Tương lai Đài Loan sau bữa tối giữa Tập và Mã

Print Friendly, PDF & Email

maxi

Nguồn: Chris Patten, “A Chinese Dinner for Two”, Project Syndicate, 10/11/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Một lượng nước lớn đã chảy qua eo biển Đài Loan trong 70 năm qua kể từ khi nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc là Mao Trạch Đông gặp gỡ Tưởng Giới Thạch – thủ lĩnh Quốc Dân Đảng đối lập. Do đó cuộc gặp gần đây ở Singapore giữa những người kế thừa của họ: Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và người đồng nhiệm Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đáng được miêu tả là một sự kiện mang tính lịch sử.

Cuộc đàm phán ngoại giao diễn ra trước cuộc gặp này rất phức tạp, thậm chí bao gồm cả việc ai nên trả tiền cho bữa tối (họ đã chia tiền hóa đơn). Tuy nhiên, sau cuộc gặp ngắn đằng sau những cánh cửa khép kín đã không có một tuyên bố chung nào được đưa ra và chỉ có một bài tường thuật được rà soát kỹ lưỡng về cuộc gặp được phát trên các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc. Vậy tại sao cuộc gặp này diễn ra và nó báo trước điều gì?

Kể từ khi những người Cộng sản của ông Mao giành chiến thắng trong cuộc nội chiến (cuộc chiến mà cuộc gặp cuối cùng giữa hai đảng năm 1945 nỗ lực ngăn chặn) và lực lượng Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch rút về Đài Loan, quan hệ giữa hai bên vẫn âm ỉ nóng mà chưa bao giờ thực sự bắt lửa. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoa Kỳ và giới lãnh đạo Quốc dân Đảng không hề mất đi, và Hoa Kỳ đã trao cho Đài Loan những đảm bảo về mặt quân sự nhằm ngăn cản Trung Quốc cố gắng thống nhất hòn đảo này với đại lục bằng vũ lực.

Các cuộc phiêu lưu của ông Mao trên bán đảo Triều Tiên nhằm ủng hộ Bắc Triều Tiên chống Nam Triều Tiên và các đồng minh phương Tây của nó đã giúp củng cố trục quan hệ Washington – Đài Bắc; và nhờ một số động thái ngoại giao khéo léo, trục quan hệ này đã tiếp tục tồn tại bất chấp chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc vào đầu những năm 1970 của Tổng thống Mỹ Richard Nixon. Hoa Kỳ đã công nhận những người cộng sản ở Bắc Kinh là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, đồng thời giúp duy trì Đài Loan trong một tình trạng lấp lửng về chủ quyền và địa vị một quốc gia độc lập. Hòn đảo này vận hành công việc riêng của mình, trở thành một nền dân chủ năng động trong những năm 1980, nhưng không bao giờ nhất quyết đòi được quốc tế công nhận là một nhà nước có chủ quyền đầy đủ.

Với những nhà cầm quyền của Trung Quốc, Đài Loan là một “tỉnh nổi loạn” và Trung Quốc kiên quyết không quan hệ ngoại giao với những thành viên của cộng đồng quốc tế cố gắng coi Đài Loan là một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, trong quá trình đó cũng có một sự công nhận trên thực tiễn, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Người ta nhớ về năm 1989 vì các vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng vào tháng Năm và tháng Sáu, các bộ trưởng trong đó có tôi đã bay tới Bắc Kinh để tham dự một sự kiện mà dường như đối với tất cả chúng tôi là một cơ hội tích cực và thực sự mang tính lịch sử. Trung Quốc đã lần đầu tiên cho phép Đài Loan tham dự cuộc họp thường niên của Ban Quản trị Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), miễn là nó được gọi bằng cái tên “Đài Bắc, Trung Quốc”.

Vài năm sau, khi tôi là một ủy viên của Liên minh châu Âu (EU), sau khi đàm phán việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan, chúng tôi muốn thiết lập một văn phòng EU tại Đài Bắc để theo dõi sự tuân thủ các quy tắc WTO của hòn đảo này. Trước khi làm như vậy, tôi đã nhấn mạnh với chính phủ Trung Quốc rằng những gì chúng tôi đang làm chỉ là mở một cơ quan thương mại chứ không phải là một đại sứ quán.

Đối với cả Trung Quốc và Đài Loan, tiền có sức hút, và nền kinh tế của hai bờ hiện nay được liên kết chặt chẽ, với nhiều người Đài Loan sống và làm việc tại Trung Quốc (đặc biệt ở khu vực Thượng Hải) và các khoản đầu tư rất lớn của Đài Loan vào ngành chế tạo của Trung Quốc. Foxconn của Đài Loan, nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới (bao gồm các thiết bị Blackberry, iPhone, và Kindle), có 12 nhà máy ở Trung Quốc, trong đó một nhà máy ở Thâm Quyến sử dụng hàng trăm ngàn lao động.

Tuy nhiên, mặc dù nền chính trị Đài Loan bị chi phối một cách tự nhiên bởi mối quan hệ của hòn đảo này với đại lục, thực tế quan hệ thương mại sâu sắc giữa Trung Quốc và Đài Loan đã không có sự tương ứng về mặt ngoại giao. Quốc Dân Đảng muốn cải thiện quan hệ mà không từ bỏ sự độc lập của Đài Loan. Đối thủ của nó, Đảng Dân Tiến, lại muốn đạt được một tư thế tự chủ hơn, mặc dù khả năng đảng này có thực sự muốn bất cứ điều gì thực chất tới mức làm Trung Quốc tức giận vẫn là không chắc chắn.

Một cuộc khảo sát ba năm trước đây cho thấy rằng 80% trong tổng số 25 triệu người dân Đài Loan sẽ ủng hộ một tuyên bố độc lập chính thức, miễn là điều này không dẫn đến một cuộc xâm lược của Trung Quốc. Đó là một tỉ lệ khá lớn. Trung Quốc thường xuyên cảnh báo Đài Loan không được tiến hành bất kỳ hành động nào liều lĩnh như vậy, và Hoa Kỳ cũng gây sức ép lên các nhà lãnh đạo của hòn đảo bất cứ khi nào họ có vẻ trở nên quá xem thường đại lục.

Dường như có hai lý do cho cuộc gặp giữa ông Tập và ông Mã. Đầu tiên, họ lo lắng rằng Quốc Dân Đảng, vốn đã thất bại thảm hại trong các cuộc bầu cử địa phương năm ngoái, sẽ tiếp tục thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Một (năm 2016). Cả hai hy vọng rằng việc thể hiện Trung Quốc và Đài Loan có thể hòa thuận với nhau mà không gặp quá nhiều rắc rối sẽ mang lại lợi thế bầu cử cho Quốc dân Đảng.

Ngoài ra, tại thời điểm khi mà nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và những căng thẳng trong khu vực đang tăng lên do Trung Quốc đang khoa trương cơ bắp tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, ông Tập có vẻ háo hức muốn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của mình. Sau khi làm nhiều nước láng giềng chứ không chỉ người Mỹ bất an, chuyến thăm của ông đến Việt Nam và chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Hàn Quốc là một phần tương tự với chính sách ngoại giao “ăn tối” với ông Mã.

Những dự định thực sự và về dài hạn của Trung Quốc không hoàn toàn rõ ràng, và có lẽ đó là một phần trong chiến lược của nước này: Những tín hiệu không rõ ràng đóng một vai trò quan trọng trong ngoại giao. Nhưng có hai điều rõ ràng.

Trước hết, sáng kiến của ông Tập thể hiện mức độ mà ông chi phối nền chính trị Trung Quốc. Một nhà lãnh đạo yếu hơn có thể đã không tiến hành một bước đi nhiều tham vọng như vậy, điều cho thấy một sự đột phá khỏi tư duy chính thống của Đảng Cộng sản trước đây.

Thứ hai, việc tái thống nhất hòa bình giữa đại lục và Đài Loan vẫn sẽ không xảy ra trừ phi diễn ra trên cơ sở “một nhà nước, hai chế độ” như Trung Quốc tiếp tục hứa hẹn. Tuy nhiên, người Đài Loan không thể an tâm trước những điều mà họ chứng kiến ngày nay ở Hồng Kông, nơi từng được hứa hẹn điều tương tự trước khi trở về với Trung Quốc đại lục năm 1997.

Hệ thống của Đài Loan là dân chủ, còn của Trung Quốc thì không như vậy. Điều mà trường hợp của Hồng Kông cho thấy là Trung Quốc sẽ phải ép Đài Loan từ bỏ dân chủ và pháp quyền – hoặc tự mình theo đuổi cả hai điều đó – trước khi nước này có thể chào đón “tỉnh nổi loạn” của mình trở về với đại gia đình.

Chris Patten, Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông và là cựu ủy viên của EU về đối ngoại, là Hiệu trưởng của Đại học Oxford.

Copyright: Project Syndicate 2015 – A Chinese Dinner for Two

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]