Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Thông tin đáng chú ý nhất trong tuần qua có lẽ là việc Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Daniel Russel, tại Hội thảo Biển Đông được tổ chức tại CSIS, khẳng định rằng: đối với nước Mỹ, vấn đề không phải là các đảo đá và bãi cạn ở Biển Đông hay là các nguồn tài nguyên trong vùng biển này, mà là vấn đề luật lệ. Hoa Kỳ không hề trung lập khi vấn đề có liên quan đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế và sẽ mạnh mẽ đứng về phía pháp luật. Trong bài phát biểu của mình, ông Russel cho rằng để giảm căng thẳng tại Biển Đông và tạo ra không gian cho ngoại giao, cần thực hiện 3 cách: (1) dừng hoạt động cải tạo trên các thực thể ở Biển Đông; (2) dừng xây dựng các cơ sở mới; (3) dừng quân sự hoá các điểm chiếm đóng hiện tại.
Ông Daniel Russel cũng cho rằng một số quốc gia tại Biển Đông có lập trường cực đoan và do đó một kết quả đàm phán khả quan giữa Trung Quốc và các bên tranh chấp khác là khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện tại. Bài phát biểu cũng đã nêu lên 6 lợi ích căn bản của Hoa Kỳ tại Biển Đông, tất cả đều xoay quanh câu chuyện bảo vệ tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Washington, theo Russel, hiện tại đang có hàng loạt các sáng kiến hợp tác dự định sẽ triển khai trong khuôn khổ các cuộc họp ASEAN, ARF, APEC và EAS sắp tới. Mục đích chính là tạo nên các tiến triển nhanh chóng và hiệu quả ở Biển Đông trong khi tình hình căng thẳng đang có vẻ lắng dịu.
Trong phần trả lời câu hỏi, ông Russel cho rằng: Chúng tôi (Hoa Kỳ) không hề trung lập khi vấn đề có liên quan đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi mạnh mẽ đứng về phía luật pháp nhưng không đưa ra quan điểm đối với các yêu sách về chủ quyền. Đối với chính sách đảm bảo an toàn hàng hải, ông Russel cũng nhấn mạnh rằng “sử dụng máy bay do thám là tốt, còn dùng máy bay chiến đấu mới là xấu”. Về hành vi “đảo hoá”, vị trợ lý Ngoại trưởng cho rằng hoạt động của Trung Quốc không thể so sánh với các quốc gia khác về quy mô, tốc độ, năng lực và ý định. Dù có đắp đất cao đến đâu đi nữa thì những hoạt động này cũng không mang lại chủ quyền cho bất cứ bên nào.
Trung Quốc có thể phát động một cuộc chiến tình báo mới chống lại Hoa Kỳ theo một phương thức hoàn toàn khác, Peter Mattis thuộc Chương trình Trung Quốc của Quỹ Jamestown nhận định. Mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc gần đây đặc biệt trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều dấu hiệu cho thấy các tin tặc bắt đầu tấn công sang cả Văn phòng Quản lý Nhân lực Hoa Kỳ (OPM). Những tin tặc này được cho là có liên hệ với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (MSS) – cơ quan tình báo dân sự của Bắc Kinh. Hàng triệu hồ sơ cá nhân của công dân Hoa Kỳ, vốn bị đánh cắp từ OPM, có thể tạo cho Trung Quốc cơ hội có thêm nhiều đầu mối cung cấp thông tin tình báo.
Hầu hết các hoạt động tình báo của MSS đều xuất phát từ bên trong nội địa Trung Quốc, kể cả những mục tiêu là các chính phủ và quân đội nước ngoài. Khác với các kịch bản tình báo quen thuộc, ví dụ như giả làm nhà ngoại giao rồi đến quốc gia mục tiêu và âm thầm thu thập tin tức, tình báo Trung Quốc tiếp cận mục tiêu của mình ngay tại Trung Quốc. Rà soát lại lịch sử gián điệp Trung Quốc bị phát hiện, chỉ có 3 trường hợp là bị mua chuộc ở bên ngoài Trung Quốc. Điều này mang hàm ý rằng hầu hết những người làm việc cho tình báo Trung Quốc đều ít nhất đã vài lần đến nước này.
Việc hàng triệu hồ sơ của nhân viên chính phủ Hoa Kỳ lọt vào tay MSS có thể giúp cơ quan này xây dựng ra một chương trình tình báo nhằm vào Washington một cách hoàn hảo và bền vững hơn trước. Đặc biệt, các quan chức Hoa Kỳ về hưu là mục tiêu mang lại nhiều giá trị hơn những người còn đương nhiệm. Thứ nhất, các cựu quan chức không phải đối mặt với những hạn chế đi lại hay khai báo những mối liên lạc của họ khi ra nước ngoài. Thứ hai, vì các cựu quan chức không bị hạn chế đi lại, nên tình báo Trung Quốc có thể áp dụng chiêu thức “mưa dầm thấm đất” để từ từ tìm hiểu, xem xét phản ứng và cuối cùng là mua chuộc, thuyết phục. Thứ ba, quan chức về hưu nắm giữ nhiều bí mật hơn những người đương nhiệm. Mức độ thành công của phương thức mới này chưa biết sẽ đến đâu, song nó cho phép MSS cải thiện chương trình và chiến lược tấn công tình báo theo hướng dần hoàn thiện hơn trước.
Liên quan đến tình hình biển Đông, Wu Sichun – một học giả nổi tiếng, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Quốc gia Trung Quốc về biển Đông, cho rằng Bắc Kinh không nên đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên khu vực Biển Đông. Trung Quốc không nên tiếp tục gia tăng căng thẳng trong khu vực dù ADIZ có thể mở rộng không phận và củng cố tuyên bố chủ quyền (vô lý) của mình trên Biển Đông. Trước việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo gần đây và việc nước này vẫn đang trong giai đoạn đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) với ASEAN, nhiều quốc gia trở nên lo ngại. Do đó, nếu tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông, niềm tin vào những cam kết mà Trung Quốc đưa ra có thể sẽ sụt giảm. Ngược lại, nếu tuyên bố không có ý định thiết lập ADIZ, Bắc Kinh có thể phát đi một tín hiệu tích cực rằng nước này đang cố gắng kiềm chế và hạ nhiệt căng thẳng (dù chính Trung Quốc là người gây ra những căng thẳng đó). Ông Wu cho rằng 3 điều mà Trung Quốc nên làm hiện nay là duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, không tuyên bố ADIZ và thúc đẩy sự ra đời một Bộ quy tắc ứng xử với ASEAN trên biển Đông. Ông Wu cũng đề nghị nên có một cơ chế tham vấn mang tầm khu vực về vấn đề hàng hải.
Cũng liên quan đến tình hình biển đảo, Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận độ bộ chiếm đảo. Điều đáng chú ý là cuộc tập trận có sự tham gia của tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới lớp Zubr. Bản tin của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) miêu tả cuộc tập trận còn có sự tham gia của xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99. Với chiều dài 57m và lượng choán nước 550 tấn khi đầy tài, Zubr là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Con tàu có thể chở tối đa 3 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 10 xe chiến đấu bọc thép với 230 binh lính hoặc 375 binh lính vũ trang đầy đủ bên trong khoang. Tốc độ tối đa mà con tàu có thể đạt tới là 40 hải lý/giờ, tầm hoạt động 480km. Hồi năm 2009, Hải quân Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 4 tàu Zubr từ Ukraine, trong đó sẽ có 2 chiếc được đóng mới tại Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định, có khả năng Trung Quốc sẽ phát triển và nâng cấp các tàu Zubr đóng tại Trung Quốc hoặc sẽ xây dựng một lớp tàu đổ bộ đệm khí mới dựa trên tàu lớp Zubr.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Lần đầu tiên, tàu ngầm tấn công chạy năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ đã triển khai và thu hồi thành công thiết bị không người lái dưới nước (UUV). Được biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Địa Trung Hải, tàu USS North Dakota thuộc lớp Virginia trên đường trở về đã tiến hành cuộc thử nghiệm ngay trong điều kiện lặn sâu dưới biển. Thuyền trưởng tàu Dakota, Douglas Gordon, tiết lộ UUV được phóng ra từ một khoang chứa bên ngoài tàu ngầm và có thể dỡ bỏ khi không cần thiết. UUV được thử nghiệm trong đợt này là Remus 600.
Maldives sửa đổi hiến pháp, cho phép nước ngoài sở hữu đất, điều này có thể mở đường cho việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên quốc đảo này. Trước đây, hiến pháp Maldives cấm nước ngoài sở hữu đất đai nhưng có quyền thuê với thời hạn tối đa lên đến 99 năm. Chính phủ Maldives tuyên bố, việc sửa đổi hiến pháp là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án lớn hơn. Đối với Ấn Độ và Trung Quốc, Maldives có vị trí chiến lược quan trọng. Tuy nhiên, quan hệ giữa Ấn Độ và Maldives đã trở nên căng thẳng sau khi New Delhi bắt và giam giữ cựu tổng thống Maldives Mohammad Nasheed. Ngược lại, quan hệ giữa Maldives và Trung Quốc lại trở nên thân mật kể từ sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Maldives năm 2014. Maldives nằm trên con đường tơ lụa trên biển mang tính chiến lược của Trung Quốc do đó, nếu có một căn cứ quân sự ở đây, Bắc Kinh có thể dễ dàng kiểm soát tình hình khu vực. Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc đã bác bỏ việc nước này sẽ thiết lập một căn cứ quân sự tại Maldives. Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng mình chưa có nhu cầu thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Trung Quốc vừa hạ thuỷ chiến hạm “thợ săn tàu sân bay” Type-052D thứ hai. Con tàu này sẽ được đưa vào biên chế của Hạm đội Nam Hải vào trung tuần tháng 7 và có khả năng neo đậu tại căn cứ hải quân Nha Long (Yalong) trên đảo Hải Nam. Nhiệm vụ của lớp tàu mới này sẽ là tuần tra chống cướp biển, hộ tống các tàu sân bay và làm nhiệm vụ phòng không hạm đội. Vào ngày 23 tháng 7, Trung Quốc cũng vừa đạt được thoả thuận bán 8 tàu ngầm tấn công cho Pakistan trị giá từ 4-5 tỷ USD. Đây được xem là hợp đồng mua bán vũ khí quốc phòng lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc.