#5 – Kinh tế chính trị quốc tế là gì?

Print Friendly, PDF & Email

2013TitleMap-IPE

Nguồn: Balaam, David N. & Michael Vaseth, “What is International Political Economy?” in David N. Balaam & Michael Vaseth (eds), Introduction to International Political Economy  (New Jersey: Pearson Education, 2001), pp. 1-24.

Biên dịch: Khoa QHQT, ĐHKHXH&NV TPHCM | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Tổng quan

Kinh tế chính trị quốc tế là gì? Chương một sẽ trả lời câu hỏi này theo ba cách: nêu các ví dụ; so sánh Kinh tế chính trị quốc tế với các môn học tương tự khác như kinh tế học, khoa học chính trị và xã hội học; thảo luận những nguyên tắc cơ bản của Kinh tế chính trị quốc tế.

Định nghĩa một cách đơn giản, Kinh tế chính trị quốc tế nghiên cứu những vấn đề quốc tế không thể giải quyết được chỉ bằng những phân tích kinh tế, chính trị hoặc xã hội học đơn thuần. Kinh tế chính trị quốc tế là môn khoa học tập trung nghiên cứu những quan hệ phụ thuộc phức tạp chi phối các vấn đề quốc tế nổi bật nhất trong thế giới của chúng ta ngày nay.

Do những vấn đề quốc tế đương đại quan trọng không thể giải quyết được nếu chỉ dựa trên quan điểm của một môn khoa học độc lập hay bằng sự phân tích những chủ thể và hành động diễn ra ở một cấp độ cụ thể như cấp độ cá nhân, nhà nước hay hệ thống quốc tế; nên nhu cầu nghiên cứu Kinh tế chính trị quốc tế đang ngày càng tăng. Lĩnh vực nghiên cứu này giúp tháo bỏ những rào chắn chia cắt và cô lập những phương pháp phân tích truyền thống, áp dụng phương pháp nghiên cứu các vấn đề và sự kiện một cách toàn diện.

Trong chương này, mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc về nhân quyền sẽ được đề cập đến như là trường hợp nghiên cứu điển hình trong kinh tế chính trị quốc tế. Trường hợp nghiên cứu này sẽ mô tả mâu thuẫn cơ bản giữa mối tương tác năng động của hai mặt của đời sống mà chúng ta gọi là “xã hội và cá thể”, “chính trị và kinh tế”, hay “nhà nước và thị trường”, những giá trị của cuộc sống và những cách mà những giá trị và lợi ích đó ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa quốc gia và chính trị.

Thế giới khá phức tạp, trên mọi cấp độ đều được khắc họa bởi những nhân tố phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta phụ thuộc vào một người khác theo nhiều cách và trên nhiều cấp độ. Vì vậy, sự tồn tại của loài người luôn chứa đựng những mâu thuẫn, ranh giới gây nên những xung đột chia rẽ lợi ích, quan điểm hoặc những hệ thống giá trị liên quan đến những người khác. Việc phân tích những nguyên nhân gây mâu thuẫn và hậu quả của nó – những hậu quả đó sẽ được giải quyết như thế nào là mục đích của khoa học xã hội và nhân văn nhằm nâng cao nhận thức về loài người. Kinh tế chính trị quốc tế góp phần đạt được mục đích này bằng việc tập trung vào những xung đột cụ thể mà lâu nay là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học xã hội.

Kinh tế chính trị quốc tế vừa là quá khứ vừa là tương lai của khoa học xã hội. Là quá khứ bởi lẽ kinh tế chính trị quốc tế chính là sự quay lại nghiên cứu nguồn gốc của khoa học xã hội, trước khi hành vi xã hội của loài người bị phân tán thành những lĩnh vực nghiên cứu độc lập như kinh tế học, khoa học chính trị, xã hội học, lịch sử và triết học. Là tương lai bởi lẽ trong thế giới phức tạp ngày nay, các vấn đề xã hội quan trọng nhất trở thành vấn đề mang tính chất quốc tế hoặc đa quốc gia mà chỉ có thể được hiểu rõ nhất thông qua việc nghiên cứu tổng hợp dựa trên nhiều công cụ hoặc quan điểm, chứ không thể chỉ dựa vào một công cụ hay quan điểm duy nhất.

Trong thế giới học thuật phức tạp với nhiều môn học và sự tương tác giữa các môn học, Kinh tế chính trị quốc tế có thể được hiểu theo những quan điểm trước đây của Susan Strange như là:

…một phạm vi rộng mở và bao la, là nơi mà bất kỳ người nào quan tâm tới hành vi con người trong xã hội có thể tự do nghiên cứu. Không có hàng rào cũng như biên giới nào giam hãm những nhà sử học trong lĩnh vực lịch sử, những nhà kinh tế trong lĩnh vực kinh tế. Các nhà khoa học chính trị không có quyền đặc biệt nào để chỉ viết về chính trị, cũng như những nhà xã hội học chỉ viết về những mối quan hệ xã hội.[1]

Rowland Maddock định nghĩa kinh tế chính trị quốc tế theo một cách khác:

… kinh tế chính trị quốc tế không phải là một môn học đặc biệt và bị gò bó trong khuôn khổ của môn học với phương pháp luận đã được định sẵn. Thay vào đó kinh tế chính trị quốc tế là một tập hợp các vấn đề cần phải nghiên cứu và có xu hướng bị bỏ quên bởi những môn học đã tồn tại từ lâu sử dụng những công cụ có sẵn.[2]

Kinh tế chính trị quốc tế không thể thay thế cho những môn khoa học xã hội độc lập khác. Môn học này sẽ gắn kết các môn học đó vào một lĩnh vực rộng mở không rào cản bó buộc, nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của xã hội đầy phức tạp của chúng ta. Kinh tế chính trị quốc tế sẽ giúp chúng ta hiểu được thế giới của những ảnh hưởng lẫn nhau giữa con người với con người một cách toàn diện. Đây có thể là một tham vọng nhưng là cần thiết cho xã hội của chúng ta hôm nay và cho tương lai của những nhà lãnh đạo trong quá trình giải quyết những vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội.

