Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “The Vietnam-US-China Triangle: New Dynamics and Implications,” ISEAS Perspective, No 45/2015, 25/08/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Dẫn nhập
Chuyến thăm Washington gần đây của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng được cả hai bên ca ngợi như một dấu mốc “lịch sử” trong quan hệ song phương (The White House, 2015). Tuy nhiên, để có một đánh giá sâu sắc hơn về ý nghĩa của chuyến thăm, chúng ta cần đặt nó vào bối cảnh khu vực rộng lớn hơn, trong đó có xét đến những biến đổi gần đây trong tam giác quan hệ Việt-Mỹ-Trung.
Bài viết này phân tích những động lực mới trong tam giác Việt-Mỹ-Trung và ý nghĩa của chúng. Thông qua cách tiếp cận ba cấp độ phân tích và từ góc nhìn của Việt Nam, bài viết xem xét ba yếu tố quan trọng nhất ở các cấp độ hệ thống quốc tế (systemic), quốc gia (national), và trong nước (subnational) đang định hình mối quan hệ ba bên. Những yếu tố này bao gồm sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và hai cường quốc, và các diễn biến chính trị và kinh tế trong nước của Việt Nam.
Bài viết được chia thành bốn phần. Ba phần đầu phân tích những động lực kể trên, phần cuối cùng thảo luận những tác động có thể có đối với khu vực. Bài viết lập luận rằng những động lực mới trong tam giác sẽ có lợi cho sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong khi gây bất lợi cho mối quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh. Do đó, quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiến bộ đáng kể, trong khi quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ gặp phải những trở ngại lớn. Tuy nhiên, những động lực mới này vẫn có thể bị hạn chế bởi những yếu tố truyền thống định hình các lựa chọn chính sách đối ngoại của Việt Nam, chẳng hạn như các cân nhắc về ý thức hệ và mong muốn duy trì sự cân bằng giữa hai cường quốc của Hà Nội.
Cấp độ hệ thống quốc tế: Sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc
Sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng, và hai nước đang hướng tới một cuộc đối đầu mang phong cách Chiến tranh Lạnh, đặc trưng bởi cuộc cạnh tranh gay gắt để giành các vùng ảnh hưởng, và ở một mức độ thấp hơn là giành ưu thế về quân sự. Sự khác biệt duy nhất là hai nước đang chủ tâm tránh một cuộc đối đầu trực diện, ít nhất là trong thời gian hiện nay, do sự tương thuộc phức tạp giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực.
Quyết tâm của Trung Quốc trong việc mở rộng dấu chân của mình trên toàn thế giới và thách thức ưu thế của Mỹ thông qua việc phát triển quân sự và các sáng kiến như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), dự án “Một vành đai, một con đường,” hay hoạt động xây dựng ồ ạt các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cho thấy Bắc Kinh đang từ bỏ chiến lược “thao quang dưỡng hối” (giấu mình chờ thời) của Đặng Tiểu Bình. Giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là dưới thời Tập Cận Bình, dường như tin rằng trong khi sức mạnh của Trung Quốc đã chín muồi thì sức mạnh của Mỹ lại đang suy giảm. Họ tin rằng đã đến lúc Trung Quốc và người dân nước này có thể vươn tới một “Giấc mơ Trung Hoa,” và thiết lập một trật tự quốc tế mới có lợi hơn cho những lợi ích của Trung Quốc và tương xứng với sức mạnh đang lên của nước này. Tuy nhiên, những khát vọng như vậy đã làm dấy lên nhiều lo ngại không chỉ ở Washington, mà còn ở các thủ đô trong khu vực, trong đó có Hà Nội.
Trong khi đó, quyết tâm duy trì ưu thế toàn cầu của Washington, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã định hình lập trường ngày càng cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh. Đối với hầu hết các nhà quan sát, tất cả các sáng kiến chủ chốt trong khu vực của Mỹ, chẳng hạn như tái cân bằng chiến lược sang Tây Thái Bình Dương và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đều được đưa ra với mục tiêu ẩn hàng đầu là Trung Quốc. Mỹ cũng đã âm thầm mở rộng và tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác trong khu vực để đạt được ưu thế chiến lược đối với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đã nổi lên như một đấu trường cho sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một mục tiêu tự nhiên cho những động thái ngoại giao của cả hai cường quốc.
