Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (12/11/2015)

S3 Viking

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Vào ngày 3 tháng 9, Trung Quốc cho trình diễn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBMs) Đông Phong 5B (DF-5B) trong những giây phút cuối cùng của buổi duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng. Đây là lần đầu tiên hệ tên lửa DF-5 xuất hiện trước công chúng kể từ năm 1984, và là loại tên lửa nhiên liệu lỏng duy nhất, cũng là hệ thống tên lửa được đặt trong hầm ngầm/không đi động duy nhất được đem ra duyệt binh. Hệ tên lửa DF-5 có khả năng tấn công hầu như mọi mục tiêu trên lãnh thổ nước Mỹ.

Sự xuất hiện của DF-5 có thể cho chúng ta biết nhiều điều về sức mạnh cũng như khả năng của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc nói chung, và Lực lượng Nhị pháo (Second Artillery Force) nói riêng. Các tên lửa DF-5B là bản nâng cấp mới nhất của hệ tên lửa DF-5, được chính thức đưa vào phục vụ vào những năm 1980. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ có khoảng 20 tên lửa DF-5 hoạt động cho tới năm 2010.

DF-5 hiện tại vẫn đang trong quá trình hiện đại hoá (DF-5B), chủ yếu xoay quanh việc bổ sung khả năng mang các đầu đạn đa định hướng (MIRV – Multiple Independently Targetable Reentry Vehicle). Hệ tên lửa này đã được chế tạo cách đây hàng chục năm, có khả năng sống sót thấp nếu bị tấn công hạt nhân, và với số lượng ít. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao hệ DF-5 lại được hiện đại hoá thay vì loại bỏ và sử dụng số tiền đó để để tăng cường số lượng các loại tên lửa có độ sống sót cao hơn như DF-31 hay DF-41.

Phiên bản nâng cấp DF-5B đóng vai trò như người thay thế tạm thời và là yếu tố giúp đa dạng hoá kho tên lửa của Trung Quốc. MIRV giúp gia tăng sự nguy hiểm về mặt chiến thuật của các ICBM, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc không có nhiều về mặt số lượng. Các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại không đánh chặn tên lửa ở pha đầu (phóng) mà chỉ đánh chặn các đầu đạn (RV) ở pha giữa và pha cuối, và thậm chí khả năng đánh chặn đôi khi cũng gặp phải một số hạn chế.

Hiện tại, các bệ phóng DF-5 chủ yếu được đặt tại các vùng đối núi rải rác trên khắp Trung Quốc. Điều này gia tăng mức độ sống sót của tên lửa, tuy nhiên với các công nghệ như tấn công chính xác hay dẫn đường tên lửa hiện đại, đây không còn là một lợi thế. Nâng cấp họ tên lửa DF-5 với các MIRV sẽ giúp gia tăng độ phủ tấn công của tên lửa, cùng lúc có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau và do đó nâng cao năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. DF-5B sẽ là mối đe doạ thực sự đáng được lưu tâm hơn.

Trung Quốc đang sở hữu từ 50 đến 60 ICBMs, bao gồm DF-5A, DF-5B, DF-4, DF-31, DF-31A và DF-41. Nếu so sánh, Mỹ hiện tại đang sở hữu khoảng 450 ICBM phóng từ hầm phóng và Nga sở hữu khoảng 300 ICBM di động và phòng từ hầm phóng, bên cạnh các tên lựa đạn đạo có thể phóng được từ tàu ngầm và từ các máy bay ném bom chiến lược.

Cần phải lưu ý rằng lực lượng ICBM của Trung Quốc đang gặp phải hai hạn chế lớn. Thứ nhất là lực lượng này đang thiếu các bệ phóng di động, và thứ hai là thiếu vắng các tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Các hệ thống phóng đi động cho phép gia tăng khả năng sống sót của tên lửa và nâng cao tính hiệu quả của năng lực phản công hạt nhân (second-strike capability). Bắc Kinh đang khắc phụ nhược điểm thứ hai bằng cách phát triển tên lửa đạn đạo JL-2 đặt trên tàu chiến, tuy nhiên chưa có báo cáo nào cho thấy hải quân Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra răn đe hạt nhân.

Cuộc tranh luận về khái niệm “chống can thiệp” (counter-intervention) tiếp tục nổi lên trong các học giả Mỹ. Hai học giả là Timothy Heath tại RAND Corporation và Andrew S. Erickson tại Đại học Chiến tranh Hải quân cho rằng thuật ngữ này vẫn nên được sử dụng, tuy nhiên nên được định nghĩa lại làm hai cách riêng biệt. Thứ nhất, cần phải chia ra làm hai tầng nghĩa riêng biệt. “Tái cấu trúc khu vực” (regional restructuring) là phù hợp hơn về mặt tổng thể chiến lược, mô tả tham vọng của Trung Quốc trong việc tái định hình lại trật tự khu vực với vai trò suy giảm từ phía các đồng minh của Mỹ. Còn khái niệm “chống can thiệp” là một khái niệm thuần quân sự mô tả khả năng của Trung Quốc nhằm làm suy giảm khả năng can thiệp của Mỹ một khi có xung đột xảy ra. Thứ hai, cần phải lưu ý rằng cả hai khái niệm “tái cấu trúc khu vực” và “chống can thiệp” đều là những khái niệm của phương Tây nhằm mô tả hành vi của Trung Quốc. Nhưng cả hai khái niệm này đều được rút ra từ các bài viết, chính sách và quan điểm của Trung Quốc.

Như Taylor Fravel và Christopher Twomey đã đề cập, “chống can thiệp” trong các bài viết của Trung Quốc không phải nói đến một chiến lược quân sự, càng không phải nói đến một mục tiêu đại chiến lược chung nhằm chống lại vai trò của Mỹ tại khu vực. Chính xác hơn, Trung Quốc đang phát triển các năng lực mới nhằm đối phó với Mỹ trong trường hợp Washington can thiệp vào một cuộc xung đột nào đó ở khu vực mang yếu tố Trung Quốc. Tuy nhiên, khi các bài viết từ Trung Quốc đề cập tới các khái niệm như “đối phó” (dealing with) hay “kháng cự” (resisting) với sự can thiệp (từ Mỹ), họ đang cố gắng miêu tả chúng như là những thành tố của các chiến dịch với mục tiêu hẹp và cụ thể hơn, ví dụ như xung đột với Đài Loan.

Fravel và Twomey đã đưa một số kết luận dành cho những ai nghiên cứu về vấn đề này. Thứ nhất, quan trọng là các nhà quan sát và học giả nên nghiên cứu kỹ các bài viết của chính Trung Quốc để hiểu hơn về các khái niệm hay quan điểm của đối thủ, thay vì tự đưa ra những khái niệm của riêng mình. Thứ hai, các đánh giá về xu hướng chiến lược dựa trên những đánh giá như vậy mang lại cả cơ hội và thách thức. Và thứ ba, để tránh những xung đột không đáng có giữa Mỹ và Trung Quốc, thì các phân tích về chính sách cần phải dựa trên bằng chứng và lập luận thực chứng. Nghiên cứu một cách đúng đắn các tài liệu của Trung Quốc sẽ giúp chúng ta bớt nhầm lẫn và mơ hồ hơn về mặt khái niệm.

Heath và Erickson cũng đưa ra kết luận tương tự. Hai tác giả cho rằng phân biệt giữa “tái định hình cấu trúc khu vực” và “chống can thiệp” sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các học giả Mỹ đưa ra các phản ứng phù hợp hơn. Washington có thể phản ứng bằng cách tham gia vào các nỗ lực cấu trúc khu vực, ví dụ như đầu tư cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy thương mại. Làm như vậy sẽ giúp hoà dịu với Trung Quốc và làm hạ nhiệt bớt một số yếu tố góp phần thúc đẩy các khả năng “chống can thiệp”. Tương tự, không nhận thức được đầy đủ, hay phản ứng một cách thái quá với các hành vi của Trung Quốc cũng sẽ khiến cho Bắc Kinh phản ứng tiêu cực hơn.

Một số tin tức quốc phòng đáng chú ý

Là một trong những lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại, Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang được chú trọng đầu tư. Hiện tại, toàn lực lượng đã có trên 70 tàu xuồng các loại, 3 máy bay tuần thám, hơn 100 xe ô tô và các vũ khí trang bị kỹ thuật khác. Theo Đề án Xây dựng Lực lượng CSB VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, từ nay đến năm 2020, Lực lượng CSB sẽ được đầu tư đóng mới thêm hàng chục tàu thuyền các loại, trong đó có tàu DN-4000, DN-2000, TT-1500, TT-400, tàu dầu 1000 tấn, tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ (tàu SAR)…Về mua sắm trang bị, sắp tới tiếp tục mua thêm máy bay CASA-212, máy bay trực thăng cùng nhiều trang thiết bị chuyên ngành khác của các khối Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Nghiệp vụ, Quan hệ quốc tế…

Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa diệt vệ tinh mới, tên lửa Dong Neng-3. Vụ thử được tiến hành vào ngày 30 tháng 10 tại Tổ hợp tên lửa Korla tại miền tây Trung Quốc. Vẫn chưa rõ là vụ thử lần này có thành công hay không. Kể từ năm 2005, Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 8 vụ thử tên lửa diệt vệ tinh. Hệ thống phóng của DN-3 cũng vẫn còn là một bí ẩn. Trung Quốc gần đây đã phát triển hai hệ thống mang phóng là KZ-1 và KZ-11 có khả năng giúp DN-3 tiếp cận mục tiêu ở quỹ đạo cao hơn.

Máy bay S-3 Viking có thể được Hải quân Mỹ đưa vào phục vụ trở lại sau khi bị yêu cầu phải cho “nghỉ hưu” vào năm 2009. Theo các đánh giá gần đây, không quân hải quân Mỹ đang gặp phải một số “điểm yếu”: tầm hoạt động không được xa của nhóm máy bay chiến đấu trên tàu sân bay; năng lực chống ngầm còn hạn chế và thiếu năng lực tác chiến chiều sâu. Việc chế tạo một máy bay mới để có thể khắc phục những điểm yếu trên sẽ tốn thời gian và tiền bạc. Vì vậy đưa vào hoạt động trở lại các máy bay S-3 Viking đang niêm cất sẽ là lựa chọn khả dĩ.

Hình: Máy bay S-3 Viking.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]