Nguồn: Shashi Tharoor, “Taking the BRICS Seriously”, Project Syndicate, 19/6/2015
Biên dịch: Lê Công Anh | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Trên chiếc thuyền xuôi theo dòng sông Moscow vào một buổi tối mát mẻ đầu tháng này, tôi đã có một cuộc tranh luận sôi nổi với Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Đại hội đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (National People’s Congress hay Nhân Đại, tức Quốc hội Trung Quốc). Trong khi ấy, hai nghị sĩ đến từ Nam Phi và Brazil đang lắc lư theo điệu nhạc Nga và một hướng dẫn viên đang chỉ dẫn những điểm tham quan. Diễn đàn nghị viện đầu tiên của nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới – Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã kết thúc trong không khí hoan hỉ.
Trước khi hội nghị diễn ra, nhiều người băn khoăn rằng liệu năm nghị viện này có thể tìm được lập trường chung hay không. Điều gì có thể là điểm chung giữa Lok Sabha (Hạ viện Ấn Độ) ồn ào và đầy chia rẽ với những cuộc tranh cãi kịch liệt và một Nhân Đại lịch thiệp, có tiếng là được kiểm soát nghiêm ngặt trong việc nhắc lại các quyết định của Đảng Cộng sản Trung Quốc? Nhiều người tin rằng tư cách thành viên trong nhóm BRICS mới không phải một nền tảng đủ mạnh để hợp tác.
Ngay từ đầu, việc thành lập nhóm BRICS đã bị hoài nghi khi một số quốc gia không coi trọng BRICS vì nó là tổ chức quốc tế duy nhất được thành lập bởi một ngân hàng đầu tư. Đặc biệt, khi Jim O’Neil, lúc bấy giờ là nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs, đưa ra thuật ngữ BRIC cách đây hơn một thập niên, ông đã không xếp Nam Phi vào hàng các nền kinh tế mới nổi hàng đầu.
Thế nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin lại thích ý tưởng về nhóm BRIC ngay từ đầu và vào năm 2006 ông đã đề nghị bốn quốc gia nên gặp gỡ thường xuyên. Nhóm BRIC đã nhanh chóng được chính thức hóa với các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hàng năm. Nam Phi gia nhập vào năm 2011, góp phần củng cố thêm sự hiện diện của nhóm BRICS trên khắp Nam bán cầu, với duy nhất nước Nga ở Bắc bán cầu.
Trên thực tế, đó là lý do tại sao vai trò trung tâm của Nga trong nhóm BRICS khiến người khác phải suy nghĩ. Do nước Nga lúc đó vẫn là một thành viên của nhóm G8, nhóm kinh tế quan trọng nhất Bắc bán cầu, nước này dường như có ít điểm tương đồng với bốn quốc gia thành viên còn lại trong nhóm BRICS, những quốc gia lâu nay vẫn được nhìn nhận như những tiếng nói hàng đầu đại diện cho các quốc gia đang phát triển tại các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, bằng việc tận dụng ý tưởng thành lập nhóm BRICS từ ban đầu, Putin đã để lộ tham vọng xây dựng một hệ thống toàn cầu khác, và thúc đẩy một thế giới quan khác.
Việc quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS liên tục được làm sâu sắc thêm đã khiến các quan sát viên quốc tế ngạc nhiên. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh thường niên – sự kiện cho ra đời những tuyên bố chung về mọi vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề hòa bình và an ninh đến việc cải tổ Liên Hợp Quốc, nhóm BRICS đã tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và tiến hành các cuộc tham vấn giữa các viện nghiên cứu chính sách. Hơn nữa, nhóm BRICS còn thành lập Ngân hàng Phát triển Mới đặt trụ sở tại Thượng Hải và do một trong những giám đốc ngân hàng tư nhân uy tín nhất của Ấn Độ điều hành.
Xét đến bối cảnh nói trên, diễn đàn nghị viện vừa qua chỉ là phần mới nhất trong một loạt các cơ quan và cơ chế ngày càng mở rộng nhằm định hình nhóm BRICS như một tổ chức quốc tế không thể lơ là.
Nhóm BRICS nổi lên vào thời điểm mà người ta ngày càng thiếu tin tưởng vào tương lai của hệ thống quốc tế đã tồn tại kể từ sau Thế Chiến II. Sau hai cuộc chiến tranh thế giới, rất nhiều cuộc nội chiến, các cuộc áp bức thuộc địa, và nỗi kinh hoàng của cuộc tàn sát người Do Thái cũng như vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima trong Thế Chiến II, các chính khách có tầm nhìn xa lúc bấy giờ đã quyết định rằng chủ nghĩa quốc tế tự do, dựa trên cơ sở của Hiến chương Liên Hợp Quốc cùng với các cơ chế liên quan, là cách duy nhất để ngăn chặn việc con người tàn sát nhau.
Và thực tế là trong hơn bảy thập niên qua, hệ thống đó nhìn chung đã đạt được các mục tiêu của mình. Hệ thống này đã đảm bảo được hòa bình thế giới rộng khắp dù phải chấp nhận dịch chuyển nhiều xung đột ra khu vực ngoại vi. Đồng thời nó không chỉ có lợi đối với các nước phát triển mà còn đảm bảo cho quá trình phi thực dân hóa, thúc đẩy phát triển cũng như tìm cách tạo chỗ đứng cho tiếng nói của các quốc gia mới nổi.
Nhưng dường như những dàn xếp hiện tại đã không còn phù hợp nữa. Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng toàn cầu tương xứng với sức mạnh kinh tế của hai quốc gia này; Brazil và Nam Phi thì đang nổi lên như những cường quốc của châu lục mình trong khi nước Nga giàu dầu khí ngày càng tỏ ra không hài lòng về vị trí ở bên lề hệ thống (quan hệ quốc tế) phương Tây. Do đó không ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng đã đến lúc hệ thống hiện tại cần một sự điều chỉnh.
Thế nhưng, các cường quốc trên thế giới sẽ không từ bỏ ảnh hưởng của họ dễ dàng như vậy. Thật vô lý khi quyền biểu quyết của Trung Quốc và Bỉ tại Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại bằng nhau. Tuy nhiên, nỗ lực của nhóm G20 nhằm tạo ra sự cân bằng giữa các nền kinh tế phát triển với các quốc gia mới nổi cũng như các quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi trong những tổ chức này đang dần ngừng lại. Thực vậy, tuy rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về cơ bản đã đồng ý với việc cải tổ cách thức biểu quyết trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhưng thực tế là Quốc hội Hoa Kỳ vẫn chưa thông qua điều này.
Điều quan trọng là phải hiểu rằng, không giống như Đức hay Nhật Bản cách đây một thế kỷ, các quốc gia như Ấn Độ và Brazil hiện tại không cố gắng để đảo ngược trật tự thế giới. Tất cả những gì các quốc gia này muốn là một vị trí ở chiếu trên. Nếu không, các quốc gia này gần như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc xây dựng một trật tự cho riêng mình, mặc dù Ấn Độ, Brazil và Nam Phi có lý do để phân vân xem một trật tự thế giới mới do Trung Quốc dẫn dắt liệu có tốt hơn so với trật tự hiện tại không.
Phản ứng của nhóm BRICS vừa dễ hiểu vừa đáng lo ngại. Khi các quốc gia có được sức mạnh kinh tế và quân sự thì họ cũng bắt đầu phô trương sức mạnh địa chính trị của mình. Thách thức đối với những người bảo vệ trật tự thế giới là phải đưa các cường quốc mới nổi vào trong một khuôn khổ với các quy tắc toàn thể và có thể dự đoán được cũng như những cơ chế toàn cầu đảm bảo rằng mọi quốc gia đều có được sự đối xử công bằng, thích hợp với quy mô, năng lực cũng như đóng góp của những quốc gia đó cho hệ thống quốc tế.
Những nhà lãnh đạo thế giới ngày nay có vẻ như thiếu đi tài quản trị, tầm nhìn rộng cũng như tư tưởng phóng khoáng của những người đã tạo ra trật tự thế giới sau năm 1945. Với việc cứ khăng khăng giữ chặt hệ thống mà họ thống trị và khép cánh cửa lại với những người mới, họ đã để lại rất ít sự lựa chọn cho những người bị bỏ bên ngoài
Điểm chung giữa các quốc gia thành viên nhóm BRICS là việc không có được vị trí mà các quốc gia này tin là họ xứng đáng có được trong trật tự thế giới hiện tại. Điều này trông có vẻ là chưa đủ để làm nền tảng cho một hệ thống quốc tế mới đáng tin cậy. Tuy nhiên, với việc những nền kinh tế này đang trên đà vượt qua nền kinh tế của các thành viên nhóm G7 trước năm 2050, vẻ ngoài đó không phải lúc nào cũng thể hiện đúng thực chất.
Thực tế là nếu nhóm BRICS không được phép tham gia đóng vai trò dẫn dắt trong hệ thống toàn cầu hiện tại thì các quốc gia thành viên chắc hẳn sẽ tự tạo ra một trật tự thế giới cho riêng họ. Tuy nhiên, điều đó có thể tác động như thế nào đến trật tự thế giới được thành lập từ năm 1945 vẫn còn chưa rõ ràng.
Shashi Tharoor, cựu Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực và Bộ trưởng Ngoại giao của Ấn Độ, hiện là một nghị sĩ trong Quốc hội Ấn Độ và là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Tác phẩm mới nhất của ông là cuốn sách “Pax Indica: India and the World of the 21st Century”.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Taking the BRICS Seriously