Vì sao chỉ một số bang ở Mỹ kiểm tra lý lịch người mua súng?

Print Friendly, PDF & Email

2015-11-08

Nguồn: “Why America doesn’t have universal background checks for gun-buyers”, The Economist, 6/11/2015.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Tại rất nhiều nơi ở Mỹ, mua một khẩu súng còn dễ hơn mua một cuốn sách hay một mớ rau tươi, Tổng thống Barack Obama đã nói vậy trong một bài phát biểu trước các giám đốc cảnh sát quốc tế vào ngày 27 tháng 10 tại Chicago. Ông Obama đã một lần nữa kêu gọi phải kiểm tra lý lịch những người mua súng trên cả nước, việc ông đã từng cố gắng thuyết phục Quốc Hội biểu quyết thành luật liên bang trong suốt nhiều năm – song không thành công. Hai năm trước ông đã gần đạt được mục tiêu này, nhưng dự luật Manchin-Toomey về mở rộng việc kiểm tra lý lịch người mua súng qua mạng internet và tại các hội chợ súng – một sự hợp tác giữa cả 2 đảng Dân Chủ & Cộng Hòa – đã bị Thượng Viện bác bỏ.

Các giám đốc cảnh sát cũng đồng tình với Tổng thống Obama. Công việc của họ sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có ít súng được lưu hành hơn và nếu tất cả những người mua súng đều phải được kiểm tra lý lịch, đặc biệt là kiểm tra về tiền án, tiền sự, và tiền sử sức khỏe tâm thần. Họ cho rằng phổ biến súng đạn là một trong những lý do làm gia tăng đáng kể tội ác bạo lực ở nhiều thành phố Mỹ trong năm nay. Những quy định hiện thời về kiểm tra lý lịch chỉ được áp dụng cho các đại lý bán súng được cấp phép, nhưng đến 40% lượng súng được bán ra là tại các hội chợ triển lãm súng hoặc qua mạng internet, hai hình thức này không yêu cầu kiểm tra lý lịch.

Đại bộ phận công chúng Mỹ cũng đứng về phía Tổng thống Obama. Theo một cuộc điều tra được Pew Research Centre tiến hành vào tháng 8, 85% những người được khảo sát đều đồng ý rằng nên kiểm tra lý lịch những người mua súng một cách chặt chẽ hơn. Gần 80% những người được hỏi đồng ý là nên có luật cấm những người có tiền sử bệnh tâm thần được sở hữu súng, và 70% ủng hộ việc xây dựng một cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi tất cả những giao dịch mua bán súng trên cả nước. Vậy vì sao ở Mỹ đến giờ vẫn chưa có luật liên bang nào về kiểm tra lý lịch người mua súng?

Lý do là vì Hiệp hội Súng trường Quốc gia (National Rifle Association – NRA), một tổ chức có quyền lực chính trị rất lớn, và nhiều nhóm lợi ích súng đạn khác luôn phản đối việc kiểm tra lý lịch người mua súng trên cả nước, hoặc bất kỳ dự luật nào có khả năng làm giảm doanh số bán súng. Họ viện dẫn Tu chính án thứ 2 (1791) trong Hiến pháp Mỹ, bảo vệ “quyền của người dân được giữ và sử dụng vũ khí”. Và họ lập luận rằng súng đạn cũng giúp ngăn ngừa tội ác. Sau một vụ xả súng đặc biệt thảm khốc là vụ giết hại 20 trẻ em và 6 người lớn tại trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut vào năm 2012, Wayne LaPierre, người đứng đầu NRA, đã tuyên bố rằng nhân viên của trường học lẽ ra phải được trang bị súng vì “điều duy nhất ngăn cản được một kẻ xấu cầm súng là một người tốt cầm súng”.

Trong khi NRA và các nhóm vận động hành lang vì súng đạn khác có vẻ có thể đe dọa Quốc Hội đến mức Quốc Hội sẽ không tiếp tục cố gắng thông qua dự luật thắt chặt kiểm soát súng đạn nào nữa trong tương lai gần, thì một số tiểu bang đã thông qua những đạo luật đó của riêng họ. New York, California, Massachusetts, Illinois, Rhode Island, và Maryland là một số bang có luật kiểm soát súng đạn khắt khe nhất cả nước. Nhiều bang trong số này yêu cầu kiểm tra lý lịch trong những giao dịch tư nhân.

Và mặc dù nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ các vụ án giết người hay tự tử ở những bang có luật kiểm soát súng chặt chẽ là thấp hơn, thì tình hình ở những bang này vẫn có thể còn tốt hơn nữa nếu những bang tiếp giáp với họ có luật kiểm soát súng ít lỏng lẻo. Ví dụ, Illinois tiếp giáp với Wisconsin và Indiana, hai bang này gần như không có hạn chế gì đối với việc mua bán súng. Tại Chicago, nơi có luật kiểm soát súng đặc biệt khắt khe, hơn một nửa số súng cảnh sát tịch thu được có nguồn gốc từ các bang khác. Như vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi giám đốc cảnh sát Chicago là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc kiểm tra lý lịch người mua súng một cách toàn diện và trên quy mô cả nước.

Xem thêm: Sở hữu súng: Bi kịch văn hóa và chính trị Mỹ

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]