Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (28/10/2015)

Print Friendly, PDF & Email

55837fd3ee48c-1

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Chuyển động quốc phòng nội bật nhất tuần vừa qua có lẽ là sự kiện khu trục hạm USS Lassen lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa. Đây có thể được coi là một sự kiện bước ngoặt, đánh dấu một bước tiến mới trong hồ sơ Biển Đông.

Sáng sớm ngày thứ ba, 28 tháng 10, hải quân Mỹ chính thức xác nhận tàu khu trục USS Lassen đã thực hiện thành công đợt tuần tra đầu tiên trong một chuỗi các nhiệm vụ nhằm đảm bảo tự do hàng hải (FONOPS) tại Biển Đông. Đây được đánh giá là phản ứng mạnh mẽ nhất của Mỹ trước các hành vi gia tăng năng lực kiểm soát hàng hải của Trung Quốc ở khu vực, điển hình là việc Bắc Kinh tiến hành xây dựng và mở rộng các đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Cần phải nhấn mạnh rằng các nhiệm vụ FONOPS tại Biển Đông không trực tiếp thách thức chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Washington thường xuyên nhấn mạnh rằng mình không đứng về bất cứ một bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền. Thay vào đó, việc tiến hành tuần tra xung quanh phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng giúp đưa ra thông điệp rằng nước Mỹ khẳng định quyền tự do hàng hải (freedom of navigation) tại bất cứ vùng biển nào theo Luật biển quốc tế UNCLOS.

Theo luật, trong một vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác, các tàu bất kể quốc tịch được phép “đi qua không gây hại” (innocent passage) nhưng phải đáp ứng được một số điều kiện. Trong đó, tàu của các nước không được “tiến hành các hành vi được cho là gây tổn hại tới hoà bình và an ninh của quốc gia ven biển…”, ví dụ như “thu thập thông tin” (Mục 2, Khoản 3, Điều 19). Điều đó có nghĩa rằng các quốc gia không đảm bảo được quyền tiến hành thu thập thông tin trong lãnh hải của quốc gia khác. Câu hỏi ở đây là liệu một thực thể xác định nào đó có thể sở hữu vùng 12 hải lý xung quanh hay không?

Trên thực tế, USS Lassen đã tiến hành tuần tra qua khu vực bãi Su Bi và Vành Khăn, hai điểm đang được Trung Quốc tiến hành xây dựng và mở rộng. Đứng trên quan điểm luật pháp, đây là lựa chọn đã được tham vẫn khá kỹ lưỡng. Cả Su Bi và Vành Khăn đều là các đối tượng lúc chìm lúc nổi và do đó không sở hữu vùng 12 hải lý xung quanh. Mỹ tiến hành các nhiệm vụ FONOPS không đơn thuần chỉ nhắm vào Trung Quốc mà còn các quốc gia có liên quan khác như Việt Nam hay Philippines.

Trung Quốc cho đến lúc này vẫn phản ứng khá thận trọng trên thực địa. Một tàu khu trục tên lửa và một tàu tuần duyên Trung Quốc đã theo dõi USS Lassen và đưa ra các cảnh bảo cần thiết, theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc sau đó tuyên bố sẽ điều hai tàu khu trục tên lửa Lan Châu và Đài Châu bám sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.

Trên mặt trận ngoại giao, Ông Dương Vũ Quân, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng quân đội nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp để “duy trì an ninh quốc gia”. Ông gọi hành động của Mỹ là “đe doạ an ninh và chủ quyền Trung Quốc, đe doạ các nhân viên và trang thiết bị trên đảo nhân tạo, đe doạ an toàn của ngư dân, gây tổn hại hoà bình khu vực”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cũng đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus để phản đối hành vi mà ông Toại cho là “cực kỳ thiếu trách nhiệm”.

