Địa chính trị của quan hệ Việt – Mỹ

0,,17949911_303,00

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Ngày mai, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến thăm sẽ là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương vì ông Trọng sẽ là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng thăm chính thức Washington.

Một số nhà bình luận có thể cho rằng vì ông Trọng là lãnh đạo Đảng chứ không phải nguyên thủ quốc gia hay người đứng đầu chính phủ nên chuyến thăm chỉ mang ý nghĩa biểu tượng là chính. Tuy nhiên, chuyến thăm vẫn có thể giúp xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và mở đường cho các hợp tác có ý nghĩa hơn giữa hai cựu thù trong tương lai.

Chuyến thăm của ông Trọng sẽ được phía Mỹ đáp lại bởi chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội dự kiến vào cuối năm nay. Đây là một trong số những sự kiện đáng chú ý nhằm đánh dấu 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ song phương.

‘Đối tác toàn diện’

Sự phát triển quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2014, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 28,66 tỉ đô la, chiếm khoảng một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tới năm 2014, Mỹ cũng đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 10 tỉ đô la.

Về quan hệ chính trị và chiến lược, hai nước đã thiết lập một mối quan hệ “đối tác toàn diện” vào năm 2013.

Một xu hướng đáng chú ý trong quan hệ song phương là tầm quan trọng ngày càng tăng của các động lực địa chiến lược. Chắc chắn là sự phát triển quan hệ giữa hai bên kể từ sau bình thường hóa năm 1995 đã luôn được định hình một phần bởi các tính toán chiến lược của hai bên.

Tuy nhiên, trước khoảng năm 2010, sự phát triển đó chủ yếu được thúc đẩy bởi các động lực kinh tế và chính trị, đặc biệt là mong muốn của Việt Nam trong việc tận dụng thị trường, vốn và công nghệ của Hoa Kỳ để hiện đại hóa đất nước, cũng như ý định ngầm của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy một nước Việt Nam tự do và dân chủ hơn.

Kể từ năm 2010, mặc dù các động lực này vẫn còn phù hợp, nhưng các lý do chiến lược dường như ngày càng chiếm ưu thế.

Lý do đơn giản là vì hai bên ngày càng nhận thức rõ mối đe dọa gia tăng mà một Trung Quốc đang trỗi dậy đang đặt ra cho các lợi ích chiến lược của hai bên, nhất là tại Biển Đông.

Cũng cần nhớ rằng các động lực chiến lược đã từng đẩy hai bên rời xa nhau.

Thời kỳ 1945-46, Chủ tịch Hồ Chí Minh của một nước Việt Nam mới giành được độc lập đã nhiều lần gửi thư cho Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman nhằm tìm kiếm sự hẫu thuẫn của Washington khi ông nhìn thấy sự xung đột giữa nước cộng hòa non trẻ với các lực lượng thực dân Pháp đang quay trở lại là điều không thể tránh khỏi.

“Dân tộc Việt Nam chúng tôi […] chỉ mới bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước. Chúng tôi cần an ninh và tự do […]. Sự an ninh và tự do này chỉ có thể được đảm bảo bởi nền độc lập của chúng tôi khỏi bất kỳ cường quốc thực dân nào, và sự tự do trong hợp tác với tất cả các cường quốc khác. Chính vì niềm tin vững chắc này mà chúng tôi đề nghị Hoa Kỳ, trong tư cách là người bảo vệ và ủng hộ Công lý Thế giới, có một bước đi vững chắc nhằm ủng hộ sự độc lập của chúng tôi”. Ông Hồ đã viết như vậy trong một bức thư gửi Tổng thống Truman đề ngày 16/02/1946.

Tuy nhiên, lời kêu gọi của ông Hồ đã không được Mỹ hồi đáp.

Trong những năm tháng định hình Chiến tranh Lạnh đó, áp lực của Pháp cũng như nỗi sợ về sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản vào Đông Nam Á dường như là những nhân tố chính lý giải cho sự thờ ơ của Mỹ đối với các đề nghị của ông Hồ.

Hơn nữa, xét về mặt chiến lược, việc Trung Quốc vẫn đang chìm trong nội chiến và chưa vươn lên thành một mối đe dọa an ninh rõ ràng đối với các lợi ích của Mỹ đã càng làm giảm tầm quan trọng địa chiến lược của một nước Việt Nam độc lập.

