Hội nghị Paris về vấn đề Campuchia

The-Cambodia-Paris-Peace-Agreement

Nguồn: Tiền Kỳ Tham, Ngoại giao thập ký,[1] Thế giới tri thức xuất bản xã, 2004.

Biên dịch: Dương Quốc Anh

Bài liên quan: Nội tình cuộc gặp lãnh đạo Trung – Việt tại Thành Đô

Dạ yến tại điện Versailles

Bảy giờ tối ngày 23/10/1991, tại trung tâm hội nghị quốc tế Kléber-Paris [Pháp], một nghi thức ký kết long trọng đã được cử hành. Nhân sĩ các phía của Campuchia và ngoại trưởng của 18 quốc gia, tổng cộng là 30 đại biểu và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Javier Pérez de Cuéllar, đã từng người một, đại biểu cho các phái và quốc gia ký tên mình vào những văn kiện bằng năm loại ngôn ngữ Anh, Hoa, Pháp, Nga, Khmer. Họ là 12 thành viên của toàn thể Hội đồng tối cao do hoàng thân [Norodom] Sihanouk, chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia đứng đầu, [Gareth] Evans ngoại trưởng Australia, [Mohamad] Bolkiah ngoại trưởng Brunei, [Barbara] McDougall ngoại trưởng Canada, [Roland] Dumas ngoại trưởng Pháp, [Madhavsinh] Solanki ngoại trưởng Ấn Độ, [Ali] Alatas ngoại trưởng Indonesia, Nakayama Taro ngoại trưởng Nhật Bản, Phun Sipasot ngoại trưởng Lào, [Abdullah Ahmad] Badawi ngoại trưởng Malaixia, [Roberto] Manglapus ngoại trưởng Philippines, Wong Kan Seng ngoại trưởng Singapore, Arsa Sarasin ngoại trưởng Thái lan, [Boris] Pankin ngoại trưởng Liên Xô, [Douglas] Hurd ngoại trưởng Anh, Baker [James Addison Baker III] ngoại trưởng Mỹ, Nguyễn Mạnh Cầm ngoại trưởng Việt Nam, [Budimir] Loncar ngoại trưởng Nam Tư.

Với tư cách là ngoại trưởng, tôi [2] , đại biểu Trung Quốc cũng ký tên vào văn kiện.

Văn kiện ngày hôm đó mọi người trang trọng ký tên vào là Hiệp nghị hoà bình Campuchia[3] mà Hội nghị quốc tế Paris về vấn đề Campuchia đã đạt được.

Vấn đề Campuchia là một vấn đề nóng liên quan đến tình hình quốc tế trong những năm 80 của thế kỷ XX, đã từng ở mức độ rất lớn ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Việc ký hiệp định là một sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử. Đúng như tôi đã chỉ ra trong cuộc họp báo được cử hành sau lễ ký kết, nó dập tắt ngọn lửa chiến tranh ở Campuchia kéo dài tới 13 năm. Việc ký kết hiệp nghị hoà bình sẽ làm cho Campuchia khôi phục được độc lập và chủ quyền của mình, có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á và cũng tạo ra một tấm gương tiêu biểu về việc giải quyết hoà bình những xung đột khu vực trên thế giới.

9 giờ tối hôm đó, điện Versailles ở nam ngoại ô Paris đèn đuốc sáng trưng. Để chúc mừng việc ký kết hiệp nghị hoà bình Campuchia, nước chủ nhà Pháp đã cử hành một buổi chiêu đãi long trọng mời tất cả các đại biểu tham dự hội nghị.

Versailles là một lâu đài cổ kính đã trải qua hơn 200 năm biến thiên dâu bể, đã từng chứng kiến giờ phút lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, và lúc này lại nhìn thấy niềm vui khi một cuộc chiến tranh khác bị dẹp yên… Buổi tối hôm đó người phấn khởi vui mừng nhất là hoàng thân [Norodom] Sinahouk. Ông đã có một bài phát biểu dài trong hội nghị, biểu thị chân thành cám ơn nước chủ nhà và những nước đã có cống hiến trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, đồng thời đại diện các bên Campuchia biểu thị rõ quyết tâm và thành ý đoàn kết hợp tác. Trước sau như một, buổi chiêu đãi tràn đầy không khí vui vẻ hoan hỷ. Ngoại trưởng các nước tham dự buổi chiêu đãi cũng lần lượt phát biểu những bài nói nhiệt tình biểu thị hoan nghênh và tán thưởng việc thông qua những cố gắng của quốc tế mà một vấn đề xung đột khu vực đã được giải quyết hoà bình, đồng thời ca ngợi những cống hiến của hoàng thân Sihanouk cho việc thực hiện hoà bình ở Campuchia. Đã đến giờ kết thúc buổi chiêu đãi, nhưng những người tham dự vẫn không hề tỏ ý mệt mỏi, chưa muốn rời. Mọi người lần lượt chụp ảnh chung, chuyện trò thân mật với nhau, còn truyền nhau ký tên vào thực đơn để làm kỷ niệm. Mãi đến nửa đêm, buổi chiêu đãi mới kết thúc trong tiếng trân trọng chào nhau.

Việc ký hiệp nghị hoà bình Campuchia, với tư cách là một tấm gương tiêu biểu giải quyết hoà bình thành công một cuộc xung đột khu vực thông qua hợp tác quốc tế đã được ghi vào sử sách, nhưng đối với Trung Quốc mà nói, nó còn có ý nghĩa nhiều hơn, sâu xa hơn.

Vấn đề Campuchia

Nguyên do của vấn đề Campuchia có thể truy ngược lên tới những năm 70 của thế kỷ XX, nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Xô, trở thành một trong “ ba trở ngại lớn” cản trở hai nước Trung-Xô bình thường hoá quan hệ.

Năm 1975, sau khi Việt Nam giành được thắng lợi trong chiến tranh chống Mỹ, lãnh đạo Việt Nam lúc đó, dưới sự ủng hộ của Liên Xô đã đưa ra một loạt yêu cầu không coi độc lập và chủ quyền của Campuchia ra gì, dẫn đến mâu thuẫn Việt Nam-Campuchia gay gắt lên, tiếp theo đó phát sinh xung đột vũ trang biên giới qui mô lớn. Ngày 25/12/1978, Việt Nam đưa quân vào Campuchia, chiếm thủ đô Phnom Penh, tiếp đó thành lập “Nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia” do Heng Somrin đứng đầu. Sau đó Việt Nam đưa quân vào đóng ở Campuchia.

