Máy bay chiến đấu không người lái – vũ khí của tương lai

Print Friendly, PDF & Email

130514-N-FE409-108

Nguồn: Paul Scharre, “Yes, Unmanned Combat Aircraft Are The Future”, War on the Rocks, 11/08/2015.

Biên dịch: Hà Minh Trường | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Bài liên quan: Tại sao các thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo vẫn cần người lái?

Rô-bốt sẽ không thay thế con người, mà sẽ mở rộng và củng cố khả năng của con người, giúp binh lính có thể thực hiện nhiệm vụ của họ – chiến đấu và chiến thắng – một cách tốt hơn.

Liệu thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của Mỹ vẫn sẽ do con người điều khiển, trái với dự đoán của các chuyên gia công nghệ và các nhà hoạch định chính sách như Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus? Đó là dự đoán của Đại tá Mike “Starbaby” Pietrucha, người phản bác lại tính khả thi của máy bay chiến đấu không người lái trên chiến trường khi cho rằng chúng không bao giờ có thể so sánh được với phi công con người. Tôi rất tôn trọng quan điểm và tư tưởng không chính thống của Pietrucha về các vấn đề liên quan đến không chiến, song các kết luận của ông vẫn còn nhiều thiếu sót.

Khi phân tích về máy bay chiến đấu không người lái trong tương lai, Pietrucha phạm phải hai lỗi thường gặp về vai trò của rô-bốt và các hệ thống tự động trong các chiến dịch quân sự: đồng hóa rô-bốt với binh lính và tin tưởng các hệ thống hoàn toàn tự động sẽ thay thế con người. Toàn bộ bài viết của Pietrucha ngầm giả định một sự cạnh tranh giữa con người với rô-bốt. Khá nhiều lần trong bài viết của mình, Pietrucha nhắc đến việc máy bay không người lái sẽ “thay thế” phi công. Song thực tế, tác chiến trong tương lai – dù là trên không hay bất cứ mặt trận nào khác – sẽ là con người tác chiến cùng máy móc: một sự kết hợp giữa các phương tiện có người lái và không người lái, cũng như phối hợp giữa tự động hóa quá trình ra quyết định của con người. Rô-bốt không thể thay thế con người, nhưng sẽ mở rộng và củng cố khả năng của con người nhằm giúp binh lính có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu và chiến thắng.

Rô-bốt không phải chiến binh

Pietrucha cho rằng rô-bốt không thể thay thế con người: “Chiến tranh là một hoạt động liên quan tới con người và hành vi chiến đấu thậm chí còn liên quan ở một mức độ cao hơn.” Về phần này thì ông đã đúng. Hãy tưởng tượng một thế giới khác, nơi chiến tranh hoàn toàn không liên quan đến mục đích hay được con người ra quyết đinh, sẽ đáng sợ đến chừng nào. Tuy nhiên đồng hóa vai trò của con người như các chiến binh và nơi họ chiến đấu – ở trong hoặc ngoài khoang lái máy bay – là sai lầm. Không quân Mỹ đã sở hữu những phi công ngồi ngoài buồng lái, và họ là nhân tố định đoạt việc sử dụng vũ lực từ phía bên kia địa cầu.

Chiến tranh do con người thực hiện, song chính công nghệ đã liên tục thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh. Từ thuở ban đầu khi người ta sử dụng một hòn đá với ý chí đắm chìm trong sự giận dữ, các chiến binh đã luôn tìm kiếm các đối thủ mạnh mẽ hơn. Vũ khí chiến đấu cũng thay đổi dần theo thời gian, từ cái ná bắn đá cho đến cung tên, rồi súng đạn, hỏa tiễn và phi cơ, nhưng chiến tranh vẫn chủ yếu là do con người tiến hành. Rô-bốt cũng sẽ chỉ đơn thuần là một phương tiện chiến tranh tiếp theo.

