Các chuỗi đảo và chiến lược quốc phòng tại Châu Á

Print Friendly, PDF & Email

JP-204

Tổng hợp: Nguyễn Thế Phương

Tại sao các đảo và quần đảo vẫn hết sức quan trọng trong chiến lược quốc phòng ở Châu Á ngày nay? Các chuỗi đảo ở phía Tây Thái Bình Dương là đặc điểm địa lý hàng hải đóng vai trò hết sức quan trọng về mặt chiến lược vốn thay đổi theo thời gian. Các cường quốc khác nhau đã diễn giải, và lại tái diễn giải và tái định nghĩa lại giá trị của các chuỗi đảo này, về vai trò mà chúng có thể có trong tổng thể chiến lược quốc phòng quốc gia.

Các chiến lược gia Trung Quốc tiêu biểu như Đô đốc Lưu Hoa Thanh đã dành nhiều sự chú ý vào các chuỗi đảo Tây Thái Bình Dương từ giữa những năm 1980, nghiên cứu xem các chuỗi đảo này có thể giúp ích gì cho chiến lược hải dương của Trung Quốc. Tuy nhiên từ trước đó, các chiến lược gia từ Đức, Nhật Bản cho tới Mỹ cũng đã cố gắng cân nhắc và suy nghĩ tới vị thế địa chính trị của các chuỗi đảo trong cả thời bình lẫn thời chiến.

Nước Đức có lẽ là quốc gia đầu phân tích các giá trị chiến lược của các hòn đảo Thái Bình Dương. Giành được quần đảo Miriana và Carolina từ Tây Ban Nha sau chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898. Theo thiếu tướng Karl Ernst Haushofer, “Vòng cung đảo gần bờ” mà ông đặt trong khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương sẽ đóng vai trò như một “tấm màn bảo vệ” (protective veil) che chắn cho các cường quốc lục địa như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Tới lượt Nhật Bản, vốn đã trở thành một cường quốc hải dương vào giai đoạn bước sang thế kỷ 20, đã có thể đánh bại hải quân Trung Quốc và chiếm giữ Đài Loan vào năm 1895. Sức mạnh hải quân gia tăng khiến Tokyo tập trung tìm hiểu giá trị chiến lược mà các đảo và quần đảo ở phía Tây Thái Bình Dương mang lại. Một lực lượng viễn chinh Nhật Bản trong Thế chiến thứ nhất đã giành quyền kiểm soát một số đảo trong quần đảo Micronesia từ tay Đế quốc Đức. Các đảo này không chỉ là những viên đá đầu tiên trong chiến lược hướng nam của Nhật lúc đó, tập trung vào khai thác tài nguyên kinh tế và khoáng sản của Đông Nam Á, mà còn đóng vai trò như một vùng đệm chiến lược. Kiểm soát quần đảo Micronesia (bao gồm các đảo Mariana, Marshall và Caroline bao gồm Palau) sẽ tạo nên một bức “hàng rào” ngăn chặn khả năng Mỹ có thể sử dụng các căn cứ của mình tại Guam hay Philippines để đe doạ Nhật Bản trong tương lai.

Lo lắng của Nhật Bản lặp lại chính lo lắng của Mỹ rằng Nhật Bản sẽ cố gắng kiểm soát một phần chuỗi đảo, vốn là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha. Vào những năm 1910-11, các chiến lược gia quân sự Mỹ nghi ngờ rằng một ngày nào đó Nhật Bản sẽ đe doạ đảo Guam và quần đảo Philippines. Thiếu tá Earl Hancock “Pete” Ellis thuộc lực lượng thuỷ quân lục chiến, một trong những chiến lược gia chiến tranh đổ bộ đầu tiên, đã chú ý tới các đảo do Nhật Bản chiếm hữu vào thời điểm đó và cho rằng đó là những “tiền đồn” cần thiết giúp Tokyo phong toả toàn bộ các tuyến đường biển qua Thái Bình Dương trên một khoảng cách trải dài 2.300 dặm. Qua đó, Ellis cho rằng hải quân Mỹ nên chiếm giữ các nhóm đảo này và thiết lập “các căn cứ tiền phương giúp duy trì hoạt động tác chiến xa hơn ở khu vực”. Ellis đặc biệt lưu tâm đến việc chiếm giữ đảo Guam.

