Ngày tàn của phát xít Nhật (P2)

Tác giả: Nguyễn Hải Hoành

Ảo tưởng nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình với Mỹ

Quả thật, từ đầu tháng 7 năm 1945, Chính phủ Nhật đã nhờ Liên Xô làm trung gian điều đình để hoà giải với Mỹ, dựa trên cơ sở Hiệp ước Bất tương xâm Nhật-Xô (ký 13/4/1941) đến tháng 3 năm 1946 mới hết hạn.

Về chuyện này, Thiên Hoàng Nhật Hirohito nhớ lại:

Sở dĩ phải chọn Liên Xô làm trung gian là vì các nước khác đều yếu, nếu có đứng ra điều đình thì cũng bị Mỹ, Anh áp chế, do đó dẫn đến việc đầu hàng vô điều kiện bất lợi. Liên Xô vừa có thực lực lại có tình nghĩa ký hiệp ước bất tương xâm với ta. Tóm lại có hai lý do như vậy…

Song rất khó nhận định Liên Xô là một nước có ý định chân thành, bởi thế trước tiên phải thăm dò thực hư. Chúng tôi quyết định triển khai cuộc hội đàm Koki Hirota [cựu Bộ trưởng ngoại giao Nhật] với Yakov A. Malik [Đại sứ Liên Xô tại Nhật] với nội dung: chỉ cần họ chịu xuất khẩu dầu mỏ cho ta thì cho dù ta phải biếu đảo Nam Kurin và Mãn châu cho họ cũng được…

Thế nhưng cho tới thượng tuần tháng 7, phía Liên Xô vẫn bặt vô âm tín. Mà tôi thì cần phải làm xong các việc liên quan trước khi hội nghị Potsdam bắt đầu [lãnh đạo thượng đỉnh Mỹ, Anh, Liên Xô họp tại Potsdam từ 17/7 tới 2/8], nếu để chậm trễ thì sẽ rất bị động. Thế là tôi bàn với Suzuki [Thủ tướng Nhật], quyết định chấm dứt cuộc hội đàm Hirota-Malik và trực tiếp giao thiệp với Chính phủ Liên Xô.

Việc này liên quan đến chuyện cử ai đi Moskva. Về đại thể đã kết luận Konoe [cựu Thủ tướng Nhật] là thích hợp, nhưng sợ Konoe không nhận, nên tôi quyết định trực tiếp gặp ông ta nói chuyện… Đầu tháng 7 tôi gọi Konoe đến và nói với ông ta là nhiệm vụ này khó khăn đấy, nhưng đề nghị ông nhất định phải gắng hết sức mà làm.

Konoe nói dù phải chết cũng làm và nhận quyết định ấy.

[Hirohito : “Tự bạch của Thiên Hoàng Showa”, 1995].

Nhưng rồi việc cử người đi Liên Xô bị đình lại vì ngày 9 tháng 7, các đại thần Arita và Kido đề nghị nhà vua nên trực tiếp giảng hoà với Mỹ, Anh.

Tuy vậy Thiên Hoàng Hirohito vẫn cố chấp nhờ Liên Xô môi giới điều đình, vì thế cho tới ngày 26 tháng 7, Bộ trưởng Lục quân Anami, một trong những phần tử hiếu chiến nhất, đã mượn cớ nhà vua có chủ trương như vậy để cố ý trì hoãn việc chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam.

Thật ra, sau khi thấy Đức đầu hàng và Liên Xô tập kết quân đội sang Viễn Đông, tướng Anami cho rằng việc nhờ Liên Xô làm môi giới đàm phán với Mỹ, Anh cũng là một thượng sách để Nhật tránh chạm trán với Liên Xô.

Ngày 26 tháng 7, Tuyên ngôn Potsdam chính thức công bố trên toàn thế giới. Hàng triệu tờ truyền đơn in Tuyên ngôn này bằng tiếng Nhật được máy bay Mỹ rải xuống khắp đất Nhật, không người dân Nhật nào không biết nội dung bản Tuyên ngôn này.

Điều 13 Tuyên ngôn Potsdam viết: “Chính phủ Nhật phải tuyên bố toàn bộ quân đội Nhật lập tức đầu hàng vô điều kiện”, “Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều chỉ có thể dẫn đến sự huỷ diệt nhanh chóng và toàn diện của nước Nhật”.

Mệnh lệnh Nhật phải đầu hàng vô điều kiện đã ban ra; không hàng có nghĩa là nước Nhật tự chọn con đường huỷ diệt nhanh chóng hơn, bi thảm hơn.

Nhưng dưới sức ép của nhà vua và quân đội, Thủ tướng Suzuki đã không trả lời yêu cầu của Tuyên ngôn Potsdam.

Bè lũ quân phiệt Nhật cực kỳ hiếu chiến đã đánh giá sai lầm lập trường chống phát xít của Liên Xô, do đó mà kỳ vọng vào sự “trung gian hoà giải” của chính phủ Liên Xô. Hành động mù quáng đó tương phản với hành động có lý trí của các cộng sự của Hitler như Goering, Himmler …, khi thấy rõ Đức chắc chắn thua, lũ người này đã chủ động giấu Hitler tự đi tìm con đường đàm phán với Đồng Minh để cứu nước Đức đỡ thất bại thảm hại hơn, dân Đức đỡ chết nhiều hơn, dù biết chắc mình sẽ không thoát khỏi án treo cổ khi chiến tranh kết thúc.

Ba vật thiêng của Hoàng tộc Nhật Bản

Theo giáo sư Komori ở đại học Tokyo, lý do chủ yếu nhất của việc Nhật trì hoãn chấp nhận Tuyên ngôn Potsdam là Thiên Hoàng Hirohito chỉ lo làm sao “giữ được thể chế Thiên Hoàng” (“quốc thể”) và giữ được “Ba vật thiêng” của Hoàng tộc.

Ba vật thiêng đó là: một tấm Gương Bát Xích (vật tượng trưng cho tinh thần của Hoàng tộc, được thờ ở đền Ise), một thanh Thảo Thế Kiếm (tức gươm trừ cỏ, còn gọi Thiên Tùng Vân Kiếm) và một viên Ngọc Bát Xích Quỳnh Câu thờ ở hai ngôi đền khác. Đây là 3 vật báu có tính thần thoại của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu, tương truyền là tổ tiên dân tộc Nhật Bản.

Thiên Hoàng lo các vật thiêng này bị phá huỷ, vì hôm 24 tháng 7, bom Mỹ suýt rơi trúng đền Ise. Cố vấn của nhà vua là Koichi Kido nhớ lại ông đã “tấu” lên Thiên Hoàng như sau:

Hiện nay phía quân đội đề xuất “bản thổ quyết chiến”, kêu gọi đánh một trận quyết chiến thật lớn để xoay chuyển tình hình, nhưng theo kinh nghiệm thời gian qua, mọi người khó có thể tin vào chủ trương này. Nếu trận này thất bại, kẻ địch sẽ nhảy dù xuống khắp nước, Bộ Thống soái tối cao sẽ bị bắt làm tù binh.

Cho nên vấn đề cần thận trọng xem xét hiện nay là làm gì để giữ gìn chu toàn 3 vật báu. Nếu không, sẽ để mất biểu tượng Hoàng tộc 2.600 năm nay, cuối cùng thể chế Thiên Hoàng cũng khó có thể giữ được. Cho nên thần tin rằng việc hoà giải là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

[Koichi Kido : “Nhật ký của Kido”, 1966].

Ngày 31 tháng 7, nhà vua nói với Koichi Kido:

Sau khi cân nhắc nhiều mặt, cuối cùng Trẫm cho rằng vẫn cứ nên chuyển các vật thiêng về bên cạnh Trẫm. Có điều, khi ta động đến các báu vật ấy tất sẽ ảnh hưởng đến lòng người. Cho nên Trẫm nghĩ là cứ nên thận trọng thì hơn.

Ngày nào Trẫm cũng nghĩ đến việc nếu chỉ dựa vào chủ ý của một mình Trẫm mà động đến các vật thiêng ấy thì hậu quả sẽ ra sao? Cho nên Trẫm đang nghĩ, nên chuẩn bị thế nào về tinh thần để có thể làm tốt việc di chuyển các vật ấy đến Shinsu [một vùng núi thuộc huyện Nagano].

Việc này mong nhà ngươi bàn kỹ với Chánh văn phòng Hoàng cung. Cũng nên bàn với Chính phủ rồi hãy quyết định. Trầm nghĩ: nếu có gì bất trắc thì Trẫm đành kiên trì bảo vệ và cùng sống cùng chết với các vật thiêng ấy.

[“Nhật ký của Kido”].

Trong giờ phút “ngàn cân treo sợi tóc” ấy, khi mà ngày nào cũng có hàng nghìn dân Nhật chết vì bom rải thảm của quân đội Đồng Minh, Thiên Hoàng Nhật Bản không hề lo nghĩ gì đến tính mạng của dân chúng và hàng triệu binh lính Nhật, mà chỉ ích kỷ lo giữ ngôi báu của mình và mấy “vật thiêng” tổ tiên để lại, vì thế mà lần chần bỏ qua dịp trả lời yêu cầu của Tuyên ngôn Posdam. Hành động ấy đã khiến phía Đồng Minh đi tới nhận định cho rằng nước Nhật quyết chiến đến người cuối cùng, và Tổng thống Mỹ không thể không cân nhắc biện pháp đáp trả.

Quyết định tối hậu của Tổng thống Truman sẽ mang lại hậu quả khủng khiếp ra sao?

(Còn tiếp)

Nguyễn Hải Hoàng là dịch giả và nhà nghiên cứu tự do hiện sống tại Hà Nội.

Hình: Nhật Hoàng Hirohito. Nguồn: Veehd.com.