Hành động làm trái chuẩn tắc luật pháp quốc tế của Việt Nam đương nhiên bị nhân dân Campuchia ngoan cường chống lại và cũng bị sự khiển trách mạnh mẽ và phản đối kiên quyết của thế giới. Từ đó vấn đề Campuchia trở thành một vấn đề nóng trong đấu tranh chính trị quốc tế. Ba phái ở trong nước Campuchia: nguyên chính phủ Campuchia dân chủ, hoàng thân Sihanouk, SonSan đã triển khai đấu tranh vũ trang chống Việt Nam tại vùng Đông bắc và vùng núi miền Tây Campuchia, đồng thời thành lập mặt trận thống nhất, thành lập Chính phủ liên hiệp Campuchia dân chủ do hoàng thân Sihanouk đứng đầu. Trên thế giới, tuyệt đại đa số các nước bao gồm các nước Asean, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước Tây Âu cũng đều đứng về phía nhân dân Campuchia. Bắt đầu từ khoá 34 Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1979, các khoá hội đồng Liên hợp quốc đều thông qua quyết nghị với đa số áp đảo, yêu cầu Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia vô điều kiện.

Đến giữa những năm 80 của thế kỷ 20, chiến trường trong nước Campuchia đã bước vào giai đoạn giằng co. Mặc dù phía Việt Nam và Phnom Penh chiếm ưu thế về thực lực nhưng cũng không thể nào đánh bại và tiêu diệt được lực lượng chống đối. Hai bên, một mặt tiếp tục đọ sức trên chiến trường một mặt bắt đầu thăm dò khả năng giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Việc Việt Nam sa vào vũng bùn chiến tranh Campuchia đã đưa lại hậu quả nặng nề cho nhân dân Việt Nam và cũng làm cho Việt Nam lâm vào cảnh cô lập trên trường quốc tế, lãnh đạo Việt Nam không thể không bắt đầu suy tính đến giải quyết chính trị. Năm 1985, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra ý tưởng rút quân khỏi Campuchia, biểu thị từ năm 1990 sẽ rút quân khỏi Campuchia. Tháng 3/1986, ba lực lượng chống đối Campuchia họp hội nghị nội các tại Bắc kinh đưa ra “kiến nghị tám điểm” để giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, biểu thị vui lòng thành lập Chính phủ liên hiệp bốn bên do hoàng thân Sihanouk đứng đầu. Phía Phnom Penh đã nhanh chóng đưa ra đáp ứng, lần đầu tiên biểu thị cùng chính phủ liên hiệp Campuchia cử hành đàm phán. Việt Nam cũng theo đó biểu thị, nếu ba bên Campuchia dân chủ và phía Phnom Penh đàm phán và thành lập được chính phủ liên hiệp bốn bên thì Việt Nam vui lòng cùng chính phủ đó đàm phán vấn đề rút quân. Mặc dù kiến nghị này bị Chính phủ liên hiệp dân chủ Campuchia và quốc tế từ chối, nhưng bất kể nói như thế nào, hai bên đã tỏ ra có thái độ muốn đàm phán.

Lúc này, Liên Xô đứng sau lưng một mực ủng hộ Việt Nam cũng vì chạy đua vũ trang lâu dài mà gánh vác càng nặng đã không thể không thực hiện điều chỉnh chiến lược, tìm kiếm việc cải thiện quan hệ với Mỹ, với Trung Quốc. Đồng chí [Ðặng] Tiểu Bình đã nắm thời cơ này đưa ra quyết sách chiến lược điều chỉnh quan hệ với Liên Xô, đề xuất dưới tiền đề giải quyết ba trở ngại lớn trong quan hệ Trung-Xô thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung-Xô. Sau đó hai nước Trung-Xô bắt đầu cuộc thương thảo đặc sứ chính phủ cấp thứ trưởng ngoại giao, tổng cộng thương thảo 12 vòng, dài tới sáu năm, trong đó đầu đề đàm phán quan trọng là yêu cầu Liên Xô thúc đẩy Việt Nam rút quân khỏi Campuchia.

Năm 1986, sau khi lãnh đạo Liên Xô [Mikhail] Gorbachov đưa ra khẩu hiệu “tư duy mới”, bắt đầu điều chỉnh toàn diện chính sách đối nội, đối ngoại của Liên Xô. Tháng 7 năm 1986, khi phát biểu tại Vladivostok, Gorbachov đã nói: “Giải quyết vấn đề Campuchia quyết định bởi việc bình thường hoá quan hệ Trung-Việt, hiện nay là thời cơ tốt đẹp, toàn bộ châu Á đều cần thiết điểm này.” Liên Xô đã đưa ra tín hiệu không muốn tiếp tục ủng hộ Việt Nam đối đầu lâu dài với Trung Quốc nữa.

Diễn biến của tình hình quốc tế là tia nắng bình minh xuất hiện trong giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Lập trường Xô, Việt mềm dẻo

Sau bài nói tại Vladivostok của Gorbachov, trong thương thảo, đặc sứ chính phủ Liên Xô đã không lảng tránh thảo luận vấn đề Campuchia nữa. Tháng 4/1988, đại biểu Liên Xô, Mỹ, Pakistan và chính quyền Afghanistan [tại] Kabul đã ký hiệp nghị giải quyết chính trị vấn đề Afghanistan tại Genève, Liên Xô tuyên bố sẽ rút hết toàn bộ quân đội khỏi Afghanistan trước ngày 15 tháng 2 năm 1989. Phía Liên Xô công khai biểu thị, giải quyết vấn đề Afghanistan là tấm gương cho giải quyết vấn đề Campuchia, quân đội nước ngoài nên rút khỏi Campuchia.

Tháng 6/1988 trong thời gian tới New York tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc đặc biệt tài giảm quân bị khoá ba, tôi đã gặp ngoại trưởng Liên Xô [Eduard] Shevardnadze. Ông ta chủ động bàn với tôi về vấn đề Campuchia, nói hội nghị Genève về vấn đề Afghanistan là một đột phá về việc giải quyết xung đột khu vực, ý muốn nói hy vọng vấn đề Campuchia cũng có thể giải quyết theo như thế. Tôi nói với ông ta, Liên Xô quyết định rút quân khỏi Afghanistan là một việc tốt, rất đáng hoan nghênh, nhưng Trung Quốc quan tâm vấn đề Campuchia hơn. Trước đây, phía Liên Xô nói Trung Quốc tìm Liên Xô bàn vấn đề Campuchia là tìm sai đối tượng, trải qua bốn năm thương thảo, phía Liên Xô mới đồng ý thảo luận vấn đề này. Giải quyết vấn đề Campuchia đều có lợi cho Campuchia, Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc và các nước Asean. Shevardnadze biểu thị ở Campuchia đã xuất hiện xu thế hoà giải dân tộc, nhưng nếu không có Trung Quốc tham gia giải quyết chính trị thì không thể thu được thành công. Tôi trả lời, đối với việc giải quyết vấn đề Campuchia, Trung Quốc luôn giữ thái độ tích cực. Trong vấn đề này phía Liên Xô có thể phát huy tác dụng tích cực, có ảnh hưởng quan trọng. Lúc này sắp cử hành thương thảo vòng mười hai của đặc sứ chính phủ hai nước Trung-Xô, tôi biểu thị với ông ta, hy vọng vòng thương thảo này sẽ có tiến triển trong vấn đề Campuchia, hy vọng ông ta chỉ thị cho đại biểu Liên Xô nghiêm túc thảo luận vấn đề này. Ông ta đã trả lời rất sảng khoái, Liên Xô không những không lảng tránh vấn đề này mà còn tham gia tích cực vào tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Trong thương thảo vòng mười hai đặc sứ chính phủ Trung-Xô, phía Liên Xô chủ động kiến nghị tiến hành thương thảo riêng cấp thứ trưởng ngoại giao Trung-Xô về vấn đề Campuchia. Cuối tháng 8, thứ trưởng ngoại giao Liên Xô là [Igor] Rogachev đã cùng thứ trưởng ngoại giao [Trung Quốc] Điền Tăng Bồi cử hành thương thảo vấn đề Campuchia tại Bắc Kinh. Mặc dù hai bên còn có bất đồng, nhưng đều đồng ý vấn đề này nên sớm được giải quyết chính trị, quân đội nước ngoài phải nhanh chóng rút khỏi Campuchia. Phía Liên Xô còn biểu thị vui lòng căn cứ vào khả năng của mình có cố gắng về việc này.