Trong suốt chiến tranh Thái Bình Dương, như những gì mà Ellis đã tiên đoán, hải quân Mỹ đã phải cố gắng giữ vững những cụm đảo mà mình đã chiếm hữu và đồng thời xâm nhập vào các chuỗi đảo mà Nhật Bản đang kiểm soát. Đô đốc Earnest King tin rằng kiểm soát được Đài Loan “giúp Mỹ khép nút cổ chai khu vực Biển Đông trong suốt Thế chiến thứ hai, đe doạ các tuyến hàng hải quan trọng của Nhật Bản, cùng với đó là nguồn cung dầu mỏ và khoáng sản của Nhật”. Điều này đã phần nào định hình nên kết cục của cuộc chiến tranh liên đại dương này.

Chiến thắng trong chiến tranh Thái Bình Dương, các chiến lược gia của Mỹ bắt đầu phân tích giá trị chiến lược của các chuỗi đảo đặt trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Chính trong thời gian này các khái niệm chính thức có liên quan tới các “chuỗi đảo” được phát triển và định nghĩa một cách rõ ràng. Chiến lược của Washington xoay quanh nghiên cứu của Cơ quan Tham mưu hỗn hợp vào năm 1948 nhằm thiết lập một vành đai phòng thủ chạy từ quần đảo Aleutian, xuống Nhật Bản, qua Đài Loan và Philippines.

Tướng Douglas MacArthur đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các đặc trưng địa chính trị quan trọng của các chuỗi đảo trong suốt thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh. Ông cho rằng Mỹ cần phải thiết lập một “lực lượng tấn công” chạy dọc theo khu vực “đường chữ U” kéo dài từ quần đảo Aleutian, qua đảo Midway (hòn đảo đã từng nằm trong tay phát xít Nhật), qua sân bay quân sự Clark ở Philippines và đặc biệt là Okinawa”. MacArthur mô tả Đài Loan như một “tàu sân bay và căn cứ tàu ngầm không bao giờ chìm” nhằm phục vụ chiến lược tấn công của các lực lượng đồng minh tại Okinawa và Philippines.

Từ các chuỗi đảo chiến lược này, theo MacArthur, biên giới phía Tây của Mỹ đã được mở rộng ra khỏi bờ tây. Nước Mỹ đã có khả năng sử dụng sức mạnh không quân và hải quân để kiểm soát các cảng quan trọng của châu Á từ Vladivostok cho tới Singapore và ngăn chặn các hành động thù địch có thể lan rộng ra Thái Bình Dương.

Các chiến lược gia Trung Quốc thường tham khảo các quan điểm của Mỹ từ thế kỷ 20 để xây dựng nên chiến lược của riêng mình. Nhiều nguồn tham khảo Trung Quốc dẫn lại các tuyên bố từ thời Chiến tranh lạnh nói đến sự cần thiết phải thiết lập vành đai phòng thủ được đề xuất bởi MacArthur, Dean Acheson hay John Foster Dulles. Một học giả Trung Quốc khẳng định rằng Mỹ sáng tạo ra khái niệm chuỗi đảo chiến lược nhằm mục đích kiềm chế và ngăn chặn các nước xã hội chủ nghĩa khi đó là Liên Xô và Trung Quốc. Tư tưởng chiến lược của Trung Quốc hiện tại thì nhấn mạnh vào quan điểm của Mỹ thời kỳ đầu Chiến tranh lạnh. Các bài nghiên cứu quân sự của Trung Quốc cho rằng Mỹ thiết lập các chuỗi đảo nhằm mục tiêu hạn chế khả năng bành trướng sức mạnh hải quân cũng như khả năng tự do hoạt động của Trung Quốc khắp vùng phía Tây Thái Bình Dương. Điều này đe doạ trực tiếp tới an ninh hàng hải của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số học giả Trung Quốc khác cho rằng các chuỗi đảo sẽ đóng vai trò là bàn đạp cho quân đội Mỹ thực hiện các chiến dịch quân sự tại những khu vực Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền. Chuẩn đô đốc đã nghỉ hưu Zhang Zhaozhong nhận diện đảo Guam là một vị trí chiến lược để từ đó Mỹ có thể “ngay lập tức triển khai máy bay hoặc tàu ngầm với mục tiêu thiết lập trật tự trên chiến trường”.

