Nguồn: 100 Leaders (truy cập ngày 26/7/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Là một luật sư, một chính khách và một tổng thống, Franklin Delano Roosevelt được nhớ đến với chính sách Kinh tế mới (New Deal) trong cuộc Đại Khủng hoảng. Cùng với sự hợp tác của Quốc hội, ông nỗ lực đem lại sự ổn định và những cải cách sâu rộng cho nền kinh tế. Khi kinh tế Mỹ dần cải thiện với các gói kích cầu thì thế giới lại bước vào chiến tranh. Bị giằng xé giữa việc giữ lập trường trung lập và đối mặt với chủ nghĩa phát xít đang lên, Roosevelt thi hành chính sách Cho vay – Cho thuê (Lend – Lease)* nhằm hỗ trợ Anh và Pháp. Sau trận Trân Châu Cảng, Roosevelt chiến đấu cùng lúc trên hai mặt trận. Nhờ tài ngoại giao của mình, Roosevelt đã khiến nước Mỹ nổi lên sau Thế chiến thứ hai với vị thế của một siêu cường.
Franklin D. Roosevelt tốt nghiệp Đại học Harvard và trường Luật Columbia. Khi còn là một luật sư, ông kết hôn với Eleanor Roosevelt. Ông được bầu làm Thượng nghị sĩ tiểu bang New York vào năm 1910, và sau đó trở thành Phụ tá Bộ trưởng Hải quân dưới thời Woodrow Wilson.
Không lâu sau khi thất bại trong cuộc đua giành vị trí phó tổng thống năm 1920, Roosevelt mắc bệnh bại liệt. Ông cố gắng chứng tỏ bản thân trên chính trường và đắc cử thống đốc tiểu bang New York trong hai nhiệm kỳ. Sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, nước Mỹ tìm kiếm một sự thay đổi, và ông được bầu làm tổng thống năm 1932.
Roosevelt bắt đầu Một Trăm Ngày đầu tiên với sự hợp tác chưa từng có giữa quốc hội và tổng thống nhằm tháo gỡ những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế. Roosevelt sử dụng thành thạo truyền thông, tổ chức những bài phát thanh trò chuyện với dân chúng và qua đó khích lệ tinh thần người dân Mỹ. Trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống phải đối đầu với Tòa án tối cao khi các thẩm phán tuyên bố rằng một số chương trình trong chính sách Kinh tế mới (New Deal) vi hiến.
Năm 1939, khi Hitler xâm lược Ba Lan, Roosevelt ngày càng đi ngược lại chủ nghĩa biệt lập. Ông thúc đẩy sự thay đổi về luật cho phép hỗ trợ Anh và Pháp, đồng thời lên tiếng phản đối sự bành trướng của Nhật Bản. Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Hoàng Hirohito tiến hành cuộc tấn công Trân Châu Cảng.
Cuộc tấn công khiến Hoa kỳ nhảy vào cuộc chiến trên hai mặt trận. Roosevelt hợp tác chặt chẽ với Winston Churchill và Joseph Stalin để vừa kìm chân lực lượng Nhật (trên mặt trận Châu Á – Thái Bình Dương), vừa vực dậy nước Anh (ở mặt trận Châu Âu).
Không lâu trước khi quân Đức chính thức đầu hàng, Roosevelt qua đời (1945). Ông để lại một Hoa Kỳ vươn lên thành siêu cường từ một nền kinh tế suy thoái nặng nề.
————–
* Lend – Lease là chính sách mà qua đó Mỹ cung cấp viện trợ lương thực, xăng dầu và nguyên vật liệu cho các nước Đồng minh trong Thế chiến II. Mặc dù đa phần viện trợ đều không hoàn lại, nhưng các nước phải trả lại Mỹ một số trang thiết bị như tàu biển sau khi kết thúc chiến tranh. Đổi lại Mỹ được quyền thuê các căn cứ quân sự của các nước Đồng minh (NBT).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]