Tác giả: Nguyễn Mạnh Dũng
Vấn đề đánh giá lại nhiều nhân vật, triều đại lịch sử đã và đang gặp những khó khăn trong giới sử học Việt Nam. Sự khác biệt và tồn tại các quan điểm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải nói đến nguồn tư liệu chính sử nhà Nguyễn và góc nhìn của sử gia.
Nguyễn Ánh (Gia Long) là một nhân vật lớn, vị vua khai triều của nhà Nguyễn triều đại phong kiến cao nhất và cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Lịch sử đã trao cho vị khai triều này số phận đặc biệt, nên việc khó khăn trong khi nhìn nhận, đánh giá về nhà Nguyễn nói chung, về Nguyễn Ánh – Gia Long nói riêng vẫn đang là thách thức cho giới sử học trong nước và quốc tế.
Với mục đích hợp tuyển các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam tiêu biểu, Trần Tuyết Nhung và Anthony J.S. Reid đã hợp biên và xuất bản vào năm 2006 công trình với tiêu đề Việt Nam – Lịch sử không biên giới [1] với phần lớn là tên tuổi các nhà Việt Nam học người nước ngoài đã khá quen thuộc ở Việt Nam. Trong số những bài viết đó, luận văn “Xuyên quốc gia và đa chủng tộc đầu thời Nguyễn Ánh – Gia Long” [2] của PGS. TS. Wynn Wilcox (Đại học Western Connecticut – Hoa Kỳ) thể hiện một góc nhìn khá độc đáo, một hướng tiếp cận lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX.
I. Một vài vấn đề về sử liệu và phương pháp nghiên cứu
Có nhiều hướng tiếp cận đối tượng nghiên cứu, tại thời điểm hoạt động của Nguyễn Ánh – Gia Long từ nửa sau thế kỷ XVIII lịch sử đã ghi nhận sự hiện tồn của rất nhiều chủng tộc người với các quốc tịch khác nhau trên lãnh thổ Đàng Trong hay Nam Hà. Trong một môi cảnh tích hợp của rất nhiều yếu tố Đông – Tây như vậy, vấn đề đặt ra phải chăng chủ thể của các sự kiện thời điểm đó không ai khác chính là người Việt và người Pháp? Hay nới rộng ra chiều hướng lịch sử Việt Nam sẽ được quy định nhiều vào những tác nhân chủ đạo đó.
Trong khi còn chưa có được một sự đồng thuận cao, với phạm vi có thể phân tách nhỏ hơn, nghiên cứu của Wilcox cho rằng cần lưu ý đến “tính chất người Việt” và “tính chất người Pháp” nghĩa là những người mang hai dòng máu (bố là người Pháp, mẹ là người Việt) và bộ phận người Pháp (những người sinh ra ở Pháp song phần lớn thời gian trưởng thành và hoạt động ở Việt Nam). Từ quan điểm tiếp cận bao quát trên, dường như trước nay “các nghiên cứu đều dễ dàng quá mức khi định họ là người Việt hay họ là người Pháp thế kỷ XVIII-XIX” [3] [tr. 211]. Giải quyết vấn đề đó sẽ có ý nghĩa trong việc dự báo sự tồn tại của từng cá nhân – người nước ngoài trong xã hội bản xứ, cũng như tác động qua lại giữa họ với người bản địa.
Trong khi thừa nhận sự tồn tại của những người nước ngoài ở Việt Nam, đương nhiên cần có một cái nhìn bổ sung và tích cực về đóng góp của những nhân vật này trong chiến thắng của Nguyễn Ánh. Thêm nữa, trong mối quan hệ với những người nước ngoài khác, cần có một cách tiếp cận tổng thể, không thể chỉ ra các “cặp tương phản” như người nước ngoài – người Việt, phương Đông – phương Tây, theo đạo Thiên chúa – không theo đạo Thiên chúa (theo đạo Nho, Phật, Tin Lành…)… Từ ý nghĩa bao trùm đó, “việc phân chia rạch ròi thành người Pháp và người Việt trong khi nghiên cứu chỉ là ranh giới nhân tạo, vì liên minh hay chia rẽ trong triều Nguyễn dựa vào mối quan hệ cá nhân hơn là cơ sở tộc người hay nguồn gốc dân tộc” [tr. 196].
Ngoài việc có rất nhiều sự kiện, hay những vấn đề không được mô tả, ghi chép lại nguồn tư liệu thường chỉ được khai thác qua tư liệu tiếng Việt hoặc tiếng Pháp. Trong khi một bên coi người Pháp (đại diện mở đầu là Bá Đa Lộc [Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine 1741-1799]) và các quan chức người Pháp khác trong triều buổi đầu thời Gia Long “trở thành biểu tượng của công cuộc thực dân của Pháp ở Việt Nam” rồi được “biểu tượng hóa sự hiện diện của Pháp ở Việt Nam” [tr. 206] là những kẻ thực dân, nên tư liệu của chính sử nhà Nguyễn thường không được đề cập đến người Pháp thế kỷ XVIII đầu XIX; còn tư liệu bên kia thường ca ngợi thành quả của công cuộc văn minh ở những nước cần phải khai hóa “công cuộc thực dân của Pháp đã trợ giúp, bảo vệ Hoàng đế Việt Nam và khai hóa văn minh cho nhân dân toàn xứ”, còn “nhân dân Pháp như là chất xúc tác cho lịch sử cận đại Việt Nam” [tr. 210-211]. Như vậy, hệ quả phổ biến là các nghiên cứu sẽ đề cao hay hạ thấp lẫn nhau, nhấn mạnh đến sự đối đầu Đông – Tây.