Sau cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu Hải Dương 981 năm 2014, Trung Quốc đã cố gắng khôi phục mối quan hệ với Việt Nam bằng cách mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm Bắc Kinh vào tháng 4 năm 2015. Trung Quốc đã đón tiếp ông Trọng bằng nghi thức ngoại giao cấp cao nhất với 21 loạt đại bác. Trong chuyến thăm, bên cạnh việc cố gắng giải quyết những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, hai bên cũng nhấn mạnh vấn đề hợp tác kinh tế. Hai bên đồng ý thành lập hai nhóm công tác về phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác tài chính (BBC Việt ngữ, 2015; Đài Tiếng nói Việt Nam, 2015). Các thỏa thuận này có vẻ nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy AIIB và dự án quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, nhưng Việt Nam cũng được hưởng lợi. Chẳng hạn, hai bên đã đồng ý đưa cảng Hải Phòng ở miền Bắc Việt Nam vào sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc (Nikkei Asian Review, 2015). Ngoài ra, ba dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể nhận được nguồn vốn của Trung Quốc, cụ thể là tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường cao tốc Lạng Sơn – Hà Nội, và đường cao tốc Móng Cái – Hạ Long, cũng được đưa ra thảo luận (Đài Tiếng nói Việt Nam, 2015). Nhiều đề nghị khác cũng có thể được Trung Quốc đưa ra trong chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối năm nay.
Về phía Washington, những nỗ lực tăng cường mối quan hệ với Hà Nội cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Những nỗ lực này tập trung vào cả hai khía cạnh kinh tế và chiến lược. Về mặt kinh tế, Washington đã thành công trong việc đảm bảo sự tham gia của Việt Nam vào TPP ngay cả khi thỏa thuận này có những quy định “nhạy cảm,” đặc biệt là về vấn đề quyền lợi của người lao động và các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Sự gia tăng thương mại song phương và đầu tư của Mỹ ở Việt Nam cũng đã tăng cường nền tảng kinh tế của quan hệ hai nước và củng cố hơn nữa vị thế của Mỹ như là một đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam.[1]
Trong khi đó, những nỗ lực của Washington nhằm thiết lập một mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Hà Nội cũng khiến nước này cam kết viện trợ 18 triệu USD cho Việt Nam để mua tàu tuần tra vào năm 2013, và quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10 năm 2014. Những khuôn khổ rộng hơn cho hợp tác chiến lược song phương cũng đã được thiết lập. Hai bên đã ký một Bản ghi nhớ về việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương năm 2011, sau đó bổ sung bằng một “Tuyên bố Tầm nhìn chung” được công bố hồi tháng 6 năm 2015. Việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ quả thật đã khiến mối quan hệ Việt-Mỹ trở nên toàn diện hơn so với quan hệ Việt-Trung khi Hà Nội hiện nay không có sự hợp tác chiến lược và quốc phòng có ý nghĩa nào với Bắc Kinh do những tranh chấp trên Biển Đông.
Với sự cạnh tranh chiến lược đang gia tăng giữa hai cường quốc, Việt Nam có lợi ích trong việc duy trì sự cân bằng giữa hai bên. Tuy nhiên, lựa chọn này đang trở nên khó theo đuổi hơn đối với Việt Nam. Do sự hung hăng ngày một lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Hà Nội thấy ngày càng khó thúc đẩy quan hệ với Bắc Kinh nhưng lại cảm thấy thoải mái, thậm chí là cần thiết, cần phải thiết lập một mối quan hệ gần gũi hơn với Washington. Và trong khi các lợi ích chiến lược của Việt Nam và Trung Quốc đang ngày càng trở nên xung khắc thì những lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ lại dần hội tụ, mà sự can thiệp sâu hơn của Washington vào tranh chấp Biển Đông là một trường hợp điển hình.[2]
Do đó, trong khi Việt Nam luôn cởi mở trước những bước đi ngoại giao của cả Washington và Bắc Kinh thì những tranh chấp trên Biển Đông và sự xác quyết ngày một tăng của Trung Quốc đang có xu hướng đẩy Hà Nội xa rời Bắc Kinh và gần gũi hơn với Washington.
Cấp độ quốc gia: Lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và hai cường quốc
Mức độ tin cậy lẫn nhau ngày một tăng giữa Việt Nam và Mỹ có lẽ là biểu hiện cho sự phát triển quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương trong những năm gần đây.
Kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, việc ĐCSVN nghi ngờ Mỹ có ý định lật đổ chế độ của mình đã trở thành một trở ngại lớn cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Chẳng hạn, những văn kiện chính thức của Đảng từ lâu đã xác định chiến lược “diễn biến hòa bình” của “các thế lực thù địch” là một trong những mối đe dọa lớn đối với an ninh của chế độ (CPV, 2010, tr. 524). Năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về việc “tăng cường đấu tranh chống âm mưu Diễn biến hoà bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.” Bản đề cương tuyên truyền hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 34 do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng biên soạn đã coi một số sáng kiến của Mỹ là một phần trong âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống lại chế độ. Đặc biệt, bản đề cương này cho rằng việc Mỹ muốn gửi những thành viên tình nguyện của Đội Hòa bình (Peace Corps)[3] tới Việt Nam là kế hoạch nhằm gieo rắc mầm mống “cách mạng màu” ở trong nước. Trong khi đó, những hỗ trợ giáo dục của Mỹ, chẳng hạn như Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, lại bị xem như là một công cụ ẩn nhằm “chuyển hóa” Việt Nam về mặt chính trị bằng cách đào tạo ra một lớp người thân Mỹ và thân phương Tây.[4]
Tuy nhiên, đến năm 2015, những nhận thức như vậy dường như đã lắng xuống. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm Washington của ông Trọng hồi tháng 7, Việt Nam đã cấp giấy phép thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam, tiền thân là Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright và được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ một phần. Trường Đại học Fulbright sẽ áp dụng chương trình đào tạo của Mỹ và có mức độ tự chủ cao hơn các trường đại học khác trong nước (Thanh Tuấn, 2015). Trong khi đó, trong chuyến thăm đầu tiên của mình tới Mỹ hồi tháng 3 năm 2015, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã khẳng định Việt Nam sẽ cho phép Đội hòa bình Mỹ được hoạt động trong nước (Vuving, 2015). Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo nhiều nhà quan sát, chỉ dấu quan trọng nhất cho sự tin tưởng ngày một sâu sắc giữa hai nước là việc mở rộng và thắt chặt hợp tác quân sự.
Mức độ tin cậy lẫn nhau được tăng cường là kết quả của những nỗ lực của cả hai bên, đặc biệt là cam kết của Mỹ sẽ luôn tôn trọng lợi ích chính trị trong nước của ĐCSVN. Chẳng hạn, trong Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, hai bên đã nhấn mạnh rằng họ sẽ tôn trọng “hệ thống chính trị của nhau” (The White House, 2013). Cam kết tương tự cũng được nhắc lại trong Tuyên bố Tầm nhìn chung trong chuyến thăm Washington của ông Trọng (The White House, 2015).
Việc các nhà lãnh đạo Việt Nam bớt ám ảnh về những ý định “diến biến hòa bình” của Mỹ có thể cũng bắt nguồn từ sự thay đổi trong nhận thức của họ về những nguy cơ và lợi ích mà mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Mỹ có thể mang lại. Trong khi “diễn biến hòa bình” là mối đe dọa mơ hồ và có thể không bao giờ trở thành hiện thực, thì mối quan hệ bền chặt hơn với Washington đã đem đến những lợi ích hữu hình và tức thì như thương mại, đầu tư, và hợp tác quân sự. Những nhân tố này góp phần vào sự phát triển kinh tế và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong mối tương quan với Trung Quốc trên Biển Đông. Từ quan điểm của giới lãnh đạo Việt Nam, sự đón tiếp nồng hậu của Washington dành cho ông Trọng cũng cho thấy Mỹ đã công nhận sự cầm quyền của ĐCSVN, điều rốt cuộc sẽ làm tăng tính chính danh trong nước của Đảng. Những suy nghĩ này càng làm giảm nhận thức của họ coi Mỹ như một mối đe dọa đối với chế độ.
Trái ngược với những bước phát triển tích cực trong mối quan hệ giữa Hà Nội với Washington, mối quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh đang xấu đi do sự mất lòng tin ngày càng nghiêm trọng. Điều này phần lớn là kết quả của sự quyết đoán và hung hăng ngày một tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 đã giáng một đòn mạnh vào sự tin tưởng của các lãnh đạo Việt Nam dành cho Bắc Kinh và làm sâu sắc thêm nhận thức của họ về mối đe dọa mang tên Trung Quốc. Hoạt động xây dựng ồ ạt đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Quần đảo Trường Sa ngay sau cuộc khủng hoảng, trong khoảng thời gian mà lẽ ra cả hai bên đều cần hàn gắn mối quan hệ, đã khiến lòng tin chiến lược giữa hai nước tiếp tục xấu đi.