Ngày 1/7/1988, phía Trung Quốc phát biểu một tuyên bố đề xuất chủ trương bốn điểm giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, thể hiện rõ lập trường của Trung Quốc: nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam rút quân; sau khi Việt Nam rút quân, Campuchia thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời bốn bên do hoàng thân Sihanouk đứng đầu; sau khi thành lập chính phủ lâm thời sẽ tiến hành tự do bầu cử ở Campuchia; tiến hành giám sát quốc tế có hiệu quả đối với tiến trình nói trên.

Đồng thời, thái độ của Việt Nam trong vấn đề Campuchia cũng xuất hiện sự thay đổi. Tháng 7/1986, Tổng bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn tạ thế, tháng 12, Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Người lãnh đạo mới Việt Nam tổng kết kinh nghiệm và bài học, bắt đầu điều chỉnh chính sách [đối] nội, [đối] ngoại; bắt tay tìm kiếm con đường giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Tháng 5 năm 1988, tức là một tháng sau khi ký hiệp nghị Genève về vấn đề Afghanistan, Việt Nam đưa ra lời hứa công khai, biểu thị năm 1989 sẽ rút khỏi Campuchia 50.000 quân, trước năm 1990 hoàn thành việc rút quân, đồng thời đồng ý cùng ba lực lượng đối kháng Campuchia, phía Phnom Penh tham gia “tiệc rượu” về vấn đề Campuchia cử hành tại Jakarta.

Lúc này Asean vui mừng thấy vấn đề Campuchia được nhanh chóng giải quyết, nên Indonesia đã dẫn đầu, cử hành hội nghị phi chính thức ở Jakarta mời bốn bên Campuchia, Việt Nam và các nước có liên quan tham gia. Vì là hội nghị không chính thức, các phía có thể trao đổi ý kiến một cách không gò bó, nên mọi người mới gọi đó là “tiệc rượu”. Nếu suy tính tới việc điều hoà lập trường của các bên thì cách gọi này cũng sinh động giống như thật.

Tháng 7/1988, cuối cùng thì bốn bên Campuchia và Việt Nam đã tham gia “tiệc rượu” cử hành ở Jakarta, nhưng do Việt Nam từ chối tiến hành giám sát quốc tế việc rút quân, kiên trì liên hệ việc Việt Nam rút quân với đình chỉ “sự can thiệp từ bên ngoài” đối với Campuchia lại làm một, phía Phnom Penh cũng từ chối đồng thời giải tán chính quyền Phnom Penh và Campuchia dân chủ, đồng thời kiên quyết bài xích “Khmer Đỏ” nên “tiệc rượu” không thu được thành quả có tính thực chất. Thế nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam và phía Phnom Penh có cơ hội cùng ba lực lượng chống đối Campuchia thảo luận giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Sau đó, trong các cuộc đàm phán quốc tế về Campuchia có liên quan, vị trí của “Khmer Đỏ” trong cơ cấu quyền lực tương lai ở Campuchia đã dần trở thành tiêu điểm của các mâu thuẫn.

Đề nghị [tổ chức] hội nghị Paris

Rút kinh nghiệm việc điều hoà tại “tiệc rượu” Jakarta không thành công nên tháng 9 năm 1988, trong thời gian tham gia Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa bốn mươi ba, hoàng thân Sihanouk đã đề xuất với tổng thống Pháp Mitterrand, hy vọng triệu tập một hội nghị quốc tế có liên quan đến vấn đề Campuchia tại nước Pháp.

Hoàng thân Sihanouk đề nghị triệu tập tại nước Pháp hội nghị này vừa có nguyên nhân lịch sử cũng vừa có sự suy tính hiện thực. Nếu nói từ lịch sử, nước Pháp và ba nước Đông Dương có quan hệ lịch sử rất sâu. Cuối thế kỷ XIX, nước Pháp đã thiết lập sự thống trị thực dân trên bán đảo Đông Dương, Việt Nam, Lào, Campuchia đã lần lượt trở thành một bộ phận của Đông Dương thuộc Pháp. Mãi đến năm 1954, trước sự chống đối kiên cường của nhân dân Đông Dương nước Pháp mới rút khỏi bán đảo Đông Dương. Nếu nói từ hiện thực, so với các nước lớn khác, trong vấn đề Campuchia nước Pháp bị cuốn hút vào tương đối ít, chọn nước Pháp làm nơi triệu tập hội nghị quốc tế thảo luận về vấn đề Campuchia dễ được các bên có liên quan tiếp nhận.

Ý tưởng của hoàng thân Sihanouk có thể nói là hợp ý nước Pháp, năm 1989 vừa đúng dịp 200 năm đại cách mạng Pháp, tổng thống Mitterrand muốn mình làm một cái gì đó về vấn đề Campuchia để không lỡ cơ hội tốt thể hiện nước Pháp trên vũ đài thế giới và bản thân mình cũng lưu danh trong lịch sử Pháp.

Lúc này cùng với khả năng giải quyết chính trị vấn đề Campuchia không ngừng tăng lên, các nước phương Tây như Mỹ v.v… cũng bắt đầu xào xáo cái gọi là vấn đề “Khmer Đỏ”. Liên Xô, Việt Nam tự nhiên nhất quán phản đối lực lượng “Khmer Đỏ” và các nước phương Tây, trong việc sắp xếp quyền lực tương lai ở Campuchia cũng một mực bài xích “Khmer Đỏ”, chủ trương để “Khmer Đỏ” ra ngoài tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Tuy vậy các nước phương Tây như Mỹ v.v… cũng nhìn thấy trong ba lực lượng chống đối ở Campuchia thì thực lực “Khmer Đỏ” mạnh nhất, muốn buộc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia không thể tách rời khỏi đấu tranh vũ trang của lực lượng chống đối. Vì vậy trên vấn đề “Khmer Đỏ” bọn họ lúc ban đầu còn tương đối thấp giọng nhưng đến khi trù bị hội nghị Paris thì việc gạt bỏ “Khmer Đỏ” đã trở thành suy tính chủ yếu của họ.