Tại sao chúng ta phải nghiên cứu môn kinh tế chính trị quốc tế? Có ba lý do chính sau: đây là môn học thú vị, quan trọng và hữu ích.

Thứ nhất, Kinh tế chính trị quốc tế là một môn học thú vị. Samuel Johnson lập luận rằng “một người chán ghét kinh tế chính trị quốc tế thì có nghĩa là anh ta chán ghét cuộc sống”. Kinh tế chính trị quốc tế là toàn bộ cuộc sống. Nhiều hành động và sự tương tác lẫn nhau đã gắn kết loài người trên toàn cầu. Nghiên cứu môn học này là cơ hội để tìm hiểu những vấn đề thú vị nhất trên thế giới.

Thứ hai, Kinh tế chính trị quốc tế là một môn học quan trọng. Kinh tế chính trị quốc tế mở ra những trang đầu tiên của mỗi ngày bởi lẽ những sự kiện kinh tế chính trị quốc tế ảnh hưởng đến tất cả chúng ta như là công dân của thế giới, là cư dân của các quốc gia dân tộc cụ thể, và là người tham gia hàng ngày vào hệ thống thị trường toàn cầu. Những sự kiện kinh tế chính trị quốc tế đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ những sự kiện đó để biết được chúng ta phải gắn kết và có thể gây ảnh hưởng đến các vấn đề toàn cầu như thế nào.

Thứ ba, Kinh tế chính trị quốc tế là một môn học hữu ích. Những người chủ các đơn vị tổ chức tư nhân hay nhà nước đều đang tìm kiếm những người lao động có khả năng suy nghĩ rộng và tư duy phê phán, là người hiểu rõ những hệ thống phức tạp và luôn vận động, những người coi trọng sự ảnh hưởng của các điều kiện xã hội và những giá trị thay thế. Nói tóm lại, các ông chủ cần những người hiểu được bối cảnh quốc tế của hoạt động hàng ngày của loài người. Kinh tế chính trị học là một môn khoa học xã hội giải quyết trực tiếp nhất những nhu cầu đó.[3]

Kinh tế chính trị quốc tế trên lý thuyết và trên thực tế

Kinh tế chính trị quốc tế là gì? Tại sao cần phải nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế? Và nên nghiên cứu môn này như thế nào?

Để hiểu được những điểm cơ bản của kinh tế chính trị quốc tế, chúng ta cần phân tích tên của môn học này. Trước hết, từ “quốc tế” (international) trong cụm từ này có nghĩa là môn học sẽ giải quyết những vấn đề xuyên biên giới quốc gia, có liên quan đến hai hay nhiều quốc gia-dân tộc. Ngày nay người ta hay dùng từ “toàn cầu” thay cho từ “quốc tế”, bởi vì nhiều vấn đề ảnh hưởng đến toàn thể thế giới chứ không phải chỉ một vài dân tộc, nên đòi hỏi phải có cách hiểu và cách tiếp cận toàn cầu.

Thứ hai, từ “chính trị” (political) ngụ ý việc sử dụng quyền lực nhà nước để quyết định những vấn đề trong xã hội như ai có cái gì, khi nào và như thế nào. Chính trị học là một quá trình lựa chọn tập thể, dẫn đến cạnh tranh và xung đột lợi ích, những giá trị của các chủ thể khác nhau bao gồm tổ chức xã hội các cá nhân, doanh nhân và các đảng phái chính trị. Quá trình chính trị khá phức tạp và đa tầng, liên quan đến nhiều quốc gia dân tộc, các quan hệ song phương, đa phương giữa hai hay nhiều quốc gia dân tộc, các tổ chức quốc tế, các liên minh khu vực và các thoả thuận toàn cầu.

Cuối cùng, từ “kinh tế” (economy) hay “kinh tế học” (economics) đề cập đến việc phân bố các nguồn tài nguyên khan hiếm cho các mục đích sử dụng khác nhau và giữa các cá nhân thông qua quy trình thị trường phi tập trung. Khi phân tích dưới góc độ chính trị hay kinh tế người ta thường xem xét cùng một câu hỏi, tuy nhiên phân tích dưới góc độ kinh tế thường ít tập trung vào những vấn đề quyền lực nhà nước và lợi ích quốc gia mà chú trọng nhiều đến những vấn đề doanh thu, lợi nhuận và lợi ích cá nhân. Kinh tế chính trị kết hợp cả hai cách này để có thể nắm bắt được bản chất cơ bản của xã hội một cách đầy đủ hơn.

“Quốc tế”, “chính trị” và “kinh tế” không tác động lẫn nhau trong một môi trường chân không. Môi trường văn hoá và xã hội phải được xem xét cùng với những giá trị của các chủ thể khác nhau. Những quá trình phát triển lịch sử của các vấn đề quan trọng cũng không thể bị bỏ qua. Vì thế, kinh tế chính trị quốc tế nhằm làm sang tỏ sự tương tác phức tạp của những con người thực trong thế giới thực với những thái độ, tình cảm và lòng tin của họ. Ở một góc độ nào đó, nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế là nghiên cứu cuộc sống hiện đại.

Mỹ – Trung đạt được thoả thuận thương mại nhưng xung đột về vấn đề nhân quyền

Tại Washington, sau một ngày đàm phán liên tục, Tổng thống Clinton và chủ tịch Giang Trạch Dân cuối cùng đã thoả thuận được một số hiệp định thương mại quan trọng nhưng dường như lại làm rộng thêm khoảng cách giữa hai cường quốc về vấn đề nhân quyền.

Trung Quốc đồng ý mua máy bay dân sự của Mỹ trị giá 3 tỷ đô la Mỹ và chấp nhận mở đường cho các công ty Mỹ tham gia cạnh tranh bán lò phản ứng hạt nhân cho Trung Quốc.

Qua những cuộc gặp gỡ cấp cao, ông Giang nổi lên như là một nhân vật lớn trên thế giới, chỉ huy một trong những đội quân mạnh nhất và một trong những nền kinh tế mạnh nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới. Ông Giang làm chủ sân khấu cùng với tổng thống Clinton một cách bình đẳng, trong khi vẫn đang phải chịu đựng những lời chỉ trích nhức nhối về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Nhưng ông Giang vẫn nhận được sự kính trọng miễn cưỡng của Washington vì những áp lực mà ông này gây ra cho Washington [4].

John M.Broder

Tạp chí New York Times, 30/10/1997

Vấn đề thương mại và mậu dịch trong quan hệ hai nước khá phức tạp nhưng rất quan trọng. Tổng thống Bill Clinton phải chọn giữa hai lợi ích quốc gia trái ngược nhau. Lợi ích kinh tế của cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được đảm bảo bằng việc cho phép hàng hoá Trung Quốc thâm nhập thị trường Mỹ, một hình thức tương tự như quy chế tối huệ quốc (MFN), mặc dù đôi khi ở Mỹ nó được gọi bằng cái tên “Quan hệ thương mại bình thường” (NTR)[5]. Tuy nhiên Trung Quốc đã từng vi phạm nhân quyền theo chuẩn mực của văn hoá phương Tây. Kể từ cao trào của Chiến tranh lạnh năm 1962, chính sách của Mỹ không dành quy chế tối huệ quốc cho những nước vi phạm các chuẩn mực về nhân quyền của Mỹ.[6]

Vì vậy vấn đề là liệu chính sách đối nội của Trung Quốc về nhân quyền có phải là nhân tố trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc hay không. Sự căng thẳng giữa lợi ích kinh tế của Mỹ và các nguyên tắc đạo đức của nước này đã gây nên mâu thuẫn giữa hai cường quốc – vấn đề mà tổng thống Mỹ Clinton và Chủ tịch nước Trung Quốc Giang Trạch Dân đã nhiều lần tìm cách giải quyết thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp.

Để giải quyết vấn đề này, tổng thống Clinton và chủ tịch Giang đương nhiên trở thành chủ thể của kinh tế chính trị quốc tế. Họ phải đối mặt với vấn đề kinh tế quốc tế (thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ) nhưng cũng có dính líu tới chính trị quốc tế và chính trị nội bộ dựa trên những khác biệt văn hoá xã hội cơ bản giữa truyền thống nhân quyền ở Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề chính trị của họ ở đây chính là làm thế nào để dung hoà lợi ích chung của hai bên giữa thương mại và quan điểm văn hoá nhân quyền đối lập nhau dù cho luật của Mỹ quy định hai vấn đề này phải gắn chặt với nhau. Tổng thống Clinton thừa nhận những tiến bộ của Trung Quốc trong một số lĩnh vực quan tâm, đó là điều kiện đạt được để có thể tuyên bố một số thỏa thuận kinh doanh giữa hai nước mà lâu nay chưa giải quyết được.

Nếu hội nghị thượng đỉnh được cho là một thành công đối với ngoại giao thương mại, điều đó cũng không thuyết phục Mỹ hết lo ngại về quyền tôn giáo và chính trị ở Trung Quốc.Trong buổi họp báo chung với Tổng thống Clinton, Chủ tịch Giang đã mạnh mẽ bảo vệ truyền thống của Trung Quốc ưu tiên trật tự xã hội so với quyền tự do cá nhân, thậm chí ngay cả khi điều đó dẫn đến sự hạn chế quyền cá nhân.Chủ tịch Giang còn nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế của hai bên nhằm cố gắng giảm bớt “những phản đối” của những người biểu tình ủng hộ nhân quyền đang tập hợp ở Công viên Lafayette bên ngoài Nhà Trắng.Trong bài phát biểu khai mạc, ông Giang nói rằng: “Tổng thống Clinton và tôi có chung quan điểm rằng Trung Quốc và Mỹ có khả năng bổ sung cho nhau ở mức độ cao và một tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại lớn”. Nhưng tổng thống Clinton khẳng định rằng người Trung Quốc có thể không mong có được sự thịnh vượng trong khi vẫn đàn áp tự do chính trị và xã hội. Clinton còn nói rằng Mỹ và Trung Quốc có “những bất đồng sâu sắc” về cách đối xử của chính quyền Bắc Kinh  đối với các công dân của mình thậm chí còn tìm cách làm tăng thêm khoảng cách trong quan hệ thương mại hai nước[7].

Khi xác định chính sách đối với Trung Quốc, tổng thống Clinton phải tính đến nhiều hình thức ảnh hưởng lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như những ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Clinton cần xem xét những quan điểm khác nhau về những hành động đó và những cách thức khác nhau sẽ ảnh hưởng đến người dân, hai dân tộc và hệ thống quốc tế; coi trọng những nhân tố lịch sử và sự khác biệt văn hoá sâu sắc.

Phát biểu trên truyền hình trước khán giả toàn cầu, ông Giang đã nói rằng “một đất nước 1,2 tỷ dân không thể đạt được những tiến bộ trong cải cách kinh tế nếu không có ổn định chính trị và xã hội. Dân chủ, nhân quyền và tự do là những khái niệm cụ thể và tương đối, nó được xác định bởi bối cảnh quốc gia cụ thể ở những nước khác nhau”. Ông Giang không nói một lời xin lỗi nào cho vụ đàn áp những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 hay những vụ giam cầm những người bất đồng chính kiến ở nước này.Thậm chí ông Giang còn cảnh báo tổng thống Clinton can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Tổng thống Clinton cũng tuyên bố chính phủ Trung Quốc “đi trái dòng lịch sử” trong vụ Thiên An Môn và trong quá trình tiến tới tự do cá nhân.Tổng thống Clinton nói:[8] “Tôi tin rằng chuyện đã xảy ra, hậu quả và sự miễn cưỡng tiếp tục chấp nhận những bất đồng chính trị đã khiến Trung Quốc không nhận được sự ủng hộ chính trị của các nước khác trên thế giới mà lẽ ra Trung Quốc đáng được hưởng”.

Nhưng cuối cùng, tổng thống Clinton cũng phải chọn giải pháp nới rộng đặc quyền thương mại MFN cho Trung Quốc nhằm thoả mãn một vài lợi ích kinh tế và chính trị, mặc dù Trung Quốc rõ ràng không đạt được tiến bộ nào trong vấn đề nhân quyền. Đây chỉ là một quyết định tạm thời cho vấn đề này, mỗi năm sẽ phải xem xét lại theo luật liên bang hiện hành. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa một bên là lợi ích kinh tế (tự do thương mại) và một bên là lợi ích quốc gia rộng hơn (cam kết lịch sử đối với quyền cá nhân con người) vẫn là vấn đề cơ bản. Khi một vấn đề quốc tế trở nên phức tạp và quan trọng mà không thể được xem như là một vấn đề đơn giản thuộc về kinh tế học, chính trị học, triết học hay xã hội học, khi đó vấn đề đó sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị quốc tế.

Kinh tế chính trị quốc tế giờ đây đang trở thành vấn đề thời sự. Chúng ta sống trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những vấn đề quan tâm hàng ngày đang trở thành những vấn đề toàn cầu. Khi sự phụ thuộc lẫn nhau tăng lên, những vấn đề kinh tế cũng trở thành những vấn đề chính trị và ngược lại.

Cách tiếp cận của Kinh tế chính trị quốc tế đối với các vấn đề quốc tế

Về bản chất, MFN của Trung Quốc là một trường hợp điển hình trong kinh tế chính trị quốc tế, liên quan đến chính sách của Mỹ vốn ảnh hưởng tới cả thương mại và các giá trị xã hội ở cả Mỹ và Trung Quốc. Kinh tế chính trị quốc tế là một môn khoa học xã hội tập trung vào một tập hợp những vấn đề và sự kiện mà ở đó các nhân tố quốc tế, chính trị và kinh tế giao cắt, kết nối hay chồng chéo nhau tạo nên một quan hệ tương tác đa dạng. Trong thế giới ngày nay, những vấn đề đó đang thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu.

Cách tiếp cận của kinh tế chính trị quốc tế đến khoa học xã hội là tổng hợp các phương pháp và quan điểm của kinh tế học, khoa học chính trị và xã hội học trên cơ sở hiểu rõ lịch sử, triết học cũng như đánh giá được tầm quan trọng của văn hoá. Sử dụng phương pháp tổng hợp này rất cần thiết, một phần do hiện nay các môn khoa học độc lập đang có xu hướng chỉ tập trung vào những yếu tố cụ thể của những vấn đề phức tạp, phần khác do những vấn đề trên thế giới phụ thuộc lẫn nhau, các vấn đề có xu hướng vượt quá ranh giới tri thức của môn khoa học cụ thể.

Khi nghiên cứu sự phân công lao động, các học giả chỉ tập trung vào một giới hạn hẹp các phương pháp và những vấn đề. Điều này cho phép có sự chuyên biệt hoá tri thức, tuy nhiên lại dẫn đến sự mù quáng do chỉ dựa vào một mặt của một vấn đề đa hướng. Kinh tế chính trị quốc tế áp dụng những phương pháp và kiến thức của các môn khoa học độc lập và tập hợp lại thành một cách phân tích tổng hợp.

Tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc về MFN và vấn đề nhân quyền là một ví dụ điển hình về mối quan hệ giữa kinh tế chính trị quốc tế và các môn khoa học khác. Sau đây là cách giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc của các môn khoa học khác, mỗi môn khoa học độc lập sẽ chỉ tập trung vào một nhân tố cụ thể của vấn đề:

  • Kinh tế học vi mô: Một nhà kinh tế học vi mô sẽ nhìn vào chính sách thương mại ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của cá nhân người tiêu dùng, các nhà sản xuất và các nhà đầu tư; và những quyết định của họ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các thị trường khác nhau. Nhà kinh tế học vi mô có thể chỉ chú ý đến cá nhân nào thắng cuộc hay thua cuộc từ việc Mỹ cho Trung Quốc hưởng quy chế MFN, và cố gắng tính toán lợi nhuận thu được từ việc được hưởng quy chế đó sẽ làm tăng hiệu năng sản xuất và thương mại.
  • Kinh tế học vĩ mô: Một nhà kinh tế học vĩ mô sẽ xem xét ảnh hưởng tổng thể về mặt kinh tế của MFN đối với nước mình và các nước đối tác thương mại khác của mình. Nhà kinh tế học vĩ mô sẽ dự báo ảnh hưởng của chính sách MFN đến cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ; đến sản xuất, doanh thu, tỉ lệ tăng trưởng ở hai nước; cũng như những thay đổi trong thương mại với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan.
  • Nhà nghiên cứu chính trị Mỹ sẽ tính đến yếu tố chính trị nội bộ ảnh hưởng như thế nào đến chính trị quốc tế và ngược lại. Họ có thể xem xét việc các nhóm lợi ích như công đoàn, hiệp hội ngân hàng và tập đoàn đa quốc gia bị ảnh hưởng bởi quy chế MFN như thế nào, và sau đó cố gắng nghiên cứu các nhóm này sẽ tìm cách gây ảnh hưởng chính trị đối với tổng thống và quốc hội ra sao.
  • Chính trị học so sánh: Các nhà khoa học chính trị so sánh sẽ chỉ quan tâm đến vấn đề MFN giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan như thế nào đến các hành động chính trị ở các nước khác. Ví dụ như chính sách MFN của Mỹ gắn liền với yếu tố nhân quyền có thể được xem như là một sự trừng phạt kinh đối với những nước không tuân theo chính sách nhân quyền của Mỹ. Nghĩa là nước đó sẽ không được hưởng những điều kiện ưu đãi khi thâm nhập thị trường của Mỹ. Chính trị học so sánh sẽ so sánh trường hợp trừng phạt kinh tế này có gì giống và khác với trường hợp cấm vận mà Mỹ áp dụng đối với Cuba khi nước này theo đuổi chế cộng sản hay như Nam Phi khi chính phủ Nam Phi ủng hộ chính sách phân biệt chủng tộc Apartheid. Chính sách trừng phạt Nam Phi khá hiệu quả bởi nó được các quốc gia đối tác thương mại lớn của Mỹ ủng hộ. Nhưng đối với trường hợp của Cuba cũng giống như Trung Quốc, chính sách cấm vận đó lại không giúp thay đổi chính trị nội bộ ở hai nước này bởi thiếu đi sự đoàn kết quốc tế.
  • Quan hệ quốc tế: Các nhà khoa học chính trị lại thường nghiên cứu chính trị học diễn ra trên ba cấp độ: cấp độ cá nhân, cấp độ nhà nước và cấp độ hệ thống quốc tế. Các nhà khoa học chính trị chuyên về quan hệ quốc tế sẽ tập trung vào nhà nước quốc gia và bản chất của mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với điều kiện có tính đến bản chất của hệ thống quốc tế. Trong quan hệ quốc tế chúng ta có thể xem xét quy chế MFN ảnh hưởng như thế nào đến an ninh của Mỹ và Trung Quốc. Ví dụ Mỹ có thể tìm cách nâng cao an ninh quốc gia của mình bằng cách khuyến khích đẩy mạnh phong trào dân chủ ở Trung Quốc, điều này đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải tự do hoá các chính sách nhân quyền. Nền dân chủ ở Trung Quốc được cho rằng sẽ ít đe doạ đến lợi ích quốc gia của Mỹ hơn là một chính phủ Trung Quốc độc tài.
  • Tổ chức quốc tế: Các nhà khoa học nghiên cứu về các tổ chức quốc tế có thể sẽ chú ý đến mối tương tác kinh tế và chính trị trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong một môi trường phức tạp có nhiều chủ thể. Có những tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng tham gia vào vấn đề này cũng như một loạt các tổ chức phi chính phủ (NGOs) gây ảnh hưởng đến chính phủ hai nước và áp đặt những điều kiện cho cuộc đàm phán của hai bên.
  • Lý luận chính trị: Tâm điểm của các nhà lý thuyết chính trị là nền tảng triết học của các chính phủ liên quan đến vấn đề này. Mỹ dựa trên các nguyên tắc về dân chủ và cá nhân của Jefferson. Còn chính phủ Trung Quốc lại dựa trên những học thuyết chính trị của Lenin và Mao. Trong cả hai trường hợp những nguyên tắc chính trị qua thời gian sẽ được cải tiến phù hợp với thực tế. Những hành động và phản ứng của hai chính phủ sẽ phản ánh những luận thuyết chính trị được hai nước áp dụng. Vì vậy mối tương tác chính trị giữa hai quốc gia sẽ là sự xung đột hai bộ giá trị chính trị xã hội khác nhau.
  • Xã hội học: Một nhà xã hội học có thể sẽ quan tâm tới mối quan hệ giữa các tầng lớp xã hội tham gia như thế nào vào cuộc xung đột này. Liệu sự phát triển thương mại với Trung Quốc có vì lợi ích của tầng lớp lao động – giai cấp vô sản – ở Mỹ hay không? Hay điều đó sẽ chỉ đem lại lợi ích cho tầng lớp tư sản? Những vấn đề như chủng tộc, sắc tộc và giới có được tính đến trong vấn đề này hay không?
  • Nhân học: Một nhà nhân học sẽ tập trung vào những khác biệt văn hoá giữa Mỹ và Trung Quốc, văn hoá sẽ có vai trò như thế nào trong cuộc xung đột này. Mỹ xác định vấn đề nhân quyền như là quyền của các cá nhân trong khi Trung Quốc lại xem nhân quyền là quyền của cả nhóm hay của xã hội. Các nhà nhân học có thể cho rằng vấn đề này là sự xung đột văn hoá, hay giá trị văn hoá, chứ không phải là giữa các quốc gia hay giữa các nền kinh tế. Họ cũng xem yếu tố văn hoá có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một giải pháp kinh tế hay chính trị nào.
  • Lịch sử: Nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc có thể chỉ ra rằng chính phủ đế quốc phương tây đã có một lịch sử lâu dài muốn gây ảnh hưởng đến chính sách của Trung Quốc –  nói chung là không phải vì chính lợi ích của Trung Quốc. Sự phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với chính sách MFN của Mỹ bắt nguồn từ những kinh nghiệm đau thương trong lịch sử. Mặt khác, nhà lịch sử ngoại giao của Mỹ có thể yêu cầu chúng ta phải nhìn lại chức năng chính của chính sách nhân quyền MFN – đó là để buộc chính phủ cộng sản Xô Viết hạn chế sự đàn áp đối với những người Do thái Xô Viết – và thành công tương đối của chính sách này có thể có đóng góp gì đối với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô.