Không phải ngẫu nhiên mà Đảng Cộng sản gần đây đã chấp nhận những quan điểm mang tính chống Trung Quốc ngày càng tăng trên các phương tiện truyền thông chính thức. Các cơ quan truyền thông lớn giờ đây thường xuyên phát đi các bản tin, các bài xã luận và bình luận trực tiếp chỉ trích sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Việc tưởng nhớ các cuộc đụng độ quân sự giữa hai nước, chẳng hạn như Hải chiến Hoàng Sa 1974, Chiến tranh Biên giới 1979, Trận chiến Vị Xuyên 1984, hay Hải chiến Trường Sa 1988, từng là một điều cấm kỵ nhưng nay đã được cho phép. Ở một mức độ nhất định, việc Việt Nam mở rộng quan hệ với Mỹ cũng như Nhật Bản và Ấn Độ cũng cho thấy lòng tin của Việt Nam vào Trung Quốc đã suy giảm.
Nói cách khác, “cán cân lòng tin” của Việt Nam giữa Trung Quốc và Mỹ đang nghiêng về phía Mỹ. Đây là một sự chuyển dịch dần dần nhưng quan trọng nếu nhìn vào lịch sử gần đây của Việt Nam. Chẳng hạn như sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, một số nhà lãnh đạo Việt Nam đã tin rằng “dù bành trướng thế nào [thì] Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa,”[5] và Việt Nam cần phải “bằng mọi giá bắt tay ngay với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội, để chống Mỹ và các thế lực đế quốc khác” (Trần Quang Cơ, 2003, tr.31-32). Niềm tin này đã khiến giới lãnh đạo Việt Nam kiên định theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc bất chấp cuộc Hải chiến Trường Sa năm 1988 diễn ra trước đó không lâu.[6]
Ngày nay, những suy nghĩ như vậy đã trở nên không còn phù hợp. An ninh chế độ của Đảng Cộng sản đã được củng cố sau ba thập niên cải cách dưới thời Đổi mới. Vị thế quốc tế của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể, mang lại cho Hà Nội nhiều không gian hơn để chống lại những áp lực từ Bắc Kinh. Quan trọng hơn, sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự cưỡng ép ngày càng tăng của nước này trên Biển Đông đã buộc Hà Nội nhờ đến chủ nghĩa dân tộc, thứ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược xây dựng tính chính danh hiện tại của Đảng. Như vậy, những lợi ích quốc gia chứ không phải những cân nhắc ý thức hệ đang quyết định quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Sự chuyển dịch như vậy cũng có xu hướng có lợi cho Washington và bất lợi cho Bắc Kinh.
Cấp độ trong nước: Tình tình kinh tế và chính trị của Việt Nam
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua một cơn suy thoái kể từ năm 2008. Đặc biệt, trong giai đoạn 2008-2014, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của cả nước chỉ đạt 5,8%, thấp hơn đáng kể so với con số 7,6% trong giai đoạn 2000-2007. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã quyết tâm theo đuổi các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP, không chỉ để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, mà còn để cung cấp động lực cho những cải cách kinh tế trong nước, đặc biệt là những cải cách liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước. TPP, với những quy định như điều kiện xuất xứ “tính từ sợi trở đi,”[7] cũng được mong đợi là sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc và sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam vào nước láng giềng phương Bắc trong lĩnh vực nhập khẩu nguyên liệu.[8] Kết quả là nếu TPP có hiệu lực thì dù Trung Quốc vẫn có thể là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam trong tương lai gần thì tầm quan trọng tương đối của nó đối với Việt Nam cũng sẽ suy giảm do mối quan hệ kinh tế giữa Hà Nội và Washington sẽ được mở rộng và thắt chặt.
Về mặt chính trị, sự xác quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và những căng thẳng giữa hai nước về những tranh chấp trên biển đã làm dấy lên những tình cảm dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam. Chẳng hạn, theo một khảo sát năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Pew, trong khi ba phần tư (76%) số người Việt Nam được hỏi bày tỏ ý kiến ủng hộ Mỹ thì Trung Quốc lại được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai của đất nước, và đa số (84%) trong số họ lo lắng rằng những tranh chấp trên Biển Đông có thể dẫn đến một cuộc xung đột quân sự (Pew Research Center, 2015a). Tương tự, theo một khảo sát khác được công bố hôm 23 tháng 6 năm 2015, gần ba phần tư (74%) số người Việt Nam được hỏi cho biết việc cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp lãnh thổ là quan trọng hơn việc duy trì một mối quan hệ kinh tế vững chắc (17%) với người láng giềng phương Bắc (Pew Research Center, 2015b).[9] Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ có xu hướng nhờ đến những tình cảm dân tộc chủ nghĩa để duy trì sự ủng hộ của dân chúng. Nói cách khác, trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam không muốn bị coi là công khai “thân Tàu” hay “thân Mỹ” thì mang tiếng “thân Mỹ” dù sao cũng có thể ít gây hại hơn, thậm chí trong một số trường hợp nhất định còn có lợi cho vị thế chính trị của họ.[10]
Một diễn biến trong nước khác có thể có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ tương lai của Việt Nam với cả Trung Quốc và Mỹ là Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản và cuộc bầu cử thế hệ lãnh đạo mới của Đảng diễn ra vào năm sau. Trong các tài liệu chuẩn bị cho đại hội được lưu hành cho các đảng viên đọc và nhận xét, các tranh chấp trên Biển Đông được mô tả cụ thể là “phức tạp, gay gắt và rất khó lường.”[11] Các tài liệu này cũng thừa nhận rằng “việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ […] còn nhiều khó khăn, thách thức.” Những quan điểm như vậy cho thấy nhận thức tăng cường của Đảng về những mối đe dọa mà các tranh chấp trên Biển Đông đem lại cho đất nước. Chúng cũng có thể dẫn đến lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam đối với vấn đề này trong tương lai, trong đó có thể bao gồm việc tiếp tục liên kết chiến lược với Mỹ.