Nước Mỹ bắt đầu hoạt động ngoại giao. Tháng 6/1988, khi tôi tham dự Ðại hội đồng Liên hợp quốc khoá ba đặc biệt về tài giảm quân bị tại New York, thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách công việc chính trị là [Michael H.] Armacost đã gặp tôi, chủ yếu bàn về vấn đề Campuchia. Ông ta nói, nước Mỹ đánh giá bước đi của đàm phán ngoại giao về vấn đề Campuchia, có khả năng tăng nhanh trong một năm tới. Hiện nay nước Mỹ lo lắng, nếu Việt Nam rút quân quá nhanh, có khả năng “Khmer Đỏ” lại trở lại nắm quyền. Vì thế ông ta kiến nghị cần phải suy tính áp dụng biện pháp nào đó, đưa quân đội quốc tế vào, tước vũ trang của “Khmer Đỏ”. Nước Mỹ hy vọng cùng Trung Quốc, Thái Lan trao đổi ý kiến thẳng thắn về việc này.

Một mặt Armacost đề xuất phải tước vũ trang của “Khmer Đỏ”, nhưng một mặt lại không thể không thừa nhận, trước khi Việt Nam rút quân, “Khmer Đỏ” lại là lực lượng chủ yếu chống lại quân đội Việt Nam. Nước Mỹ biết đây là một vấn đề tế nhị, khi xử lý cần phải cân bằng.

Tôi nói với Armacost, Trung Quốc không tán thành từ nay trở đi Campuchia do một phái nắm quyền, nhưng cũng không tán thành bài xích một phía. Chúng tôi chỉ có thể nói công khai đến mức độ đó thôi. Chúng tôi ủng hộ Chính phủ liên hiệp do hoàng thân Sihanouk thực sự nắm quyền, còn như làm thế nào để thực hiện được điểm này, tin là sẽ tìm được biện pháp giải quyết.

Tháng 2/1989, khi tổng thống Mỹ Bush thăm Trung Quốc, lại đề xuất với đồng chí Tiểu Bình vấn đề “Khmer Đỏ”, đồng chí Tiểu Bình nói với Bush, Trung Quốc đề xuất quân đội các bên ở Campuchia đều cắt giảm 10.000 người, như vậy bất kỳ bên nào cũng đều không thể gây chuyện. Đồng chí Tiểu Bình còn nói rõ với ông Bush, Trung Quốc ủng hộ Chính phủ liên hiệp bốn bên do hoàng thân Sihanouk đứng đầu, từ nay trở đi viện trợ quốc tế cho Campuchia nên thông qua hoàng thân Sihanouk.

Đàm phán tiến triển

Đầu tháng 12/1988, theo lời mời, tôi đi thăm Liên Xô. Vấn đề Campuchia là đầu đề trung tâm của cuộc hội đàm. Khi hội đàm với Shevardnadze, tôi chủ yếu nêu ra ba điểm: về vấn đề thời gian biểu rút quân của Việt Nam, Trung-Xô nên có chủ trương nhất trí, đồng thời cần thúc đẩy Việt Nam thực hiện; sau khi Việt Nam rút hết toàn bộ quân đội, mọi nước ngoài đều nên ngừng viện trợ quân sự cho các phái Campuchia, không ủng hộ bất kỳ phái nào gây nội chiến, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời bốn bên do hoàng thân Sihanouk đứng đầu, đông kết, cắt giảm cho đến giải tán quân đội các phái, cử bộ đội duy trì hoà bình quốc tế tới Campuchia, thực hiện sự giám sát quốc tế và bảo đảm quốc tế nghiêm túc đối với tiến trình rút quân của Việt Nam và hoà giải dân tộc.

Shevardnadze biểu thị, phía Liên Xô hy vọng giải quyết sớm vấn đề Campuchia, nhưng Việt Nam rút quân vẫn cần điều kiện nhất định.

Trải qua trao đổi nhiều lần, chúng tôi đạt được hai điểm nội dung thông cảm: hai bên hy vọng đồng thời cố gắng thúc đẩy Việt Nam trong thời gian ngắn, ví dụ như nửa cuối năm 1989, chậm nhất là đến cuối năm, rút hết toàn bộ quân đội; đồng ý tuỳ theo sự rút quân của Việt Nam dưới sự giám sát của quốc tế, các nước có liên quan từng bước giảm bớt cho đến ngừng hẳn viện trợ quân sự cho các bên Campuchia. Phía Liên Xô còn chủ động đề xuất, năm tới khi Shevardnadze thăm Trung Quốc, ngoại trưởng hai nước sẽ ra một tuyên bố chung về vấn đề Campuchia. Trong chuyến thăm này, Gorbachov và Shevardnadze còn biểu thị với tôi, phía Liên Xô hy vọng Trung Quốc và Việt Nam trực tiếp đàm phán.

Sau chuyến thăm này, Trung ương quyết định cùng Việt Nam trực tiếp đàm phán về vấn đề Campuchia đồng thời xác định phương châm đàm phán.

Thực ra trong năm 1988, ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch đã hai lần đưa ra hy vọng đi thăm Trung Quốc, nhưng lúc đó suy tính tới lập trường của Việt Nam trong vấn đề Campuchia vẫn chưa xuất hiện sự thay đổi có tính thực chất nên chúng tôi đã từ chối ông ta. Cuối năm này, Nguyễn Cơ Thạch lại viết thư một lần nữa biểu thị hy vọng muốn thăm Trung Quốc, nói “thời cơ hai nước Trung Việt cùng ngồi lại với nhau đã chín muồi” hy vọng hai bên hợp tác “tạo điều kiện để các bên ở Campuchia trên cơ sở hoà giải dân tộc đạt được biện pháp giải quyết chính trị thoả đáng”.

Sau khi nghiên cứu chúng tôi cho rằng lập trường của Việt Nam trên vấn đề Campuchia đã xuất hiện sự mềm dẻo mới, có thể cùng phía Việt Nam tiến hành tiếp xúc về vấn đề quan hệ Trung Việt, nhất là vấn đề Campuchia. Tuy vậy, tính toán đến việc gặp gỡ ngoại trưởng là một động thái chính trị quan trọng, thời cơ còn chưa chín muồi, vì vậy chúng tôi trả lời phía Việt Nam: gặp gỡ ngoại trưởng còn có nhiều công tác chuẩn bị phải làm, đề nghị phía Việt Nam trước tiên hãy cử một vị thứ trưởng ngoại giao đến Bắc Kinh tiến hành thương thảo nội bộ giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Phía Việt Nam tiếp nhận đề nghị của phía ta. Tháng 1/1989, thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Đinh Nho Liêm đến thăm Bắc Kinh. Trong thương thảo với thứ trưởng ngoại giao Lưu Thuật Khanh, Đinh Nho Liêm biểu thị rõ ràng, Việt Nam sẽ rút hết quân tại Campuchia. Trên cơ sở phía bên ngoài ngừng viện trợ cho các bên Campuchia, hai bên Trung Việt bảo đảm địa vị trung lập và không liên kết của Campuchia, trong các mặt như thực hiện giám sát quốc tế, bảo đảm quốc tế cũng thu nhỏ bất đồng. Chỉ có vấn đề là Việt Nam không muốn gánh vác trách nhiệm làm thế nào bảo đảm được hoà bình trong nước Campuchia sau khi rút quân, nói thoái thác đó là vấn đề nội bộ của Campuchia nên do các bên tự giải quyết chứ không nên do hai nước Trung Việt thảo luận.