Công cuộc thực dân hóa ở Việt Nam từ “những năm 60 thế kỷ XIX” cùng với hệ lụy, tiêu cực trong quan hệ hai nước, dưới góc độ nhận thức luận lịch sử, các sử gia triều Nguyễn đã viết sử dưới quan điểm phê phán hay bỏ qua không nhắc đến. Trong khi nhấn mạnh đến mức độ đối đầu Pháp – Việt các nhà nghiên cứu hiện đại lại lấy cái nhìn ‘xuyên đại’ hay bị giới hạn của ‘đường biên giới hiện tại’ [4] để áp dụng thậm chí áp đặt vào một quá khứ khác không như những gì họ đang gập hoặc cố gắng nhận thức chúng. Trước nay, những nhân vật Pháp cuối thế kỷ XVIII đầu XIX theo Wilcox, bị coi như nhóm giáo sĩ tìm kiếm sự phiêu lưu và quyền lực hay những kẻ đảo ngũ. Trong khi đó, nhóm “người Việt” cũng được tách bạch thành 2 loại: Thứ nhất là Quang Trung hay Hoàng đế Bắc Hà và quần thần; Thứ hai là Nguyễn Ánh – Hoàng đế Nam Hà và quan lại dưới trướng. Ngoài việc góp phần làm sai lệch lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII, Wilcox còn cho rằng các nhà nghiên cứu thường biểu thị 3 khuynh hướng tiếp cận: Thứ nhất, các sử gia cuối XIX đầu XX ủng hộ và bảo vệ Nguyễn Ánh, đánh giá cao vai trò của người Pháp, “Nguyễn Huệ – Quang Trung được nhìn như tên phiến loạn chưa được khai hóa” [5] [tr. 195]; Thứ hai, sử gia theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, “coi người Pháp ở Việt Nam như những tên thực dân từ đó phê phán Nguyễn Ánh một tên bù nhìn, mặt khác phục dựng lại hình tượng Quang Trung và nhìn nhận như một vị anh hùng” [tr. 195-196]; Thứ ba tiêu biểu cho những sử gia Bắc Mỹ 4 thập niên cuối thế kỷ XX, đánh giá bình thường những “diễn viên người Pháp cuối thế kỷ XVIII, tôn vinh cả Gia Long và Quang Trung là những Hoàng đế hiệu quả” [6] [tr. 196] Tuy nhiên, cả 3 cách tiếp cận trên đều có điểm chung là “nghiên cứu các hoạt động chính trị thực dân Pháp để trở lại áp dụng vào tình hình thế kỷ XVIII. Do vậy, lịch sử Việt Nam thời kỳ này trở thành một sự “phóng dụ cho thời kỳ thực dân” [tr. 196].
Dưới góc độ nghiên cứu mức độ ứng biến và động thái tình cảm, cũng có thể tách thành: “kẻ phiêu lưu người Pháp (đại diện cho tên thực dân tốt theo cách thực dân hay tên thực dân tồi theo lối dân tộc chủ nghĩa)”. Chính loại đó “làm nền cho các điển hình người Việt: 1. Người khôn ngoan, thỉnh cầu sự trợ giúp từ người Pháp; 2. Loại nịnh bợ, mở cửa cho chủ nghĩa thực dân; 3. Tên nổi loạn man rợ; 4. Anh hùng đứng lên đấu tranh chống tên đế quốc và bọn tay sai người Việt.” [tr. 195-196]
Vấn đề cuối cùng ở đây chính là việc nhìn nhận Nguyễn Ánh cầu viện Pháp. Thực tế lịch sử là Việt Nam sau hơn 100 năm Nguyễn Ánh cầu viện đã chịu ách thực dân, trở thành một nước thực dân nửa phong kiến. Nhưng nếu như có thể đặt lại vấn đề về diễn biến quan hệ sau đó không đưa đến hệ quả tiêu cực thì nhiều khả năng Nguyễn Ánh sẽ được nhìn nhận với động thái thiện cảm hơn, hay đảo ngược. Ở đây, theo quan điểm của W. Wllcox, các khuynh hướng nghiên cứu chịu tác động từ ý thức dân tộc chủ nghĩa hay thực dân, đều có điểm chung là lấy châu Âu làm trung tâm.Cách tiếp cận này không cho phép các nhà nghiên cứu thấy được hết sự vận động tương đồng rộng lớn đang diễn triển. Phải chăng trong bối cảnh nội chiến tranh giành quyền lực nửa cuối thế kỷ XVIII, và nếu có cái nhìn so sánh khu vực, Nguyễn Ánh cầu phương Tây là trường hợp cá biệt, Tây Sơn không cần (không có) trợ lực từ bên ngoài, nhất là phương Tây. Mặt khác, nếu các nhà nghiên cứu tiêu biểu ở Bắc Mỹ “trong vài thập kỷ qua, có thể hiểu được trong các bài nghiên cứu, họ bác bỏ những tuyên bố thái quá về lịch sử thực dân trước đây, cách viết sử theo quan điểm khu vực học cho rằng cả hai nhận thức trên đều lấy châu Âu làm trung tâm và ra sức loại bỏ yếu tố Pháp ra khỏi sử liệu Việt Nam bằng việc cứ liên tục quả quyết rằng sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam thế kỷ XVIII chỉ mang vai trò thứ yếu. Trong khi nỗ lực này có lẽ xuất phát từ mong muốn có thể hiểu được là tách riêng sử học Việt Nam ra từ quá khứ thuộc địa của nó, nhưng mỉa mai thay điều đó lại được củng cố thêm nữa vai trò ý nghĩa của người Pháp bằng nhấn mạnh quá mức đến vấn đề quan trọng là loại bỏ người Pháp ra ngoài” [tr. 211]. Như vậy, vấn đề mấu chốt có tính loại suy là khi thừa nhận vai trò thứ yếu của người Pháp nhưng, việc thường xuyên nhắc đi nhắc lại, thậm chí nhấn mạnh đến người Pháp, cho dù chỉ là “thứ yếu” thôi, thì vô hình chung qua đó các nhà nghiên cứu lại vô thức thừa nhận ý nghĩa quan trọng của người này trong lịch sử Việt Nam. Từ quan điểm đó, Wilcox cho rằng người Pháp và người Việt trong diễn trình lịch sử cuối thế kỷ XVIII đầu XIX chẳng ghi dấu ấn quan trọng gì mà thay vào đó là các cuộc đấu tranh phe phái khốc liệt ở Việt Nam trong suốt thời kỳ này.
II. Vấn đề người nước ngoài ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đầu XIX
Trong suốt thời kỳ diễn ra cuộc tranh giành quyền lực giữa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn, sự hiện diện của người nước ngoài dù với mục đích gì, thực tế đã chứng minh đội quân này khá đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp/địa vị, hội phái, tôn giáo, chủng tộc, quốc tịch… Sử sách Việt Nam ghi chép nhiều đến những nhân vật tiêu biểu dưới trướng Nguyễn Ánh (ngoài người Pháp) như Vinh Ma Li (hay còn gọi là Vinh Li Ma), Tôn Thất Cốc (người Thái?); Nguyễn Văn Tồn, Diệp Mân (người Campuchia); Hà Hỉ Văn (người Tứ Xuyên – Trung Hoa), Chu Viễn Quyền (người Hoa); Antonio Vicente Rosa (An Tôn Vi Sản, người Bồ Đào Nha), Antonio José Gamboa (An Tôn Thù Di Cam Bô, người Bồ Đào Nha); Manuel (Man-o-ê, người Tây Ban Nha), Jacques Liot (Gia-cô-bê hay cha Jacques dòng Franciscain) [7] … Một đội quân truyền thống hợp tuyển ban đầu thường thất bại, tiến lên có quy củ hơn, được trang bị thêm tri thức và kỹ chiến thuật phương Tây đã nhanh chóng trở thành một đội quân tinh nhuệ có ý thức tác chiến tiên tiến. Sự tham gia của người nước ngoài tại thời điểm lúc đó, qua nhiều cách nhìn nhận khác nhau, cũng cần phải thấy đã đóng vai trò tích cực trong việc hoàn thiện khả năng chiến đấu và đưa đội quân truyền thống giành những thắng lợi quyết định tạo bước ngoặt trong cuộc chiến tranh trước kẻ thù.