Về vấn đề chuyển đổi lãnh đạo, nếu Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng được bầu làm Tổng Bí thư mới của Đảng[12] thì mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ có thể trải qua một bước tiến mới. Ông Dũng, người thường xuyên thể hiện mình như một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa, đã nhiều lần công khai lên tiếng phản đối sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có tuyên bố nổi tiếng rằng Việt Nam sẽ không đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước để lấy “hữu nghị viển vông” [với Trung Quốc] (VnExpress, 2014). Chương trình nghị sự tương đối tự do trong nước dưới sự lãnh đạo của ông Dũng cũng gần gũi với Washington hơn là Bắc Kinh.[13] Hơn nữa, mối quan hệ cá nhân của các thành viên trong gia đình ông với phương Tây nói chung và với Mỹ nói riêng cũng có thể có ảnh hưởng tích cực lên cách nhìn của ông về Mỹ cũng như về mối quan hệ giữa Hà Nội với Washington.[14] Trong trường hợp một người khác lên lãnh đạo Đảng Cộng sản thì các yếu tố đã được phân tích ở trên cũng có thể khiến vị Tổng Bí thư mới có một thái độ ít nhiều nghiêng về phía Mỹ hơn.
Tác động đối với khu vực
Những động lực mới trong mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và Mỹ có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với hai cường quốc này, mà còn đối với cả khu vực nói chung.
Đối với Trung Quốc, xu hướng này đồng nghĩa với việc chiến lược Biển Đông của nước này đang phản tác dụng. Đặc biệt, hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Quần đảo Trường Sa đang làm sâu sắc thêm nhận thức về “mối đe dọa Trung Quốc,” không chỉ ở Hà Nội mà còn ở thủ đô của nhiều nước khác trong khu vực. Sự ưu tiên “sức mạnh cứng” thay vì “quyền lực mềm” của Bắc Kinh sẽ làm suy yếu hơn nữa uy tín đạo đức của Trung Quốc và cuối cùng sẽ làm Bắc Kinh đánh mất tính chính danh cho vị trí lãnh đạo khu vực. Mối quan hệ xấu đi của Trung Quốc với Việt Nam và sự nghi ngờ ngày càng sâu sắc của khu vực về những tham vọng chiến lược của Trung Quốc là những ví dụ điển hình. Giờ đây khi hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đã hoàn tất, sự tin cậy lẫn nhau giữa Hà Nội và Bắc Kinh sẽ khó được khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, tình hình vẫn có thể cải thiện nếu Trung Quốc sẵn sàng ký kết một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý trên Biển Đông và nghiêm khắc tự kiềm chế không tiến hành các biện pháp gây hấn. Ngược lại, những hành động leo thang như quân sự hóa các đảo nhân tạo và thiết lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông sẽ làm tổn hại vĩnh viễn mối quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam cũng như với toàn bộ khu vực. Khi đó, nỗi lo ngại của Bắc Kinh về sự bao vây chiến lược do Mỹ đứng đầu trong khu vực sẽ trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Đối với Mỹ, đây là thời điểm thích hợp để tăng tốc quá trình xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam. Sự tin cậy ngày một tăng giữa Hà Nội và Washington, mối nghi ngờ sâu sắc của Hà Nội đối với Bắc Kinh, và những điều kiện trong nước của Việt Nam đã cung cấp những chất xúc tác cần thiết cho Washington để đưa Hà Nội vào một mối quan hệ thực chất và có ý nghĩa hơn nhằm phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia của cả hai nước. Nguyên tắc quan trọng nhất mà Mỹ cần tuân thủ là không ngừng nuôi dưỡng sự tin cậy lẫn nhau bằng cách tuyệt đối tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam và đảm bảo với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng Mỹ sẽ luôn tính đến lợi ích của Việt Nam trong bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ với Trung Quốc.[15] Mỹ cũng cần cân nhắc các bước tiếp theo để thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương, chẳng hạn như giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải, đưa Việt Nam tham gia vào các sáng kiến an ninh khu vực do Mỹ dẫn đầu, hoặc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Về vấn đề nhân quyền, nói một cách công bằng, vẫn còn nhiều điều Việt Nam cần cải thiện, nhưng Hà Nội cũng đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể trong những năm vừa qua. Do đó, trong khi vì nhiều lý do mà Washington có thể vẫn muốn duy trì sức ép lên hồ sơ nhân quyền của Hà Nội, Mỹ không nên cho phép vấn đề này cản trở sự hợp tác chiến lược giữa hai nước. Một lập trường cứng rắn của Mỹ về vấn đề này có thể sẽ phản tác dụng vì nó khuyến khích Hà Nội sử dụng nhân quyền như một lá bài mặc cả trong các giao dịch với Washington.