Mỗi một cách tiếp cận nói trên đều có giá trị, nhưng đối với những vấn đề phức tạp và quan trọng như quan hệ Mỹ-Trung Quốc, không một cách tiếp nào có thể cho chúng ta hình dung toàn diện về chủ thể, lợi ích và các lực lượng liên quan. Một vấn đề như vậy đòi hỏi phải áp dụng cách tiếp của kinh tế chính trị quốc tế, sử dụng các phương pháp và kiến thức của một vài môn khoa học khác nhau và phân tích dựa trên ba cấp độ (cá nhân, nhà nước và hệ thống quốc tế) để có được một sự hiểu biết thấu đáo vấn đề. Nói một cách khác, một vấn đề như vậy sẽ xoá bỏ những rào cản nhân tạo chia rẽ các môn khoa học và cho phép chúng ta suy nghĩ một cách tự do, không bị kiềm chế bởi sự phân chia lĩnh vực học thuật. Những vấn đề thuộc đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị quốc tế cũng xoá đi những rào cản cách biệt những lợi ích cá nhân với lợi ích của nhà nước và của hệ thống quốc tế.

Vì vậy, nguồn gốc kiến thức của kinh tế chính trị quốc tế là sự xóa bỏ những biên giới áp đặt nhưng mang tính truyền thống về tìm hiểu kiến thức và phân tích chính sách. Vì vậy kinh tế chính trị quốc tế vừa mới vừa cũ. Đây là môn khoa học mới do sử dụng phương pháp phân tích đa cấp liên ngành mà chỉ gần đây mới được kết hợp với những cấu trúc thể chế để cho phép và khuyến khích một cách có hệ thống những hành động này, dưới dạng các khóa học, các chuyên ngành và các chương trình đào tạo đại học trong kinh tế chính trị quốc tế.

Tuy nhiên, đây lại là môn học cũ bởi lẽ vào Thế kỷ 19-20, hiện tượng phổ biến trong giới học thuật là sự phân chia các môn khoa học xã hội thành những môn độc lập. Trước thời gian đó, việc chia nhỏ kiến thức thành những môn nghiên cứu chi tiết được xem là không cần thiết hoặc là không khôn ngoan. Sự nghiên cứu bao quát những vấn đề xã hội được đặt dưới một cái tên chung là kinh tế chính trị. Kinh tế chính trị quốc tế ngày nay là sự tiếp nối học thuật của phương pháp nghiên cứu không có giới hạn bắt đầu từ kinh tế chính trị hơn hai thế kỷ qua.

Mua bán thông tin đa chiều

 Trong cuốn sách nổi tiếng của mình về toàn cầu hóa “Chiếc Lexus và cây ô liu” Thomas L.Friedman giải thích nhu cầu của công việc buộc ông phải bắt đầu suy nghĩ về thế giới theo một cách rộng và thống nhất như thế nào. Cách mô tả của Friedman trong cuốn sách đó chính là cách suy nghĩ theo lối của kinh tế chính trị quốc tế, tuy nhiên tác giả đã không bao giờ gọi như vậy.[9]

Khi nghiên cứu về Trung Đông và Ả rập, Fredman đã tích lũy kiến thức để chuẩn bị cho bài viết đầu tiên trên tạp chí New York Times về vấn đề quan hệ Israel-Ả rập. Tuy nhiên khi theo đuổi nghề nghiệp này và phát triển các bài báo của mình, Friedman nhận ra rằng cần phải chuyên nghiệp hơn trong lĩnh vực mới này và học cách làm thế nào để giải thích các vấn đề một cách rõ ràng và đơn giản hơn. Tác phẩm của Friedman ngày càng trở nên “đa chiều” liên quan đến lịch sử, kinh tế học, chính trị học, văn hóa, môi trường, công nghệ và các ý tưởng an ninh quốc gia.

Friedman đã sớm thành thạo trong công việc gọi là “mua bán thông tin”. Trong thế giới tài chính, mua bán (arbitrage) là một hành động mua một hàng hóa nào đó ở một thị trường này và bán lại ở thị trường khác – lợi nhuận thu được từ việc tranh thủ những chênh lệch giá cả ở những thị trường khác nhau. Mua bán thông tin theo như cách Friedman thực hiện là khả năng kiếm lợi từ việc sử dụng những khái niệm và học thuyết từ một lĩnh vực học thuật (chẳng hạn lịch sử) để giải thích những lực lượng hoặc sự kiện trong lĩnh khác (như chính trị học hay kinh tế học)[10].

Theo như cách Friedman giải thích, mua bán thông tin là:

… giống như đeo một cặp kính mới và bỗng nhiên nhìn thế giới qua lăng kính bốn chiều. Tôi đã nhận ra những bài phóng sự mà trước đây chưa bao giờ tôi xem chúng như là những bài phóng sự. Tôi đã thấy bàn tay vô hình và những còng xích đã kìm hãm những nhà lãnh đạo và các dân tộc làm những việc mà trước đây tôi chưa bao giờ hình dung ra được[11].

Đây chính là một sự hổ thẹn mà Friedman đã tiên phong gắn cho một cái tên khá nặng nề – mua bán thông tin đa chiều – cho lối suy nghĩ rất thú vị và hữu ích bởi vì một thuật ngữ đã  từng tồn tại và nắm bắt chính xác bản chất của điều ông đang làm: kinh tế chính trị quốc tế.