Nhằm thẳng vào thái độ của phía Việt Nam trong hội kiến Đinh Nho Liêm, sau đó tôi đã đặc biệt chỉ ra, vấn đề Campuchia đương nhiên nên dưới tình huống không có sự can thiệp của bên ngoài do bốn bên Campuchia tự mình giải quyết. Nhưng với tư cách là nước đương sự cũng như Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan là những nước có liên quan tới vấn đề Campuchia, Việt Nam nên có chủ trương rõ ràng đối với vấn đề này, tức là sau khi quân đội nước ngoài rút khỏi Campuchia, chấm dứt viện trợ cho các bên Campuchia, Campuchia nên thực hiện liên hiệp bốn bên thực hiện hoà giải dân tộc không phát sinh nội chiến và động loạn nữa. Các nước có liên quan đều nên gánh vác trách nhiệm này, Việt Nam càng phải nên như vậy.

Đinh Nho Liêm biểu thị, giải quyết sớm vấn đề Campuchia và thực hiện bình thường hoá quan hệ Trung Việt, tập trung xây dựng kinh tế là chiến lược lâu dài của Việt Nam. Tôi biểu thị nếu như giải quyết được một số mặt cơ bản có liên quan tới vấn đề Campuchia thì cải thiện và bình thường hoá quan hệ Trung Việt sẽ là kết quả tự nhiên.

Nảy sinh rắc rối

Dưới sự tích cực, nỗ lực của Trung Quốc và các nước có liên quan điều kiện quốc tế giải quyết chính trị vấn đề Campuchia dần dần hình thành, hội nghị Paris do hoàmg thân Shihanouk đề nghị đã xác định triệu tập vào cuối tháng 7/1989.

Với tư cách là nước chủ nhà, tháng 6/1989 ngoại trưởng Pháp Dumas gửi thư cho tôi, mời Trung Quốc tham gia hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng có liên quan đến vấn đề Campuchia họp ở Paris.

Đúng vào lúc đó tại Bắc Kinh đã xảy ra cơn sóng gió chính trị [4] , chính phủ các nước phương Tây lũ lượt áp dụng biện pháp chế tài Trung Quốc, tại các nước phương Tây, đặc biệt là trong giới dư luận đã nhanh chóng dấy lên làn sóng phản đối Trung Quốc rộng lớn. Trong thời gian này, nước Pháp đã thể hiện khá gay gắt sự phản đối này. Thời gian này, khách du lịch Trung Quốc qua lại nước Pháp đều bị cảnh sát Pháp hết sức kỳ thị tại sân bay, thậm chí bị hạn chế hành động, không cho phép liên hệ điện thoại với sứ quán, không cho nước uống, không cho vào phòng vệ sinh.

Ngoại trưởng Dumas vừa gửi thư mời tôi tham dự hội nghị Paris lúc này cũng cao giọng trong hội nghị biểu thị muốn giữa chừng ngừng lại mọi cuộc qua lại giữa Trung Quốc và Pháp, ông ta sẽ không hội kiến ngoại trưởng Trung Quốc. Nhưng đối với việc mời tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia hội nghị Paris về vấn đề Campuchia, ông ta biểu thị đây là một hội nghị quốc tế, ông ta gặp tôi không coi là gặp gỡ ngoại trưởng.

Mặc dù tình hình thay đổi đột ngột, sự tình phức tạp nhưng chúng tôi vẫn quyết định, Trung Quốc nhất định phải tham gia hội nghị Paris về vấn đề Campuchia lần này. Trong làn sóng âm thanh chống Trung Quốc ở phương Tây lúc đó có một dư luận nói, sau khi Bắc Kinh phát sinh sóng gió chính trị, Trung Quốc đã lo thân không nổi, không có khả năng phát huy tác dụng trong công việc quốc tế. Chúng tôi tham gia hội nghị chính là cơ hội tốt để biểu thị rõ thái độ của Trung Quốc với thế giới. Đồng thời hội nghị Paris cũng là trường hợp duy nhất tiếp xúc công khai giữa Trung Quốc và các nước phương Tây lúc đó, lợi dụng trường hợp này có thể làm được nhiều việc thuận tiện, phá được cục diện ngoại giao cứng nhắc.

Trong vấn đề Campuchia, mặc dù các bên có liên quan trên quốc tế đều ủng hộ triệu tập hội nghị quốc tế này, nhưng mỗi bên đều có cách suy nghĩ của mình, yêu cầu và tính toán đều không giống nhau, đặc biệt là có bất đồng rất lớn trong vấn đề nội bộ Campuchia. Tiêu điểm của các tranh cãi là vấn đề “Khmer Đỏ”. Việt Nam, phía Phnom Penh cũng như một số nước khác chủ trương liên hiệp giữa Shihanouk và Hunsen, gạt bỏ “Khmer Đỏ”, ba bên trong lực lượng chống đối Campuchia và Asean v.v… thì kiên trì thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời bốn bên do hoàng thân Shihanouk đứng đầu. Chúng tôi biết, cuộc đấu tranh trong hội nghị sẽ rất dữ dội, nếu không có Trung Quốc tham dự mà muốn đạt được một hiệp nghị giải quyết toàn diện thì dường như là điều không thể.

Trước khi hội nghị Paris họp, tôi đã tới Botswana bắt đầu chuyến đi thăm sáu nước châu Phi. Để tham dự hội nghị này, giữa chừng chuyến đi, tôi đã đặc biệt chuyển đường từ Botswana sang London, và trưa ngày 30/7 tới Paris.

Trưa ngày hôm đó tôi hội kiến ngoại trưởng nước chủ nhà Dumas. Vừa gặp mặt, tôi đã nghiêm túc hỏi ông ta: ngài tuyên bố trong hội nghị sẽ không gặp Ngoại trưởng Trung Quốc, tôi là Ngoại trưởng Trung Quốc, liệu ngài có định gặp tôi hay không? Tiếp đó tôi lại chỉ ra, trong làn sóng chống Trung Quốc đó, nước Pháp đã lửa cháy đổ thêm dầu, đóng một vai diễn không hay ho gì, hơn nữa còn không văn minh nhất và cũng không nói đến lịch sự nhất. Điều này có thể thấy được qua sự đối xử vô nhân đạo mà những khách du lịch Trung Quốc quá cảnh nước Pháp phải chịu.

Dumas có chút ngượng ngùng, chỉ biết biểu thị xin lỗi, nói ông ta nói những lời nói đó là để đối phó với quốc hội và dư luận, đề nghị không nên để ý; còn già mồm giải thích, gần đây phía Pháp có một số hành động không xuất phát từ chống Trung Quốc mà xuất phát từ “hữu hảo” đối với Trung Quốc, bởi vì quan hệ Trung – Pháp rất tốt, thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất, vì thế đã phản ứng dữ dội điểm này. Nói đó là “yêu càng sâu, trách càng nặng”. Sau này Dumas lại dính vào tin tức xấu xa nước Pháp bán vũ khí cho Đài Loan, không biết ông ta đã tự biện hộ cho mình như thế nào?

Ngoại giao nước lớn

Ngày 31/7/1989, hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về vấn đề Campuchia đã được triệu tập đúng thời hạn tại Paris nước Pháp.

Ngay ngày đầu tiên của hội nghị Paris, tôi đã phát biểu ý kiến, ý trung tâm là: thực chất của vấn đề Campuchia là một nước đưa quân xâm lược một nước có chủ quyền khác, đồng thời thực hiện chiếm đóng quân sự lâu dài tạo ra. Điều then chốt để giải quyết vấn đề Campuchia, một là quân đội nước ngoài phải hoàn toàn rút khỏi dưới sự giám sát của quốc tế; hai là sau khi rút quân, Campuchia phải giữ được hoà bình, ngăn ngừa nội chiến, thực hiện hoà giải dân tộc. Hai vấn đề cơ bản này có liên quan chặt chẽ với nhau thiếu một điều là không được. Trong vấn đề Campuchia, Trung Quốc không mưu lợi riêng. Nếu hội nghị quốc tế đạt được hiệp nghị, Trung Quốc sẽ cùng các nước có liên quan cùng gánh vác nghĩa vụ, ngừng viện trợ quân sự cho bất kỳ bên nào đồng thời tôn trọng kết quả bầu cử trong tương lai của Campuchia. Trước khi hội nghị họp, phía Mỹ đề xuất ngoại trưởng Baker hy vọng trong thời gian họp hội nghị sẽ gặp tôi, thảo luận quan hệ hai bên và những vấn đề có liên quan của hội nghị Paris.

Lúc này nước Mỹ đang thắt chặt thêm chế tài Trung Quốc, sợ lần gặp này sẽ bị giới truyền thông trong nước trách móc nên đề xuất cuộc gặp chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ, hơn nữa còn yêu cầu bảo đảm chắc chắn không tiết lộ nội dung ra ngoài.

Trong hội kiến với Baker ngoài vấn đề quan hệ hai bên Trung-Mỹ, chúng tôi chú trọng thảo luận vấn đề Campuchia. Baker biểu thị, sự hợp tác của hai bên trong hội nghị không chỉ thể hiện rõ lập trường hai nước nhất trí trên vấn đề Campuchia, mà cũng nói rõ giữa Trung-Mỹ có cùng lợi ích chính trị, chiến lược; hy vọng hai nước cùng phát huy tác dụng dẫn đường tích cực đối với vấn đề Campuchia. Ông ta còn nêu ra ba vấn đề: liệu Trung Quốc có cung cấp sự bao che cho những người như Pol Pot hay không? Hy vọng Trung Quốc suy nghĩ ngừng viện trợ quân sự cho “Khmer Đỏ”; nước Mỹ hy vọng bảo đảm cho nạn dân Campuchia khi trở về có sự tự do lựa chọn. Tôi đã trả lời ba vấn đề do phía Mỹ đề xuất như thế này, phía Campuchia dân chủ không có ai đề xuất với phía Trung Quốc yêu cầu bao che cả; sau khi Việt Nam rút hết quân, vấn đề Campuchia được giải quyết, Trung Quốc vui lòng cùng các nước khác gánh vác nghĩa vụ ngừng viện trợ quân sự; công việc nạn dân là vấn đề giữa các bên Campuchia và Thái Lan, không liên quan tới Trung Quốc.

Trong thời gian hội nghị, tôi còn hội kiến ngoại trưởng 11 nước trong đó có ngoại trưởng Anh Major, ngoại trưởng Nhật Bản Mitsuzuka Hiroshi, ngoại trưởng Canada [Joe] Clark. Đây là lần tiếp xúc công khai cấp cao đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước phương Tây sau khi Bắc Kinh phát sinh cơn sóng gió chính trị. Trước đó hội nghị nguyên thủ EU và hội nghị những người đứng đầu bảy nước phương Tây [G7] vừa tuyên bố ngừng các cuộc gặp gỡ cấp cao từ cấp bộ trưởng trở lên đối với Trung Quốc. Thế nhưng, giải quyết chính trị vấn đề Campuchia không thể tách rời khỏi sự tham dự của Trung Quốc, trong hội nghị quốc tế thảo luận vấn đề Campuchia phải cùng qua lại với Trung Quốc. Bọn họ đành tìm lý do nói, đây là hội nghị quốc tế, là sự qua lại của nhiều bên, chứ không phải là sự tiếp xúc song phương. Nhưng về khách quan, hội nghị Paris đã cung cấp cơ hội cho chúng ta phá vỡ sự chế tài của phương Tây.

Ngày 1/8, hội nghị Paris kết thúc, không thu được thành quả. Ngày hôm sau tôi bay tới Lesotho tiếp tục chuyến thăm Nam phần châu Phi của mình. Thứ trưởng ngoại giao Lưu Thuật Khanh lãnh đạo đoàn đại biểu Trung Quốc ở lại Paris tiếp tục tham gia cuộc thảo luận có tính thực chất, giải quyết vấn đề Campuchia như thế nào.

Xét từ chỉnh thể thấy, lập trường cơ bản của phần lớn các nước tham dự hội nghị trong vấn đề giải quyết chính trị Campuchia là nhất trí. Trong thời gian hội nghị chúng tôi đã làm một khối lượng công tác lớn với ba bên Campuchia. Đại biểu ba bên Campuchia do hoàng thân Shihanouk đứng đầu thường xuyên là khách của Đại sứ quán nước ta [Trung Quốc] tại Pháp, đến trao đổi tình hình bàn bạc đối sách. Hoàng thân Shihanouk có tình cảm sâu nặng và lòng tín nhiệm đầy đủ với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Họ có thái độ lạc quan về sự tiến triển của hội nghị. Chúng tôi cũng tiến hành những cuộc thương thảo chặt chẽ với các nước như Mỹ, Anh, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản v.v…, trên những vấn đề quan trọng điệu bộ cơ bản nhất trí đã chủ đạo tiến trình hội nghị.

Nhưng do trong vấn đề “Khmer Đỏ” các bên có bất đồng quá lớn, nên rốt cuộc hội nghị không thể đạt được hiệp nghị. Tuy vậy tại hội nghị Paris, lần đầu tiên các nước có liên quan đến vấn đề Campuchia cũng như bốn bên Campuchia đã ngồi lại với nhau thảo luận về vấn đề Campuchia, đặt cơ sở tốt đẹp cho việc giải quyết cuối cùng vấn đề Campuchia.

