Nguồn: “The global addiction to energy subsidies”, The Economist, 26/07/2015.
Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Giá năng lượng đã giảm liên tục được 1 năm. Trong tháng vừa qua, xu hướng này đã tăng nhanh hơn. Vào hôm 24 tháng 7, giá một thùng dầu ở Mỹ xuống mức thấp chỉ còn 48 đô la. Dù vậy, các chính phủ vẫn vung tiền trợ cấp để thúc đẩy sản xuất mặt hàng này. Nhiên liệu hóa thạch được trợ giá 550 tỉ đô la mỗi năm, và theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (International Energy Agency – IEA) – tổ chức đại diện cho các nước tiêu thụ dầu và khí, con số trên nhiều gấp 4 lần số tiền trợ cấp dành cho năng lượng tái tạo.
Ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) còn cao hơn nhiều. Hồi tháng 5, tổ chức này dự báo các quốc gia sẽ dùng 5.300 tỉ đô la để trợ giá cho dầu, khí và than đá trong năm 2015, so với 2.000 tỉ đô la trong năm 2011. Số tiền dự báo này tương đương với 6,5% GDP toàn cầu, và nhiều hơn con số mà các chính phủ trên toàn thế giới chi cho y tế. Tại thời điểm mà giá năng lượng thấp, nợ công cao và mối lo ngại ngày càng tăng về khí thải, thì chẳng có mấy lí lẽ để biện minh việc trợ giá như vậy. Thế thì tại sao thế giới lại “nghiện” việc trợ giá năng lượng?
Các chính phủ thiết kế nên một số cách thức khác nhau để trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch. Phần lớn các khảo sát phân tích trợ giá “tiêu dùng”, hơn là các hình thức hỗ trợ hay giảm thuế cho người sản xuất. Phương pháp “trước thuế” truyền thống giữ giá bán nhiên liệu thấp hơn chi phí cung ứng nhiên liệu cho dân chúng đổ đầy bình xăng xe của họ, hay thắp sáng, và nó đặc biệt phổ biến ở các nước đang phát triển.
Ở các nước sản xuất dầu như Nigeria và Venezuela, giá nhiên liệu thấp được tầng lớp dân nghèo coi là một trong vài lợi ích của việc có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn. Các nước giàu cũng thực hiện trợ giá – IMF cho rằng Mỹ là quốc gia trợ giá lớn thứ hai thế giới, chi khoảng 669 tỉ đô la trong năm nay – nhưng phần lớn thông qua phương thức “sau thuế” – qua đó không tính chi phí tổn hại môi trường vào giá bán nhiên liệu.
Việc trợ giá trở thành một vấn đề bởi vì nó lãng phí nguồn lực ngân sách mà không thực sự có ích cho người nghèo, bởi vì người giàu thì lái xe nhiều hơn và ngốn nhiều năng lượng hơn. IEA tin rằng chỉ 8% trợ cấp là được đổ về cho 1/5 phần dân số nghèo nhất. Số tiền đó nên dùng để làm đường, xây bệnh viện và trường học thì tốt hơn.
Việc trợ giá đôi khi cũng có vẻ mờ ám. Ở Nigeria, hàng tỉ đô la đã bị rút ruột trong quá trình hỗ trợ cho việc nhập khẩu nhiên liệu, khiến cho nhiều người dân phải chịu cảnh thiếu năng lượng đến mức tê liệt các hoạt động. Các nhà môi trường lập luận rằng việc trợ giá nhiên liệu kiềm chế sự phát triển của năng lượng sạch, làm tăng ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu. Theo tính toán của các chuyên gia thống kê của IMF, nếu cắt giảm trợ giá, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ giảm hơn 20% và ngân sách chính phủ sẽ tăng 2.900 tỉ đô la, tương đương 3,6% GDP.
Phần lớn các quốc gia nhận ra rằng việc trợ giá là không bền vững, nhưng dỡ bỏ trợ giá có thể là vấn đề chính trị gây nhiều tranh cãi. Ví dụ, Nigeria đã chấm dứt nỗ lực bỏ trợ giá nhiên liệu của nước này vào năm 2012 sau khi các cuộc biểu tình đường phố bạo lực diễn ra trong nhiều ngày. Tuy nhiên, tình hình cũng đã có sự cải thiện. Giá dầu thấp gần đây đã cho phép hàng loạt các nước từ Indonesia, Ấn Độ, tới Malaysia và Mexico thay đổi chính sách của họ mà không làm cho giá nhiên liệu tăng mạnh. Các nước khác đơn giản phân bổ ít tiền hơn để trợ giá vì dầu thô hiện đang rẻ hơn rồi.
Nhưng các con số thống kê thu hút nhiều chú ý của IMF đang làm lu mờ việc giảm trợ giá bởi vì các chi phí môi trường “sau thuế” lại đang tăng lên. Nếu không tính những chi phí này, trong năm nay, các nước sẽ chi 330 tỉ đô la để bù đắp khoảng cách giữa giá “thật” với giá mà người tiêu dùng phải trả – giảm xuống từ mức 500 tỉ đô la năm 2014. Không tính đến chi phí môi trường, IEA cho rằng trợ giá đã được giảm kể từ năm 2013. Nhưng bài kiểm tra thật sự sẽ đến khi giá dầu tăng trở lại, và nhu cầu giữ giá thấp lại phát sinh.