Học thuyết Bush (Bush Doctrine)

image519915x

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Bản Chiến lược an ninh quốc gia Hoa Kỳ mà Tổng thống George W. Bush trình Quốc hội Mỹ ngày 20/09/2002 có thể xem là tuyên bố chính thức của Học thuyết Bush lần đầu tiên từ khi Tổng thống Bush nhậm chức.

Học thuyết Bush thể hiện một sự thay đổi sâu rộng trong chính sách đối ngoại Mỹ, đồng thời là một kế hoạch tham vọng nhằm tái thiết lập trật tự thế giới sau sự kiện 11/9 năm 2001. Học thuyết Bush hướng đến việc “vượt trên ngăn chặn và phòng vệ” đối với các cuộc tấn công hay các hành động thù địch, nhằm loại trừ kẻ thù hay chủ nghĩa khủng bố. Bằng nhiều cách, học thuyết này tái định nghĩa nền chính trị truyền thống – trên phương diện áp dụng sức mạnh quân sự nhằm tái cấu trúc an ninh thế giới theo lợi ích quốc gia của Mỹ. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi học thuyết này đã khuấy động các cuộc tranh luận tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ như rất nhiều quốc gia cho rằng học thuyết Bush phản ánh một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa đế quốc hay còn gọi là “sự bành trướng đế chế”, và rằng học thuyết này đã cho phép Mỹ mở rộng ảnh hưởng quá mức lên các nước khác.

Có 4 trụ cột chính của học thuyết Bush:

  • Bành trướng dân chủ
  • Chủ nghĩa đơn phương
  • Quyền bá chủ của người Mỹ
  • Đe dọa và chiến tranh ngăn chặn

Trụ cột thứ nhất cho thấy sự lan tỏa nền dân chủ Mỹ đến các quốc gia khác bằng con đường vũ lực. Với các cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan và Iraq, chính quyền Bush đã cố gắng thiết lập một chế độ dân chủ mới, tuy nhiên kết quả không mang lại toàn những điều tốt đẹp. Trong trường hợp Afghanistan, sự trỗi dậy của phiến quân Taliban và al-Qaeda đã đe dọa tính ổn định của nền dân chủ và kế hoạch xây dựng một đất nước Afghanistan hòa bình và ổn định. Có thể thấy, một nền dân chủ bị áp đặt vào một thể chế chính trị yếu ớt bởi một cường quốc từ bên ngoài thường sẽ châm ngòi cho sự oán giận và ngờ vực nhằm vào cường quốc chiếm đóng đó.

Trụ cột thứ hai chính là khả năng tấn công đơn phương của Mỹ để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Chủ nghĩa đơn phương thể hiện ý chí và khả năng của một quốc gia trong việc hành động một mình nhằm đạt được các mục tiêu quân sự, chính trị và/ hoặc kinh tế. Ở đây, chủ nghĩa đơn phương được hiểu là việc thiết lập một khung chương trình hành động hiệu quả và hợp lý, cho phép một quốc gia tiến hành chiến tranh chống lại một/ những quốc gia khác. Tuy nhiên, đôi khi kế hoạch hành động đơn phương của Mỹ đã làm xói mòn sự ảnh hưởng của chính siêu cường này. Với chủ nghĩa đơn phương, Mỹ cho phép mình can thiệp vào bất cứ nơi nào trên thế giới mà Washington cho rằng có liên quan đến khủng bố. Điều này dẫn đến sự phản đối từ các cường quốc khác, khiến làn sóng nổi dậy cùng các phong trào chống đối tăng cao, đồng thời tập trung sự thù ghét vào một mục tiêu duy nhất là nước Mỹ.

Trụ cột thứ ba ám chỉ đến chủ nghĩa bá quyền của Mỹ. “Quyền bá chủ” đề cập đến sự tập trung quyền lực vào tay một quốc gia và khả năng của quốc gia đó trong việc sử dụng quyền lực để củng cố và duy trì sức mạnh, sử dụng các lợi thế về kinh tế và văn hóa để ép buộc các quốc gia yếu hơn ủng hộ mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Mỹ trở thành bá chủ thế giới, cùng lúc đó những ảnh hưởng về văn hóa và kinh tế của Mỹ đã nhanh chóng phát triển ở nước ngoài. Dưới học thuyết Bush, tuyên bố về quyền bá chủ của Mỹ cho thấy quyết tâm của nước này trong việc sử dụng sức mạnh vượt trội nhằm chủ động gây ảnh hưởng lên trật tự thế giới và trừng phạt các quốc gia chống đối, không thuận theo những yêu cầu của Mỹ.