Không lâu sau đó, tôi tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, lại hội kiến ngoại trưởng Pháp Dumas. Ông ta biểu thị thất vọng trước thất bại của hội nghị Paris, tâm tình có chút tiêu cực. Tôi nói với ông ta, mặc dù hội nghị Paris không đạt thành hiệp nghị nhưng vẫn có ích, phần lớn các nước đã giành được nhất trí, then chốt của vấn đề là thái độ của Việt Nam tương đối cứng rắn. Nước Pháp nên chờ đợi phía Việt Nam thay đổi thái độ, Trung Quốc ủng hộ hội nghị Paris khi có đủ điều kiện sẽ họp lại… Mấy ngày trước khi hội kiến Dumas, tôi đã gặp bộ trưởng ngoại giao Mỹ Baker một lần nữa. Trước khi tôi đi New York, Baker đã biểu thị với Hàn Tự, đại sứ nước ta tại Mỹ, trong thời gian hội nghị Paris ông ta đã bàn bạc với tôi rất tốt, hy vọng trong thời gian tại Liên hợp quốc gặp tôi một lần nữa. Trong thời gian này tôi hội kiến với ngoại trưởng các nước phương Tây hầu như là trong các trường hợp đa biên, nhưng con đường tiếp xúc vẫn được duy trì.

Tối ngày 28/9, tôi hội đàm với Baker, Baker nói trước về quan hệ Trung-Mỹ, nói quan hệ hai nước so với thời hội nghị Paris đã có cải thiện, tổng thống Bush và bản thân ông ta đều vô cùng coi trọng quan hệ Mỹ-Trung, hy vọng hai bên có thể thông qua tiếp tục đối thoại nhanh chóng làm cho quan hệ hai nước khôi phục bình thường. Trên vấn đề Campuchia, Baker biểu thị, Mỹ cảm thấy hài lòng vì sự hợp tác của hai nước tại hội nghị Paris, nhưng trên vấn đề “Khmer Đỏ” vẫn còn bảo lưu rất lớn. Nước Mỹ vốn giữ lập trường bài xích “Khmer Đỏ”, chủ trương phương án ba bên Campuchia giải quyết, chỉ là do hoàng thân Shihanouk cho rằng trong khuôn khổ quyền lực tương lai của Campuchia tất yếu phải bao gồm “Khmer Đỏ”, nên mặc dù nước Mỹ không tự nguyện nhưng vẫn miễn cưỡng tiếp nhận. Baker nói, hiện nay điều khiến người ta không yên là, vấn đề Campuchia đang từ giải quyết bằng chính trị chuyển sang giải quyết bằng chiến trường. Hy vọng Trung Quốc phát huy tác dụng quan trọng, ép “Khmer Đỏ” tiếp nhận giải quyết chính trị. Nếu “Khmer Đỏ” có ý đồ giải quyết vấn đề trên chiến trường, nước Mỹ và các nước Asean đều sẽ không cho phép “Khmer Đỏ” phát huy tác dụng trong chính phủ tương lai của Campuchia.

Tôi biểu thị với Baker trước, phía Trung Quốc cũng hài lòng về sự hợp tác Trung-Mỹ tại hội nghị Paris. Sau đó tôi nhắc lại lập trường nguyên tắc của Trung Quốc trong việc giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia. Tôi nói, khả năng một mình nắm quyền của “Khmer Đỏ” là không tồn tại, Trung Quốc cũng không ủng hộ làm như thế. Nếu như Liên Xô và Việt Nam thực sự ngừng cung cấp vũ khí cho phía Phnom Penh, Trung Quốc sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho các lực lượng chống đối Campuchia. Vấn đề hiện nay là, Việt Nam tuyên bố rút quân không có sự giám sát quốc tế, người ta có lý do để nghi ngờ tính chân thực của việc này. Còn về các vấn đề chi tiết như, hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia nên xác định rõ ủng hộ chính phủ liên hiệp bốn bên Campuchia do hoàng thân Shihanouk chủ trì, cũng như việc phân chia ghế của các phái v.v… nên do bốn bên Campuchia tự giải quyết.

Baker nói, ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze đã biểu thị với ông ta, nếu như các nước có liên quan ngừng cung cấp vũ khí cho các phái Campuchia, thì Liên Xô cũng có thể ngừng viện trợ vũ khí cho phía Phnom Penh. Phía Mỹ cho rằng, Liên Xô, Việt Nam nên ép Hunsen tiếp nhận sự sắp xếp về phân quyền nào đó, còn Trung Quốc thì nên tăng thêm sức ép với “Khmer Đỏ” làm cho kỳ vọng của họ chuyển sang hiện thực một chút. Chỉ dựa vào một mình bốn bên Campuchia, sẽ không bao giờ đạt được hiệp nghị giải quyết vấn đề nội bộ của Campuchia. Vì thế Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Asean nên làm một phương án giải quyết vấn đề nội bộ của Campuchia. Ông ta đề xuất một ý tưởng, nếu như hoàng thân Shihanouk làm nguyên thủ, Hunsen làm thủ tướng, mỗi phái đều có hai người giữ chức bộ trưởng các bộ quan trọng như ngoại giao, quốc phòng, nội vụ v.v… và có thể do người của hai phái Shihanouk và Hunsen đảm nhiệm, làm như vậy có thể bảo đảm cho Shihanouk có thực quyền. Nếu các nước lớn đạt được sự nhất trí như vậy và được bốn bên Campuchia đồng ý, Việt Nam cũng có khả năng đồng ý.

Tôi trả lời còn phải xem liệu các bên của Campuchia có tiếp nhận kiến nghị của ông ta hay không, đặc biệt là phải hỏi ý kiến hoàng thân Shihanouk trước. Hoàng thân Shihanouk phản đối các nước lớn một mặt mời ông làm nguyên thủ quốc gia, đồng thời lại mang một số sắp xếp từ trước áp đặt cho ông.

Hiệp nghị hoà bình

Sau hội nghị Paris tháng 8/1989, tiến trình giải quyết chính trị vấn đề Campuchia một dạo hụt hẫng, trên chiến trường trong nước Campuchia, cuộc giao tranh giữa các phái có xu thế dữ dội lên, nhất thời hoà bình vô vọng.

Để phá bỏ cục diện cứng nhắc của việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, từ tháng 1 đến tháng 8/1990, P5 đã cử hành sáu lần thương thảo cấp thứ trưởng ngoại giao tại Paris và New York, chế định ra văn kiện khung toàn diện giải quyết chính trị vấn đề Campuchia. Văn kiện khung đã thoả mãn về cơ bản mục tiêu và yêu cầu thấp nhất của các bên, được các bên có liên quan đồng thuận.

Lúc này thái độ của Việt Nam trong vấn đề Campuchia cũng có thêm những thay đổi tích cực. Hướng về phía thực hiện bình thường hoá quan hệ hai nước Trung Việt, đã đi một bước quan trọng. Đầu tháng 9/1990, Nguyễn Văn Linh Tổng bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đỗ Mười Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Phạm Văn Đồng cố vấn Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhận lời mời đến thăm Trung Quốc tiến hành cuộc gặp nội bộ với Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng tại Thành Đô. Lãnh đạo Việt Nam biểu thị vui lòng chấp nhận sự giám sát và kiểm tra của Liên hợp quốc đối với sự rút quân của Việt Nam. Hai bên đều tán thành văn kiện khung của P5, đồng thời đồng ý cùng cố gắng thúc đẩy các bên Campuchia tiếp nhận văn kiện này nhằm đẩy nhanh tiến trình toàn diện giải quyết chính trị vấn đề Campuchia.

