Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Chiến tranh hiện đại trong môi trường toàn cầu hoá đòi hỏi các cường quốc phải điều chỉnh học thuyết chiến tranh của mình cho phù hợp với tình hình mới. Nước Mỹ cũng đang dần dần phải điều chỉnh lại phương thức tiến hành chiến tranh trong tương quan với sự trỗi dậy của các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Cả Bắc Kinh và Moscow đều đang tiến hành hiện đại hoá quân đội nhanh chóng. Các loại vũ khí hiện đại liên tục được đưa ra trình diễn và thử nghiệm khiến cho sức mạnh, sự hiện diện cũng như khả năng triển khai của quân đội Mỹ giảm sút. Không chỉ có các cường quốc lớn, mà các nước nhỏ hơn như Iran hay Bắc Triều Tiên cũng đang phát triển năng lực quốc phòng của riêng minh dựa trên nền tảng chống xâm nhập/chống tiếp cận xoay quanh khái niệm mang tên “cuộc cách mạng quân sự” (hay Revolution in Military Affairs). Trong khi đó, nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với những khó khăn của riêng mình, chủ yếu trong lĩnh vực đối nội. Ngân sách quốc phòng suy giảm, cùng với tư duy gây khó chịu và cứng đầu của giới chính trị Mỹ trong việc nhận thức được những thách thức mới mà quân đội đang phải đối mặt đã khiến cho quốc gia này chậm chạp trong việc thay đổi xu hướng suy giảm quyền lực hiện nay.
Vậy, chiến lược quốc phòng nào có thể giúp Mỹ bảo vệ được đồng minh và một trật tự quốc tế có lợi cho mình trong khi Washington không còn duy trì được ưu thế thống trị như trước đây? Elbridge Colby từ Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ mới (CNAS) cho rằng quân đội Mỹ nên chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh “hạn chế” (limited wars). Quân đội Mỹ cần phải nhận ra một điều rằng chiến lược ngăn chặn và phòng thủ vẫn có thể được tiến hành trong bối cảnh nước Mỹ không còn nắm giữ ưu thế tuyệt đối về quân sự. Tiến hành chiến tranh “hạn chế” là làm sao duy trì được khả năng đối đầu với Trung Quốc hay Nga mà không khiến cho các nước này phải sử dụng tới vũ khí hạt nhân.
Khái niệm “chiến tranh hạn chế” được mô tả như những cuộc xung đột mà trong một số khía cạnh đã được giới hạn bởi các bên tham chiến. Lý do là bởi vì cả hai bên đều lo sợ hậu quả mang tính huỷ diệt có thể xảy ra nếu như không có một sự dàn xếp hay phối hợp kiểm soát mức độ giới hạn của cuộc chiến. Những giới hạn đó có thể là sản phẩm của các hiệp định chính thức giữa các bên, nhưng chủ yếu là do thỏa thuận ngầm, liên quan tới cách thức kết thúc cuộc chiến, giới hạn địa lý, mức độ sử dụng vũ lực, loại vũ khí sử dụng và một số yếu tố khác. Mục đích của việc đặt giới hạn là giúp hạn chế quy mô và mức độ của chiến tranh, nhằm bảo vệ lợi ích của bản thân, của các đối tác, đồng minh bạn bè hay các lợi ích khác (như uy tín quốc tế).
Nước Mỹ cần phải chuẩn bị tâm thế để không những có thể chiến đấu tốt trong môi trường mà mình có lợi thế, mà còn phải chiến đấu tốt trong môi trường bất lợi. Quân đội Mỹ khi đó sẽ phải sở hữu đủ năng lực, kế hoạch, học thuyết, chiến lược để có thể giành thắng lợi trong một cuộc “chiến tranh hạn chế”. Mục tiêu cuối cùng của “chiến tranh hạn chế” không phải là để huỷ diệt hoàn toàn đối phương. Thay vào đó, cả hai phía đều phải đồng ý kết thúc cuộc chiến mà không khiến cho chiến tranh leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Yếu tố đồng minh và bạn bè truyền thống là một trong những trọng tâm trong chiến lược xoay trục cũng như các chiến lược quốc phòng của Mỹ trong thời gian gần đây. Thông qua hệ thống Trục và Nan hoa được làm mới, Washington mong muốn các đồng minh của mình sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định tại Châu Á – Thái Bình Dương. Nhật Bản vì thế sẽ là một mắt xích quan trọng.
Nhật Bản có một lịch sử lâu dài gầy dựng ảnh hưởng và sức mạnh của mình ở tầm quốc tế. Trong nửa cuối thế kỷ 19, Nhật Bản trở thành câu chuyện kinh tế thành công đầu tiên của Châu Á. Theo sau hai cuộc chiến tranh với nhà Thanh ở Trung Quốc và Đế quốc Nga, Nhật Bản vươn lên thành cường quốc quân sự toàn cầu đầu tiên ở châu Á. Hiện nay, sau hàng thập kỷ dựa vào sự trợ giúp về mặt an ninh của Mỹ, Tokyo đang khiến cho cấu trúc an ninh và quyền lực của khu vực thay đổi một cách nhanh chóng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu cho quá trình thay đổi này chính là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
Do nước Mỹ vẫn đang lưỡng lự trong việc áp đặt cái giá phải trả lên các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc, người Nhật quyết định phải hành động. Chính phủ Nhật đã thành lập Hội đồng an ninh Quốc gia và tiến hành “bình thường hoá” các cấu trúc an ninh hiện hữu của mình. Thông qua việc giảm bớt các quy tắc xuất khẩu vũ khí, gia tăng ngân sách quốc phòng, khẳng định quyền được thực thi “quyền phòng vệ tập thể”, chính phủ Nhật đã mở đường để nước này có thể hợp tác tích cực hơn với các nước bạn bè và theo đuổi những nhiệm vụ gìn giữ hoà bình ở nước ngoài. Tuy nhiên, các nỗ lực cho tới hiện tại vẫn được hạn chế về quy mô và mức độ, để đảm bảo nước Nhật không quay trở lại chủ nghĩa quân phiệt như trước Thế chiến thứ hai.
Sự trỗi dậy về mặt quân sự của Nhật, vì thế, là quan trọng cho việc đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực. Các cải cách có thể khiến nước Nhật có đủ khả năng để phòng thủ quốc gia, đồng thời xây dựng được các mối quan hệ đối tác có thể giúp giảm thiểu sự bất cân bằng trong cán cân quyền lực ở Châu Á – Thái Bình Dương hiện tại. Điều quan trọng lúc này là chính phủ Nhật cần phải làm sao giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ người dân trong nước cho các kế hoạch này.
Nước Nhật cần được tái vũ trang để trở thành một cường quốc quân sự độc lập, thông qua chính sách “hoà bình chủ động” mà Thủ tướng Shinzo Abe đã đề cập. Không giống như Anh hay Pháp, hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, việc Nhật Bản cần làm là xây dựng được một lực lượng quy ước mạnh, với trình độ công nghệ thông tin tiên tiến. Điều này sẽ giúp làm gia tăng GDP của Nhật và làm lợi cho các công ty quốc phòng của Mỹ.
Một số tin tức đáng chú ý
Bắc Kinh gần đây thông báo đã tiến hành thành công một cuộc thử nghiệm kéo dài 48 giờ đối với loại khinh khí cầu bay cao đầu tiên của nước này. Khí cầu mang tên Yuanmeng bay ở độ cao từ 20 đến 100km. Theo truyền thông Trung Quốc, Yuanmeng đã đạt độ cao 20km tại khu vực thử nghiệm, với ba động cơ sử dụng năng lượng mặt trời. Đây được coi là một trong những loại khinh khí cầu năng lượng mặt trời lớn nhất từ trước tới nay được chế tạo. Yuanmeng có chiều dài 75 mét, cao 22 mét, và có trọng tải từ 5 tới 7 tấn có thể chở được các thiết bị thông tin, quan sát và cảnh báo, thu hình. Xét về mặt quân sự, Yuanmeng có thể đóng vai trò cảnh báo sớm, thông tin liên lạc hay hỗ trợ tấn công.
Mỹ và Indonesia được trông đợi sẽ nâng cao quan hệ hợp tác quốc phòng song phương và tăng cường hợp tác hàng hải trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thông Joko “Jokowi” Widodo tới Washington. Cả hai nước sẽ đưa ra một bản tuyên bố chung toàn diện về các lĩnh vực hợp tác an ninh quốc phòng trong tương lai và ký kết mội bản ghi nhớ mới về hợp tác hàng hải.
Việt Nam đã chính thức công bố sở hữu hệ thống phòng không SPYDER của Israel. Một bài báo trên tờ Quân đội Nhân dân đã cho biết: “Về Vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) trong biên chế của quân chủng hiện nay, một số loại VKTBKT thuộc thế hệ cũ, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, tính đồng bộ, ổn định của các tham số bảo đảm đáp ứng cho chiến đấu bị ảnh hưởng do chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, nhất là các vùng biển, đảo… Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân chủng PK-KQ hiện đại, những năm qua, quân chủng đã tích cực triển khai nhiều dự án nhằm cải tiến, nâng cao tuổi thọ và tính năng của các loại VKTBKT; đồng thời, từng bước đầu tư mua sắm các loại VKTBKT mới, hiện đại như tổ hợp ra-đa cảnh giới ELM-2288/ER, đài ra-đa cảnh giới 36D6, ra-đa thụ động Kolchuga; tên lửa SPIDER, S-300PMU1, S-125-2TM; máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2, Casa-295; hệ thống quản lý tình báo tự động VQ 98-01, VQ-1M, VQ-2…; phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội nghiên cứu, sản xuất ra-đa RV-D1, VRS-S, VRS-W…”.
SPYDER là hệ thống phòng không cơ động tầm ngắn-trung được phát triển ở Israel. Ra mắt lần đầu năm 2005 và được bốn quốc gia nhập khẩu, SPYDER được thiết kế để bắn hạ nhiều loại mục tiêu gồm máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV và đạn chính xác cao.