Các nước Đông Nam Á trước nỗ lực bá quyền của Trung Quốc

Nguồn: Patrick Cronin, “In Search of a Southeast Asian Response To China’s Bid for Dominance”, War on The Rocks, 18/5/2015.

Biên dịch: Nguyễn Trần Bảo Yến | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Đây là phần thứ ba trong chuỗi bài của Patrick Cronin viết về chiến lược thống trị Châu Á -Thái Bình Dương của Trung Quốc. Xem lại hai phần đầu: Bá quyền khu vực của Trung Quốc: một thước phim quay chậm, Chiến lược “đảo hoá” và tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc.

Đôi khi muốn duy trì trật tự đòi hỏi phải thực thi các quy tắc công bằng, thậm chí có khi phải đối mặt với những nguy cơ đối đầu mang tính nhất thời. Điển hình là trường hợp máy bay tuần tra Poseidon P8-A của Mỹ bay ngang Đá Chữ Thập và các đảo nhân tạo khác. Đá Chữ Thập và các dự án cải tạo đảo cho thấy những nỗ lực trắng trợn của Trung Quốc biến đường lưỡi bò 9 đoạn gây tranh cãi nhằm độc chiếm phần lớn vùng biển Đông trở thành việc đã rồi – trước khi tòa án quốc tế thông báo về tính hợp pháp của yêu sách này. Đá Chữ Thập không chỉ là một dự án đảo nhân tạo mang tính khiêu khích mà không lâu nữa, thực thể này sẽ trở thành một căn cứ quân sự mà quân đội Trung Quốc và các lực lượng chấp pháp có thể sử dụng để vận hành máy bay và tàu thủy.

Khi Trung Quốc trỗi dậy, các quốc gia Đông Nam Á cũng trỗi dậy. Những lo lắng về sự trỗi dậy của các quốc gia này đã kích thích Hoa Kỳ thực hiện một chính sách tích cực hơn được gọi là xoay trục, hay tái cân bằng. Quá trình tái cân bằng này đặc biệt thừa nhận tính thiết yếu của việc tương tác nhiều hơn với những đối tác cả cũ lẫn mới ở Đông Nam Á, bên cạnh sự hiện diện lâu dài Hoa Kỳ tại Đông Bắc Á. Mặc dù tồn tại cả cơ hội và rủi ro cho Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy mối quan hệ lâu dài với các nước Đông Nam Á, nhưng quyết định nên được đưa ra dựa trên bối cảnh quan hệ giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Bởi vì ASEAN chủ yếu dè dặt trong các hành động của mình, nên vai trò của Hoa Kỳ là quan trọng trong việc đảm bảo việc tiếp cận hàng hóa công toàn cầu như tự do hàng hải và chia sẻ các lợi ích chung. Nhưng Washington vẫn phải tiếp tục vận động dư luận khu vực sau khi vạch rõ giới hạn giữa các hành vi xấu và các quy tắc công bằng.

ASEAN là một thể chế chính trị thành công, tạo ra vô số cơ hội trao đổi quan trọng cho giới ngoại giao. Nhưng tổ chức này nổi tiếng là ngại rủi ro khi phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Trung Quốc đang dựa vào nhược điểm này và sử dụng chiến thuật chia để trị bất cứ khi nào 10 nước ASEAN cho thấy sự thống nhất về một vấn đề nào đó, thậm chí là về một thông cáo rộng rãi vốn có thể được xem là đi ngược lại lợi ích của Trung Quốc. Chính vì các nước Đông Nam Á có lợi ích đa dạng như vậy, Trung Quốc có thể dễ dàng tìm thấy những sơ hở để kéo các quốc gia ra xa nhau. Ngoài ra, bởi vì tất cả các nước láng giềng trong khu vực đều là bạn hàng giao thương chủ yếu với Trung Quốc nên Bắc Kinh có thể đưa ra các ưu đãi (hoặc đe dọa) để đổi lấy sự hợp tác. Điều này giúp giải thích tại sao trong năm 2012, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của tổ chức này, các ngoại trưởng ASEAN không thể đưa ra một tuyên bố chung, do những bất đồng về việc có nên xem Biển Đông như là một vấn đề an ninh đáng quan tâm hay không.