Những động lực trong quan hệ Việt-Mỹ-Trung cũng phản ánh những dòng chảy chủ chốt trong địa chính trị khu vực, đáng chú ý nhất là sự (tái) điều chỉnh chiến lược của các nước trong khu vực để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, và sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, sẽ thật ngây thơ nếu tin rằng quan hệ Việt – Mỹ chỉ bị chi phối bởi yếu tố Trung Quốc, bởi những lợi ích chung quan trọng khác như thương mại, đầu tư, hay hợp tác giáo dục cũng tham gia vào quá trình này. Đồng thời, mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc cũng sẽ không hoàn toàn được quyết định bởi các tranh chấp ở Biển Đông, và hợp tác kinh tế với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề quan trọng đối với Hà Nội. Do đó, sự tái điều chỉnh chiến lược của Việt Nam với hai cường quốc vẫn tiếp tục là một sự biến đổi từ từ, chứ không phải là một sự chuyển dịch mạnh, và phụ thuộc phần lớn vào nhận thức của Hà Nội về mối đe dọa Trung Quốc trên Biển Đông. Để phòng bị trước những hệ quả khả dĩ của việc dựa dẫm quá mức vào Washington, Hà Nội cũng sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với các nước lớn khác trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản, Ấn Độ, và các đối tác ASEAN có cùng lợi ích. Một lần nữa, kết quả của những nỗ lực này sẽ được định hình bởi việc các nước trong khu vực nhìn nhận mối đe dọa Trung Quốc ra sao, một câu hỏi mà bản thân Trung Quốc mới là người nắm giữ câu trả lời.
Kết luận
Phân tích về những động lực mới trong tam giác Việt-Mỹ-Trung cho thấy quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, trong khi quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sẽ phải chịu những trở ngại đáng kể, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những động lực mới này vẫn có thể bị hạn chế bởi các yếu tố truyền thống vốn định hình các lựa chọn chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ví dụ, trong khi những cân nhắc ý thức hệ đang dần trở nên ít quan trọng đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam thì chúng vẫn còn có tác động.[16] Tương tự, mặc dù quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới sẽ có một số tác động đối với quan hệ đối ngoại của Việt Nam, chúng ta không nên thổi phồng vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo Việt Nam, dù là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay ai khác, trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của đất nước. Các chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản quyết định tập thể, điều đó khiến bất cứ sự thay đổi chính sách nào liên quan đến hai cường quốc cũng sẽ được thảo luận kỹ lưỡng, và do đó diễn ra dần dần thay vì nhanh chóng. Hơn nữa, mặc dù trọng lực địa chính trị hiện nay có xu hướng đẩy Việt Nam theo hướng rời xa Trung Quốc tiến về phía Mỹ, nó vẫn bị hạn chế bởi mong muốn từ lâu của Việt Nam là duy trì một sự cân bằng giữa hai cường quốc.
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên khách mời tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
BBC Vietnamese. (2015, 7 Jul). Việt – Trung ký kết nhiều thỏa thuận [Vietnam – China ink a range of deals] Retrieved 29 Jul, 2015, from http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/04/150407_vn_party_delegation_visits_china
Co, T. Q. (2003). Hoi uc va suy nghi: 1975-1991 [Memoir and Reflections: 1975-1991] (Unpublished menuscript).
CPV. (2010). Van kien dai hoi dai bieu toan quoc thoi ky doi moi [Documents of National Congresses in the Era of Doi Moi] (Vol. 1). Ha Noi: National Political Publishing House.