Vì thế, một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa bá quyền của Mỹ đã xuất hiện, cho rằng học thuyết Bush đã thất bại trong việc đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng của các quốc gia khác. Một quốc gia “bá quyền thế giới” phải ưu tiên giành được sự ủng hộ từ các quốc gia khác thông qua các mục tiêu, luật lệ mang tính chiến lược và phù hợp với đạo đức, tránh nguy cơ mất đi sự ủng hộ của các quốc gia này. Theo đó, việc thiếu gắn kết về mặt chính trị giữa quốc gia bá quyền và các nước còn lại có thể tác động quan trọng đến việc quốc gia bá quyền đó có thể duy trì được sức mạnh và ảnh hưởng của mình ở nước ngoài hay không. Khi đó, thách thức lớn nhất với học thuyết Bush không phải là việc loại trừ chủ nghĩa khủng bố, mà từ sự cần thiết phải cân bằng những mục tiêu tham vọng của mình với việc đảm bảo lợi ích trong chính sách đối ngoại cho các quốc gia khác.

Cuối cùng, trụ cột thứ tư liên quan đến chiến lược “đánh đòn phủ đầu”. Với chiến lược này, Washington có thể bắn “một mũi tên trúng hai đích”: (1) tiến hành tấn công hay chiến tranh vào kẻ thù nhằm triệt tiêu khả năng kẻ thù này tấn công nước Mỹ trong tương lai; (2) ngăn cản các quốc gia khác có ý định xâm hại bá quyền của Mỹ bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Chính quyền Bush một mực cho rằng con đường duy nhất để ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố là loại trừ các nguy cơ trước khi chúng được cụ thể hóa bằng hành động.

“Đánh đòn phủ đầu” được coi là trọng tâm, là xương sống của Học thuyết Bush, thậm chí nhiều người còn nâng tầm chiến lược này thành một học thuyết. Trong báo cáo Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của mình (ngày 20/09/2002), Tổng thống George W. Bush chỉ ra rằng, nước Mỹ cần nỗ lực “duy trì ưu thế vượt trội và đánh bại chủ nghĩa khủng bố bằng cách đập tan mọi mối đe dọa này trước khi nó đến biên giới chúng ta”.

Ngay khi vừa ra đời, chiến lược này đã gây tranh luận sôi nổi giữa các nhà quân sự về tính khả thi của cách tiếp cận và bản chất của nó: phủ đầu hay ngăn chặn; điều gì thực chất nằm sau chiến lược này?

Chiến lược đánh đòn phủ đầu thông báo cho thế giới biết rằng, nếu cần, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để bảo về an ninh của chính mình và đồng minh. Tuy nhiên, việc ứng dụng chiến lược mới này chứng tỏ Mỹ tự cho phép mình đặc quyền quyết định can thiệp vào bất kỳ quốc gia nào “bị tình nghi có dính líu đến khủng bố quốc tế”, dẫn đến khả năng Mỹ sử dụng sức mạnh của mình một cách tùy tiện. Song sau hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bush, ngoài việc viện dẫn các cuộc tấn công khủng bố như sự kiện 11/9 làm lý do chính đáng nhằm phát động các cuộc tấn công phủ đầu, Mỹ không còn yếu tố nào khác có thể dùng để thuyết phục cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ chiến lược này. Bằng chiến lược đánh đòn phủ đầu, Mỹ đã phớt lờ luật pháp quốc tế, tự động gây chiến, gây nên hàng loạt hậu quả: thương vong của lính Mỹ và đồng minh, thương vong và cuộc sống khổ sở của người dân tại những quốc gia mà Mỹ hiện diện. Lòng tin của người Mỹ vào cuộc chiến chống khủng bố cũng ngày càng sụt giảm và Mỹ dường như đã không thể kiểm soát được cuộc chiến do chính mình khởi xướng.

Ngoài ra chiến lược này còn dẫn đến những khoản chi phí tốn kém mà Mỹ phải gánh chịu trong thời gian qua. Tấn công phủ đầu bao giờ cũng gắn liền với tấn công quân sự, song bên cạnh đó, các biện pháp tài chính, ngoại giao và hành pháp cũng phải được huy động để tăng cường an ninh. Thực tế cho thấy Mỹ đã đầu tư rất nhiều vào chiến dịch “phủ đầu” liên quan đến công tác tình báo, do thám, trang thiết bị kỹ thuật và đặc biệt là lực lượng quân sự.

Trong khi việc sử dụng các biện pháp cưỡng bức quân sự chưa chắc chắn đem lại hiệu quả rõ ràng trong việc ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố thì dường như chiến lược chiếm ưu thế bằng quân sự đã tạo nên không ít sợ hãi và lo lắng cho rất nhiều quốc gia quan tâm đến các dự định của nước Mỹ.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).