Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (24/06/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Chính phủ Trung Quốc vừa thông qua một kế hoạch mới liên quan đến việc sử dụng tàu dân sự cho mục đích quân sự. Với tên gọi chính thức là “Những Tiêu chuẩn Kỹ thuật dành cho những Tàu Dân sự mới phục vụ Yêu cầu Quốc phòng”, các hãng đóng tàu dân sự buộc phải đảm bảo các tàu thuyền dân sự có thể được quân đội sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bản kế hoạch là kết quả của dự án nghiên cứu 5 năm giữa ngành công nghiệp đóng tàu và quân đội. Có tất cả 5 loại tàu được đề cập trong bản kế hoạch. Theo ước tính Trung Quốc hiện có khoảng 172,000 tàu dân sự. Số tiền nâng cấp các tàu này để phục vụ mục đích quân sự sẽ do Chính phủ Trung Quốc chi trả.

“Chiến tranh hải quân hiện đại thường đòi hỏi phải huy động và triển khai một số lượng lớn các tàu trong khi việc sản xuất hàng loạt tàu chiến hải quân trong thời bình lại không hợp lý về mặt kinh tế”, Cao Weidong – một chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hải quân PLA cho biết. Do đó, kế hoạch này sẽ “cho phép Trung Quốc chuyển đổi những hạm đội tàu dân sự đáng kể và tiềm năng của mình thành sức mạnh quân sự”, Trung Hoa Nhật báo viết. Đồng thời, nó cũng giúp cải thiện “những dự án chiến lược và năng lực hỗ trợ hàng hải” của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Bắc Kinh hiện đang dành phần lớn ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa lực lượng hải quân, với tham vọng sở hữu một trong những lực lượng hải quân xa bờ mạnh mẽ nhất thế giới. Song song đó, Trung Quốc cũng trở nên cứng rắn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Với việc cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo, Bắc Kinh được cho là đang cố tình thay đổi hiện trạng và gây sức ép lên các nước trong khu vực. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông hôm 21 tháng 6 nhận định, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ triển khai tiêm kích J-11 đến các hòn đảo nhân tạo trên biển Đông.

J-11 có tầm hoạt động khoảng 1,500km và có thể mở rộng hơn nữa nếu mang theo thùng nhiên liệu phụ (khoảng 500km). Được thiết kế dựa trên nguyên mẫu là tiêm kích Su-27 của Nga, J-11 gần đây đã có những cải tiến và nâng cấp mới. Biến thế mới nhất của tiêm kích này, J-11D, đã được Trung Quốc thử nghiệm hồi tháng 4 vừa qua, với nâng cấp về ra-đa mảng pha quét điện tử chủ động tương tự trên J-16. J-11 cũng được tích hợp sử dụng các tên lửa không-đối-không mới, như PL-10 và PL-15. Việc triển khai J-11 ở khu vực có thể “nới” rộng tầm với của không quân Trung Quốc thêm 1,000km về phía Nam biển Đông. Kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc có thể chuyển từ phòng ngự gần bờ sang bảo vệ xa bờ.

Trong khi đó, hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa tuyên bố đã gần như hoàn thành 7 dự án cải tạo ở Trường Sa. Trong số các điểm được Bắc Kinh xây dựng, đáng chú ý có đường băng dài 3km trên đảo nhân tạo Chữ Thập. Với độ dài đường băng như vậy, đây là nơi hoàn toàn thích hợp cho việc triển khai J-11 trên biển Đông. Nhiều chuyên gia nhận định, J-11 rất có thể sẽ là con át chủ bài mới trên biển Đông của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm vùng biển này.

Mặc dù tỏ ra có nhiều tham vọng và đầu tư ngân sách khổng lồ cho quốc phòng, song nhiều chuyên gia nhận định, sẽ còn một khoảng thời gian nữa Trung Quốc mới bắt kịp sức mạnh toàn cầu như Hoa Kỳ. Trung Quốc sở hữu một đội quân đang được hiện đại hóa một cách nhanh chóng. Thậm chí nếu đụng độ tại các xung đột khu vực hay gần Trung Quốc, Bắc Kinh có thể đánh bại Washington. Tuy nhiên, thực tế quân đội Trung Quốc chỉ là con hổ giấy. Sự bất lực trong việc can thiệp vào các sự kiện của thế giới tại những khu vực cách xa Trung Quốc là sự lý giải cho nhận định này.

Tại sao lại như vậy? Sỡ dĩ Trung Quốc không thể bắt kịp quy mô toàn cầu như quân đội Hoa Kỳ là bởi họ thiếu các trang thiết bị, các học thuyết quân sự và chuyên môn. PLA cũng không trải qua một cuộc thực chiến nào gần đây, do đó các bài tập của họ thường thiếu đi tính thực tế. Thêm vào đó, cái gọi là các vũ khi mới hiện đại của Trung Quốc chỉ là những sản phẩm bị đánh cắp, sao chép và chắp vá từ nhiều loại vũ khí khác nhau. Những hệ thống vũ khí này cũng chưa từng trải qua thực chiến nên chúng ta có quyền hoài nghi về chất lượng của chúng. Nên nhớ, điều kiện thực chiến bao giờ cũng khắc nghiệt và nhiều tình huống hơn điều kiện thử nghiệm, do đó vẫn chưa có gì đảm bảo chất lượng các hệ thống vũ khí Trung Quốc sẽ đúng như họ nói.