Sau đó hai bên Trung Việt phái đại biểu của mình đến Jakarta làm công tác khuyên giải thuyết phục đối với bốn bên Campuchia đang cử hành hội nghị phi chính thức ở đó. Cuối cùng, bốn bên Campuchia tuyên bố đồng ý tiếp nhận phương án cả gói của P5, đồng thời quyết định thành lập Hội đồng tối cao toàn quốc 12 người.

Tháng 11, tiểu tổ công tác của hội nghị Paris cụ thể hoá văn kiện khung của P5, hoàn thành công tác khởi thảo hiệp nghị toàn diện giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, các phụ kiện và các văn kiện có liên quan. Lúc này phía Phnom Penh đột nhiên cảm thấy mình bị hố, nên đã đề xuất phải tiến hành sửa chữa văn kiện khung, tăng thêm thành viên phía Phnom Penh trong Hội đồng tối cao toàn quốc, hoặc do phía Phnom Penh đưa người đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội đồng tối cao toàn quốc. Thế là điều này đã kéo dài việc giải quyết cuối cùng vấn đề Campuchia.

Để nhanh chóng ký được hiệp nghị, một lần nữa Trung Quốc lại phát huy tác dụng quan trọng. Phía Trung Quốc cùng với các nước có liên quan đã không ngừng thương thảo với bốn bên Campuchia về việc sắp xếp quyền lực tương lai của Campuchia. Tháng 7/1991, Hội đồng tối cao Campuchia cử hành hội nghị công tác tại Bắc Kinh, phía Phnom Penh đồng ý hoàng thân Shihanouk giữ chức chủ tịch Hội đồng tối cao Campuchia, không kiên trì lập Phó chủ tịch và tăng thêm số thành viên của phía Phnom Penh nữa. Tháng 8, thứ trưởng ngoại giao [Việt Nam] Nguyễn Dy Niên thăm Trung Quốc, tiến hành thương thảo về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ Trung Việt với thứ trưởng ngoại giao Từ Đôn Tín. Sau đó hai bên Trung Việt công bố tuyên bố báo chí, nhất trí biểu thị văn kiện khung của P5 không thể thay đổi, dự thảo hiệp nghị của tổ công tác của Hội nghị Paris có thể sửa chữa nhưng không được vượt qua nội dung của văn kiện khung. Tháng 9, ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm thăm Trung Quốc, đây là lần gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng hai nước Trung Việt trong hơn mười năm qua. Chúng tôi đã trao đổi ý kiến về vấn đề Campuchia, hai bên đều nhất trí biểu thị sẽ tiếp tục cố gắng tích cực để giải quyết đến cùng vấn đề này.

Ngày 14/9/1991, lần đầu tiên từ 12 năm nay, hoàng thân Shihanouk dẫn đầu đoàn đại biểu Campuchia do thành viên bốn bên Campuchia hợp thành tới New York tham dự Đại hội đồng Liên hợp quốc, tiêu chí Chính phủ liên hiệp mới của Campuchia sẽ thành lập.

Trong thời gian họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, đại biểu P5, hai chủ tịch hội nghị Paris và ngoại trưởng các nước tham gia hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc và thành viên Hội đồng Tối cao Campuchia đã đạt được hiệp nghị khung cuối cùng về việc giải quyết chính trị vấn đề Campuchia, tạo điều kiện cho việc triệu tập lại hội nghị quốc tế về vấn đề Campuchia tại Paris vào tháng 10/1991.

Ngày 23 tháng 10 năm 1991, cuối cùng thì hiệp nghị hoà bình Campuchia đã được chính thức ký tại Paris, việc giải quyết chính trị Campuchia cuối cùng đã được thực hiện.

Trong tình hình quốc tế vô cùng phức tạp, xáo động lúc đó, mà có thể giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia, quả thực là không dễ. Nhiều năm qua, Liên hợp quốc và thế giới đã từng không ngừng cố gắng muốn giải quyết các loại xung đột khu vực xuất hiện ở các nơi trên thế giới nhưng thất bại nhiều, thành công ít. Sở dĩ vấn đề Campuchia có thể giải quyết được là bởi vì các nước có liên quan, đặc biệt là mấy nước lớn có liên quan đã tìm được lợi ích chung trong việc giải quyết xung đột khu vực đó. Trong thế giới đa cực này, lợi ích chung giữa các nước lớn luôn luôn là nhân tố then chốt duy trì sự ổn định và cân bằng khu vực.

Một điều có ý nghĩa là, khi chính thức ký hiệp định hoà bình Campuchia thì tại Liên Xô xảy ra “sự kiện 19 tháng 8”, cục diện chính trị không ổn định, ngoại trưởng Liên Xô Shevardnadze, người luôn luôn tham gia đàm phán về vấn đề Campuchia đã rời bỏ chức vụ, đại diện cho Liên Xô ký vào văn kiện là ngoại trưởng mới Pankin mà lúc đó mọi người đều không biết lắm.

Sau khi ký kết hiệp nghị hoà bình, hoàng thân Shihanouk trở về thủ đô Phnom Penh mà ông xa cách đã 13 năm. Liên hợp quốc cũng rất nhanh chóng cử ngay cơ cấu quyền lực của mình tại Campuchia và 22.000 nhân viên duy trì hoà bình của Liên hợp quốc. Qua cố gắng của các bên, tháng 5/1993, Campuchia đã cử hành cuộc bầu cử toàn quốc từ hơn hai mươi năm nay, Shihanouk được các phái nhất trí ủng hộ tôn sùng làm nguyên thủ quốc gia; ngày 24/9, một lần nữa lại lên ngôi quốc vương. Phía “Khmer Đỏ” do từ chối không tham gia bầu cử, nên năm 1994 bị tuyên bố là tổ chức phi pháp.

Nguồn bài dịch: © 2007 talawas


[1] Bản tiếng Anh: Ten Episodes in China’s Diplomacy. Author: Qian Qichen. Publisher: Harpercollins. Bản tiếng Việt: Tiền Kỳ Tham, 10 câu chuyện ngoại giao (hay: một đoạn hồi ức), Trần Hữu Nghĩa và Dương Quốc Anh dịch, 2007 (bản thảo). BT

[2]Qian Qichen (钱其琛) (5/1/1928-) Sinh tại Thượng Hải, vào Đảng Cộng sản Trung quốc vào 1942. Sau khi học xong năm 1955, trở thành nhà ngoại giao, từng ở Moskva. Một thời gian là đại sứ tại Guinea. Thứ trưởng Ngoại giao từ 1982-1988 và bộ trưởng từ 1988-1998. Phó Thủ tướng từ năm 1993. BT

[3]Agreement on a Comprehensive Political Settlement of the Cambodia Conflict. BT

[4]Sự kiện Thiên An Môn năm 1989, chính quyền Trung Quốc đàn áp phong trào dân chủ. BT.