Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (16/06/2015)

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Trung Quốc nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia khác. Đây là nội dung được đề cập trong chương cuối Sách trắng Quốc phòng mà Bắc Kinh vừa công bố. Theo đó, mục tiêu của các lực lượng vũ trang Trung Quốc trong quan hệ quân sự nước ngoài là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quân sự với tất cả các nước trên thế giới. Dựa trên tiêu chí “không liên minh, không đối đấu” và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào. Trong đó, đặc biệt nổi bật là quan hệ giữa Trung Quốc với hai quốc gia: Nga và Hoa Kỳ. Bắc Kinh hi vọng, mô hình quan hệ với Nga sẽ dựa trên hai yếu tố chính là trao đổi và hợp tác. Trong khi đó, trong quan hệ với Hoa Kỳ, Trung Quốc hy vọng có thể mở rộng phạm vi hợp tác quân sự từ lĩnh vực phi truyền thống sang các lĩnh vực truyền thống.

Tuy nhiên, các cuộc đối thoại và trao đổi quân sự chỉ là một mặt của câu chuyện. Các căn cứ ở nước ngoài, những thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và các hiệp ước phòng thủ chung chính là mặt còn lại. Mặc dù ngân sách quốc phòng đã bị cắt giảm đáng kể, song Hoa Kỳ vẫn là đối thủ và sự so sánh xứng đáng với Trung Quốc. Washington đã có hàng chục hiệp ước đồng minh – bao gồm nhiều hiệp ước phòng vệ tập thể, hàng trăm căn cứ quân sự và cơ sở vật chất tại hơn 40 nước. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn chỉ có hiệp ước đồng minh chính thức với Triều Tiên và vẫn đang loay hoay thúc đẩy thành lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài trong thời gian tới. Như vậy, xét trên nhiều khía cạnh, Washington vẫn có nhiều lợi thế so với Bắc Kinh ở thời điểm hiện tại.

Các quốc gia có quan hệ quân sự với Trung Quốc, về cơ bản, có thể được chia thành 2 loại. Thứ nhất, sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh vì nguồn viện trợ miễn phí. Và thứ hai, bao gồm Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, hợp tác để hiểu hơn về Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng những động thái gần đây của Trung Quốc cũng như sự mập mờ trong ý định sẽ gây khó khăn cho Bắc Kinh tiến đến một quan hệ đối tác an ninh toàn diện. Điều này rõ ràng là một cơ hội cho Hoa Kỳ và các đối tác, đồng minh của mình. Bằng cách làm sâu sắc thêm mạng lưới hợp tác an ninh trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Washington sẽ buộc Bắc Kinh trở thành một cường quốc mạnh trong một khu vực gồm nhiều cường quốc mạnh khác. Điều này nên là trọng tâm trong chính sách của Hoa Kỳ tại khu vực.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng nỗ lực nghiên cứu và phát triển tàu sân bay cho riêng mình, hướng tới việc sở hữu các hạm đội tàu sân bay thực thụ. Thế nhưng, tại sao một đất nước luôn tìm cách khắc chế hạm đội tàu sân bay của Hoa Kỳ lại muốn sở hữu tàu sân bay cho riêng mình? Câu trả lời là những lợi ích mà tàu sân bay đem lại cho Trung Quốc trong việc đạt được các mục tiêu chiến lược, cho đến nay, cao hơn những những rủi ro mà hạm đội này có thể sẽ gặp phải. Thêm vào đó, những bài học từ Hoa Kỳ trong quá trình vận hành hạm đội tàu sân bay càng thôi thúc Trung Quốc muốn sở hữu cho được khả năng này.

Vai trò của các tàu sân bay đối với Hoa Kỳ từ Thế chiến thứ hai đến nay là không hề nhỏ. Dù là trực tiếp tham chiến hay gián tiếp, sự hiện diện của các tàu sân bay luôn là một áp lực không hề nhỏ đối với các quốc gia gần đó. Trung Quốc hiểu rất rõ điều này trong Khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ 2 khi Hoa Kỳ triển khai tàu sân bay đến khu vực. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Trung Quốc “thèm muốn” tàu sân bay đến như vậy? Có 4 nguyên nhân chủ yếu sau đây.

  • Thứ nhất, sự hiện diện (presence) lực lượng hải quân hiện đại thường bao gồm ba yếu tố: tàu ngầm, tàu mặt nước (bao gồm tàu chiến thông thường, tàu vận tải và tàu đổ bộ) và tàu sân bay cùng với lực lượng máy bay của riêng mình. Tàu ngầm là một nền tảng chiến đấu đáng gờm khi vừa có thể giám sát, tấn công bí mật và rút lui. Điều này cho thấy, tàu ngầm không phải là lựa chọn lý tưởng cho sự hiện diện, bởi chúng cần sự bí mật để tồn tại. Một tàu sân bay, với đầy đủ máy bay trang bị và tên lửa đi kèm sẽ có hiệu quả hơn một tàu chiến thông thường. Sẽ có lập luận cho rằng sự hiện diện mang tính dân sự hay bán quân sự cũng có ý nghĩa, song điều này sẽ nhanh chóng trở nên vô nghĩa khi pháo hạm và tên lửa đối phương đã khai hỏa.
  • Thứ hai, các yếu tố như răn đe (deterrence), cưỡng ép (coercion) và chiến đấu (warfighting). Các tàu mặt nước thông thường đều có thể làm được điều này. Thậm chí, một số tàu nổi vũ trang hạng nặng, đặc trưng bởi sự hiện diện và răn đe mạnh mẽ cũng có thể sẽ trở nên bất lực trước các tàu ngầm của đối thủ. Các tàu sân bay kết hợp với lực lượng không quân đi kèm, có thể vừa là công cụ răn đe hiệu quả trong thời bình. Nhưng đồng thời, khi xảy ra xung đột, tàu sân bay cũng có thể trở thành cỗ máy giết chóc, giúp đảm bảo kiểm soát vùng biển xung quanh.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Ấn Độ trong những năm gần đây đã có thêm nhiều khởi sắc. Một mối quan hệ song phương Việt-Mỹ tốt đẹp có khả năng trở thành chất xúc tác cho mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ. Năm 2015 là mốc thời gian tròn 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter đến Việt Nam cũng như những cam kết của Washington với Hà Nội là một chỉ dấu quan trọng cho những nỗ lực chính trị của Hoa Kỳ tại khu vực. Trong một vài năm gần đây, tầm quan trọng của Hà Nội tại New Delhi cũng đã được nâng lên, một phần nhờ vào những thay đổi cũng Chinh sách Hướng đông của Ấn Độ, cũng như vấn đề an ninh năng lượng và tầm quan trọng địa chiến lược của Việt Nam trong duy trì cân bằng khu vực.