Thực tế là, nhà Tây Sơn cũng ý thức đến kỹ thuật phương Tây. Tuy nhiên, theo quan điểm của Wilcox, khó có thể coi chính quyền này không dựa (chỉ dựa chút ít hay lợi dụng…) vào người phương Tây là thể hiện sự tài giỏi của mình. Còn Nguyễn Ánh dựa vào bên ngoài là yếu kém, nên bị coi thường do cầu viện [8] càng làm gia tăng sự dính líu sâu của người Pháp dẫn đến những hệ lụy như sau này? Wilcox viết: “việc có nhiều người nước ngoài mang tính chất quốc tế dưới trướng Nguyễn Ánh – Gia Long không giải quyết vấn đề về tầm quan trọng của nó… Có thể cho rằng những người này không đáng kể trong phẩm trật quan lại cao cấp trong triều đình thành Gia Định”. “Ý nghĩa về số lượng không thể đánh đồng với ý nghĩa về quân sự” song “tầm quan trọng của những người ngoại quốc này trong những thập niên 80-90 của thế kỷ XVIII cũng không nên bị đánh giá thấp”. Mặt khác, “cách tiếp cận chỉ ra việc cậy nhờ người nước ngoài khiến Nguyễn Ánh yếu kém, nếu như vậy nó cũng cho thấy chính quyền Tây Sơn cũng dựa vào đoàn người hỗn hợp đấy thôi” [tr. 200].
Như đã trình bày ở trên, chưa bàn đến vi thế của người Pháp và người Việt trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX thực tế không thể phủ nhận quan hệ giữa người Pháp và người Việt, đương nhiên mối tương liên phải là chủ thể quan hệ của những nhận thức lịch sử giai đoạn này. Tuy nhiên, ở góc độ đánh giá nhân vật nói chung, theo quan điểm của W.Wilcox, các nhà nghiên cứu cũng không nên quá đề cao vai trò của các chủ thể trên, vì thực tế còn có những đối tượng nghiên cứu khác, mặc dù họ được nhìn nhận là thứ yếu, song rất quan trọng trong chính sách đối ngoại nói chung và đối với người phương Tây nói riêng của vị quân vương khai triều.
Trong quan hệ tương tác và tranh giành quyền lực, một câu hỏi được Wilcox đặt ra: Những người Pháp dưới trướng Nguyễn Ánh – Gia Long phải chăng là một nhóm người thống nhất? Điều này không chỉ cho thấy toàn bộ hoạt động của trong và ngoài vương triều, mà còn thể hiện tính đại diện và ‘trách nhiệm’ của từng cá nhân trong lịch sử. Wilcox nhận định “Không chỉ người Pháp là người ngoại quốc ở Gia Định, người Pháp đã không cư xử như một nhóm người. Hay đúng hơn, họ đã cùng cộng tác với những người khác – những cá nhân và không hợp thành một phe đông đảo trong triều” [tr. 200]. Mặt khác, nếu lại quá chia tách rạch ròi người sinh thành ở trong nước với ở ngoài nước, Đông – Tây, Việt – Pháp…, theo Wilcox, các nghiên cứu đó sẽ dễ đi vào bế tắc, không tránh khỏi những phiến diện cực đoan, không thể thấy hết được sợi dây liên hệ phức tạp ở Gia Định cuối thế kỷ XVIII.
Đối với hành động của Bá Đa Lộc ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, thực tế lịch sử cho thấy chính sự dính líu vào các hoạt động chính trị của Giám mục người Pháp này đã là nguyên nhân của các cuộc tranh luận quyết liệt; người lên tiếng phản đối vì hoạt động đó đã vi phạm đến nguyên tắc không can thiệp của các tín đồ Thiên chúa. Hơn nữa, vị thế ngày càng cao sau chuyến đi cầu viện với triều đình Versailles với tư cách đại diện cho Nguyễn Ánh, rồi hoạt động như một vị ‘Bộ trưởng Chiến tranh – Ngoại giao’ hay chức Thái phó đã không thể không bị sự ganh ghét và ác cảm của quan lại người Việt. Mặt khác trong nhiều trường hợp, vị Giám mục này đã bị phản đối của chính những người Pháp lúc đó. Sự nghi kỵ giữa người Pháp với Bá Đa Lộc (và ngược lại) [9] , sau này giữa người Việt với người Pháp (như Wilcox chỉ ra 2 nhân vật người Pháp đặc biệt bị ác cảm là Bá Đa Lộc và Ô Ly Vi – Olivier de Puymanel) đã diễn ra âm ỉ, dai dẳng cho đến cuối thời trị vì của Gia Long (cq: 1802-1819), lên thay là Minh Mạng (cq: 1820-1840) [10] . Từ thực tế đó, theo quan điểm của Wilcox, các sử gia đã quá nhấn mạnh đến người Pháp như một trong những nguyên nhân khách quan chủ đạo dẫn đến thất bại của nhà Nguyễn giữa thế kỷ XIX. Lịch sử Việt Pháp từ thập kỷ 80-90 thế kỷ XVIII cho đến khi Pháp nổ súng tấn công xâm lược phải chăng chỉ là quá trình vận động giữa hai thế lực thất thế: Nguyễn Ánh và nhóm người Pháp đứng đầu là Bá Đa Lộc?
III. Nguyễn Ánh – Gia Long và người nước ngoài
Một điều có thể khẳng định ngay, đạo Thiên chúa và người nước ngoài đã được lãnh đạo Tây Sơn chú ý, nhất là Nguyễn Huệ – Quang Trung. Vấn đề đặt ra là nhà Tây Sơn bài đạo hay ủng hộ đạo Thiên chúa. Có nhiều bằng chứng cho thấy sự thiếu nhất quán trong cách đánh giá trên [11] . Người phương Tây dưới trướng của Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ lại thường không gây được chú ý vì sự thật hiển nhiên đó. Hay nói cách khác, nhà nghiên cứu thường không quan tâm đến thái độhay mức độ thực sự của chính quyền Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn với vấn đề người nước ngoài và đạo Thiên chúa. Đây là vấn đề dễ gây tranh luận nhất cho các sử gia nói chung.
