Ý định chiến lược đằng sau cuộc gặp Tập – Mã

ma-xi-meet

Nguồn: Jonathan Sullivan, “The strategic intentions behind Xi Jinping’s meeting with Ma Ying-jeou”, South China Morning Post, 06/11/2015.

Biên dịch: Lê Hồng Hiệp

Khi Tập Cận Bình và Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) bắt tay vào ngày thứ Bảy tại Singapore, đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử chủ tịch nước và tổng thống đương nhiệm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc trực tiếp gặp nhau, dù họ sẽ không gọi nhau bằng những chức danh như vậy. Ý nghĩa biểu tượng này là rất lớn, đặc biệt là về phía Trung Quốc, nơi mà hình ảnh của một Đài Loan trở về với đất mẹ luôn tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn cả cảnh ông Tập đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama hay được đón tiếp trang trọng bởi nữ hoàng Anh. Cuộc gặp rõ ràng là một thành tích đối với ông Mã, người được thúc đẩy bởi một cảm nhận về một dân tộc Trung Hoa và vai trò của cá nhân ông trong việc bảo tồn nó. Đó cũng sẽ là một tin tuyệt vời đối với Bắc Kinh để phổ biến cho người dân trong nước, khi tờ Hoàn cầu Thời báo tuyên bố rằng “vấn đề Đài Loan không còn là một vấn đề nữa”.

Ngoài việc đưa tin ồn ã và nhiệt tình của các phương tiện truyền thông nhà nước, thời gian của cuộc họp tiết lộ rất nhiều điều về những ý định đằng sau nó. Chỉ còn hai tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử ở Đài Loan nơi gần như chắc chắn Đảng Dân Tiến (DPP) sẽ giành ghế tổng thống và lần đầu tiên chiếm được đa số trong cơ quan lập pháp. Đối với Bắc Kinh, vốn nghi ngờ “ý định thực sự” chủ tịch DPP Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) và năng lực của bà trong việc kiểm soát “khuynh hướng ly khai” của các phe phái trong đảng của mình, đây là một điều đáng sợ.

Lần cuối cùng DPP kiểm soát nhiệm kỳ tổng thống, mặc dù phải đối mặt với một phe đa số đối lập từ liên minh Quốc Dân Đảng/Đảng Nhân dân trong quốc hội nhưng Trần Thủy Biển đã có thể củng cố rộng rãi các ý tưởng về một Đài Loan khác biệt và tách biệt so với phần còn lại của Trung Quốc. Giờ đây, sau tám năm dưới một vị tổng thống gần gũi một cách bất thường với Đại lục, và đủ quyền lực để thúc đẩy những bước đi quan trọng hướng tới hội nhập kinh tế với Đại lục ít nhất là trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, các xu hướng trong dư luận Đài Loan đang bất lợi đối với những người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh. Các cuộc thăm dò dư luận trong nhiều thập niên cho thấy người Đài Loan chưa bao giờ chắc chắn như vậy về bản sắc của họ, và ủng hộ bản sắc Đài Loan là rõ ràng trong giới trẻ. Tại thời điểm đó, Bắc Kinh đã quyết định can thiệp.

Trong ngắn hạn, triển vọng sự can thiệp của Bắc Kinh có thể cứu giúp được Quốc Dân Đảng – vốn nhiều tháng nay đang hướng tới một thất bại bầu cử lớn – là rất thấp. Mặc dù Quốc Dân Đảng gần đây đã loại bỏ ứng viên tổng thống được bầu hợp lệ của mình và vốn là người ủng hộ thống nhất với Đại lục Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu), những biện pháp cần thiết để thay thế bà Hồng bằng chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân (Eric Chu) dường như là một nỗ lực vô ích. Bị ảnh hưởng uy tín bởi mối quan hệ với ông Mã cũng như do quyết định chần chừ của ông trong việc tranh cử, kết quả thăm dò cử tri ​​của Chu cũng không khá hơn bà Hồng là mấy.

Phát huy thắng lợi lịch sử trong cuộc bầu cử địa phương cuối tháng 11 năm ngoái, các chiến dịch tranh cử quốc gia của DPP đến nay rất thuận buồm xuôi gió. Bà Thái đã đưa ra những lập trường hợp lòng dân về vấn đề Trung Quốc và nền kinh tế, đồng thời có một chuyến đi thành công tới Mỹ. Hiện bà đang dẫn trước đối thủ với một khoảng cách tỉ lệ hai con số. Do sự mất lòng dân của ông Mã chủ yếu là do vội vàng ngã vào lòng Trung Quốc, kết hợp với cơ chế ra quyết định thiếu minh bạch của ông (thể hiện qua việc Phong trào biểu tình Hoa hướng dương tập trung vào sự minh bạch trong chính trường), sẽ thật khó tưởng tượng việc một cuộc gặp được dàn xếp bí mật với Chủ tịch Trung Quốc có thể giúp ích cho Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra và dài hạn hơn, cuộc họp phục vụ nhiều mục đích cho cả hai bên. Ông Mã sẽ đạt được cột mốc ấp ủ lâu nay của mình và có thể chuyển đổi nó thành ảnh hưởng kéo dài sau khi ông hết nhiệm kỳ. Quan trọng hơn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc họp sẽ góp phần giới hạn những gì DPP có thể làm bằng cách tăng cường và củng cố nhận thức của “xã hội quốc tế” về hiện trạng trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan. Do giờ đây hầu như bài báo nào về Đài Loan (ở nước ngoài) cũng đề cập tới những từ như “tỉnh nổi loạn” hay “một tỉnh của Trung Quốc”, người ta có thể nói rằng Trung Quốc đã thắng trong cuộc chiến về định khung mối quan hệ.

Đại lục sẽ coi cuộc họp Tập –Mã là hiện thân của “tình hình nguyên trạng”: quan hệ hữu nghị, đối thoại và đối tác, hướng tới việc thống nhất đất nước. Thực tế còn lâu mới được như vậy, nhưng điều đó không quan trọng bằng hình ảnh và câu chuyện sẽ được xây dựng xung quanh nó. Việc đề cập tới một “hiện trạng được tăng cường” sẽ gây khó dễ cho lập trường của bà Thái trong chiến dịch tranh cử và nhất là sau khi bà giành chiến thắng. Hạn chế DPP, hạn chế trước dư địa hành động của đảng này và hạn chế những “thiệt hại” mà một chính quyền DPP có thể gây ra đối với dự án thống nhất đất nước là mục đích của cuộc họp này.

Đáng ngạc nhiên là những người thua cuộc trong tất cả câu chuyện này là người dân Đài Loan. Tuy nhiên, trái ngược với phản ứng của các phương tiện truyền thông được chính trị hóa cao độ, xã hội Đài Loan có vẻ khá thoải mái tiếp nhận cuộc họp này. Thật vậy, Đài Loan đã phản ứng với sự thanh thản trước điều mà nhiều người coi là cảnh tượng trơ trẽn của một nhà lãnh đạo bị chửi rủa theo đuổi mục tiêu cá nhân của mình chống lại những mong muốn của đa số, và chứng kiến ​​một thế lực bên ngoài âm mưu gây ảnh hưởng lên kết quả của một quá trình dân chủ mà họ đã rất khó khăn mới giành được.

Các của phản ứng chín chắn này là một sự bác bỏ vang dội đối với Trung Quốc cũng như một số các lãnh đạo Quốc Dân Đảng, những người phàn nàn rằng nền dân chủ Đài Loan bị làm cho suy yếu bởi tính chất cảm tính và chưa trưởng thành của người dân. Bất chấp sự cạnh tranh chính trị rốt ráo và sự kịch tính cao độ đi kèm với các cuộc bầu cử gay cấn của Đài Loan, thực tế có một mức độ đồng thuận cao về tình trạng của Đài Loan: một nền tự trị hoạt động tốt trong khuôn khổ của một nhà nước Trung Hoa Dân quốc, với kết cục tương lai vẫn chưa được quyết định rõ ràng.

Đa số người Đài Loan tự nhận mình là người Đài Loan, ủng hộ thể chế dân chủ của Đài Loan, tận hưởng các quyền tự do của xã hội Đài Loan, và phân biệt rất rõ ràng giữa Đài Loan và Đại lục. Người Đài Loan đang tức giận, nhưng họ cũng có đủ niềm tin vào sự vững mạnh của nền dân chủ để cho lá phiếu nói lên tiếng nói của mình. Họ biết rằng, vào ngày 16 tháng 1 tới, cơ hội của họ sẽ đến để hạ bệ ông Mã và chấm dứt tám năm cầm quyền của Quốc Dân Đảng. Điều đáng lo ngại là quyền được trừng phạt Quốc Dân Đảng trở thành một “chiến thắng với thương vong quá lớn” nếu tương lai của Đài Loan đã bị ảnh hưởng bởi một thứ rõ ràng phi dân chủ như là cuộc họp bất ngờ giữa ông Tập và ông Mã.

Jonathan Sullivan là giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Nottingham.

Xem thêm: Đài Loan chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống toàn nữ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]