Nguồn: Jeffrey Frankel, “Why Support the TPP?” Project Syndicate, 08/10/2015.
Biên dịch: Nguyễn Hoàng Mỹ Phương | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Thỏa thuận giữa các nhà đàm phán đến từ 12 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đại diện cho một chiến thắng hiếm có. Những trở ngại chính trị to lớn, cả trong nước và quốc tế, đã được vượt qua để đạt được thỏa thuận. Và bây giờ là lúc những người chỉ trích việc phê chuẩn TPP, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, nên đọc thỏa thuận này với một đầu óc cởi mở.
Đa số các vấn đề xung quanh TPP đã được đóng khung, ít nhất theo thuật ngữ chính trị Hoa Kỳ, theo kiểu phe tả đối đầu với phe hữu. Thái độ thù địch không ngừng của phe tả đối với thỏa thuận – thường với lý do là nội dung của thỏa thuận trong suốt quá trình đàm phán đã không được thông báo cho Quốc hội Hoa Kỳ – mang đến hai mối nguy hiểm.
TPP có thể đã bị ngăn chặn, hoặc Đảng Dân chủ của Tổng thống Barack Obama có thể đã buộc phải hào phóng hơn với các công ty Mỹ để nhận được số phiếu cần thiết từ Đảng Cộng hòa. Trên thực tế, những người quan tâm về các quyền lao động và môi trường đã tự gây nguy cơ làm tổn hại đến chính mục tiêu của họ. Bằng cách bóng gió rằng họ sẽ không ủng hộ TPP dưới bất kỳ điều kiện nào, Obama đã có ít động lực để theo đuổi những yêu cầu của họ.
Nhìn từ góc độ này, TPP là một ngạc nhiên thú vị. Thỏa thuận này mang đến cho các công ty dược phẩm, thuốc lá, và các tập đoàn khác ít hơn nhiều so với những gì họ đòi hỏi – đến mức Thượng nghị sĩ Orrin Hatch và một số đảng viên Đảng Cộng hòa khác giờ đây đã phải lên tiếng phản đối việc phê chuẩn. Tương tự, thỏa thuận này mang lại cho các nhà hoạt động môi trường nhiều hơn những gì họ đã nỗ lực yêu cầu.
Có lẽ một số kết quả trong số này là do lập trường thương lượng cứng rắn từ phía các đối tác thương mại khác (chẳng hạn như Úc). Dù sao thì những người chỉ trích TPP lúc này nên đọc các chi tiết cụ thể mà họ từ lâu muốn thấy và cân nhắc lại quyết định chống đối thỏa thuận của mình.
Gây tranh cãi nhất ở Mỹ là những vấn đề đôi khi được gọi là “hội nhập sâu” do chúng vượt xa hơn những sự nới lỏng truyền thống về thuế quan và hạn ngạch thương mại. Mối quan tâm của phe tả về lao động và môi trường đi kèm với lo ngại về những lợi ích quá mức cho các tập đoàn: việc bảo hộ tài sản trí tuệ của các công ty dược phẩm cũng như của các công ty khác, và các cơ chế được sử dụng để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và các quốc gia.
Vậy chính xác là có những gì trong bản TPP cuối cùng? Trong số các vấn đề về môi trường, có hai điểm nổi bật. Thỏa thuận này bao gồm các bước quan trọng để thực thi các điều khoản cấm được nêu trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). TPP cũng có những bước tiến đáng kể nhằm hạn chế trợ cấp cho các đội tàu đánh cá – vốn lãng phí tiền thuế của người dân ở nhiều quốc gia và đẩy nhanh sự suy giảm của các loài sinh vật biển. Rõ ràng đây là lần đầu tiên, những biện pháp môi trường này sẽ được hỗ trợ bằng các biện pháp trừng phạt thương mại.
Tôi (Jeffrey Frankel) mong rằng các nhóm hoạt động môi trường đã dành cho việc xác định tiềm năng của những kết quả tốt đẹp như vậy ít nhất một nửa thời gian và năng lượng mà họ đã dành cho việc phê bình vơ đũa cả nắm quá trình đàm phán. Những người chỉ trích dường như đã quá bận rộn đến mức bỏ qua việc thỏa thuận về trợ cấp đánh cá đã đạt được tại Maui hồi tháng 7. Nhưng vẫn chưa quá muộn để các nhà hoạt động môi trường cùng tham gia.
Tương tự, các quy định khác nhau trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á, là một sự tiến bộ. Chúng bao gồm các biện pháp thúc đẩy các quyền công đoàn tại Việt Nam và các bước xử lý nạn buôn người ở Malaysia.
Có lẽ sự bất định lớn nhất liên quan đến các tập đoàn lớn của Mỹ là mức độ mà họ sẽ đạt được trong các lĩnh vực giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những người chỉ trích TPP thường không thừa nhận rằng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế có thể phục vụ cho các mục đích hợp lý, hay ở một mức độ nào đó việc bảo vệ bằng sáng chế là cần thiết nếu muốn các công ty dược phẩm có đủ động lực để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Dĩ nhiên, sẽ có nguy cơ là sự bảo vệ như vậy cho các công ty có thể đi quá xa. Các quy định giải quyết tranh chấp có thể can thiệp một cách bất hợp lý, ví dụ như, vào những chiến dịch chống thuốc lá của các quốc gia thành viên. Nhưng cuối cùng thì các công ty thuốc lá đã không nhận được những gì mà họ đòi hỏi; Úc hiện nay được tự do ra quyết định cấm in logo thương hiệu trên vỏ bao thuốc lá. TPP cũng đặt ra những biện pháp bảo vệ mới khác để chống lại việc lạm dụng cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tương tự như vậy, các biện pháp bảo vệ tài sản trí tuệ có thể đã thiết lập sự độc quyền kéo dài 12 năm đối với dữ liệu mà các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm của Mỹ tập hợp được về các loại thuốc mới (đặc biệt là sinh dược), qua đó cản trở sự cạnh tranh của các phiên bản thuốc phổ thông có chi phí thấp hơn. Nhưng cuối cùng thì những công ty này đã không có được tất cả những gì họ muốn; dù TPP phần nào đã giúp bảo vệ sở hữu trí tuệ của họ nhiều hơn so với trước đây nhưng nó chỉ đảm bảo bảo vệ dữ liệu của họ từ 5 đến 8 năm.
Sự tập trung vào các lĩnh vực mới của hội nhập sâu không nên che khuất những lợi ích thương mại tự do cổ điển vốn là một phần của TPP: cắt giảm hàng ngàn hàng rào thuế quan và phi thuế quan hiện hành. Tự do hóa sẽ ảnh hưởng đến các ngành chế tạo như ngành công nghiệp ô tô, cũng như các ngành dịch vụ, bao gồm cả Internet. Tự do hóa nông nghiệp – từ lâu là vấn đề khó đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán thương mại quốc tế – là đáng chú ý. Các quốc gia như Nhật Bản đã đồng ý nhập khẩu nhiều hơn các sản phẩm bơ sữa, đường, thịt bò, và gạo từ các công ty sản xuất hiệu quả hơn ở các nước như New Zealand và Úc. Không chỉ trong những lĩnh vực này, những lập luận truyền thống kinh điển về lợi ích từ thương mại tỏ ra đúng đắn: những cơ hội xuất khẩu mới dẫn đến mức lương cao hơn và chi phí sinh hoạt thấp hơn.
Nhiều công dân và chính trị gia đã đưa ra quyết định về TPP từ lâu dựa trên những chỉ trích nặng nề về hậu quả của các cuộc đàm phán. Giờ đây họ nên nhìn vào kết quả với một tâm trí cởi mở. Họ có thể nhận ra rằng những cơn ác mộng tồi tệ nhất đã biến mất trước ánh sáng ban ngày.
Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính quốc tế và Kinh tế vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế (Business Cycle Dating Committee), cơ quan chính thức của Mỹ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.
Copyright: Project Syndicate 2015 – Why Support the TPP?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]