Kinh tế chính trị quốc tế không phải cặp kính 4 chiều của Friedman cho ta thấy rõ những mối liên kết bất ngờ nhưng cũng làm sáng tỏ hơn những mối quan hệ vốn dĩ rất mù mờ. Giống như bất kỳ một cặp kính mắt mới nào, phải mất một thời gian bạn mới quen được với kinh tế chính trị quốc tế, nhưng một khi bạn đã hài lòng với môn này, bạn sẽ không bao giờ lại có thể nhìn thấy thế giới theo cách cũ được nữa.

Những yếu tố cơ bản của Kinh tế chính trị quốc tế

Kinh tế chính trị quốc tế nghiên cứu các vấn đề theo phương pháp tiếp cận đa cấp liên ngành như vừa phân tích ở trên. Định nghĩa như vậy chưa thực sự rõ ràng chính xác. Susan Strange, người đầu tiên nghiên cứu kinh tế chính trị quốc tế hiện đại tại trường Kinh tế Chính trị Luân Đôn, đã định nghĩa về Kinh tế chính trị quốc tế rõ ràng hơn:

… kinh tế chính trị quốc tế xem xét các dàn xếp kinh tế, chính trị và xã hội ảnh hưởng đến hệ thống sản xuất, trao đổi và phân phối toàn cầu và tập hợp các giá trị phản ánh trong đó. Những dàn xếp đó không phải được quy định một cách rõ ràng cũng như không phải là kết quả ngẫu nhiên của cơ hội ẩn, mà là kết quả của những quyết định của con người được đưa ra trong bối cảnh các định chế do con người quy định và các bộ luật lệ tự ban hành.[12]

Theo định nghĩa này, Kinh tế chính trị quốc tế coi trọng các dàn xếp kinh tế, chính trị, xã hội đồng thời nhấn mạnh rằng kinh tế chính trị quốc tế không chỉ nghiên cứu các định chế và các tổ chức, mà cả các giá trị của chúng. Nhà nước và thị trường được kết nối với nhau bởi “hệ thống sản xuất, trao đổi và phân phối toàn cầu” – sau đây được gọi chung là các cấu trúc của kinh tế chính trị quốc tế. Vì vậy kinh tế chính trị quốc tế nghiên cứu theo cách thức kết nối các cá nhân, nhà nước và thị trường thế giới với nhau, những dàn xếp hay cấu trúc có liên quan để kết nối các chủ thể đó. Đó chính là văn hóa, lịch sử và các giá trị. Những yếu tố này thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai.

Định nghĩa của Strange tập trung vào các mối liên kết kinh tế hạn hẹp (sản xuất, trao đổi và phân phối). Trên thực tế những thuật ngữ này có nội hàm và ý nghĩa rộng hơn. Bên cạnh việc sản xuất, trao đổi và phân phối hàng hóa và dịch vụ, cuộc sống còn có những yếu tố khác như quyền lực, an ninh, văn hóa và địa vị. Sản xuất, trao đổi và phân phối chính là hoạt động kinh tế; và cũng là hoạt động văn hóa ảnh hưởng đến các giá trị của con người và bản chất của các mối quan hệ chính trị xã hội trong và giữa các quốc gia dân tộc. (Một vài quốc gia hạn chế sự tiếp cận với phim ảnh, truyền hình nước ngoài vì họ lo ngại những tác động của các ý tưởng và hình ảnh của nước ngoài). Khi chính phủ Mỹ tìm cách làm suy yếu sự ủng hộ chính trị đối với chính phủ cộng sản của Liên Xô, họ bắt đầu bằng việc cử các nhạc sỹ nhạc Jazz đến Mát-xcơ-va. Với chủ ý, nhạc Jazz của Mỹ sẽ tạo nên hình ảnh của một đất nước Mỹ tự do, sáng tạo và một xã hội đa sắc tộc, nhằm thể hiện cho người dân Xô Viết thấy được hình ảnh của những giá trị Mỹ hoàn toàn khác với chủ trương chính thống của chính quyền Xô Viết.

Những yếu tố trong nghiên cứu Kinh tế chính trị quốc tế chính là những yếu tố của cuộc sống, các định chế chính trị, kinh tế và xã hội tạo nên điều kiện sống cho chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu. Có những người giàu có hơn người khác hoặc cũng có những quốc gia mạnh hơn quốc gia khác. Những điều kiện này một phần là kết quả của các cấu trúc hoặc dàn xếp toàn cầu trong việc sản xuất, trao đổi và phân phối các nguồn lực kinh tế, chính trị và xã hội. Những cấu trúc kinh tế chính trị quốc tế hình thành một khuôn khổ hữu ích nghiên cứu các vấn đề kinh tế chính trị quốc tế.

Nhiều nghiên cứu của kinh tế chính trị quốc tế tập trung vào sự tác động lẫn nhau của hai định chế xã hội rất quan trọng đó là nhà nước và thị trường; bản chất mối tương tác của các định chế này trong hệ thống quốc tế (“luật chơi quốc tế”). Robert Gilpin đã định nghĩa kinh tế chính trị là “lĩnh vực nghiên cứu” phân tích các vấn đề nổi lên từ sự tồn tại song song và mối tương tác năng động giữa “nhà nước” và “thị trường” trong thế giới hiện đại”[13].

Nhà nước là nơi tập hợp các hành động và quyết định tập thể. Nhà nước thường ngụ ý đến những định chế chính trị của quốc gia dân tộc đương đại, một khu vực địa lý với hệ thống chính phủ tự trị và tương đối cố kết trải dài trên toàn khu vực đó. Quốc gia dân tộc là một thực thể hợp pháp có lãnh thổ và dân cư riêng, với một chính phủ có khả năng thực hiện chủ quyền.Ví dụ như Pháp có lãnh thổ của Pháp, người dân Pháp và chính phủ Pháp, và các chính sách của Pháp, phụ thuộc vào bối cảnh. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nhìn nhận nhà nước một cách rộng hơn, theo nghĩa đây là một phạm trù của những hành vi chính trị và tập thể diễn ra ở nhiều cấp độ. Liên minh châu Âu (EU) không phải là một quốc gia dân tộc, đó là một tổ chức các quốc gia dân tộc. Nhưng ở một mức độ nào đó, EU lại đưa ra những lựa chọn và chính sách ảnh hưởng đến toàn bộ nhóm các dân tộc và công dân của họ, thể hiện quyền sở hữu của một nhà nước.

Thị trường là nơi tập hợp các hành động và quyết định cá nhân. Thị trường có nghĩa là các định chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản đương đại. Thị trường là một phạm vi hành động của con người bị thống trị bởi những lợi ích cá nhân và bị quy định bởi sức mạnh cạnh tranh. Mặc dù một thị trường đôi khi là vị trí địa lý (chẳng hạn như Thị trường chứng khoán New York hay thị trường Pike Place ở Seatle), nhưng thông thường đó là quyền lực. Nghĩa là quyền lực của thị trường đã tạo động lực và điều kiện cho hành vi của cá nhân con người. Các cá nhân bị chỉ huy bởi động lực của lợi ích cá nhân để sản xuất và cung cấp các hàng hóa dịch vụ khan hiếm hoặc để tìm kiếm những sản phẩm mua bán hoặc những công việc lương cao. Họ bị điều khiển bởi sức mạnh cạnh tranh của thị trường nên phải sản xuất những sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn và hấp dẫn hơn.

Mặc dù nhà nước và thị trường là những hệ thống tổ chức xã hội phức tạp, nhưng định nghĩa kinh tế chính trị như vậy sẽ dễ hiểu hơn. Xã hội chứa đựng cả những nhân tố nhà nước và thị trường phản ánh lịch sử, văn hóa và những giá trị của hệ thống xã hội.

Sự tồn tại song song của nhà nước (chính trị học) và thị trường (kinh tế học) tạo nên những mâu thuẫn cơ bản, hình thành nên đặc trưng của kinh tế chính trị. Nhà nước và thị trường không phải lúc nào cũng xung đột lẫn nhau, nhưng chúng thường chồng chéo lên nhau ở một mức độ thể hiện rõ sự xung đột đó. Những mâu thuẫn này là do những lợi ích và giá trị khác nhau có thể được giải quyết theo những cách khác nhau ở những thời điểm khác nhau, nhưng những mâu thuẫn cơ bản vẫn còn tồn tại và xuyên suốt lịch sử loài người. Sự tương tác giữa nhà nước và thị trường rất năng động, có nghĩa là sự tương tác đó thay đổi theo thời gian. Cụ thể là nhà nước tác động đến thị trường và ngược lại thị trường cũng ảnh hưởng đến nhà nước, thường xuyên thay đổi mô hình lợi ích và giá trị mà các nhà kinh tế chính trị phải nghiên cứu.

Thịnh vượng và Quyền lực: Mâu thuẫn giữa nhà nước và thị trường

Bản chất vận động của mối tương tác giữa nhà nước và thị trường

Những khía cạnh của kinh tế chính trị quốc tế

Ba cấp độ phân tích

Hai dạng quyền lực

Bốn cấu trúc toàn cầu

Ba quan điểm và ba tập hợp giá trị

Kinh tế chính trị quốc tế trong thế giới không biên giới

Câu hỏi thảo luận

Download toàn bộ văn bản tại đây: Kinh te chinh tri quoc te la gi.pdf


[1] Susan Strange biên soạn: “Paths to International Political Economy” (NXB George Allen& Unwin, Luân Đôn 1984. Phần ix

[2] Rowland Maddock: “The Global Political Economy” trong “Dilemmas of World Politics” của John Bayless và N.J.Rengger biên soạn. New York, Oxford University Press 1992. trang 108

[4] John M.Broder: “U.S and China Reach Trade Pacts but Clash on Rights”. New York Times 30/10/1994, tr.1.

[5] Thuật ngữ “Quan hệ thương mại bình thường” (NTR) được sử dụng gần đây trong tuyên bố của chính phủ Mỹ. Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục sử dụng thuật ngữ quy chế tối huệ quốc MFN rộng rãi hơn. Việc thay đổi thuật ngữ nhằm tác động đến cuộc tranh luận về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

[6] Mặc dù luật của Mỹ về MFN được quy định cụ thể trong điều kiện nhân quyền, một vấn đề đạo đức và sắc tộc, vẫn có những giá trị quốc gia khác gián tiếp liên kết tới điều đó: an ninh quốc gia. Ít nhất một số nhà lập pháp có thể tin rằng bất kỳ một quốc gia nào có những quan điểm quyền cá nhân khác với Mỹ (chẳng hạn như Liên Xô vào những năm 1960 hay Trung Quốc vào những năm 1990) sẽ là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Mỹ.

[7] Broder, “.S. and China”

[8] Sđd

[9] Thomas L.Friedman: “The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization”. New York: Farrar, Straus and Giroux 1999.

[10] Sđd, tr 17-18

[11] Sđd, tr. 17

[12] Susan Strange: “Nhà nước và Thị trường: Nhập môn kinh tế chính trị quốc tế”. New York, Basil Blackwell 1988, trang 18.

[13] Robert Gilpin sử dụng định nghĩa này trong cuốn sách Kinh tế chính trị của quan hệ quốc tế. Princeton, NJ: Princeton University Press 1987. Trang 8.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]