Hệ quả là hai nước đã bị các cơn sóng dồn dập của căng thẳng Chiến tranh Lạnh kéo xa nhau ra và cuối cùng vướng vào một cuộc xung đột vũ trang kéo dài và đẫm máu.

Thế nhưng 70 năm sau, quang cảnh địa chính trị khu vực đã thay đổi sâu sắc và hai cựu thù giờ đây đang rất muốn củng cố quan hệ song phương để đối phó với các thách thức an ninh mới.

Mối lo trước Trung Quốc?

Sự thay đổi quan trọng nhất chắc chắn là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những năm 1940, một Trung Quốc suy yếu và bị chia rẽ hầu như không phải là một mối đe dọa đối với Việt Nam, và càng không phải là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Hoa Kỳ ở Viễn Đông.

Nhưng giờ đây, trong khi một Trung Quốc hùng mạnh và hung hãn hơn trên Biển Đông đang là một mối quan ngại chính ở Hà Nội thì Washington cũng đang cảm thấy bất an trước việc Bắc Kinh theo đuổi quyết liệt một vị thế toàn cầu áp đảo hơn, điều theo thời gian chắc chắn sẽ lật đổ vị thế cường quốc dẫn đầu của Hoa Kỳ.

Do đó, hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam đã được củng cố trong những năm gần đây, với bước đi lớn đầu tiên là bản Ghi nhớ về quan hệ quốc phòng ký năm 2011.

Các chỉ dấu khác của sự xích lại gần nhau giữa hai bên về mặt chiến lược còn có việc Mỹ cam kết năm 2013 sẽ cung cấp cho Việt Nam 18 triệu đô la để tăng cường năng lực hàng hải và mua các tàu tuần tra, cũng như quyết định của Mỹ vào tháng 10 năm 2014 nhằm dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Đầu tháng này, hai nước cũng đã công bố một bản “Tuyên bố tầm nhìn chung” nhằm củng cố quan hệ quốc phòng và làm cho mối quan hệ “đối tác toàn diện” thêm phần thực chất. Bất chấp những bước tiến này, hợp tác chiến lược song phương hiện tại vẫn còn khiêm tốn, và vẫn còn nhiều dư địa để nâng cấp trong tương lai.

Do đó, có thể nói, các động lực trong tam giác chiến lược Mỹ – Trung – Việt đã bước vào giai đoạn thứ ba trong một chu kỳ vòng tròn. Những năm 1950 và 1960, Việt Nam và Trung Quốc đã hợp tác để chống lại Mỹ.

Đến thời kỳ 1970 và 1980, Trung Quốc chuyển sang cộng tác với Mỹ để kiềm chế Việt Nam. Giờ đây, sóng đã đổi chiều khi Mỹ và Việt Nam đang tăng cường quan hệ chiến lược với Trung Quốc là đối thủ chung trong tâm trí của mình.

Như Lord Palmerston đã từng nói một câu nổi tiếng: “Chúng ta không có đồng minh vĩnh viễn, chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chúng ta chỉ có các lợi ích vĩnh viễn”, Việt Nam và Hoa Kỳ, cũng như Trung Quốc, đang theo đuổi các lợi ích của mình, và khi lợi ích thay đổi, các “đồng minh” và “kẻ thù” cũng thay đổi.

Trung Quốc không nên oán trách các quốc gia khác vì những gì mà Bắc Kinh cảm nhận như là những diễn tiến chiến lược “thù địch” hay “chống Trung Quốc” trong khu vực.

Như việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Trường Sa cho thấy, chính Trung Quốc đã kích hoạt các diễn tiến địa chính trị này, và vì thế cũng chỉ có Trung Quốc mới có thể đảo ngược lại những diễn tiến đó theo hướng có lợi cho mình.

Trong bối cảnh việc Trung Quốc tiếp tục hung hăng theo đuổi lợi ích của mình, nhất là trên Biển Đông, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sự xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington vẫn tiếp tục tiếp diễn bất chấp sự khó chịu từ Bắc Kinh.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore, và là giảng viên của Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM.

Bài viết được đăng lần đầu trên BBC Việt Ngữ. Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên East Asia Forum.