General Department of Customs. (2014). Customs Trade Statistics. Retrieved 27 Jun 2014 http://www.customs.gov.vn/Lists/EnglishStatistics/ScheduledData.aspx?Group=Trade%20analysis&language=en-US
Hiep, L. H. (2015). Vietnam’s Leadership Transition in 2016: A Preliminary Analysis. ISEAS Perspective(24).
Nikkei Asian Review. (2015, 8 Apr). China, Vietnam to cooperate on new trade corridor Retrieved 29 Jul, 2015, from http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/International-Relations/China-Vietnam-to-cooperate-on-new-trade-corridor
Pew Research Center. (2015a, 30 Apr). 40 years after fall of Saigon, Vietnamese see U.S. as key ally Retrieved 6 Aug, 2015, from http://www.pewresearch.org/fact-tank/2015/04/30/vietnamese-see-u-s-as-key-ally/
Pew Research Center. (2015b, 23 Jun). Global Publics Back U.S. on Fighting ISIS, but Are Critical of Post-9/11 Torture Retrieved 6 Aug, 2015, from http://www.pewglobal.org/2015/06/23/3-asia-in-focus/
Thanh Tuan. (2015, 16 Jan). ĐH Fulbright tại VN phát triển sau đại học trước [Fulbright University Vietnam to develop post-graduate programs first] Retrieved 26 Jul, 2015, from http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150116/dan-xen-nghien-cuu-voi-giang-day/699420.html
The White House. (2013, 25 Jul). Joint Statement by President Barack Obama of the United States of America and President Truong Tan Sang of the Socialist Republic of Vietnam Retrieved 29 Aug, 2013, from http://www.whitehouse.gov/the-press-office/2013/07/25/joint-statement-president-barack-obama-united-states-america-and-preside
The White House. (2015, 7 Jul). United States – Vietnam Joint Vision Statement Retrieved 23 Jul, 2015, from https://www.whitehouse.gov/the-press-office/2015/07/07/united-states-%E2%80%93-vietnam-joint-vision-statement
Vietnam Government Portal. (2014, 1 Jan). Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng [PM Nguyen Tan Dung’s New Year Message] Retrieved 8 Aug, 2015, from http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Thong-diep-nam-moi-cua-Thu-tuong-Nguyen-Tan-Dung/189949.vgp
Vietnamnet. (2015, 23 Jul). Sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư là gì? [What will happen after General Secretary’s visit to America?] Retrieved 8 Aug, 2015, from http://vietnamnet.vn/vn/ban-tron-truc-tuyen/251954/sau-chuyen-tham-my-cua-tong-bi-thu-la-gi-.html
VnExpress. (2014, 22 May). Thủ tướng: ‘Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông’ [Not to trade sovereignty for illusionary friendships: PM] Retrieved 6 Feb, 2015, from http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/thu-tuong-khong-danh-doi-chu-quyen-lay-huu-nghi-vien-vong-2994075.html
Voice of Vietnam. (2015, 11 Apr). Củng cố lòng tin, vì hòa bình và phát triển quan hệ Việt – Trung [Strengthening mutual trust for peace and development of Sino-Vietnamese ties] Retrieved 29 Jul, 2015, from http://vov.vn/Print.aspx?id=394215
Vuving, A. L. (2015, 10 Apr). A Breakthrough in US-Vietnam Relations. The Diplomat Retrieved 26 Jul, 2015, from http://thediplomat.com/2015/04/a-breakthrough-in-us-vietnam-relations/
—————————-
[1] Ví dụ, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2014 lên tới 28,66 tỉ USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đến năm 2014, Mỹ cũng đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ bảy tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký lên tới hơn 10 tỉ USD.
[2] Trong khi Việt Nam coi sự tham gia của Mỹ là một đối trọng quan trọng trước sức mạnh ngày càng lớn và tham vọng không bị kiểm soát của Trung Quốc, Mỹ coi sự tham gia của mình như một phương tiện để tăng cường quan hệ với Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác cũng có tuyên bố chủ quyền, và để bảo vệ lợi ích lâu dài của Mỹ trên Biển Đông, đặc biệt là tự do hàng hải và hàng không.
[3] Đội hòa bình (Peace Corps) là một tổ chức tình nguyện của chính phủ Mỹ, được thành lập từ năm 1961. Thông tin thêm về tổ chức này có tại <http://www.peacecorps.gov/about/>
[4] Toàn văn tài liệu này (tiếng Việt) có sẵn tại: <http://www.viet-studies.info/kinhte/DeCuongTuyenTruyen.pdf>
[5] Đánh giá như vậy còn gây tranh cãi. Cuộc đàn áp Thiên An Môn không nhất thiết chứng tỏ Trung Quốc là “một nước xã hội chủ nghĩa.” Nó có thể chỉ đơn giản thể hiện quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lực của họ.
[6] Trong cuộc đụng độ này, Trung Quốc đã phá hủy ba tàu hải quân và sát hại 64 lính hải quân Việt Nam. Cũng trong năm đó, Trung Quốc lần đầu thiết lập sự hiện diện của mình ở Quần đảo Trường Sa bằng cách chiếm một số thực thể trong Quần đảo này.
[7] Các quy định này đòi hỏi Việt Nam phải sử dụng sợi từ một thành viên TPP trong ngành dệt may để được miễn thuế xuất khẩu sang các thị trường thành viên TPP. Do Trung Quốc không phải là thành viên TPP trong khi Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trong ngành dệt may và vật liệu sợi, TPP đã đem đến một làn sóng đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp nguyên liệu dệt may của Việt Nam. Về lâu dài, sự phát triển này có thể giúp giảm nhập khẩu nguyên liệu dệt may đầu vào của Việt Nam từ Trung Quốc.
[8] Trong năm 2014, Trung Quốc chiếm 29,6% tổng nhập khẩu của Việt Nam, và thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc lên đến 28,96 tỉ USD (Tổng cục Hải quan, 2014).
[9] Quy mô mẫu của cuộc khảo sát là 1.000 người, nhưng không xác định rõ thành phần hoặc thông tin của người được khảo sát. Thông tin thêm về phương pháp điều tra có tại: <http://www.pewglobal.org/international-survey-methodology/?year_select=2015>
[10] Ví dụ, chuyến thăm Mỹ của ông Trọng đã được công chúng đánh giá tích cực, trong đó có cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài, và giúp cải thiện hình ảnh cá nhân của ông. Những thông tin chưa được xác nhận cho thấy Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng có thể sẽ thăm Mỹ vào cuối năm nay.
[11] Ngay cả văn kiện Đại hội lần thứ 11 (năm 2011) của Đảng cũng không đề cập đến các tranh chấp cụ thể trên Biển Đông, mà thay vào đó sử dụng thuật ngữ chung là “tranh chấp lãnh thổ biển đảo.”
[12] Ông Dũng hiện là ứng cử viên tiềm năng nhất để trở thành Tổng Bí thư Đảng tiếp theo. Về quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới của Việt Nam, xem Lê Hồng Hiệp (2015).
[13] Ví dụ, trong lĩnh vực kinh tế, ông Dũng đã thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm bớt điều tiết, tăng cường cổ phần hóa, và tìm cách mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước thông qua các hiệp định thương mại tự do. Về chính trị, ông kêu gọi một mức độ dân chủ cao hơn, cho rằng “dân chủ là xu thế khách quan trong quá trình tiến hóa của xã hội loài người” (Vietnam Government Portal, 2014). Ông Dũng cũng đề xuất luật biểu tình, được các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước đón nhận một cách tích cực mặc dù còn có một số nghi ngờ nhất định.
[14] Con rể của ông Dũng là một doanh nhân người Mỹ gốc Việt, và tất cả các con của ông đều được đào tạo ở phương Tây (cụ thể là Mỹ, Thụy Sĩ, và Vương quốc Anh).
[15] Nhiều bài học lịch sử đã dạy Việt Nam phải thận trọng trong việc thúc đẩy quan hệ với một cường quốc bằng cách đánh đổi mối quan hệ với một cường quốc khác. Hiệp định Genève 1954 hay việc Mỹ đã không hành động trong cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là hai trường hợp mà lợi ích quốc gia của Việt Nam đã bị các đồng minh phản bội. Các quan chức Việt Nam hiện nay rất nhạy cảm với khả năng Mỹ sẽ đàm phán với Trung Quốc trên lưng Việt Nam. Ví dụ, khi các quan chức Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đang hợp tác xây dựng một “mối quan hệ cường quốc kiểu mới,” các quan chức Việt Nam đã nhiều lần tiếp cận các đối tác Mỹ để có thêm thông tin và yêu cầu giải thích.
[16] Ví dụ, ông Bùi Thế Giang, một quan chức cấp cao trong Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đã cảnh báo rằng mặc dù chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Trọng đại diện cho một “bước ngoặt” trong quan hệ Việt-Mỹ, nhưng nó không nhất thiết dẫn đến một “bước ngoặt trong tư duy của mọi người.” Do đó ông đã kết luận rằng do sự khác biệt trong hệ thống chính trị, hai nước vẫn còn một chặng đường dài để thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong tương lai (Vietnamnet, 2015).