Đối lập với các quan điểm trên, một số học giả Trung Quốc coi các chuỗi đảo là điểm mốc cho hoạt động tác chiến của quân đội Trung Quốc. Thông thường thì những ý kiến kiểu như vậy xuất hiện thường xuyên hơn ở các chiến lược gia hải quân. Đô đốc Lưu Hoa Thanh cho rằng trong tương lai gần, hầu hết các chiến dịch hải quân sẽ được tiến hành bên trong Chuỗi đảo thứ nhất, mà ông định nghĩa bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, quần đảo Philippines và quần đảo Sunda lớn. Nhưng trong dài hạn, Lưu khẳng định rằng Trung Quốc phải chuẩn bị để tiến ra Chuỗi đảo thứ hai, bao gồm quần đảo Mariana, Guam và Palau. Truyền thông Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh quan điểm này. Đối với một số người, các chuỗi đảo đã trở thành cột mốc trong nỗ lực của hải quân Trung Quốc trở thành lực lượng hải quân biển xanh với khả năng triển khai sức mạnh ở cả thời bình và thời chiến.

Giá trị địa chính trị thực chất của các chuỗi đảo phía Tây Thái Bình Dương đã được thể hiện qua vô số các đánh giá chiến lược của nhiều cường quốc. Các loại vũ khí và người điều khiển, hỗ trợ đi kèm chỉ có thể phát huy năng lực tác chiến hiệu quả nếu được đặt tại các căn cứ phù hợp trên mặt đất. Từ các căn cứ như vậy, tác chiến sẽ hiệu quả, được duy trì tốt hơn với chi phí chấp nhận được. Tốc độ và cường độ của chiến tranh hiện đại đòi hỏi các lực lượng quân đội phải vượt qua được rào cản về khoảng cách (tyranny of distance). Triển khai các loại tài sản quân sự của quốc gia, hay ít nhất là duy trì sự hiện diện ở khu vực là một lựa chọn không thể thay thế. Cần phải lưu ý rằng, với một đại dương rộng lớn như Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 20 hòn đảo có diện tích lớn hơn 10,000 cây số vuông. Ở phía nam Thái Bình Dương, tổng diện tích đất liền chỉ vào khoảng hơn 550,000 cây số vuông.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay khiến cho giá trị chiến lược của các chuỗi đảo thay đổi nhanh chóng. Sự ra đời của các hệ thống vũ khí tầm xa hiện đại (như máy bay, tên lửa chống hạm, tên lửa đối đất, tàu ngầm tiến công thông thường) cũng như các hệ thống vũ khí phòng thủ (tên lửa phòng không tầm xa) đã thay đổi cục diện chiến lược. Các vũ khí mới này đã gia tăng một cách đáng kinh ngạc tầm bắn của các hệ thống phòng thủ bờ biển so với tàu chiến – một lợi thế mà Trung Quốc đang tận dụng có hệ thống.

Các hệ thống vũ khí mới này, đặt trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết bồi đắp các đảo nhân tạo mới trên Biển Đông cho thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của hệ thống chuỗi đảo dọc Tây Thái Bình Dương. Đây là một ví dụ chưa từng có trong lịch sử về việc một quốc gia cố gắng thay đổi thực tế địa lý bất lợi thành có lợi cho mình. Bắc Kinh đang thiết lập nên một chuỗi đảo mới nhằm “phủ đầu” các mối đe doạ tới chủ quyền của Trung Quốc. Có thể thấy rằng, các chiến lược gia Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đặt các chuỗi đảo vào trọng tâm hoạch định của mình ở tương lai.

Một số tin vắn đáng chú ý

Trung Quốc lần đầu tiên điều động hai tổ hợp phòng không tới quần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép. Điều này cho thấy Trung Quốc đang ngày càng quân sự hoá mạnh mẽ các đảo và làm gia tăng bất ổn tại khu vực. Một quan chức Mỹ cho biết các hệ thống này có thể là những tổ hợp HQ-9 (mô phỏng theo S-300 của Nga). Với tầm bắn 201 km, hệ thống này tạo ra mối đe doạ cho các loại máy bay cả quân sự và dân sự bay gần hòn đảo này.

Trung Quốc hiện tại cũng đang cải tiến các tên lửa đạn đạo chiến lược Đông Phong 5A của mình để bổ sung khả năng mang được nhiều đầu đạn hạt nhân (từ 3 đến 8 đầu đạn) cùng lúc. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng đang bổ sung thêm các hệ thống chuyên chở (tên lửa) cơ động có độ sống sót cao, cũng như gia tăng năng lực của các bệ phóng tên lửa tĩnh (silo-based).