Tuy nhiên, thậm chí Malaysia, một quốc gia cực kỳ thận trọng và luôn đề cao mối quan hệ thương mại với Trung Quốc nếu so sánh với bất kỳ nước thành viên ASEAN nào, đã cho thấy một động thái đoàn kết với các nước ASEAN khác trong tháng Tư năm nay, khi tuyên bố rằng việc cải tạo đảo trên vùng biển đang tranh chấp ở Biển Đông đã “gây xói mòn lòng tin và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định.” Tuyên bố này như là một lời nhắc nhở về những gì đang kết nối các thành viên ASEAN với nhau: cụ thể là, nỗi sợ hãi đến từ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc trở thành mối quan tâm chính trên phương diện này, và Philippines và Việt Nam đã phải chịu đựng gánh nặng đến từ sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mặc dù vậy, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm mang đến sự bảo đảm và hiện diện về mặt quân sự hoặc để đưa ra sự đảm bảo cho Philippines đã vấp phải một sự phản kháng có thể dự đoán trước. Đó là lý do tại sao các quan chức Hoa Kỳ hiện tại đang phải điều chỉnh để tăng cường những nỗ lực thúc đẩy sự tiếp cận và hợp tác an ninh của chúng ta ở Đông Nam Á, với một sự hiểu biết sâu sắc về tương lai của khu vực dựa trên sự cân bằng giữa các lực lượng chính trị.

Trong năm 2010, các quốc gia Đông Nam Á quay sang Hoa Kỳ nhằm đối trọng với sự hung hăng của Trung Quốc; nhưng đó hầu hết là những lời khẩn cầu trong bí mật và ít khi được công bố rộng rãi. Chúng ta cũng đang nhìn thấy chính sách phòng bị nước đôi về an ninh đang ngày càng được thúc đẩy giữa các nước ASEAN. Một phần, điều này liên quan đến việc tìm kiếm các mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Nhưng trong phạm vi rộng lớn hơn, ASEAN cũng đang tìm kiếm các mối quan hệ mạnh mẽ hơn trong nội bộ châu Á, kể cả với các đối tác quân sự xuyên Ấn Độ Dương – Châu Á- Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc cũng như Anh và Pháp.

Mặt khác của chiến thuật chia để trị của Trung Quốc trong mối quan hệ với ASEAN là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm triển khai lâu dài ngoại giao xây dựng niềm tin, không nhằm mục đích ký kết các hiệp định (đặc biệt là hiệp định mang tính ràng buộc) mà thay vào đó là ngăn cản chúng. Trung Quốc đã “câu giờ” rất hiệu quả bằng cách tham gia vào các phiên đàm phán hay trao đổi ngoại giao. Chiến thuật này cũng giúp Bắc Kinh làm giảm đi những chi phí không đáng có, đồng thời khẳng định tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình thông qua nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, chiến thuật này không phải là có tác động lên tất cả các quốc gia ASEAN, một số nước còn tư vấn cho Hoa Kỳ làm theo những gì mà hầu hết các nhà ngoại giao khu vực đã làm – đó là sử dụng một chút mưu mẹo nhằm thể hiện khả năng giải quyết mâu thuẫn và hiểu được rằng không phải lúc nào hành động phơi bày toàn bộ sự thật trước công chúng cũng mang lại thuận lợi trên đấu trường cạnh tranh quốc tế.

