Nguồn: Ngaire Woods, “International Political Economy in an Age of Globalization”, in John Baylis & Steve Smith (ed), The Globalisation of World Politics, Third edition (Oxford: Oxford University Press, 2006), Chapter 14, pp. 325 – 348.
Biên dịch: Khoa QHQT | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Giới thiệu
Kinh tế chính trị quốc tế nói về sự tác động lẫn nhau giữa kinh tế và chính trị trong các vấn đề của thế giới. Câu hỏi cốt lõi của kinh tế chính trị quốc tế là: Điều gì chi phối và giải thích các sự kiện trong nền kinh tế thế giới? Đối với một số người, điều đó chính là cuộc chiến giữa “nhà nước với thị trường”. Tuy nhiên, điều này là sai lầm. Các thị trường của nền kinh tế thế giới không giống như chợ trời trên đường phố địa phương, nơi tất cả mọi thứ đều có thể được trao đổi mua bán một cách công khai và cạnh tranh. Tương tự như vậy, các chính trị gia không thể cai trị nền kinh tế toàn cầu nhiều như họ mong muốn. Các thị trường thế giới, và các quốc gia, các công ty địa phương, và các công ty đa quốc gia buôn bán và đầu tư trên các thị trường đó đều được quy định bởi các tầng nấc quy định, chuẩn tắc, pháp luật, các tổ chức và thậm chí là các thói quen khác nhau. Các nhà khoa học chính trị gọi các đặc điểm của hệ thống này là các “thể chế”. Kinh tế chính trị quốc tế cố gắng giải thích những gì tạo ra và duy trì sự tồn tại của các thể chế, cũng như những tác động của các thể chế lên nền kinh tế thế giới.
Kinh tế thế giới hậu Chiến tranh thế giới lần thứ hai
Những thể chế và khuôn khổ của nền kinh tế thế giới có nguồn gốc từ việc hoạch định một trật tự kinh tế thế giới mới diễn ra trong giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Năm 1944, những nhà hoạch định chính sách đã tập trung tại Bretton Woods (Mỹ) để xem xét cách giải quyết 2 vấn đề ngiêm trọng. Đầu tiên, họ cần đảm bảo rằng cuộc Đại Suy thoái những năm 1930 sẽ không diễn ra lần nữa. Nói cách khác, họ phải tìm ra cách để bảo đảm một hệ thống tiền tệ toàn cầu ổn định và một hệ thống thương mại thế giới mở. Thứ hai, họ phải xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh ở Châu Âu.
Tại Bretton Woods, 3 thể chế đã được hoạch định nhằm phát triển một trật tự kinh tế thế giới mới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được tạo ra để bảo đảm một chế độ tỷ giá hối đoái ổn định, và cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán. Ngân hàng Thế giới về Tái thiết và Phát triển (IBRD, về sau đổi tên thành Ngân hàng Thế giới – WB) được tạo ra nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư cá nhân và tái thiết Châu Âu. Ngân hàng này cũng có nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác phát triển, nhiệm vụ này về sau trở thành nguyên nhân chính cho sự tồn tại của nó. Cuối cùng, Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) được ký năm 1947, và trở thành diễn đàn cho việc đàm phán về tự do hóa thương mại.
Hoạch định nền kinh tế hậu chiến tranh và tránh một cuộc Đại Suy thoái khác |
Cuộc Đại Suy thoái đã trở nên trầm trọng hơn, nếu không muốn nói là được gây nên bởi các chính sách “tốt mình hại người”. Cuối thập niên 1920 và 1930, các chính phủ trên khắp thế giới đã cố gắng tự vệ trước cuộc khủng hoảng kinh tế bằng cách nâng cao những rào cản thương mại và phá giá tiền tệ. Mỗi nước đều tin rằng các biện pháp này sẽ giúp giữ cho nền kinh tế của họ nổi lên trong khi những nước láng giềng chìm xuống. Cuộc Đại Suy thoái đã chứng minh rằng những biện pháp này không có hiệu quả. Vào cuối cuộc chiến tranh, một thách thức là làm sao tạo ra một hệ thống ngăn ngừa những việc này, đặc biệt là phải bảo đảm:
· Một hệ thống hối đoái ổn định · Một nguồn tài sản hay đơn vị thanh toán dự trữ (như bản vị vàng) · Dòng chảy tư bản có thể kiểm soát được · Khả năng cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho những nước đang đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh toán tạm thời · Các quy định nhằm mở cửa thương mại |
Những dự định cho nền kinh tế thế giới năm 1944 nhanh chóng bị trì hoãn khi vào năm 1945 Mỹ đưa việc ngăn chặn Liên Xô lên ưu tiên hàng đầu. Lo sợ sự gia tăng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu hoang tàn sau chiến tranh, Mỹ đã đóng một vai trò trực tiếp hơn so với dự định trong việc tái thiết Châu Âu và quản lý nền kinh tế thế giới. Mỹ đã đưa ra kế hoạch Marshall năm 1947 nhằm cung cấp viện trợ ồ ạt cho Châu Âu và cho phép Mỹ đưa ra những điều kiện đi kèm. Bản vị vàng được dự định đã được thay thế bằng bản vị đô-la do Mỹ trực tiếp quản lý, hỗ trợ giá trị đồng đô-la bằng vàng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi vào thời điểm IMF, WB và GATT bắt đầu hoạt động trong những năm 1950 thì những tổ chức này trở thành những tổ chức của khối phương Tây, phụ thuộc nặng nề vào Mỹ.
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho hệ thống Bretton Woods bắt đầu thay đổi khi nền kinh tế Mỹ bước vào suy yếu. Sau năm 1965, Mỹ mở rộng dính líu quân sự ở Việt Nam, đồng thời bắt đầu chi nhiều hơn cho các chương trình giáo dục và phát triển đô thị ở Mỹ mà không hề tăng thuế. Điều này gây nên những tác hại khủng khiếp. Giá cả các mặt hàng Mỹ gia tăng, khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong nền kinh tế thế giới suy giảm. Tương tự như vậy, lòng tin vào đồng đô-la Mỹ giảm xuống. Các hãng sản xuất và nhiều nước quay mặt lại với đồng đô-la và năng lực của Mỹ trong việc dùng vàng hỗ trợ đồng nội tệ của mình bị nghi ngờ. Trong khi đó, các nước khác đã nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế thế giới. Các đồng minh Châu Âu của Mỹ được hưởng lợi từ sự hợp nhất kinh tế gia tăng ở Châu Âu. Vào khoảng cuối những năm 1960, sự phát triển của EEC đã mang lại một bàn đạp giúp những nhà hoạch định chính sách Châu Âu có lập trường độc lập hơn so với Mỹ, như trong các vấn đề liên quan tới diễn tập quân sự trong NATO và việc ủng hộ bản bị vàng. Ở Châu Á, thành công vang dội của việc tăng trưởng dựa vào xuất khẩu ở Nhật và những nền kinh tế mới công nghiệp hóa như Hàn Quốc và Đài Loan đã tạo ra những thách thức mới đối với khả năng cạnh tranh của Mỹ cũng như việc thiết lập chương trình nghị sự cho các cuộc đàm phán thương mại.
Đối mặt với những áp lực này, Mỹ đã thay đổi các quy định của hệ thống tiền tệ quốc tế vào năm 1971. Chính phủ thông báo rằng không còn quy đổi đô-la thành vàng với mức 35 đô la cho một ounce vàng nữa, và đánh thuế bổ sung 10% đối với các sản phẩm nhập khẩu (nhằm cải thiện cán cân thương mại bằng cách hạn chế hàng nhập khẩu vốn đang tràn ngập vào Mỹ, và cố gắng ngăn tình trạng chảy máu đô-la tới những phần còn lại của thế giới). Những hành động này đã phá vỡ hệ thống Bretton Woods. Đây không phải là thay đổi duy nhất của nền kinh tế thế giới những năm 1970.
Vào những năm 1970, giai đoạn phát triển nhanh sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đột ngột chấm dứt, với tình trạng lạm phát cao. Tồi tệ hơn nữa, cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 đã làm nền kinh tế thế giới gánh chịu đồng thời lạm phát và suy thoái. Trong hệ thống tiền tệ, vai trò của IMF sụp đổ khi hệ thống Bretton Woods sụp đổ năm 1971 và những nước công nghiệp lớn không thể tìm ra cách phối hợp chính sách về tỷ giá hối đoái trong khuôn khổ IMF. Thay vào đó, các đồng tiền chính được thả nổi và các nước công nghiệp lớn bắt đầu thảo luận các vấn đề tiền tệ trong các nhóm như G7 (gồm Mỹ, Nhật, Đức, Ý, Anh, Pháp và Canada). Nhóm này họp lần đầu tiên vào năm 1975.
Trong hệ thống thương mại, sự hợp tác đã tăng đều trong các cuộc đàm phán dưới sự bảo hộ của GATT. Tuy nhiên, vào những năm 1970, những lợi ích có được từ việc giảm hàng rào thuế quan, đặc biệt giữa nhưng nước công nghiệp, đã bị đảo ngược bởi những chính sách bảo hộ mới. Khi các nước phải vật lộn với lạm phát đi kèm suy thoái, nhiều nước đã đưa ra các hàng rào thương mại mới (còn gọi là hàng rào phi thuế quan) nhằm ngăn chặn các hàng nhập khẩu có sức cạnh tranh cao từ các nước đang phát triển. Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ mới là Hiệp ước về vải sợi năm 1974 nhằm đưa ra các hạn chế đối với các mặt hàng vải sợi và phụ kiện nhập khẩu từ các nước đang phát triển, vi phạm trắng trợn nguyên tắc không phân biệt đối xử của GATT.
Chủ nghĩa bảo hộ mới ở các nước công nghiệp hóa đã khiến các nước đang phát triển giận dữ. Vào nước năm 1970, các nước này đã phối hợp tiến hành một chiến dịch ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi thiết lập một Trật tự kinh tế thế giới mới (NIEO). Sự kiên quyết của các nước đang phát triển trong việc thay đổi các luật chơi đã được hậu thuẫn bởi thành công của các nước đang phát triển thuộc khối OPEC trong việc tăng giá dầu năm 1973. Chương trình nghị sự của NIEO bao gồm lĩnh vực thương mại, viện trợ, đầu tư, hệ thống tài chính và tiền tệ thế giới, và cải cách các thể chế. Các nước đang phát triển muốn có nhiều tiếng nói hơn trong các thể chế kinh tế quốc tế, một hệ thống thương mại công bằng hơn, nhiều viện trợ hơn, quyền kiểm soát đầu tư nước ngoài, sự bảo vệ chủ quyền kinh tế và các cải cách nhằm đảm bảo một hệ thống tài chính và tiền tệ công bằng và ổn định hơn.
Hệ thống thương mại hậu chiến, GATT và WTO |
Hiệp định chung về thương mại và thuế quan (GATT) là một hiệp định tạm thời được ký kết vào năm 1947 với mong đợi rằng nó sẽ được thay thế bởi một tổ chức thương mại quốc tế. Một tổ chức thương mại thường trực đã không được thành lập cho đến năm 1994, và trong suốt 4 thập kỷ, GATT đã tồn tại với vai trò là một dàn xếp giữa các Bên ký kết, với một ban thư ký rất nhỏ ở Geneva cùng một ngân sách rất hạn chế. Về bản chất GATT là một diễn đàn phục vụ đàm phán thương mại, với nhiều vòng đàm phán và đạt đỉnh cao thành công trong Vòng đàm phán Kenedy năm 1962-7, khi đạt được các bước đột phá trong việc giảm các rào cản thương mại giữa các nước công nghiệp với nhau. Tuy nhiên, khi chủ nghĩa bảo hộ mới gia tăng vào thập niên 1970, GATT đã tỏ ra bất lực trong việc ngăn cản các thành viên mạnh như Mỹ, Châu Âu hạn chế thương mại (ví dụ: Hiệp ước vải sợi năm 1974 hạn chế nhập khẩu sản phẩm dệt may) và lạm dụng các điều khoản ngoại lệ và tự vệ được quy định trong Hiệp định. GATT cũng có nhiệm vụ giống như một diễn đàn giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, GATT vừa chậm chạp vừa kém năng lực trong lĩnh vực này, do quy định phải đạt được đồng thuận trong bất kỳ tranh chấp nào. GATT được thay thế bởi WTO theo sau các thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán cuối cùng của GATT, Vòng đàm phán Uruguay (1986-94). WTO được thành lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1995, vai trò của nó bao gồm: quản lý các hiệp định thương mại WTO, đóng vai trò như một diễn đàn cho đàm phán thương mại, giải quyết các tranh chấp thương mại, kiểm tra các chính sách thương mại quốc gia, cung cấp hỗ trợ và đào tạo kỹ thuật cho các nước đang phát triển, và hợp tác với các tổ chức quốc tế khác. Trụ sở chính của WTO được đặt tại Geneva với một Ban thư ký gồm 500 người (xem www.wto.org). |
Chiến dịch NIEO đã không thành công bởi một vài nguyên nhân. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rõ ràng là một thể chế phù hợp giúp các nước đang phát triển nêu vấn đề vì không giống như ở IMF hay WB, tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mỗi nước có một lá phiếu. Tuy nhiên, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có quyền lực trong việc thi hành chương trình nghị sự mà các nước đang phát triển đề ra. Thêm vào đó, mặc dù nhiều nước công nghiệp hóa đồng cảm với vấn đề mà các nước đang phát triển nêu trong những năm 1970, các chính phủ này đã không có hành động nào nhằm thực hiện chương trình nghị sự này trong những năm 1970, và tới những năm 1980, một loạt chính phủ mới với hệ tư tưởng bảo thủ hơn đã lên nắm quyền ở Mỹ, Anh và Tây Đức.
Thập kỷ 1980 mở đầu bằng một thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ. Năm 1979, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã tăng mạnh lãi suất. Hành động này là nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách thu hẹp các hoạt động kinh tế ở Mỹ. Tuy nhiên, phần còn lại của nền kinh tế thế giới đã phản ứng lại chính sách này một tức thì và rộng khắp. Trong suốt những năm 1960 và 1970 các chính sách của Mỹ và Châu Âu đã tạo điều kiện cho việc phát triển nhanh chóng của thị trường vốn toàn cầu cũng như dòng chảy tài chính. Trong những năm 1970, những dòng chảy càng mạnh mẽ hơn nhờ các khoản đầu tư của các nhà sản xuất dầu mỏ, những người cần tìm chỗ đầu tư cho khoản lợi nhuận khổng lồ thu được từ việc giá dầu tăng năm 1973. Số tiền này được chuyển cho các chính phủ các nước đang phát triển vay với chi phí thấp. Việc tăng lãi suất năm 1979 là một chấn động bất ngờ đối với cả người đi vay lẫn người cho vay (đa phần là các ngân hàng Mỹ), những người bỗng nhiên nhận ra rằng họ không thể thu hồi được nhiều khoản cho vay. IMF ngay lập tức được huy động nhằm giúp các nước đang phát triển tránh tuyên bố mất khả năng thanh toán các khoản vay này vì người ta lo sợ rằng việc họ tuyên bố mất khả năng trả nợ sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khủng hoảng nợ đồng nghĩa với việc vai trò của IMF trong nền kinh tế thế giới chủ yếu là nhằm đảm bảo rằng các nước mắc nợ thực hiện “điều chỉnh cơ cấu” nền kinh tế của mình. Điều chỉnh cơ cấu có nghĩa là các biện pháp tức thì nhằm giảm lạm phát, chi tiêu chính phủ cũng như giảm vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, bao gồm tự do hóa thương mại, tư nhân hóa và phi điều tiết hóa. Những chính sách tự do mới này tương phản hoàn toàn với các phân tích của nhà kinh tế học Keynes vốn chiếm ưu thế suốt giai đoạn phát triển nhanh của nền kinh tế thế giới cho đến những năm 1980. Các nhà kinh tế theo tư tưởng Keynes tin rằng chính phủ nên đóng một vai trò chủ động có tính chất can thiệp trong nền kinh tế, nhằm bảo đảm cả sự phát triển và công bằng. Ngược lại, chủ nghĩa tự do mới tìm cách giảm thiểu vai trò của nhà nước và chính phủ, để việc sắp đặt các nguồn lực, sản xuất, phân phối trong nền kinh tế cho thị trường tự quyết định. Vào khoảng cuối những năm 1980, thuật ngữ “đồng thuận Washington” được sử dụng, chủ yếu để ám chỉ rằng những chính sách này chủ yếu phản ánh lợi ích của nước Mỹ.
Cho tới khi Chiến tranh lạnh kết thúc, các thể chế được tạo ra năm 1944 vẫn còn tồn tại nhưng vai trò của chúng trong nền kinh tế thế giới đã rất khác so với những gì đã được dự định tại Bretton Woods. Ngân hang Thế giới trở thành một tổ chức phục vụ phát triển chuyên cung cấp các khoản cho vay tới các nước đang phát triển. GATT thất bại trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mới những năm 1970 và đáp ứng nguyện vọng của các nước đang phát triển, nhưng các cuộc đàm phán thương mại trong thập niên 1980 đã giúp tạo ra Tổ chức thương mại thế giới (WTO), giúp thi hành tốt hơn các quy định về thương mại. IMF đánh mất vai trò của nó trong hệ thống tài chính và tiền tệ Bretton Woods nhưng đã có một vai trò mới với cuộc khủng hoảng nợ của thập niên 1980. Trong khi đó, các thách thức về mặt chính sách liên quan đến các thay đổi này, cùng với toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, có nghĩa là IPE ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu quan hệ quốc tế.
Sự nổi lên của kinh tế chính trị quốc tế trong nghiên cứu quan hệ quốc tế
Cho tới những năm 1970, kinh tế chính trị quốc tế vẫn là một môn học không được chú ý nhiều. Mặc dù cuộc tranh luận về nguyên nhân của sự kém phát triển và không bình đẳng diễn ra sôi nổi giữa các học giả theo chủ nghĩa Mác truyền thống, điều này hiếm khi trở thành một mối quan tâm cốt lõi của dòng nghiên cứu quan hệ quốc tế chính thống. Thay vào đó, những thách thức về chính trị và chiến lược thời kỳ Chiến tranh lạnh trở thành mối bận tâm chính của các quốc gia công nghiệp hóa lẫn các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là lúc này các quốc gia đang phát triển đang đối mặt với vấn đề phi thực dân hóa và xây dựng cấu trúc nhà nước thời kỳ hậu thực dân.
Đầu thập niên 1970, quan hệ quốc tế bắt đầu thay đổi khi các sự kiện được nêu trên bắt buộc các nhà hoạch định chính sách cũng như các học giả phải quan tâm hơn tới các vấn đề kinh tế. Sức mạnh và ưu thế của nước Mỹ là rõ ràng trong khối liên minh phương Tây từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai cho tới khi cuộc chiến tranh Việt Nam và các khó khăn kinh tế bắt đầu làm xói mòn quyền bá chủ của Mỹ vào cuối những năm 1960. Bỗng nhiên các mối quan hệ kinh tế dường như trở thành những trở ngại và hạn chế đối với chính sách đối nội lẫn chính sách đối ngoại của các quốc gia.
Trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế, những thách thức được đặt ra bởi mức độ phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với Mỹ, đã được phân tích trong một cuốn sách chuyên đề năm 1968 của Richard Cooper. Ông viết về sự cần thiết phải phối hợp và cộng tác nhiều hơn nữa giữa các quốc gia trong một thế giới mà ở đó cán cân thanh toán của các quốc gia bị tác động bởi ngày càng nhiều hơn những cú sốc và vấn đề khác nhau. Công trình này sau đó được phát triển hơn nữa bởi các đồng nghiệp tại Đại học Harvard của giáo sư Cooper là Robert Keohane và Joseph Nye, và nghiên cứu thứ hai của Keohane và Nye về sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế cùng các tác động đi kèm đã trở thành một tác phẩm chủ chốt của bộ môn quan hệ quốc tế. Tất cả các công trình nghiên cứu này đã cho rằng một kỷ nguyên mới của quan hệ quốc tế đã ló dạng. Đặc biệt, họ cho rằng quan hệ quốc tế không nên tiếp tục được coi là một cuộc cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước. Các vấn đề kinh tế, các kênh liên lạc mới, và các mô hình hợp tác mới – tất cả đều giúp hình thành một nền chính trị mới của thế giới mà trong đó các tổ chức quốc tế sẽ đóng một vai trò chủ đạo. Điều này miêu tả chính xác thời kỳ ngoại giao hòa hoãn mới bắt đầu từ hội nghị thượng đỉnh giữa hai siêu cường năm 1972.
Một hình thức ngoại giao thượng đỉnh khác cũng diễn ra trong những năm 1970 giữa phương Bắc (các nước phát triển) và phương Nam (các nước đang phát triển). Những cuộc đàm phán này bắt nguồn từ những tư tưởng và nghiên cứu khác về kinh tế chính trị quốc tế. Nỗ lực của các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế quốc tế được phản ánh trong thuyết phụ thuộc và thuyết cấu trúc về các mối quan hệ kinh tế quốc tế, vốn là những học thuyết nêu bật các khía cạnh tiêu cực của sự phụ thuộc lẫn nhau. Đặc biệt, các nhà lý luận này quan tâm đến việc xác định những khía cạnh của nền kinh tế quốc tế và các thể chế làm cản trở khả năng phát triển của các nước phương Nam. Mối quan tâm chính của họ là trả lời câu hỏi tại sao còn quá nhiều quốc gia trong nền kinh tế thế giới vẫn còn kém phát triển, bất chấp những hứa hẹn về tăng trưởng toàn cầu và hiện đại hóa. Câu trả lời mang tính đồng cảm lớn nhất của “phương Bắc” đối với những mối quan tâm này được thể hiện trong Báo cáo Brandt (1980), bao gồm những phát hiện của một nhóm các nhà hoạch định chính sách cấp cao được yêu cầu kiểm tra cách thức và nguyên nhân tại sao cộng đồng quốc tế nên phản ứng trước các thách thức của sự phụ thuộc lẫn nhau và vấn đề phát triển.
Các cách tiếp cận kinh tế chính trị quốc tế truyền thống
Cuộc tranh luận về toàn cầu hóa trong kinh tế chính trị quốc tế
Toàn cầu hóa có đang triệt tiêu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thế giới?
Tác động của toàn cầu hóa đối với các loại quốc gia khác nhau
Các thể chế quốc tế trong nền kinh tế toàn cầu hóa
Kết luận
…………
Download phần còn lại của văn bản tại đây: KTCTQT trong ky nguyen toan cau hoa.pdf