Năm 1804, Gia Long ban sắc lệnh liên quan đến Công giáo. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đã có một sự thay đổi căn bản động thái của Gia Long với người Pháp. Đây là sắc chỉ duy nhất dưới thời Gia Long. Nếu tiếp cận vấn đề từ trên có thể dễ dàng nhận ý kiến phê phán của những giáo sĩ người Pháp cho một động thái được coi là “vô ơn” của Nguyễn Ánh. Đi xa hơn nữa, điều đó biểu thị sự mâu thuẫn trong quan hệ giữa giáo sĩ với giới quan lại (sĩ phu văn thân, hoàng tộc) trong triều hay giữa đạo Thiên chúa với đạo Phật hay đạo Nho? Từ những bằng chứng hiện tồn, nhất là một quan hệ mật thiết trước đó của Bá Đa Lộc với Hoàng tử Cảnh và những người Việt có cương vị cao trong triều, Wilcox cho rằng không có bằng chứng cho thấy sự mâu thuẫn giữa ý thức tôn giáo mà nhiều chứng cứ cho thấy sự xung khắc giữa quan lại bản xứ với người Pháp. Wilcox viết: “Tại thời điểm đó đã xuất hiện một vật cản lớn hơn trong quan hệ giữa giáo sĩ với quan lại trong triều hơn là sự khác biệt về tôn giáo giữa các giáo sĩ với quan lại Phật giáo” [12] [tr. 204].
Chưa bàn đến mục tiêu thực sự của Nguyễn Ánh, trong nhiều cuốn du ký, hồi ký của người phương Tây cùng thời, họ đều có cái nhìn rất tích cực về đời sống thường nhật và ý chí phục vương mạnh mẽ của Nguyễn Ánh. Có thể nói, trong lịch sử việt Nam, cũng giống như các vị vua/chúa trước đây ưu ái và trọng dụng người nước ngoài, nhưng Nguyễn Ánh là người đầu tiên có thể thâu nạp và sử dụng cùng một lúc rất nhiều người nước ngoài (đặc biệt là phương Tây) thuộc đủ mọi tầng lớp, sắc tộc, tộc người, dân tộc… dưới trướng của mình. Do vậy khi nhìn nhận thái độ của Nguyễn Ánh – Gia Long, Wilcox cho rằng cũng phải phân biệt rõ mức độ chấp nhận những người nước ngoài (bao hàm bộ phận “người Pháp” sinh ra ở Pháp và ở Việt Nam) trong triều đình, ngoài xã hội. Giữa những người Pháp và Việt dưới trướng của Nguyễn Ánh về nguyên tắc không có sự khác biệt. Nguyễn Ánh tỏ ra công bằng khi đánh giá và trọng dụng những người có công. Tuy nhiên đó là vấn đề khác, ở đây sau chiến thắng, Bá Đa Lộc qua đời và Nguyễn Ánh lên ngôi, sự trọng dụng đó còn được tiếp tục duy trì?
Có lẽ một câu hỏi mà lâu nay vẫn thường được nêu ra và có cùng một đáp số. Vai trò của người Pháp như thế nào trong chiến thắng của Nguyễn Ánh trước nhà Tây Sơn? Wilcox cho rằng đây là câu hỏi rất thiển cận, tới mức thừa nhận rằng người Pháp được đối xử như một nhóm không hơn không kém [13] . Thực tế là dưới trướng Nguyễn Ánh, người Pháp không phải là một nhóm thuần nhất ở đó có sự hội tụ hết sức đa dạng “các giá trị, thái độ và lối hành xử”, như Wilcox chỉ ra sự tồn tại của “chủ nghĩa bè phái” buổi đầu thời Gia Long [tr. 201] Tiếp tục đi sâu về mối quan hệ giữa những người Pháp, phải chăng họ (giáo sĩ, giáo đoàn Pháp) cùng thống nhất ủng hộ Nguyễn Ánh? Trong tâm thức chung, vị vương này ủng hộ và che chở cho tín đồ Thiên chúa, từ đó coi nhà Tây Sơn địch thủ không đội trời chung của Nguyễn Ánh là phiến loạn chống Thiên chúa và bài ngoại. Tuy nhiên, qua nguồn tư liệu nhất là qua những bức thư trao đổi, một thực tế không thể phủ nhận là nhiều giáo sĩ người Pháp đã từng lên tiếng phê phán, phản đối Giám mục Bá Đa Lộc vì đã cuốn theo tín đồ vào mục tiêu chính trị. Hệ lụy của hành động này sẽ tác động xấu đến cộng đồng trong phạm vi quản hạt của nhà Tây Sơn. Bên cạnh đó, Wilcox còn cho rằng Nguyễn Huệ – Quang Trung và quan dưới trướng có thái độ tích cực đối với đời sống tôn giáo (ví dụ như cha Girard), thậm chí tại vương triều còn lên tiếng phê phán chính sách bài đạo của chính quyền Tây Sơn, ủng hộ chính sách của Nguyễn Ánh? Tác giả viết: “chúng ta xét quan điểm cho rằng việc nhà Nguyễn mở đường cho thực dân Pháp trong khi nhà Tây Sơn tự do duy trì chế độ cai trị của họ tránh tác động xấu từ phía Pháp là không thể có căn cứ… Người Pháp ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Tây Sơn là cá nhân riêng biệt, họ sống trong tình trạng nguy hiểm của thời chiến và phải đối phó lại vô vàn cảnh huống. Những người này sống trong vòng kiểm soát của nhà Tây sơn không thể đủ khả năng đối phó với nguy cơ trục xuất, không giống miền Nam yên bình mà những người đồng sự của họ đang sống, chẳng để ý đến bất cứ nhìn nhận khi người ta coi toàn là người Pháp hay tín đồ Thiên chúa” [tr. 203].
Mặt khác, nhóm phản đối Giám mục Bá Đa Lộc và cộng sự không chỉ là những giáo sĩ hay không phải giáo sĩ Nam Hà, sự xung đột còn xảy ra với người ‘phi đạo/nghịch đạo’ vì dưới trướng Nguyễn Ánh còn có quan lại theo Tin Lành. Điều đó cho thấy “đã tồn tại lực lượng đằng sau chống lại Bá Đa Lộc”[tr. 204]. Cũng không nên bỏ qua một mâu thuẫn khác nảy sinh và ngày càng được nổi trội trong và sau triều Nguyễn Ánh – Gia Long là các quan lại triều Nguyễn không chia sẻ cách “hành xử” của Nguyễn Ánh và Hoàng tử Cảnh đối với “người Pháp”. Như Wilcox đã phân tích ở trên về vị thế của Giám mục Adran và người Pháp sau này, giả thiết cho rằng đã hình thành hai “phe ngấm ngầm trong triều”: một bên là quan lại người Việt, bên kia là người Pháp, cho dù mối quan hệ rất “phức tạp và mang tính cá nhân”. Mặc dù vậy những sự kiện và động thái đó lại không được ghi chép trong chính sử Việt Nam.
Đến Việt Nam từ sớm, nhiều người Pháp tỏ rõ sự am hiểu văn hóa Việt Nam. Nhiều người đọc thông, viết thạo chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ. Sự giao thoa văn hóa diễn ra tự nhiên. Đặc biệt quá trình đó còn diễn biến ‘hòa bình’ về mặt nhân chủng. Kết quả là, nền văn hóa được làm giàu thêm, đa dạng và hòa lẫn trong tâm thức của người Việt, người Pháp khó tách biệt. Wilcox cho rằng, cho đến thời kỳ trị vì của Gia Long, về nguyên tắc người Pháp được đối xử không khác biệt so với những người Việt. Quan trọng hơn, để có thể xử lý và cân bằng thỏa đáng giữa nhóm người ngoại quốc với nhau, người Pháp cho dù thực tế vẫn có sự thiên lệch nhưng trên mức độ cho phép [14] . Xét dưới quá trình tiếp biến văn hóa, “những người sinh ra ở Pháp đã không nhất thiết tiếp tục có thái độ và sự hình thành về mặt văn hóa và ngôn ngữ Pháp đơn nhất. Đúng hơn là, một quá trình ‘xuyên văn hóa’ đã xuất hiện, trong đó những người sinh ra ở Pháp ảnh hưởng (được ảnh hưởng) từ những người mà họ tiếp giao”[tr. 207]. Từ đó cho thấy việc phân định “người Pháp” sinh ra ở Pháp và “người Pháp” sinh ra ở Việt Nam, trong mối quan hệ phức hợp và thực tế nghiệt ngã, “sự dính líu trên hòa lẫn trên cơ tầng đức tin tôn giáo của họ và trên cơ tầng của mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau”. Những người đó trong cuộc chiến với Tây Sơn “tự họ đã phân biệt trên cơ tầng của nguồn gốc địa lý” [tr. 206].
IV. Tiếp xúc – xung đột văn hóa
Trở lại vấn đề trên, lịch sử ghi nhận các cuộc kết hôn giữa người Pháp với người Việt. Đây là quá trình mở cửa và tiếp xúc văn hóa tất yếu của một thời kỳ dài, đồng thời diễn triển tương đối dễ dàng, không có sự ngăn trở và kỳ thị về mặt tôn giáo. Các cuộc kết hôn đó chỉ được thực hiện với những cặp cùng tôn giáo. ‘Người Pháp’ “dành phần lớn thời gian sinh sống ở Việt Nam hoàn toàn không phải là người Pháp, cũng không phải người Việt, nhưng những người lai ghép trên lại bị ảnh hưởng từ sự khác biệt của cả hai nơi” [tr. 207].
Nghiên cứu Home K. Bhabha được Wilcox trích dẫn cho rằng hệ quả của cái gọi là “lai ghép văn hóa” hay có thể là “quyền dân tộc” đã tạo ra một “không gian thứ ba”, một thứ mà “chẳng phải là nó hay cái kia, và cũng không là Tây chẳng ra Đông”. Nhưng “sự hòa trộn văn hóa đó” được biểu hiện “mơ hồ”, từ những người với quá trình hỗn giao về chủng tộc và văn hóa “không thể bị rập khuôn một cách dễ dàng”.[tr. 207] “Do đó, nhìn lịch sử từ nhận thức bản sắc hỗn hợp đã giải phóng chúng ta từ những mẫu rập khuôn mang tính lịch sử bởi điều đó đã thách thức một cách khá đúng đắn ý thức bản sắc văn hóa mang tính lịch sử của chúng ta như một sức mạnh tương đồng, thống nhất, được xác quyết bằng Bộ phận đầu tiên, duy tồn trong truyền thống dân tộc Nhân dân” [15] [tr. 207].
Trong khi khảo cứu các tư liệu lịch sử, Robert J. C. Young (được Wilcox dẫn trong bài) lại cho rằng không có bằng chứng nào của sự tồn tại một “không gian thứ ba” [16] , một phần vì “sự hạn chế này trong nhiều trường hợp tạo ra hình thái của một sự kiêng kị thực dân về hôn nhân dị chủng và tương tác văn hóa”. Trên hết “sự ngăn cấm đó được truyền tải qua ngôn từ mang tính chất dân tộc chủ nghĩa hòng mong muốn giữ gìn sự thuần khiết dân tộc từ tất cả những ảnh hưởng nhơ bẩn bên ngoài”[tr. 208]. Tuy nhiên, những động thái thể hiện rõ cái nhìn cực đoan trong lĩnh vực văn học và chính trị lại không bị giới hạn như Wilcox đã từng chỉ ra qua khảo cứu các tư liệu viết lúc bấy giờ.
Cũng xuất phát từ cách tiếp cận trên, để có thể nhìn một cách thấu đáo sự tiếp xúc và xung đột văn hóa dưới góc độ hôn nhân, mặc dù còn rất ít tư liệu, nhưng thực tế lịch sử vẫn cho thấy những cuộc hôn nhân giữa những người cùng tôn giáo. Nên ở đây, cần nhấn mạnh sự cấm kỵ chỉ xảy đến giữa những người theo đạo với người không theo đạo chứ không phải là vấn đề giữa người Pháp và người Việt hay bất kỳ động cơ chính trị, chủng tộc… nào cho tới trước khi có sự chuyển biến giữa hai nước từ khoảng giữa thế kỷ XIX và đặc biệt sau khi Pháp đặt ách cai trị thực dân ở Việt Nam. Wilcox viết: ‘Nhiều quan lại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Cămpuchia, Xiêm và Trung Quốc buổi đầu thời Nguyễn Ánh – Gia Long phải trở thành thành viên trong các gia đình Việt Nam. Trong nhiều trường hợp, cuộc sống của con cái những người này đã được dẫn chứng trong Đại Nam chính biên liệt truyện hay Gia Định thành thông chí. Ví như con trai của một người Cămpuchia có tên Việt là Nguyễn Văn Tồn được ghi trong biên niên sử triều vua Minh Mạng, song người mẹ lại không được đề cập đến. Sự khuyết vắng tư liệu về nhân vật đa chủng độc trong suốt thời kỳ này không nên quá ngạc nhiên vì chẳng có bằng chứng nào cho thấy thời đó hôn nhân dị chủng thực sự là mối bận tâm. Hay nói cách khác, chẳng có chứng cứ nào ở thời kỳ này cho thấy lúc đó “hôn cấm” là được thúc đẩy từ mối lo về chủng tộc hay sự thuần khiết dân tộc. Các ghi chép về sự tồn tại của hôn nhân dị chủng là trường hợp hôn nhân khác chủng tộc giữa quan lại sinh ra ở Pháp với các gia đình người Việt theo đạo trong triều. Những cuộc hôn nhân này thường do Giám mục Véren (Jean Labarette) ban phước… Đối với Cộng đồng ở Huế, hôn nhân giữa các chủng tộc không gây nên tranh luận, vì lẽ rằng, họ được hợp thức và trong một vài trường hợp được đích thân Giám mục Véren chủ trì hôn lễ. Việc coi hôn cấm dị chủng xảy ra sau này trong thời kỳ cai trị thực dân của Pháp ở Đông Dương là một thực tế lịch sử quan trọng, vì nó cho thấy khi mà sự khác biệt giữa Thiên chúa và phi Thiên chúa là một sự khác biệt quan trọng đối với quan lại sinh ở Pháp và các giáo sĩ ở Việt Nam, còn sự tương phản giữa người Pháp và người Việt là không có” [tr. 208-209].