Trong tương lai, con người vẫn sẽ tiếp tục gây chiến. Nhưng chúng ta có thể chiến đấu bên cạnh các rô-bốt. Thật không may, các thuật ngữ thường dùng ở hiện tại khiến cho chúng ta hiểu nhầm về rô-bốt, với vai trò của chúng là chiến binh chứ không phải công cụ. Việc gọi các hệ thống rô-bốt là “không người lái” (unmanned) là không chính xác, do đó Không quân Mỹ đã tránh sử dụng thuật ngữ này. “Không người lái” tạo nên quan niệm sai lầm rằng không có yếu tố con người liên quan, song trên thực tế con người luôn hiện diện. Con người mới chính là nhân tố hoàn thành nhiệm vụ. Ro-bốt chỉ thực hiện các tác vụ theo sự hướng dẫn của con người. Thuật ngữ hiện tại của Không quân – “được điều khiển từ xa” (remotely piloted) – cũng khá rối rắm. Từ này cho thấy một sự tiếp nối của mô phạm chỉ huy và kiểm soát hiện tại, với con người vẫn trực tiếp điều khiển máy bay, chỉ khác là điều khiển từ dưới mặt đất mà thôi. “Được điều khiển từ xa” miêu tả chính xác kỹ thuật điều khiển các máy bay không người lái như Predators hay Reapers hiện nay. Tuy nhiên như Pietrucha đã chỉ ra, cách tiếp cận này mắc phải nhiều hạn chế nghiêm trọng. Mất đi nhận thức chiến trường và khả năng phản ứng ngay lập tức vốn chỉ có thể đạt được nếu có phi công ngồi trong buồng lái, đồng thời phải chịu một khoảng trễ thời gian đôi khi kéo dài, máy bay điều khiển từ xa trong nhiều trường hợp là lựa chọn cực chẳng đã. Nó cũng giống như hãng Google thay vì cố công tạo ra một chiếc xe hơi tự động, lại tạo ra một chiếc xe điều khiển từ xa nhưng lại thiếu hệ thống cảm biến phản xạ và có độ trễ lớn. Hậu quả sẽ là gây ra nhiều tai nạn hơn, chứ không phải ít hơn.

Một thuật ngữ khác phù hợp hơn cho các phương tiện không có người điều khiển là “không có người điều khiển trực tiếp” (uninhabited), vốn mô tả chính xác hơn yếu tố mới: một phương tiện không có con người ngồi ở bên trong để tiến hành điều khiển trực tiếp (phương tiện đó). Điều này không có nghĩa là con người không dính dáng đến việc vận hành cỗ máy. Cũng giống như một “chiếc xe hơi tự động” có thể tự lái từ điểm A đến điểm B nhưng con người phải quyết định điểm đến cuối cùng, việc ra lệnh và điều khiển một máy bay không có người lái trực tiếp phụ thuộc vào sự kết hợp giữa việc ra quyết định của con người và máy móc. Việc kết hợp con người – máy móc này là một mô hình “nhân mã” của quá trình chỉ huy và kiểm soát (a “centaur” model of command-and-control – tác giả sử dụng hình tượng con nhân mã để ám chỉ một sự kết hợp giữa con người và rô-bốt – ND): các tác vụ đơn giản có thể được tự động hóa sẽ được tự động hóa, và con người vẫn giữ nguyên quyền điều khiển và ra quyết định dựa trên hoàn cảnh vốn yêu cầu sự suy xét của con người. Máy bay không người lái trực tiếp có nhiều lợi thế tiềm năng – kích cỡ nhỏ hơn, chống chịu tốt hơn, tính cơ động và khả năng chấp nhận rủi ro tốt hơn (phụ thuộc vào nhiệm vụ và chi phí của máy bay). Trong nhiều trường hợp, phi công là tác nhân vật lý lớn nhất cản trở thiết kế và quá trình vận hành máy bay. Tuy vậy, chính phi công cũng lại có lợi thế lớn nhất về mặt nhận thức. Pietrucha đã nhận định rất đúng rằng “phi công là những chiến binh trong máy bay của họ”. Điều này cũng chỉ ra bất lợi lớn nhất của máy bay không có người lái trực tiếp – bằng cách di chuyển các chiến binh con người và đặt họ vào một vị trí khác, máy bay đã mất đi hệ thống xử lý tình huống tinh vi nhất trái đất: bộ não con người.

