Cách triệt tiêu các Thiên đường thuế

Print Friendly, PDF & Email

tax-haven-a

Nguồn: Bradford DeLong & Micheal DeLong, “Sunlight on Tax Havens“, Project Syndicate, 28/09/2015.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các thiên đường thuế được thiết kế một cách kín đáo và ít minh bạch. Toàn bộ lý do cho sự tồn tại của những thiên đường này là để che giấu đống của cải đang được đặt đâu đó bên trong chúng. Và cuốn sách mới của Gabriel Zucman, có tựa đề Ca ci ct giu ca các quc gia: Tai ho thiên đường thuế (The Hidden Wealth of Nations: The Scourge of Tax Havens), lần đầu tiên tiết lộ vai trò của chúng lớn đến đâu trong nền kinh tế toàn cầu.

Zucman kiểm tra sự chênh lệch trong các tài khoản thanh toán quốc tế để cung cấp những số liệu chính xác và đáng tin cậy nhất có thể có được về số tiền được cất trữ tại các thiên đường thuế. Ông ước tính khoảng 8% của cải tiền bạc của thế giới – tương đương 7,6 nghìn tỉ đô la Mỹ – được giấu tại những nơi như Thụy Sỹ, Bermuda, Quần đảo Cayman, Singapore, và Luxembourg. Con số này còn nhiều hơn số của cải sở hữu bởi nửa số dân nghèo khó trong số 7,4 tỉ người trên thế giới.

Con số trên có hệ quả quan trọng vì nó đại diện cho số tiền mà đáng lẽ phải được tính thuế. Nếu những nước giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ không thể đánh thuế người giàu một cách hiệu quả, họ khó mà bảo đảm được nền dân chủ xã hội và làm giảm phần nào sự bất bình đẳng sâu sắc vốn gần đây đang ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ. Tương tự như thế, các nền kinh tế mới nổi cũng có ít hy vọng thực hiện được hệ thống thuế lũy tiến nếu họ không thể tìm được của cải của những nhà tài phiệt.

Chắc chắn là cuốn sách của  Zucman dựa trên giả thiết chưa được chứng minh là có thể tìm được những số liệu quan trọng trong dữ liệu thường được phân loại trong mục “lỗi và sót”. Nhưng có nguyên nhân hợp lý để tin tưởng rằng số liệu của ông là đúng. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ công bố chỉ riêng tại các ngân hàng của nước này, người nước ngoài nắm giữ 2.400 tỉ đô la. Và trong khi Thụy Sỹ có lẽ là thiên đường thuế lâu đời nhất, đây không phải là nơi thuận lợi nhất để người ta cất tiền.

Một lý do tại sao các thiên đường thuế lại khó dẹp bỏ là bởi không phải tất cả mọi thành viên trong chính phủ đều nhất thiết nhìn nhận chúng giống nhau. Bất cứ đâu mà tham nhũng ăn sâu – như ở Nga, Trung Quốc, và phần lớn Trung Đông – nhiều quan chức có thể coi các thiên đường thuế không phải là một vấn đề về thu ngân sách, mà là một khía cạnh hấp dẫn trong công việc của mình.

Ngay cả ở Mỹ, tất cả các chính sách thường xuyên  được thiết kế một cách có tính toán để cho phép – hơn là triệt tiêu – việc trốn thuế thông qua các thiên đường thuế. Theo cách nói của một cựu quan chức cấp cao dưới thời Tổng thống George W. Bush: “Suy cho cùng thì đây là vấn đề về tự do”. Sự quản lý lỏng lẻo đó là một nguyên nhân chính trong việc việc doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Mỹ sụt giảm 1/3 kể từ cuối những năm 1990.

Khi nhắc đến các thiên đường thuế, người ta thường nói là không thể làm được gì. Chủ quyền quốc gia quá quan trọng nên không thể bị đặt dưới luật thuế quốc tế được. Và những nhà tài phiệt ngày nay được xem là có ảnh hưởng lớn đối với các chính trị gia được bầu cũng như các công chức. Hơn một thế kỷ trước, thống đốc bang New Jersey Woodrow Wilson lúc đó đã thuyết phục cơ quan lập pháp tiểu bang để New Jersey ngừng không còn làm thiên đường thuế cho các doanh nghiệp nữa. Ngay khi điều đó trở thành hiện thực, các tập đoàn Mỹ đã chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh của họ từ New Jersey sang bang láng giềng Delaware.

Nhưng điều những người cho rằng chính sách hợp tác quốc tế là bất khả thi không nói ra đó là chính sách hợp tác quốc tế lúc nào cũng có vẻ khó đạt được cho đến khi các điều kiện thay đổi một cách bất ngờ và mọi thứ bắt đầu đâu vào đó. Các thiên đường thuế có thể bị triệt tiêu với điều kiện là các lỗ hổng pháp lý cho phép tránh thuế hợp pháp phải được bịt lại và có các cơ chế thực thi khiến cho việc trốn thuế không còn đáng được mạo hiểm thực hiện nữa.

Bước đầu tiên nên là tăng sự minh bạch. Như người ta thường nói “ánh sáng mặt trời là thuốc diệt khuẩn tốt nhất”. Về phần mình, Zucman nghiêng về một danh bạ thống nhất toàn cầu – một cơ sở dữ liệu công khai cung cấp chi tiết về việc sở hữu các công cụ tài chính mà công chúng có thể truy cập được.

Bước thứ hai sẽ là dịch chuyển cơ sở tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ dựa trên lợi nhuận được báo cáo kiếm được tại một nước sang dựa trên doanh thu và tiền lương chi trả ở quốc gia đó. Như Zucman đã chỉ ra, một tập đoàn có thể di chuyển trụ sở chính và sử dụng các cơ chế như chuyển giá để dịch chuyển gánh nặng thuế, nhưng để dịch chuyển nhân viên của mình qua biên giới là việc khó hơn nhiều, và họ càng không thể dịch chuyển khách hàng của mình.

Nếu chúng ta muốn chống lại sự bất bình đẳng một cách hiệu quả thì đánh thuế lũy tiến một cách đúng đắn cần trở thành một phần của gói chính sách. Nhưng nếu chúng ta không triệt tiêu các thiên đường thuế ngay bây giờ thì chúng ta sẽ nhận ra không thể thực thi được một chính sách như thế.

Bradford Delong là giáo sư ngành kinh tế học tại Đại học California, Berkeley, và là nghiên cứu viên tại Văn phòng Quốc gia về Nghiên cứu Kinh tế. Ông cũng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton, giai đoạn ông đã tham gia rất nhiều vào các cuộc đàm phán về ngân sách và thương mại.

Micheal M. DeLong là nhà tổ chức cộng đồng cho tổ chức Ceasefire Oregon.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Sunlight on Tax Havens

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]