Kể từ sau khi Narendra Modi tuyên bố Chính sách Hướng đông, Việt Nam trở thành một trong những mắt xích chủ yếu trong các bài toán chính sách của Ấn Độ trong khu vực. Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ năm 2014 đã khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Ấn Độ. Nhiều biên bản ghi nhớ đã được ký kết và có khả năng thực hiện nhờ vào những tiến triển trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Khi Washington làm sâu sắc thêm quan hệ với Hà Nội, không chỉ về mặt chính trị, ngoại giao mà cả về quân sự, quan hệ giữa Hà Nội và New Delhi cũng sẽ được thúc đẩy. Vị trí của Việt Nam như là cầu nối giữa một bên là Ấn Độ với Ấn Độ Dương và một bên là Hoa Kỳ với Thái Bình Dương.

Do đó, trong thời gian tới, Ấn Độ cần phải nới lỏng các gói tín dụng dành cho Việt Nam. 100 triệu USD dành cho Việt Nam mua tàu tuần tra như cam kết hồi năm rồi là còn khá khiêm tốn. Song New Delhi có thể tận dụng việc Hà Nội mua tàu ngầm Kilo và máy bay Su-30 từ Nga để thắt chặt quan hệ quân sự thông qua đào tạo lực lượng Việt Nam vận hành các loại vũ khí này. Việc xuất khẩu tên lửa Bramos cho Việt Nam cũng được xem là một cách để tăng cường năng lực quốc phòng Việt Nam và thay đổi cục diện chiến lược trên biển Đông.

Các thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tới Đông Á có thể tăng cường mối quan hệ “hướng Đông” của Ấn Độ đối với Việt Nam. Mặt khác, mối quan hệ Ấn Độ – Hoa Kỳ ở Đông Á có thể giúp định hình một cấu trúc chiến lược mới ở khu vực, và Việt Nam có thể là một quốc gia đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc đó.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:

Tiêm kích “con cưng” JF-17 của Trung Quốc và Pakistan lần đầu tiên tìm được khách hàng xuất khẩu. “Một hợp đồng đã được ký với quốc nước châu Á”, ông Khalid Mahmood – Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của liên doanh sản xuất máy bay JF-17. Danh tính quốc gia cũng như số lượng máy bay không được tiết lộ. Song ông Khalid cho hay công tác giao hàng sẽ được tiến hành vào năm 2017. Ông này cũng nhấn mạnh, khoảng 11 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến mẫu máy bay này. JF-17 là sản phẩm hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan và thực hiện chuyến bay lần đầu tiên vào năm 2004. JF-17 có 7 điểm treo vũ khí trên cánh và thân máy bay. Máy bay có thể trang bị các loại vũ khí đa dạng, gồm tên lửa không đối không tầm ngắn – tầm trung, tên lửa không đối hạm, bom. Ngoài ra JF-17 còn được trang bị một pháo GSh-23-2 bên trong thân dành cho cận chiến.

Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm WU-14. Đây là lần thử nghiệm thứ tư được quân đội Trung Quốc tiến hành trong vòng 18 tháng qua. Lần đầu tiên diễn ra vào ngày 9 tháng 1 năm 2014. Hai lần tiếp theo lần lượt diễn ra vào ngày 7 tháng 8 và ngày 2 tháng 12 cùng năm. Theo một quan chức tình báo Hoa Kỳ, WU-14 được thiết kế để phá thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ. WU–14 có khả năng bay với tốc độ cực cao, di chuyển linh hoạt để tránh bị phát hiện và đánh chặn. Lầu Năm Góc chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc này.

Kho vũ khí hạt nhân của các nước châu Á đang gia tăng, theo Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triền Tiên hoặc là giữ nguyên kho vũ khí hạt nhân của mình, hoặc là gia tăng số lượng của chúng. SIPRI cho biết kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc gia tăng một cách khiếm tốn. Trong khi đó, cả Ấn Độ và Pakistan đều đang “mở rộng năng lực sản xuất vũ khí hạt nhân hay phát triển các phương tiện mang phóng mới”. Đối với Triều Tiên, việc thống kê gặp phải nhiều khó khăn, tuy nhiên theo phỏng đoán thì nước này đang sở hữu từ 6 đến 8 đầu đạn hạt nhân.