Phép nhiệm màu mang tên “Tự động hóa hoàn toàn”

Pietrucha giả định rằng để đạt được khả năng tác chiến hữu hiệu, máy bay không người lái trực tiếp phải sao chép được toàn bộ các tính năng mà phi công thực hiện trong buồng lái. Ông nhận định, “để thay thế máy bay có người lái, máy bay cần phải được tự động hóa hoàn toàn, chứ không phải là điều khiển từ xa, và điều này sẽ vẫn là một vấn đề được quan tâm quá mức trong tương lai gần.”

Tuy nhiên “tự động hóa hoàn toàn” là một phép nhiệm màu. Người lính trên chiến trường thậm chí còn không có khả năng chủ động hoàn toàn. Họ chiến đấu dưới các điều kiện hình thành do quá trình huấn luyện, các nguyên tắc đối đầu và ý định của chỉ huy. Khả năng tự động vận hành là điều kiện mà các phương tiện không người lái trực tiếp phải hiện thực hoá – đó là sở hữu đủ tính chủ động để có thể hoàn thành tác vụ vận hành trong các hoàn cảnh thực tế.

Trong mô hình “nhân mã” kết hợp giữa con người và máy móc, việc chỉ huy và điều khiển các nền tảng không người lái trực tiếp đòi hỏi sự kết hợp giữa các phương tiện tự vận hành và người điều khiển từ xa, chứ không phải chỉ một trong hai yếu tố đó. Máy bay điều khiển từ xa chỉ là một cực trong khung đánh giá này – sở hữu rất ít khả năng tự động hoá và phụ thuộc hoàn toàn vào người điều khiển. Các nền tảng không người lái đơn giản như hệ thống tên lửa lại thuộc về cực còn lại – không có liên kết với người điều khiển mà hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ tự động hóa.

Nhưng những tiến bộ trong công nghệ tự động hóa và thông tin liên lạc đang tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho binh sĩ, khi các lựa chọn này nằm ở khoảng giữa của khung đánh giá. Các vũ khí có kết nối mạng sẽ cho phép người điều khiển linh động tái xác định mục tiêu trong khi đang thực thi nhiệm vụ, và các máy bay tự động hóa cao như Global Hawk hay X-47 hiện đã có khả năng tự động bay hoặc tự thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như trinh sát hoặc tấn công các mục tiêu cố định.

Pietrucha cũng đúng về việc máy móc chưa thể so bì được với khả năng của con người trong việc ra quyết định dựa trên bối cảnh, như lên mục tiêu và tiến hành tấn công. Mặc dù phi công dựa vào các xử lý của máy tính để thực hiện tấn công ngoài tầm quan sát và các mục tiêu trên radar, song quan sát bằng mắt thường vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều tình huống, như xác định mục tiêu hay quan sát địa hình và phân tích các khả năng gây thiệt hại ngoài mong muốn.

Tạo ra được nhận thức nhân tạo tương đương con người để có thể đưa ra được các quyết định tương tự là điều cực kỳ khó khăn. Cho dù có thể đạt được thành tựu đó, thì cũng chưa thể khẳng định con người sẽ chịu chuyển giao quyền quyết định cho máy móc. Nhiều quyết định trong chiến tranh đơn giản không có một câu trả lời đúng đắn mang tính khách quan, mà chủ yếu dựa vào các giá trị và nhận thức về mặt đạo đức. Tuy vậy mô hình “nhân mã” của chỉ huy và kiểm soát cho thấy rằng máy bay chiến đấu trong tương lai có thể tự động hóa nhiều tác vụ và phụ thuộc và con người ở những giai đoạn thực sự cần được ra quyết định bởi con người. Khả năng nhận diện mục tiêu và xử lý hình ảnh cho phép máy tính thu gọn quá trình xác định mục tiêu, tìm kiếm mục tiêu tiềm năng, theo dấu và báo về người điều khiển để ra quyết định cuối cùng. Điều này sẽ làm giảm triệt để lượng băng thông cần thiết, giúp người điều khiển nắm diễn biến để ra quyết định về mục tiêu nhanh hơn.

Ví dụ, ảnh sau được chụp từ video về một cuộc tấn công của máy bay F-15 tại Iraq có kích thước chỉ 12 kilobyte. Mặc dù bị nhiễu hạt, độ phân giải của video đủ để quan sát rõ ràng từng loại phương tiện, và cho phép một người điều khiển đã được huấn luyện phân biệt được mục tiêu quân sự như xe tăng hay bệ phóng tên lửa di dộng, với các phương tiện đa dụng như xe buýt và xe tải.

Để giúp nhận định rõ hơn về qui mô, các modem 56K từ thập niên 1990 có thể truyền cùng lúc hai hình ảnh như trên trong vòng một giây mà vẫn còn dư băng thông cho việc chỉ huy và điều khiển phương tiện. Đây tuy chưa phải là video theo thời gian thực, song nó sẽ có phép người điều khiển cập nhật với tần suất 0,5 giây nhằm theo kịp với các sự kiện xảy ra trên thực địa. Mặc dù đoạn video không đủ độ phân giải để có thể tìm kiếm và theo dấu con người trong các cuộc xung đột chống nổi dậy, các xung đột kiểu như thế không phải là nơi Mỹ có thể gặp phải các thách thức về thông tin. Trong các môi trường chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) tối tân nơi phương tiện liên lạc có thể bị ngăn chặn, không quân sẽ chủ yếu tấn công vào các hệ thống khí tài quân sự.

Kể cả trong ví dụ mà Pietrucha đưa ra về việc một viên phi công ngưng cuộc tấn công ở Serbia do xuất hiện một nhà thờ, bức ảnh vỏn vẹn 15 kilobyte như bên dưới cũng đủ cho thấy sự hiện diện của nhà thờ.

Mặc dù các phương tiện truyền thông sẽ bị gây nhiễu trong môi trường A2/AD, đây cũng chưa phải là tình thế được ăn cả, ngã về không. Chắc chắn các chiến dịch quân sự phải phụ thuộc vào vệ tinh và đường truyền băng thông rộng như của Mỹ đang tiến hành hiện nay, với khả năng truyền video độ phân giải cao và khung hình chuẩn từ hàng chục nguồn, là không khả thi. Các vệ tinh sẽ bị phá sóng, còn bất cứ máy bay tàng hình nào phát ra tín hiệu liên lạc cũng sẽ bị lộ vị trí. Đó là lí do quân đội Mỹ đưa vào các hệ thống có nguy cơ bộc lộ và ngăn chặn thấp (LPI/LPD), cùng các hệ thống chống nhiễu trong các môi trường này. F-22 và F-35 đều sử dụng các kết nối LPI/LPD trong giao tiếp giữa các máy bay với nhau. (hai đội bay khác nhau không thể giao tiếp với nhau, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.)

Giao tiếp bí mật (stealthy line of sight communications) cũng đóng vai trò quan trọng trong môi trường A2/AD nhằm kết nối các máy bay F-22 và F-35 với các tài nguyên trên chiến trường và với các tài sản khác ở cấp quốc gia. Chúng cho phép máy bay nhận diện vị trí, định hướng, và điều chỉnh dữ liệu trong môi trường tác chiến mà hệ thống GPS bị ngăn chặn. Các máy bay không người lái trực tiếp có thể dùng hệ thống liên lạc tương tự; trong thực tế, máy bay không người lái là lĩnh vực tiên phong trong việc xây dựng mạng lưới nhiều lớp trên không mà không quân Mỹ cần để hỗ trợ các máy bay có người lái trong môi trường ngăn chặn vệ tinh. Nhờ khả năng bay liên tục vượt xa các phi công con người – có khi lên đến hàng ngày liền – máy bay không người lái là phương tiện trung gian lí tưởng cho công tác liên lạc.

Máy bay chiến đấu không người lái trực tiếp có thể thu thập và truyền đạt dữ liệu về mục tiêu cho máy bay có người lái trong cuộc chiến. Đây chính xác là mục tiêu của dự án SoSITE của DARPA: sử dụng các máy bay không có người lái trực tiếp vốn có kích cỡ nhỏ, có thể tiêu hao, để theo dấu, tìm kiếm, và chụp ảnh mục tiêu chuyển đến máy bay có người lái để phi công có thể đưa quyết định cuối cùng. Trong viễn cảnh này, máy bay không người lái trực tiếp không thay thế máy bay có người lái mà chúng giúp củng cố và tăng cường khả năng của phi công.

Ý tưởng về một tương lai gần không còn máy bay có người lái thật ngu ngốc. Thậm chí nếu F-35 là mẫu máy bay có người lái cuối cùng, thì máy bay có người lái vẫn sẽ được sử dụng trong vài thập kỷ tới. F-35 chắc chắn sẽ còn được sử dụng cho tới thập niên 2040. (F-16 và F-15 được đưa vào sử dụng từ tập niên 70 và đến nay vẫn còn được sử dụng). Loại máy bay ném bom tầm xa mới còn chưa được đưa vào sử dụng cho đến giữa những năm 2020 và sẽ còn được dùng trong nhiều thập kỷ tiếp theo đó. B-52 đến giờ vẫn trong biên chế qua hơn 60 năm.

Trong nhiều thập kỷ tới, phi công con người vẫn sẽ có mặt trên chiến trường, để có thể thực hiện chỉ huy và điều khiển các máy bay chiến đấu không có người lái trực tiếp thông qua các hệ thống liên lạc được bảo vệ. Việc liên lạc thông qua tầm nhìn sẽ giảm đi thời gian chậm trễ hiện tại, vốn là kết quả của quá trình truyền tín hiệu nhiều lần trung gian quanh địa cầu từ vệ tinh và các trạm điều khiển dưới đất. Tự động hóa sẽ giảm đi lượng băng thông cần cho liên lạc. Trong trường hợp không có máy bay có người lái hiện diện, máy bay không người lái trực tiếp sẽ tự tạo ra các cầu nối liên lạc với người điều khiển, một phương án khả thi nhờ vào sự bền bỉ của máy bay không người lái.

Máy bay chiến đấu không người lái trực tiếp là chìa khóa để triển khai lực lượng hiệu quả

Mỹ vẫn sẽ dùng máy bay có người lái trong nhiều thập kỷ tới, tuy nhiên chỉ một mình lực lượng này thì không thể giúp chiến thắng một cuộc chiến. Máy bay không có người lái trực tiếp có nhiều lợi thế độc nhất vô nhị khiến chúng không chỉ hữu dụng mà còn quan trọng đối với quá trình triển khai lực lượng hiệu quả trong môi trường A2/AD.

Xu hướng gia tăng chi phí sản xuất máy bay trong nhiều thập kỷ qua đang tiếp tục làm giảm số lượng máy bay chiến đấu. Cùng với sự phát triển của các loại tên lửa tầm xa có thể tấn công các căn cứ không quân của Mỹ, lực lượng không quân đang phải đối mặt với khủng hoảng trong triển khai lực lượng. Một nghiên cứu của RAND năm 2009 về một cuộc chiến tranh trên không giả tưởng giữa Mỹ và Trung Quốc trên không phận Đài Loan cho thấy các tên lửa Trung Quốc có thể tiêu diệt hoàn toàn các căn cứ trên “chuỗi đảo thứ nhất”, khiến cho Mỹ mất hoàn toàn ưu thế trên không tại Đài Loan: một nguy cơ thường trực đối với cả các chiến dịch của Không quân Mỹ và Đài Loan khi chiến đấu tại eo biển Đài Loan là cuộc chiến trên không ở eo biển Đài Loan có thể kết thúc trước khi phe Xanh (Mỹ và đồng minh) có thể kịp tấn công. Thiếu đi những cải tiến trong hệ thống phòng thủ tên lửa, khả năng triển khai không quân của Mỹ trong môi trường A2/AD sẽ phải phụ thuộc vào máy bay tầm xa. Loại máy bay ném bom tầm xa mới là một vũ khí chống A2/AD quan trọng, song nó không phải là phi cơ chiến đấu. Mặc dù các máy bay chiến đấu tầm gần có thể mở rộng tầm tác chiến nhờ tiếp liệu trên không, tác nhân cản trở lớn nhất trong mục tiêu chiếm ưu thế trên không ở tầm xa không phải là máy bay mà chính là con người. Máy bay Mỹ bay từ các căn cứ tại Guam, Tinian, hoặc Saipan tới Đài Loan cần hơn ba tiếng rưỡi, và quá trình bay đi rồi bay về tiêu tốn hơn 90% trong tổng thời gian bay 8 tiếng đồng hồ của phi công. Kết quả là duy trì các đợt tuần tra chiến đấu trên không trong phạm vi như thế là hoàn toàn vô tác dụng. Với các máy bay F-22 được đặt tại Guam, chỉ có thể huy động được bốn máy bay cho công việc tuần tra 24/7 quanh khu vực Đài Loan.

Mặt khác, máy bay không người lái trực tiếp có thể duy trì ưu thế trên không vượt xa giới han của phi công. Máy bay không người lái trực tiếp có thể bay đến 80 giờ trong một đợt bay (gồm cả đi và về). Máy bay chiến đấu, vốn không được thiết kế để bay lâu như vậy chỉ với một bình xăng, sẽ cần tiếp liệu trên không, và điều này mở ra khả năng bay trong một khoảng thời gian lâu hơn. Kỷ lục bay trên không có tiếp liệu lâu nhất là 64 ngày, được lập năm 1958 bởi một máy bay Cessna 172.

Kết quả là trong khi phải cần duy trì hơn 500 máy bay có người lái để đưa được 16 máy bay chiến đấu trong số này từ Guam đến Đài Loan, một lực lượng chiến đấu với khả năng tương tự chỉ cần 70 máy bay không người lái trực tiếp. Và đó chỉ là trường hợp với giả định rằng một chuyến bay kéo dài 16 giờ có tiếp liệu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cắt giảm 85% chi phí, tức hơn 50 tỷ USD (dựa trên chi phí vận hành một chiếc F-35). Không chỉ vậy, các yêu cầu về nhiên liệu cũng sẽ giảm hơn 75%.

Phối hợp giữa con người và máy móc sẽ là tương lai

Các máy bay có người lái như F-22, F-35 và các máy bay ném bom sẽ còn hiện diện trong biên chế của không quân trong nhiều thập kỷ nữa, nhưng số lượng sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Cho dù Mỹ có dự định mua toàn bộ 2.443 máy bay F-35, nguy cơ mà tên lửa tầm xa tạo ra sẽ làm giảm số máy bay có thể cất cánh chiến đấu.

Máy bay chiến đấu không người lái trực tiếp có thể thay đổi việc này, và cho phép không quân triển khai lực lượng một cách hợp lý. Máy bay không người lái sẽ phối hợp tác chiến với máy bay có người lái, với vai trò như một “trợ tá trung thành” trong tác chiến ở khoảng cách gần hay có tiềm năng trở thành trợ tá tác chiến tầm xa, có thể bay trước để tiến hành do thám, gây nhiễu hay đột kích mục tiêu. Các máy bay này sẽ không hoàn toàn tự động, mà chỉ ở một chừng mực đủ để giảm thiểu các yêu cầu về băng thông để có thể bí mật xoay sở và chống nhiễu trong môi trường A2/AD. Phi công sẽ giữ quyền điều khiển, nắm thế trận và ra các quyết định quan trọng, như lựa chọn mục tiêu và tấn công.

Pietrucha lo lắng về một tương lai không có phi công con người, song rô-bốt sẽ không thể loại bỏ phi công, giống như súng ống không loại bỏ được nghiệp lính. Cũng giống như súng đạn, rô-bốt sẽ thay đổi cách thức con người chiến đấu. Trong nhiều trường hợp, rô-bốt và các hệ thống tự động sẽ loại bỏ một số nghề nghiệp nhất định hoặc là thay thế chúng trước khi chúng ta kịp nhận ra. Quân đội hiện nay không còn huấn luyện lính bắn cung hay cưỡi ngựa. Để củng cố các lợi thế mà cuộc cách mạng rô-bốt đem lại, chúng ta phải tránh để không quá phụ thuộc vào cách thức chiến đấu hiện tại. Việc duy trì ưu thế quân sự của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí dám xem xét các ý tưởng táo bạo, sáng tạo và không tưởng và đem chúng vào thực tiễn chiến đấu, đặc biệt là các ý tưởng có khả năng thách thức các quan điểm cũ. Và nhiệm vụ này – khám phá ra các cách thức chiến đấu mới, kể cả chiến đấu cùng rô-bốt – là một nhiệm vụ dành riêng cho con người.

Paul Scharre là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu an ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) và là giám đốc sáng kiến “20YY Warfare Initiative” của CNAS. Ông là cựu biệt kích của quân đội Mỹ phục vụ tại Iraq và Afghanistan.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]