Đa số các thành viên ASEAN, đặc biệt là các quốc gia ven biển, ít nhất là đang lặng lẽ ủng hộ Hoa Kỳ có một chỗ đứng vững chắc ở khu vực, đồng thời cố gắng xây dựng một mạng lưới các đối tác an ninh rộng lớn hơn. Mặt khác, hầu như tất cả các nước ASEAN đều muốn né tránh đối đầu với Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả đều chia sẻ nỗi sợ hãi rằng các cường quốc ở bên ngoài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới lợi ích của các nước Đông Nam Á. Sự ve vãn của Trung Quốc đi kèm với các biện pháp cưỡng ép trong nhiều năm qua đã mang lại những tuyên bố tập thể và đoàn kết, bao gồm cả những phản ứng hồi tháng Tư trước những nỗ lực xây dựng “Vạn lý trường thành bằng cát” trên biển của Trung Quốc. Nhưng sự đoàn kết của ASEAN cũng có thể nhắm vào Hoa Kỳ, nếu chúng ta cho phép Trung Quốc khiến chúng ta phản ứng một cách thái quá hay thất bại trong trận chiến quan điểm nhằm tìm giải pháp tốt nhất giúp xác định và giải quyết các vấn đề.

Từng nước ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền và quyền lợi của họ so với khi đứng chung trong một tập thể. Việt Nam đặc biệt có khả năng và kinh nghiệm trong việc bảo vệ đường bờ biển dài của mình. Philippines đã vùng dậy và tìm cách mở rộng khả năng của quốc gia, đặc biệt là kể từ khi bị đẩy sang một bên trong vụ bãi cạn Scarborough. Tòa án Tối cao Philippines cần sớm hợp pháp hoá sự hiện diện luân phiên của Hoa Kỳ tại Philippines dựa trên hiến pháp của nước này vốn cấm việc thành lập các căn cứ quân sự mang tính vĩnh viễn. Điều đó có thể tạo ra đủ khích lệ đối với Hoa Kỳ trong việc tăng cường chiếc ô liên minh đối với Philippines.

Nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên và quan trọng nhất là sự thức tỉnh về hàng hải của Tổng thống mới của Indonesia Joko “Jokowi” Widodo. Trong khi ông ta phải tiếp tục chơi trò chơi cân bằng giống như tất cả các chủ thể khác trong khu vực – cân bằng giữa lợi ích kinh tế và ổn định với lợi ích an ninh, quá trình tạo ra các quy tắc, và đảm bảo thực thi luật pháp – Jokowi đã chuyển Indonesia từ một đất nước thuần ASEAN trở thành một trung cường trong khu vực và trực tiếp tương tác với các cường quốc bên ngoài. Việc đánh đắm 41 tàu, trong đó có một tàu của Trung Quốc, với mục đích chứng minh rằng Indonesia sẽ thực thi luật hàng hải của mình, là một hành động mang tính tượng trưng nhưng rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc tìm cách áp đặt chi phí lên các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc hay cố gắng ngăn Trung Quốc giành được những thắng lợi từ sự bắt nạt đòi hỏi một ASEAN đoàn kết nhiều hơn nữa. Vì vậy, bất chấp những hạn chế của ASEAN, Hoa Kỳ nên tiếp tục hỗ trợ cho tổ chức này. Khi đạt được sự đồng thuận, ASEAN sẽ đóng vai trò như một lực lượng mạnh mẽ trong việc hợp pháp hóa các hoạt động quốc tế. Hơn nữa, sự hỗ trợ của ASEAN là rất cần thiết cho các tổ chức khu vực quy mô hơn, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) thiết lập các chương trình nghị sự ngoại giao cấp cao giữa các nhà lãnh đạo, và hội nghị các Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đưa ra các bước đi thực tế bởi các Bộ quốc phòng. Tiếp sau đó, từ đối thoại Shangri-La ở Singapore cho tới Hội nghị thượng đỉnh Đông Á được tổ chức bởi Malaysia vào cuối năm nay, Hoa Kỳ cần phải giành được sự thấu hiểu và hỗ trợ cho các hoạt động như không thám và đảm bảo tự do hàng hải nhằm bảo vệ những lợi ích chung mang tính toàn cầu.

Patrick M. Cronin là Giám đốc cấp cao tại Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới và là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ.