Tác giả: Nguyễn Thành Trung
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình (five principles of peaceful co-existence) là tập hợp năm nguyên tắc quan trọng điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia được thừa nhận một cách rộng rãi như những chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế. Năm nguyên tắc này bao gồm:
- tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau,
- không xâm lược lẫn nhau,
- không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau,
- bình đẳng và cùng có lợi, và
- cùng chung sống hòa bình.
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình, được biết đến ở Ấn Độ dưới cái tên Panchsheel, được pháp điển hóa lần đầu tiên thông qua một hiệp định ký ngày 29 tháng 4 năm 1954 giữa Trung Quốc và Ấn Độ về thương mại và quan hệ giữa khu vực Tây Tạng thuộc Trung Quốc và Ấn Độ. Những năm 1953-1954, Trung Quốc và Ấn Độ trải qua những thương thuyết phức tạp sau khi Trung Quốc đưa quân chiếm đóng vùng Tây Tạng vào năm 1950, một hành động làm xấu thêm các tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ giữa hai nước khổng lồ Châu Á liên quan đến các vùng đất Aksai Chin và Nam Tây Tạng. Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau năm 1949 và lúc này Bắc Kinh muốn có được sự công nhận của Ấn Độ về chủ quyền của mình đối với Tây Tạng. Chính vì vậy, năm nguyên tắc chung sống hòa bình đã được chính thức viết ở phần đề dẫn của Hiệp định nêu trên nhằm làm nền tảng cho mối quan hệ hòa bình giữa hai nước, đặc biệt trong bối cảnh những tranh chấp biên giới giữa hai nước vẫn còn tồn tại.
Panchsheel |
Ở Ấn Độ, Năm nguyên tắc chung sống hòa bình được biết dưới cái tên Panchsheel. Theo tiếng Sanskrit, “Panch” có nghĩa là “năm” và “Sheel” có nghĩa là “nguyên tắc”. Trong thập niên 1950 ở Ấn Độ, câu nói quen thuộc trong quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ là “Chini-Hindi bhai-bhai” có nghĩa là “Trung Quốc Ấn Độ là anh em”. |
Cho đến nay vẫn không rõ Năm nguyên tắc kể trên được đề xướng bởi Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc hay Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ mặc dù có nhiều tài liệu cho rằng Thủ tướng Chu Ân Lai đề xuất đầu tiên. Vào tháng 06 năm 1954, Năm nguyên tắc này cũng được đề cập trong thông cáo chung giữa thủ tướng Chu Ân Lai và Jawaharlal Nehru và sau đó được đưa vào nhiều văn kiện quốc tế khác. Cụ thể, Năm nguyên tắc chung sống hòa bình đã được đưa vào tuyên bố của Hội nghị Á-Phi lịch sử tổ chức vào tháng 5 năm 1955 tại Bandung, Indonesia, đồng thời được thông qua tại Hội nghị Colombo, làm nguyên tắc nền tảng cho Phong trào Không liên kết được chính thức thành lập năm 1961 tại Belgrade (Nam Tư cũ).
Mặc dù có sự tồn tại của Năm nguyên tắc chung sống hòa bình nhưng khác biệt vẫn còn tồn tại giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước vào năm 1962.
Mặc dù vậy, Năm nguyên tắc chung sống hòa bình vẫn được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho quan hệ giữa các quốc gia. Tháng 06 năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp định, Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đọc diễn văn ca ngợi công lao của Chu và Nehru vì sự đóng góp to lớn của Năm nguyên tắc chung sống hòa bình cho quan hệ ngoại giao giữa các nước trên thế giới.
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]