếu của một hộ gia đình “dưới chuẩn”.

Chất xúc tác thứ ba là ngành tài chính. Động lực của nó là tạo ra các khoản nợ cho người khác nhằm sinh ra các khoản phí. Các khoản đảm bảo quá lớn không thể để sụp đổ cũng tạo cho các ngân hàng một động lực để vay nợ trên bảng cân đối kế toán của mình.

Không có cách nào dễ dàng làm cho thế giới từ bỏ nợ. Tuy nhiên điểm khởi đầu là cải cách thuế. Các đặc quyền cho nợ phản ánh quyết định được đưa ra hơn một thế kỉ trước bởi các chính trị gia, những người không thể tưởng tượng được mức độ nợ nần ngày nay. Anh chấp nhận tiền trả lãi được khấu trừ thuế cho các công ty vào năm 1853. Miễn thuế đối với nợ ở Châu Âu, Mỹ và Anh tương đương khoảng 2-5% GDP vào năm 2008 – nhiều hơn cả ngân sách chi tiêu cho quốc phòng. Bởi vì lãi suất là rất thấp, trợ cấp hiện nay đã giảm xuống còn 1-2%. Bây giờ chính là thời điểm thích hợp để các chính phủ hành động. Khi lãi suất tăng trở lại lần nữa, giá trị của các khoản trợ cấp sẽ tăng lên, và động lực để vay nợ sẽ lớn hơn.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]