Mặc dù còn cần có những công trình khảo cứu thêm về điểm dị biệt, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, trong khi tiếp cận đặc tính dung hòa nền văn hóa ngoại lai nói chung, mối quan hệ Việt Pháp thời kỳ tiền thực dân nói riêng, Wilcox nhấn mạnh các công trình nghiên cứu cũng cần lưu ý đến truyền thống khoan dung của người Việt, cần tách biệt giữa lợi ích chính trị – kinh tế, giai cấp với truyền thống văn hóa của người Việt. Thêm nữa, vấn đề “tính chất người Việt” hay “tính chất người Pháp” được dẫn trong công trình của Wilcox, những “loại người” đó trước sau như một được hành xử như đối với người Việt chứ không phải người Pháp trong thời điểm hiện tồn” [tr. 206]. Điều này cho thấy cách thức thích nghi và hòa quyện tự nguyện với truyền thống văn hóa Việt Nam của những người Pháp như Bá Đa Lộc, Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier)… [17] [tr. 206]. Mặc dù sử liệu liên quan còn lại tản mạn và ít ỏi, nhưng những ghi chép còn lại khá nhiều về gia đình của Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Chấn đã giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về quan điểm sử học của người Pháp và người Việt thông qua những mô tả về những người nước ngoài nói chung dưới trướng Nguyễn Ánh –‘Gia Long [tr. 210].
V. Một vài nhận xét
- Là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử – văn hóa Việt Nam, trong bài viết trên, Wilcox đã tập trung làm sáng tỏ vấn đề: Lịch sử Việt Nam của thế kỷ XVIII – đầu XIX được nhìn từ lịch sử “xuyên quốc gia” và “đa chủng tộc”. Từ thực tế lịch sử đó, nội dung bài viết được soi sáng trong hai luận điểm rất quan trọng khi tác giả luận giải về sự hợp tác/đối đầu trong và ngoài vương triều Nguyễn: Sự tồn tại của “chủ nghĩa bè phái” và vấn đề nhóm hay cá nhân người Pháp trong một tương quan với những người ngoại quốc khác, qua đó đưa đến nhận định về vai trò thực sự của tập đoàn hay những cá nhân riêng biệt người Pháp và người Việt – phải chăng họ là chủ thể làm nên lịch sử Việt Nam như đã thường được nhận định trước nay trong giới sử gia Việt Nam và Pháp.Từ một cách nhìn khác, Wilcox lại đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò những người nước ngoài khác cùng cộng tác dưới trướng của Nguyễn Ánh – Gia Long. Không nên và không thể phủ nhận vị thế này trong mối quan hệ rất phức tạp tại đó tồn tại của nhiều sợi dây liên kết như chủng tộc, sắc tộc quốc gia hay tôn giáo… Tôi cho rằng, quan điểm về việc phân lập các lớp người cùng mục tiêu của họ là hướng tiếp cận rất cần thiết, từ đó có thể lý giải sự chuyển biến căn bản và quyết tâm thực hiện mục tiêu tại mỗi thời điểm. Song, tôi cũng xin lưu ý các nghiên cứu đó vẫn phải nêu rõ trách nhiệm cá nhân hay chủ thể lịch sử đối với diễn trình lịch sử tại mỗi thời điểm, chịu sự chi phối của các tác nhân chủ quan hay khách quan.
- Từ việc lý giải cuộc xung đột ở giai đoạn Nguyễn Ánh – Gia Long và thậm chí dưới thời Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức (đến năm 1858) câu hỏi vẫn được đặt ra về chủ thể của những nguyên nhân trên là ai. Hay nói cách khác, vai trò của người khởi xướng và các “diễn viên” tham góp. Từ đây có thể đặt ra vấn đề phải chăng xung đột giữa người Pháp và người Việt, nói rộng ra là người phương Tây và phương Đông không bằng mức độ quyết liệt giữa những người Việt – những người trong nước với nhau, hay chính những người nước ngoài cùng quốc tịch với nhau. Đồng thời các cá nhân quan hệ và hành xử với nhau chỉ đơn thuần dưới danh nghĩa là người Pháp, người Việt, người Hoa…? Thực tế nghiên cứu cho thấy, sự đa dạng về nguồn gốc xuất thân của các quan chức đến từ nhiều khu vực khác nhau trên thế giới tập hợp dưới trướng Nguyễn Ánh đã gây khó khăn trong việc phân định rạch ròi những nhóm quan lại đơn lẻ chống lại “người Pháp”.Theo quan điểm của tôi, nếu chỉ đơn thuần phân tích cuộc đối đầu “phe cánh” để từ đó phủ nhận vai trò của người Pháp và người Việt trong tiến tình lịch sử Việt Nam lúc đó là không thỏa đáng. Quá trình tiếp xúc giao thoa văn hóa Đông – Tây là một diễn trình dài, liên tụccủa hai mặt: áp chế và giải áp chế. Cho đến khi người Pháp đứng đầu là Bá Đa Lộc bước lên “vũ đài chính trị” sau hơn một thế kỷ thâm nhập, thì có thể nói, người Pháp là người phương Tây có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội Việt Nam và trong vương triều Nguyễn Ánh. Sự có mặt của người Pháp còn là đại diện cho một nền văn hóa – văn minh phương Tây trên một vùng đất phương Đông. Sự biểu thị này càng về sau bộc diện độ vênh lớn giữa một bên ngày càng quyết tâm chinh phục – xâm lược còn một bên càng lạc hậu – bạc nhược (về động thái chính trị – quân sự); cùng các xung đột bất tận giữa hòa nhập và chống/giải hòa nhập. Cuối cùng, lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX cũng là lịch sử quá trình ‘Việt hóa’. Từ ý nghĩa đó, theo quan điểm của tôi, cá nhân lịch sử cốt yếu từ cuối thế kỷ XVIII ở Việt Nam vẫn là người Việt và người Pháp.