Cũng cần lưu ý rằng Mỹ đã khá “kín tiếng” trong vụ việc này. Nhà Trắng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Quốc phòng không công bố công khai bất cứ tin tức gì về vụ việc. Không có tuyên bố chính thức hay thông cáo nào được đưa ra cho báo chí. Và nếu được hỏi, các quan chức được chỉ đạo rằng không được cho phép ghi âm cụ thể về quá trình tiến hành tuần tra.

Tuy nhiên, tại sao cho tới lúc này nước Mỹ mới thực sự phản ứng mạnh mẽ như vậy? Trong suốt hàng thập kỷ kể từ sự kiện tàu Gulftrex năm 1970, nước Mỹ luôn thực hiện một chính sách trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ tại Đông Á. Washington không đứng về bất kỳ bên nào và khuyến khích các quốc gia có liên quan tới tranh chấp giải quyết xung đột trong hoà bình.

Tuy nhiên, việc Mỹ đưa tàu và máy bay của mình vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc cho thấy Washington đang cố gắng thay đổi quan điểm chính sách này vì một số lý do.

Thứ nhất, các hành động hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông đang vượt ngoài tầm phản ứng của các nước trong khu vực. Mở rộng và bồi đắp các đảo nhân tạo là hành động mới nhất chứng tỏ cho nỗ lực kiểm soát trên thực tế khu vực biển nhộn nhịp này. Bất kể có yếu tố quân sự hoá hay không, Bắc Kinh cũng đã thành công với mục tiêu tạo “sự đã rồi”, thể hiện qua quy mô cải tạo đạo gấp hàng chục lần các nước có liên quan. Nếu không cứng rắn, Trung Quốc sẽ tiếp tục “lấn tới”.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Mỹ nói chung và tại Châu Á – Thái Bình Dương đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Chính quyền Obama phần nào không thể hiện được rõ ràng lập trường và lợi ích của chính nước Mỹ tại các điểm nóng như ở Trung Đông-Bắc Phi, hay ở Đông Âu. Sự kiện Scarborough, sau đó Trung Quốc đã chiếm lấy bãi cạn này từ Philippines, chứng tỏ sự lưỡng lự của Mỹ. Điều này khiến các lãnh đạo ở châu Á, kể cả Trung Quốc, tỏ ra nghi ngờ các cam kết và sự kiên quyết của Mỹ trong quá trình thực hiện chiến lược “tái cân bằng”. Để chứng tỏ uy tín của một cường quốc, Washington buộc phải có hành động rõ ràng và dứt khoát.

Thứ ba, Mỹ mong muốn đo lường phản ứng của Trung Quốc qua hành động tuần tra chưa có tiền lệ của mình. Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ vừa qua khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không quân sự hoá các đảo nhân tạo mà mình đang mở rộng. Đô đốc John Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nhấn mạnh rằng những tàu chiến Mỹ “chỉ đi qua vùng nước quốc tế”, và “Trung Quốc không nên coi đây là một hành vi gây hấn”.

Một số tin tức quốc phòng đáng chú ý

Nhật Bản đã chọn mẫu máy bay tiếp liệu trên không KC-46 Pegasus từ hãng Boeing của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã xác nhận thoả thuận trong một buổi họp báo và cho rằng “với việc sở hữu nhiều máy bay tiếp liệu, khả năng phòng không của chúng ta sẽ được tăng cường”. Nhật Bản theo kế hoạch sẽ tiếp nhận ba chiếc KC-46 cho tới năm 2020 với giá trị khoảng 172,8 triệu USD/chiếc. Hợp đồng sẽ được ký vào đầu năm 2016.

Hãng Northrop Grumman đã thắng thầu chế tạo thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới (LRS-B) cho không quân Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và lãnh đạo không quân thông báo rằng Northop Grumman đã đánh bại Boeing và Lockheed Martin trong cuộc đấu thầu, với tổng hợp đồng trị giá 55 tỷ USD. Đây được đánh giá là hợp đồng máy bay quân sự lớn nhất kể từ khi Lockheed Martin giành được quyền chế tạo F-35 một thập kỷ trước.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]