Một lý do thứ hai nữa khiến Trung Quốc không thể trở thành một thế lực toàn cầu như Hoa Kỳ xuất phát từ chính bản thân họ. Bắc Kinh gần như không có lợi ích trong triển khai quân đội và tác chiến toàn cầu như Washington. Điều mà Trung Quốc đang hướng tới là tích cực xây dựng một lực lượng mạnh hàng đầu ở tầm khu vực. Bắc Kinh hiểu rõ những điểm yếu về quân sự của mình. Họ chấp nhận đánh đổi khả năng trở thành một cường quốc quân sự toàn cầu vào thời điểm hiện tại với khả năng giành chiến thắng trước Hoa Kỳ trong một cuộc xung đột cục bộ tầm khu vực.

Trung Quốc đang nỗ lực thoát ra khỏi cái bóng của một cường quốc quân sự khu vực. Thế nhưng, những gì mà Bắc Kinh đang làm, về bản chất vẫn không khác gì so với tư duy quân sự của họ cách đây 30 năm. Trung Quốc vẫn đang giữ tư duy quân sự phòng ngự. “Chúng tôi sẽ chỉ tấn công trong trường hợp bị tấn công” – Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định như vậy. Hàng tỉ USD đã được chính phủ Trung Quốc đổ vào các dự án chế tạo vũ khí tầm ngắn và trung, vũ khí mang tính tự vệ và phòng thủ tầm gần. Bắc Kinh vẫn chỉ đang cố gắng đẩy khu vực phòng thủ ra xa lục địa chứ vẫn chẳng thể biến thành một lực lượng xa bờ như họ tuyên bố.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các lực lượng Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương hiện nay đều nằm trong tầm ngắm của các loại vũ khí Trung Quốc, đặc biệt là tên lửa. Cũng có thể liệt kê ra một số máy bay chiến đấu, máy bay ném bom của Bắc Kinh có khả năng uy hiếp các căn cứ của Hoa Kỳ. Song, nếu được triển khai, đây sẽ là những chuyến bay “một đi không trở về”. Bắc Kinh thiếu hụt lực lượng máy bay tiếp dầu trên không và do đó, sẽ không thể nào thực hiện được tham vọng mở rộng không phận tác chiến. Thêm vào đó, nước này cũng không thật sự quá xuất sắc trong việc sở hữu những máy bay cảnh báo sớm/chỉ huy trên không như Hoa Kỳ.

Một số tin vắn đáng chú ý

Trung Quốc vừa triển khai máy bay không người lái trên biển Đông, cụ thể là ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo điện tử Tân Lãng của Trung Quốc, tàu hải giám 2168 của tỉnh Hải Nam đã mang theo một máy bay không người lái và tiến hành giám sát “các tàu mà Trung Quốc cho là đánh bắt cá trái phép”. Kèm theo bản tin là một loạt các hình ảnh liên quan đến hoạt động của tàu 2168 và máy bay không người lái. Theo truyền thông Trung Quốc, loại UAV này được trang bị một máy quay độ phân giải cực cao, tầm hoạt động rộng và có thể sử dụng đường truyền vệ tinh để gửi tín hiệu, hình ảnh về tàu 2168.

Tàu sân bay thế hệ mới của Hoa Kỳ có thể được trang bị súng laser và vũ khí năng lượng định hướng. Một số quan chức cao cấp của Hải quân Hoa Kỳ tiết lộ, cơ quan này đang tiến hành nghiên cứu khả năng lắp đặt vũ khí laser lên tàu sân bây USS Gerald Ford – chiếc đầu tiên trong lớp tàu sân bay cùng tên. Lượng điện mà USS Gerald Ford có thể tạo ra lên đến 13,800 volt, gấp 3 lần các tàu sân bay lớp Nimitz. Do đó, ngoài một phần phục vụ cho các hệ thống tác chiến trên tàu, lượng điện còn lại trên tàu Ford có thể được sử dụng cho các loại vũ khí năng lượng định hướng. Đó là chưa kể các tàu sân bay tiếp theo trong lớp Ford có thể sẽ được có khả năng tạo ra lượng điện lớn hơn nhiều. Trong khi chi phí cho các tên lửa phòng không vẫn rất đắt đỏ thì việc sử dụng vũ khí laser để phòng thủ được xem là giải pháp thay thế rẻ và hiệu quả.

Việt Nam vừa hạ thủy thành công tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu hộ xa bờ. Đây là chiếc đầu tiên vừa được Tổng công ty Ba Son đóng mới thành công, mang số hiệu  FC624-01. Tàu FC624-01 có chiều dài 63,1 m, rộng 11,9 m, lượng giãn nước 700 tấn, tốc độ lớn nhất 25 hải lý/giờ, chịu được sóng cấp 8 – 9, khi tìm kiếm cứu nạn có thể cứu được từ 100 – 120 người. Thân vỏ tàu làm bằng thép chịu lực cường độ cao. Thời gian đi biển của tàu 15 ngày với quãng đường hành trình liên tục 4,200 hải lý. Khi tàu FC624-01 đưa vào sử dụng sẽ tăng cường khả năng tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo; tìm kiếm, cứu nạn người và phương tiện nổi gặp nạn; sơ cấp cứu, điều trị ban đầu cho người bị nạn; cứu hỏa trên biển đồng thời làm nghĩa vụ cứu hộ quốc tế.