“Bẫy không bị trừng phạt”: Lý do khiến tham nhũng lan tràn

Print Friendly, PDF & Email

corruption

Nguồn: Jeffrey D. Sachs, “The Impunity Trap”, Project Syndicate, 03/06/2015

Biên dịch: Nguyễn Văn Đức | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Thế giới của chúng ta là một thế giới của sự không bị trừng phạt. Những cáo buộc tham nhũng đã đầy rẫy ở FIFA trong nhiều thập niên, mà đỉnh điểm là các lời buộc tội đối với các quan chức tại nhiệm và các cựu quan chức tuần trước. Tuy nhiên Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã tái đắc cử bốn lần, bao gồm cả lần sau khi các lời buộc tội đã được đệ trình (lên cơ quan tố tụng). Đúng vậy, Blatter cuối cùng cũng từ chức, nhưng chỉ sau khi ông ta và hàng tá thành viên của liên đoàn một lần nữa tỏ rõ sự khinh thường đối với sự trung thực và luật pháp.

Chúng ta chứng kiến kiểu hành xử này trên khắp thế giới. Hãy xem xét trường hợp Phố Wall. Vào năm 2013 và 2014, JPMorgan Chase chi hơn 20 tỷ đôla tiền phạt cho các hành động tài chính phi pháp; tuy nhiên giám đốc điều hành đã mang về 20 triệu đô la tiền lương trong cả năm 2014 lẫn 2015. Hay hãy xem xét các vụ bê bối tham nhũng ở Brazil, Tây Ban Nha, và nhiều quốc gia khác, những nơi mà chính phủ vẫn nắm quyền kể cả sau khi tham nhũng cấp cao trong đảng cầm quyền bị phanh phui.

Khả năng của những kẻ sử dụng quyền lực công và tư để coi thường pháp luật và các chuẩn mực đạo đức vì lợi ích cá nhân là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự bất bình đẳng. Những người nghèo phải chịu tù chung thân vì những tội lặt vặt, trong khi những người chủ ngân hàng lừa đảo dân chúng hàng tỷ lại được nhận những tấm thiệp mời tới dự bữa tối tại Nhà Trắng. Một bài đồng dao ngắn nổi tiếng từ thời trung cổ ở Anh cho thấy rằng điều này không phải là một hiện tượng mới:

Luật bỏ tù những người đàn ông hoặc đàn bà

Bắt trộm con ngỗng ở mảnh đất công

Nhưng lại để sổng những kẻ tham quan

Ăn cắp cả mảnh đất công của con ngỗng.[1]

Những kẻ trộm lớn nhất ngày nay là những kẻ đang lấy trộm những tài sản công hiện đại – biển thủ ngân sách nhà nước, làm ô nhiễm môi trường tự nhiên, và bào mòn lòng tin của công chúng. Khi những bản cáo trạng chống lại 14 quan chức FIFA được đệ trình, danh sách các nhân vật liên quan không chỉ bao gồm những kẻ phạm tội trong giới thể thao mà còn bao gồm những đối tượng quen thuộc: những tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ bí mật, những thiên đường thuế ở quần đảo Cayman, những công ty bình phong – tất cả những công cụ tài chính phụ được thiết kế để bảo vệ người giàu khỏi sự soi xét gắt gao và pháp luật.

Trong trường hợp này, FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã hoàn thành công việc của họ. Nhưng họ đã làm việc này một phần bằng cách thâm nhập vào thế giới mờ ám của bí mật tài chính, thứ được tạo ra và bảo vệ bởi chính Bộ Tài Chính Mỹ, Sở Thuế Vụ, và Quốc hội Mỹ (nơi luôn bảo vệ thiên đường thuế Caribbe).

Ở một số xã hội và lĩnh vực kinh tế, tình trạng thoát tội bây giờ đã quá phổ biến và được nhìn nhận như là điều không thể tránh khỏi. Khi mà hành vi phi đạo đức của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh được xem là “bình thường”, thì chũng cũng sẽ không bị trừng phạt bởi dư luận, và được khẳng định là bình thường – tạo nên cái nôm na gọi là “bẫy không bị trừng phạt” (impunity trap). Ví dụ, với việc các chính trị gia ở Mỹ bây giờ quá trắng trợn và thường xuyên nhận tiền từ các nhà tài trợ giàu có, phần lớn dân chúng chấp nhận các sai phạm tài chính bị phanh phui (như những giao dịch tài chính đáng ngờ về mặt đạo đức của Quỹ Clinton) chỉ với một cái ngáp hoài nghi.

Tình hình trong ngành ngân hàng toàn cầu đang đặc biệt đáng báo động. Một nghiên cứu kĩ lưỡng mới đây về các hành vi đạo đức trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính này ở Mỹ và Anh cho thấy rằng hành vi phi đạo đức và phi pháp bây giờ thực sự được nhìn nhận là phổ biến. 47% người được phỏng vấn nói rằng có khả năng là các đối thủ cạnh tranh của họ đang dính líu tới hoạt động phi đạo đức và phi pháp,” và 23% tin rằng đồng nghiệp của họ dính líu tới các hoạt động tương tự như thế.

Thế hệ trẻ hơn đã học được bài học: 32% những người được phỏng vấn làm việc trong ngành công nghiệp tài chính trong thời gian ít hơn 10 năm nói rằng, “họ sẽ tham gia vào các giao dịch nội gián để kiếm 10 triệu đô la nếu không có nguy cơ bị bắt”. Nguy cơ để bị bắt trong những hành động phi pháp như thế là, chao ôi, rất thấp.

Tuy nhiên, không phải tất cả các xã hội hay lĩnh vực đều bị rơi vào “bẫy không bị trừng phạt”. Một vài xã hội, đáng chú ý nhất là khu vực bán đảo Scandinavia, vẫn duy trì sự kì vọng rằng các quan chức công của họ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên và sẽ hành động một cách có đạo đức và trung thực. Ở những nước này, bộ trưởng bị buộc phải từ chức vì những vi phạm nhỏ, những sự cố mà ở các nước khác có thể được xem là không quan trọng.

Thuyết phục người dân Mỹ, Nga, Nigeria hay Trung Quốc rằng tham nhũng hoàn toàn có thể được kiểm soát dường như là một nhiệm vụ vô ích. Nhưng mục tiêu này chắc chắn là đáng để hướng tới vì các bằng chứng áp đảo cho thấy sự miễn tội không chỉ độc hại về mặt đạo đức mà nó còn gây nên phí tổn kinh tế và sự bào mòn sâu sắc đối với phúc lợi.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi “lòng tin tổng quát” trong xã hội cao, thì hiệu quả kinh tế được cải thiện và sự hài lòng đối với cuộc sống sẽ cao hơn. Một trong số các lí do là các thỏa thuận thương mại có thể dễ dàng đạt được và được thi hành hiệu quả. Không phải là ngẫu nhiên mà các nước Scandinavia nằm trong số các nước hạnh phúc và thịnh vượng nhất thế giới năm này qua năm khác.

Vậy cần phải làm gì để vượt qua “bẫy không bị trừng phạt”? Một phần của câu trả lời tất nhiên là ở việc thi hành pháp luật (ví dụ như các bản cáo trạng đối với FIFA) và bảo vệ những người tố cáo. Tuy nhiên việc thực thi pháp luật là không đủ; thái độ công chúng cũng đóng một vai trò lớn.

Nếu công chúng bày tỏ sự khinh bỉ và ghê sợ đối với các chủ ngân hàng lừa đảo các khách hàng của họ, những giám đốc điều hành dầu mỏ phá hủy khí hậu, những quan chức FIFA nhận lại quả, hay các chính trị gia làm thân với tất cả bọn họ để nhận tiền tài trợ tranh cử và những khoản hối lộ, thì sự bất hợp pháp của một vài người không thể trở thành chuẩn mực. Sự khinh miệt của công chúng có thể không chấm dứt tham nhũng ngay lập tức, nhưng điều này có thể khiến cuộc sống của những kẻ đang lấy trộm của công từ chúng ta ít dễ chịu hơn.

Một ứng cử viên cho chức Tổng thống Mỹ năm 2016, cựu thống đốc bang Maryland Martin O’Malley, vừa mới khởi động chiến dịch của ông bằng việc đặt ra câu hỏi rằng vì sao không một giám đốc điều hành nào ở Phố Wall bị kết án vì một tội phạm tài chính nào sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Đây là một câu hỏi đúng đắn, loại câu hỏi có thể giúp nước Mỹ vượt qua được “bẫy không bị trừng phạt”.

Tuy nhiên chúng ta có thể hỏi một câu hỏi còn đơn giản hơn. Vì sao những chủ ngân hàng vẫn được chào đón bởi Tổng thống Obama, được mời đến các bữa quốc yến hào nhoáng, và được phỏng vấn một cách cung kính bởi giới truyền thông? Điều đầu tiên mà bất kì xã hội nào có thể và nên làm là từ chối dành sự tôn trọng cho các lãnh đạo chính trị và chủ doanh nghiệp cố tình lạm dụng lòng tin của công chúng.

Jeffrey D. Sachs là Giáo sư về Phát triển bền vững, Chính sách và Quản lý Y tế, và là Giám đốc Viện Địa Cầu tại Đại học Columbia. Ông cũng đồng thời là Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Ông là tác giả của các cuốn sách The End of Poverty, và Common Wealth.

Copyright: Project Syndicate 2015 – The Impunity Trap

————————–

[1] Nguyên văn:

The law locks up the man or woman

Who steals the goose off the common

But leaves the greater villain loose

Who steals the common from the goose.