- Chia sẻ quan điểm với Wilcox, các nhà nghiên cứu dường như quá vội vàng khi định mức độ khái quát hóa về “vấn đề sắc tộc” thế kỷ XVIII, do bị thúc đẩy về tầm quan trọng của sự “đối đầu với phương Tây, từ đó ‘lấn át’ văn hóa Việt Nam thế kỷ XIX – XX; và thế kỷ XVIII trở thành mẫu hình đã được tạo ra tùy theo ý muốn chủ quan của sử gia theo quan điểm thực dân, dân tộc chủ nghĩa hay nhóm đa văn hóa thế kỷ XIX – XX“[tr. 211]. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng những ghi chép về người Pháp sau này, vấn đề hôn nhân, gia đình… đã gây khó khăn trong việc tìm hiểu lịch sử quan hệ hai nước và nhiều vấn đề nghiên cứu khác. Đây là hạn chế chung, do vậy dường như các sử gia đã không tách biệt được động thái của Nguyễn Ánh với từng đại diện phương Đông và phương Tây. Sau này quan niệm về hai thế giới Đông – Tây ngày càng được bồi đắp trên chỉnh thể Nho giáo được định chế lại, tạo cơ hội cho nhận thức vi kỷ, độc tôn được hồi sinh trên cơ tầng của xã hội phong kiến bế tắc.
- Trong khi các nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam thường đi sâu vào hệ quả của lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XIX, cố gắng đi tìm ‘thủ phạm’, tôi đồng ý với Wilcox khi cho rằng những nhân vật lịch sử thời kỳ này ở Việt Nam phải được coi là những con người với những tính cách đặc biệt, trong bối cảnh hết sức phức tạp. Đó là sản phẩm của một thời đại, một quá trình tiếp xúc và giao lưu Đông – Tây ở mức độ dài lâu, mạnh mẽ và tiến triển rất nhanh so với các thời kỳ trước và trong giai đoạn chuyển mình quan trọng của lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới. Quá trình đó cũng được mở rộng thêm về quy mô không gian, mục tiêu quan hệ trở nên thường trực và chặt chẽ hơn so bất ký thời gian nào khác trong lịch sử Việt Nam; vì vậy, “nó đòi hỏi sử gia phải nhận thức rõ hơn nữa về bản chất thực sự của cuộc tiếp xúc giữa người Âu nói chung và người Việt thời kỳ tiền thực dân”.
- Quan điểm nghiên cứu chịu ảnh hưởng hay xuất phát từ cái nhìn “dân tộc chủ nghĩa” trong nghiên cứu quá khứ lịch sử sẽ dẫn đến sự phiến diện và đơn tuyến khi phân tích sự kiện lịch sử. Mặt khác, các sử gia áp đặt quan điểm đó vào các nhân vật lịch sử, đối tượng nghiên cứu một lần nữa được tô điểm bằng “dân tộc chủ nghĩa” thì lại càng đưa lịch sử tới những sai lệch không đáng có. Quan điểm lấy “chủng tộcsắc tộc làm trung tâm”, “văn hóa làm trung tâm” hay khu vực địa lý nào đó làm trung tâm là phản ánh tính thiếu hệ thống và toàn diện của sự kiện lịch sử. Từ thực tiễn nghiên cứu trên, nhân vật lịch sử phải được nhìn nhận trong “dòng xoay đa chiều” từ cá nhân, dòng họ, triều đại, dân tộc, khu vực và thế giới hay trong “phạm vi” thời gian và không gian rộng và lớn hơn. Nhân vật Nguyễn Ánh cũng như nhiều nhân vật lịch sử khác vẫn rất cần được nghiên cứu công phu, khách quan và khoa học hơn. Sử học Việt Nam. luôn là trang sách mở, một quá trình nhận thức, rất cần sự tham góp của các học giả quốc tế.
Đây là bài điểm sách cuốn Việt Nam – Borderless histories (Madison: The University of Wisconsin Press, 2006) của Nhung Tuyet Tran và Anthony J.S. Reid. Bài viết có tựa đề gốc là “Xuyên quốc gia và đa chủng tộc đầu thời Nguyễn Ánh – Gia Long: Thêm một góc nhìn về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX”, được chúng tôi sửa lại cho ngắn gọn phù hợp với phong cách biên tập của trang.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Hà Nội, số 7 (387), 2008 & Talawas
———————–
[1]Nhung Tuyet Tran and Anthony J.S. Reid, Việt Nam – Borderless histories Madison: The university of Wisconsin Press, 2006. IX +370 pages. Maps, photographs, index, bibliography, glossary.
[2]Wynn Wilcox “Transnationalism and multiethnicity in the Early Nguyễn Ánh Gia Long Period”, tr. 194-216.
[3]Những đoạn trích bằng “…” trong bài được trích nguyên văn bài viết của Wilcox, từ đây chúng tôi chỉ chú số trang bằng ngoặc […] ngay sau những đoạn dẫn đó.
[4]Vấn đề qui chiếu ‘present-day border’ trong việc nhận thức quá khứ lịch sử dưới góc độ ‘biên giới’ tộc người, văn hóa hay lãnh thổ… thường đưa đến những ngộ nhận lịch sử và sai lầm trong nhận thức quá khứ lịch sử. Đã có khá nhiều công trình nghiên cứu về ‘đường biên’ trong lịch sử, tiêu biểu cho cách tiếp cận này có thể kể đến Andaya Bachara, Sakurai Yumio, A. Reid, Charlee Wheeler… Nghiên cứu của Li Tana và Nom Cooke trong “water frontier” cho rằng thị trường thương mại thế kỷ XVIII-XIX vẫn là thị trường chung của các nước Đông Nam Á hải đảo và lục địa. Tham khảo thêm bài viết của Li Tana “The Eighteenth-Century Mekong Delta and its World of Water Frontier”, tr. 147-163 trong sách của Nhung Tuyet Tran and Anthony J.S. Reid. Đây là vấn để nghiên cứu lý thuyết rất cần được phổ biến trong giới nghiên cứu hiện nay ở Việt Nam, qua đó có thể luận giải được một số vấn đề khoa học đã và còn đang gây tranh luận trong giới nghiên cứu.
[5]Về quan điểm này, theo tác giả có thể tham khảo nghiên cứu của Gosselin, L’ Empire d’Annam,99-117; septans, Les commencements de l’Indochine Francaise, 67-104.
[6]Quan điểm này có thể xem Mcleod, Vietnamese Response to French Intervention, 1-40 và Woodside, Vietnam and Chinese Model: A Study of Nguyễn and Qing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century.
[7]Về những người nước ngoài ở Việt Nam giai đoạn này, theo tác giả, có thể tiếp cận các công trình nghiên cứu tiếng nước ngoài của: Zottoli, Elizabeth J. Perry, D. Murray, Li Tana, P. Yves Manguin, F. Mantienne, Choi Byung Wook…; đặc biệt với người Pháp có thể nghiên cứu tập san Đô thành hiếu cổ (hay tập san Những người bạn Huế xưa – BAVH) trong đó là một seri các bài nghiên cứu về ‘Les Français au service de Gia Long’ của Linh mục L. Cadière hay một số bài nghiên cứu của H. Cosserat cùng trên tập san đó.
[8]Để có thêm quan điểm cập nhật xin tham khảo các bài viết của Nguyễn Duy Chính: “Tương quan Xiêm – Việt cuối thế kỷ 18”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Thừa thiên-Huế) từ số 6(65) năm 2007, cũng như các bài viết đăng trên Tạp chí Xưa và Nay (Hội KHLS Việt Nam)…
[9]Về thái độ của Giám mục Bá Đa Lộc với Ô Ly Vi xin tham khảo đoạn viết của Wilcox trong bài tr. 204-5 được trích từ: Pigneaux (?) to Létondal, July 9, 1791, AMEP, 801:390-91 (chú thích 44), chi tiết này chúng tôi vẫn chưa có điều kiện kiểm định.
[10]Về quan điểm nghiên cứu này của tôi, căn cứ vào một số bức thư được L. Cadière dẫn lại trong luận văn “Les Français au service de Gia Long – Leur Correspondance”. BAVH, No. 4-1926… và thực tiễn chính trị ở Việt Nam, tôi cho rằng khoảng từ năm 1818 đã có dấu hiệu bất bình của phía giáo sĩ người Pháp đối với cách ứng xử của Gia Long, và sự lo lắng của họ về tương lai nếu vị kế ngôi là Hoàng tử Đảm (con trai thứ tư của vua Gia Long, sau này là vua Minh Mệnh).
[11]Theo nghiên cứu của Wilcox, khả năng nhà Tây Sơn có cái nhìn khá cởi mở với đạo Thiên chúa [tr. 202]. “Nguyễn Lữ (người em thứ ba) có thể là một thầy tu”, trong nguyên văn tác giả dùng “a priest” ở đây có thể hiểu là một thầy tu, không thể là một tín đồ của đạo Thiên chúa. Theo như tư liệu của AMEP (746:1801) thì năm 1783 có “Sắc lệnh của nhà Tây Sơn ban cho Công giáo (Decret du Tây Sơn en faveur de Catholisme [Catholicisme – ? TG]). Theo Wilcox, tư liệu này chỉ hiện tàng dưới bản dịch tiếng Latin do một giáo sĩ ở Gia Định tên là André Tôn. Tuyệt nhiên điều đó không chỉ Nguyễn Lữ là tác giả của sắc chỉ trên, không có bằng chứng cho thấy khả năng Quang Trung sau này thậm chí đã phê chuẩn nó. Xem chú thích 36 trong bài của Wilcox. Trong các ghi chép, hồi ký, du ký… đương thời như của J. White, J. Barrow, De la Bissachère… đều không có dấu hiệu cho thấy Nguyễn Lữ theo ‘ngoại đạo’. Ví dụ John Barrow: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà. Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008. tr. 25. Đồng thời cũng có thể tham khảo công trình của George Dutton, The Tay Son Uprising – society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam. University of Hawaii Press, 2006.
[12]Xem trong bức thư Lelabousse gửi Létondal đề ngày 25 tháng 6 năm 1789. lưu trữ trong AMEP, 801: 252-65. Xem chú thích 43 trong bài của Wilcox.
[13]Quan điểm nghiên cứu này, Wilcox cũng cho biết thêm, theo các sử gia thực dân hay dân tộc chủ nghĩa, người Pháp có ý nghĩa trong việc trợ giúp Gia Long (theo đó quan điểm trên nhằm mục tiêu mang tính chất ý thức hệ tương ứng hoặc tái khẳng định công cuộc khai hóa văn minh, hoặc hạ thấp họ Nguyễn như những tên bù nhìn thuộc địa), đồng thời nghiên cứu gần đây của các chuyên gia khu vực cho rằng “người Pháp thực chẳng có vai trò quan trọng gì tại thời kỳ mà nó đã mắc vào cái bẫy của lối suy luận tư biện” trong đó thừa nhận sự tồn tại của một nhóm cố kết chặt chẽ được gọi là “người Pháp”. Xem chú thích 29 trong bài.
[14]Về điểm này, còn cần có những công trình khảo cứu thêm, ở đây khi bàn đến thái độ của Nguyễn Ánh với người Pháp, theo tôi hai bên chưa sẵn sàng, mặc dù đã cùng cởi mở và nhượng bộ, cho một cuộc đối thoại của hai nền văn hoá, hay nói cách khác, hai bên còn dựng lên một “bức màn”, dù là bằng lụa – rideau de soie nhưng tấm màn đó kín không khác gì bức màn sắt (rideau defer). P. Faivre (1953), L’expansion française dans le Pacifique de 1800-1842. Dẫn trong G. Taboulet, La geste Française en Indochine. Histoire par les texts de la Franç en Indochine des origines à 1914, tome 1, Adrien-maisonneuve, Paris, 1955, p. 280. Tham khảo thêm Phan Phát Huồn (C.S.SR): Việt Nam giáo sử quyển 1, (1533-1933), Cửu thế Tùng thư, Sài Gòn, 1965, in lần thứ 2…
[15]Quan điểm được trình bày trong Bhabha, “The Commitment to Theory”. trong Location of Culture tr. 37 (chú thích 56 trong bài)
[16]Xem Wilcox, “Hybridity, Colonialism, and National Subjectivity in Vietnamese Historiography“. “Allegones of Vietnam: Transculturation and the Origin Myths of Franco-vietnamese Relations” xem chú thích 57 trong bài.
[17]Theo quan điểm nghiên cứu của tôi, ở đây rất cần lưu ý đến quá trình tự nguyên hòa nhập vào xã hội bản địa của người Pháp. Thực tế là những người Pháp này có quan hệ rất mật thiết không chỉ về phương diện quân sự. chính trị mà sợi dây văn hóa đã được thiết lập qua các cuộc hôn nhân với phụ nữ người Việt. Trong một chi tiết được kể trong bài, Wilcox cho biết Nguyễn Văn Thắng “mặc dù cuối đời phục vụ cho cả triều đình Việt Nam và Pháp nhưng vẫn không được giới thương nhân và sĩ quan hải quân tín nhiệm… họ coi Chaigneau như một “thế diện của lễ nghi Nam Hà” [tr. 206]. Được dẫn trong G. Taboulet, La geste Française en Indochine. Histoire par les textes de la France en Indochine des Origines à 1914, sđd, pp. 308-309. Nguyên văn: “M. Chaigneau, le plus excellent et le plue estimable des hommes comme particulier, est hợp eoumis…, com me mandarin, et peut-être plus encore comme par habitude, à l’étiquette cochinchinoise et d’un caractère beaucoup trop timide…”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]